Vì sao Nga và Ukraine dốc sức tranh đoạt Đảo Rắn?

Đảo Rắn nằm cách bờ biển tỉnh Odessa ở miền nam Ukraine khoảng 48 km, Nga chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền với hòn đảo cách Crimea hơn 180 dặm này. Dù từ góc lịch sử hay địa lý thì Nga đều không có nguyên cớ nào để tuyên bố hòn đảo này là của họ.

Đảo Rắn. (Nguồn: Wikipedia CC BY-SA 4.0 / Фотонак).

Nhưng thực tế là do tầm quan trọng chiến lược đã khiến Đảo Rắn trở thành tâm điểm xung đột trong cuộc chiến xâm lược của Nga. Từ thời gian đầu tiên của cuộc chiến vào cuối tháng Hai, quân Nga đã đánh chiếm Đảo Rắn, sau đó cảnh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến càng khiến Đảo Rắn trở nên nổi bật khi một người lính Ukraine đã trực tiếp quát quân đội Nga qua điện đàm: “Tàu chiến Nga, hãy biến đi”.

Ý nghĩa chiến lược của Đảo Rắn là: Nếu quân đội Nga chiếm Đảo Rắn thì Ukraine sẽ không thể đảm bảo quyền tự do hàng hải ở cảng Odessa và đưa hàng hóa ra vào, trong khi phần lớn nông sản Ukraine xuất nhập khẩu từ Odessa. Người đứng đầu Cục Tình báo Tổng hợp của Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) là Kyrylo Budanov cho biết: “Bất cứ bên nào kiểm soát được hòn đảo, nghĩa là bất cứ lúc nào cũng có thể ngăn chặn tàu bè di chuyển về phía nam Ukraine”.

Vì lý do này mà mặc dù Đảo Rắn hiện đã thất thủ, nhưng Ukraine vẫn đẩy mạnh phản công cố gắng đánh đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi Đảo Rắn. Trong 10 ngày qua, quân đội Ukraine đã tấn công quân xâm lược Nga trên đảo bằng máy bay không người lái và các loại vũ khí khác. Còn lý do khác khiến quân đội Nga tốn nhiều sức để kiểm soát Đảo Rắn, cũng rất rõ ràng là vì nơi đây có thể trở thành như một con tàu sân bay tĩnh, dù không thể di chuyển nhưng việc đưa các thiết bị tác chiến điện tử và khả năng chống hạm lên đó có thể mang lại giá trị chiến lược đáng kể.

Ngày 12/5, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố quân đội Nga đã cố gắng cải thiện tình hình trên đảo nhằm ngăn chặn khả năng tác chiến của Ukraine ở phía tây bắc Biển Đen, đặc biệt là hướng Odessa.

Ngày 13/5, Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) là Kyrylo Budanov cho biết, quân đội Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để thu hồi Đảo Rắn trên Biển Đen, vì hòn đảo này có vị trí chiến lược.

Lần gần đây nhất có tranh chấp về Đảo Rắn là tranh chấp giữa Ukraine và Romania về vùng biển kinh tế, cuối cùng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai nước và hiện trạng của Đảo Rắn đã được giải quyết tại tòa án; nhưng lần này số phận của Đảo Rắn dường như chỉ có thể được quyết định bằng chiến tranh.

Quân đội Ukraine ném bom Đảo Rắn trúng tàu tiếp tế của quân Nga

Phát ngôn viên Serhiy Bratchuk của Cục quản lý quân sự khu vực Odessa của Ukraine cho biết, vào ngày 12/5 quân đội Ukraine đã bắn trúng tàu tiếp tế hậu cần Vsevolod Bobrov của Nga ở gần Đảo Rắn tại Biển Đen khiến con tàu bốc cháy và được kéo đến thành phố cảng Crimea. Các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy một tên lửa đã đánh trúng khu vực lân cận Đảo Rắn, và có cảnh một tàu đổ bộ lớp Serna (Serna-class) của Nga lập tức quay ngoắt lại, nghi là để tránh cuộc tấn công tên lửa.

Phát ngôn viên Serhiy Bratchuk nói rằng vào thời điểm đó, tàu Bobrov nằm gần Đảo Rắn trên biên giới biển của Ukraine và Romania, nó bị trúng đạn của quân đội Ukraine và bốc cháy, sau đó được một tàu kéo kéo đến Sevastopol ở thành phố cảng Crimea.

Theo CNN, các hình ảnh vệ tinh do công ty vệ tinh Maxar Technologies của Mỹ công bố cho thấy một tên lửa đã đánh trúng vùng lân cận của Đảo Rắn, khi đó một tàu đổ bộ lớp Antelope của quân đội Nga lập tức quay ngoắt lại và dường như để tránh tên lửa.

CNN cũng cho hay rằng có thể nhìn thấy gần Đảo Rắn một sà lan chở một cần cẩu hạng nặng và một tàu đổ bộ lớp Galpin đang tiến đến một con tàu đắm nước khác, không rõ lý do tại sao con tàu đó bị như vậy.

Phóng viên Lầu Năm Góc Jack Detsch của Foreign Policy cho biết thêm trong một bài đăng trên Twitter rằng, theo hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy máy bay không người lái của Ukraine đã phá hủy hệ thống phòng không cùng xe tên lửa phòng thủ đất đối không của Nga trên Đảo Rắn ở Biển Đen, cũng phá hủy một số tòa nhà trên hòn đảo.

Vương Quân, Vision Times

Related posts