WEISSENHAUS, Đức – Hôm thứ Năm (12/05), các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm Bảy quốc gia giàu có (G-7) đã gặp nhau ở miền Bắc nước Đức cho một cuộc họp ba ngày tập trung vào cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine và tác động rộng lớn hơn mà cuộc chiến này đang gây ra trên toàn thế giới, đặc biệt là về lương thực và giá năng lượng.
Cuộc họp thường niên này, sẽ kéo dài đến thứ Bảy, tập hợp các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Canada, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, tại khu nghỉ mát ven biển Weissenhaus ở Biển Baltic.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người chủ trì cuộc họp, cho biết cuộc xung đột này đã trở thành một “cuộc khủng hoảng toàn cầu” vì các lô hàng cây trồng chủ lực bị mắc kẹt ở Ukraine, vốn một nước xuất cảng nông sản lớn.
“25 triệu tấn ngũ cốc hiện đang bị chặn tại các cảng của Ukraine, đặc biệt là ở Odessa,” bà Baerbock cho biết. “Ngũ cốc là thực phẩm cho hàng triệu người trên khắp thế giới, và nhu cầu ở các nước Phi Châu và Trung Đông là đặc biệt khẩn cấp.”
“Đó là lý do tại sao chúng tôi đang thảo luận về việc làm thế nào để sự phong tỏa ngũ cốc do Nga có thể được khai thông, làm thế nào chúng ta có thể đưa ngũ cốc ra thế giới,” bà nói thêm.
Khoảng 3,500 cảnh sát đã được khai triển tại địa điểm diễn ra sự kiện này để bảo đảm an ninh.
Các Ngoại trưởng của Ukraine và nước láng giềng Moldova, vốn lo ngại nước này có thể trở thành mục tiêu gây hấn tiếp theo của Nga, đã được mời tham dự cuộc họp với tư cách khách mời. Ngoại trưởng Indonesia, quốc gia chủ trì Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) trong năm nay, dự kiến sẽ tham gia từ xa trong một phần của cuộc họp vào hôm thứ Sáu, khi mối quan hệ với Trung Quốc được đưa vào trong nghị trình này.
Trình bày vào sáng hôm thứ Năm tại Berlin, Ngoại trưởng Ukraine ông Dmytro Kuleba hoan nghênh các quyết định gần đây của chính phủ Đức nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho đất nước của ông.
“Chúng tôi thấy một động lực tích cực, khả quan,” ông Kuleba nói với các phóng viên sau cuộc họp với các nhà lập pháp Đức. “Chúng ta phải bảo đảm rằng động lực tích cực này được duy trì.”
Ông Kuleba cho biết ông coi việc Đảng Dân Chủ Xã hội trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz đã từ bỏ phản đối việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là một “tín hiệu của sức mạnh”.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Liên minh Âu Châu sẽ sớm chấp thuận đơn của Ukraine để bắt đầu quá trình gia nhập khối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho rằng có thể mất nhiều thập niên trước khi Ukraine sẵn sàng trở thành một thành viên đầy đủ của EU.
Bà Baerbock, người gần đây đã trở thành quan chức cao cấp đầu tiên của Đức đến thăm Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã đề nghị hỗ trợ cho đơn đăng ký EU của Ukraine. Nhưng khi được hỏi về yêu cầu của Ukraine đối với các chiến đấu cơ, bà Baerbock tỏ ra ít hồ hởi hơn, với lý do NATO có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Nga.
“Khi nói đến không phận cấm bay và hỗ trợ hàng không, chúng tôi đã có một quan điểm rõ ràng,” bà nói với các phóng viên.
Ngoại trưởng Anh đã kêu gọi để Ukraine nhận được sự hỗ trợ quân sự tinh vi hơn, nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với “một thất bại ở Ukraine sẽ làm ông mất đi bất kỳ lợi thế nào và cuối cùng là hạn chế bất kỳ hành động xâm lược nào tiếp theo.”
“Để giúp Ukraine, chúng ta cần phải tiến xa hơn và nhanh hơn,” Ngoại trưởng Liz Truss nói tại cuộc họp, theo các nhận xét được công bố từ văn phòng của bà.
“An ninh lâu dài tốt nhất cho Ukraine sẽ đến từ việc họ có thể tự vệ,” bà Truss nói. “Điều đó có nghĩa là cung cấp cho Ukraine một lộ trình rõ ràng để đạt được các thiết bị theo tiêu chuẩn của NATO.”
Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland là đại diện cho Hoa Kỳ; Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 nhưng dự kiến sẽ đến Berlin để tham dự một cuộc họp cuối tuần của các ngoại trưởng khối NATO.
Cuộc họp của NATO cũng sẽ nhận được phản hồi từ các ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan khi hai nước chuẩn bị gia nhập liên minh quân sự phương Tây trong bối cảnh lo ngại về mối đe dọa quân sự từ Nga.
Nguyễn Lê biên dịch