Sau lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ từ hôm 13/5 để kiềm chế sự bất ổn trong nước, giá lúa mì ở châu Âu đã tăng kỷ lục trong ngày giao dịch 16/5.
Theo đó, giá lúa mì đã tăng lên mức 435 euro/tấn (khoảng 453 USD) trong phiên giao dịch sáng 16/5 trên sàn chứng khoán Euronext của châu Âu, tăng so với kỷ lục 422 euro/tấn từ hôm 13/5, AFP đưa tin.
Nguyên nhân giá lúa mì toàn cầu tăng cao là do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, vốn là nhà xuất khẩu lúa mì chính của thế giới và chiếm 12% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Việc giá lúa mì tăng cao đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nạn đói và bất ổn xã hội ở các nước nghèo hơn.
Giá lương thực trên thế giới hiện đã tăng thêm 1/3. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng khoảng 44 triệu người sẽ bị đói. Vào tháng 3/2022, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết chương trình hỗ trợ lương thực toàn cầu mua khoảng 50% ngũ cốc từ Ukraine.
Ngày 14/5, Ấn Độ – nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi trải qua tháng 3 nóng kỷ lục. Các thương nhân cần sự cho phép của chính phủ Ấn Độ để ký kết các giao dịch mới.
New Delhi cho biết lệnh cấm này là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân của nước này trước tình hình sản lượng lúa mì giảm và giá toàn cầu tăng cao.
“Lệnh cấm gây sốc”, một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai nói với Reuters: “Chúng tôi đã dự kiến hạn chế xuất khẩu sau hai đến ba tháng, nhưng có vẻ như con số lạm phát đã thay đổi suy nghĩ của Chính phủ.”
Do giá toàn cầu tăng mạnh, một số nông dân Ấn Độ đã bán cho thương lái mà không bán cho chính phủ. Điều này khiến New Delhi lo lắng về kho dự trữ gần 20 triệu tấn đã cạn kiệt do đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) và lo ngại nạn đói có thể xảy ra.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ G7 khi nhóm này cho rằng các biện pháp tương tự sẽ “làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng” giá hàng hóa đang tăng hiện nay.
Tú Minh