Trong tuần này Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hoa Thịnh Đốn. Đây là nỗ lực mới để chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ là đối tác lâu dài với các quốc gia Đông Nam Á, theo nhận xét của chiến lược gia trưởng về Á Châu của Tòa Bạch Ốc.
“Đây là một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt,” ông Kurt Campbell, Điều phối viên Tòa Bạch Ốc phụ trách các vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết. “Trước đây chúng tôi chưa bao giờ có hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.”
Tổng cộng, 8 trong số 10 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có mặt tại Hoa Thịnh Đốn hôm 12/05 và 13/05, chỉ có các nhà lãnh đạo của Miến Điện (Myanmar) và Philippines không có mặt.
Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra trước chuyến thăm Nam Hàn và Nhật Bản từ ngày 20/05 đến 24/05 của ông Biden, bao gồm các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác của Đối thoại Tứ giác An ninh, hay Quad, một nhóm tập trung vào an ninh cũng bao gồm Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.
Nói chuyện với Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một tổ chức công do Quốc hội thành lập, ông Campbell nói rằng chính phủ ông Biden dự định tận dụng hội nghị thượng đỉnh này để mở rộng sự hợp tác với các nước ASEAN như là một thể chế, và mở rộng mối liên hệ của Hoa Kỳ với ASEAN từ một nhóm tương đối nhỏ gồm “các chuyên gia cam kết sâu sắc” trong Bộ Ngoại Giao đến “toàn bộ chính phủ Hoa Kỳ”. Ông nói rằng sự hợp tác đó sẽ bắt đầu với một số sáng kiến hiện vẫn chưa được công bố.
“Mong muốn của chúng tôi là giới thiệu những nhà lãnh đạo này và đội ngũ của họ một cách tôn trọng sâu sắc đến tổng thống và đội ngũ của Hoa Kỳ,” ông Campbell cho biết.
“Chúng tôi sẽ khai triển một số sáng kiến.”
Ông Campbell cho biết, những sáng kiến mới sẽ “vượt xa” các thỏa thuận quân sự và kinh tế thường được mong đợi ở một sự kiện như vậy, và sẽ tìm cách kích thích “sự hợp tác sâu rộng” giữa tất cả các quốc gia có liên quan mà, theo ông Campbell, đã “suy yếu rõ ràng” trong những năm gần đây.
Để đạt được điều đó, ông Campbell cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng mối liên hệ một cách thực tế với các quốc gia thành viên ASEAN theo các điều kiện của họ, và để hiểu những mong muốn và tham vọng của các quốc gia đó ngoài các ưu tiên chiến lược đơn thuần của Hoa Kỳ chẳng hạn như mối đe dọa do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra.
“Những gì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á muốn là một sự hợp tác đa dạng,” ông Campbell nói. “Các mối quan hệ ổn định, vững vàng với nước láng giềng lớn ở phương bắc [Trung Quốc], nhưng cũng có mối liên hệ thực tế, quan trọng, và lâu dài với Hoa Kỳ.”
“Nhưng họ cũng không bằng lòng với điều đó. Họ muốn có sự hợp tác rộng rãi hơn với các quốc gia khác.”
Ông Campbell nói, thách thức lớn nhất đối với việc củng cố mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN là nhận thức phổ biến rằng cam kết và các ưu tiên của Hoa Kỳ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do bản chất biến động của chính trị Hoa Kỳ và, cùng với đó là, chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Campbell cho hay: “Thách thức lâu dài không phải là nơi chúng ta có thể cạnh tranh, mà là liệu chúng ta có thể tập hợp, xây dựng và thực hiện một chiến lược bền vững ở Đông Nam Á hay không.”
“Lời chỉ trích mà nhiều người dành cho Hoa Kỳ ở Đông Nam Á là cam kết hợp tác của chúng tôi đôi khi mang tính chất giai đoạn và rằng trong nhiều hạng mục quan trọng, sự tham gia của chúng tôi đã suy yếu.”
“Chúng tôi phải gửi một tín hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ là một đối tác ổn định và các lợi ích chiến lược của chúng tôi thúc đẩy chúng tôi và hướng chúng tôi vào việc đóng một vai trò lớn hơn theo thời gian.”
Do đó, ông Campbell nói rằng Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để giúp chuyển đổi ASEAN từ một tổ chức mà phần lớn được coi là mang tính biểu tượng thành một thể chế quốc tế hiệu quả và lâu dài hơn. Ông nhấn mạnh, chính sách Đông Nam Á là một trong số ít lĩnh vực đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn, và ASEAN nên mong đợi nhận được sự hợp tác toàn diện của Hoa Kỳ.
Ông Campbell nói: “Chúng tôi đang tìm cách làm việc với khối ASEAN với tư cách là một thể chế hơn bất kỳ điều gì khác.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Nhã biên dịch