Nga được cho là đã chuyển các hỏa tiễn có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân đến gần biên giới với Phần Lan trong bối cảnh gia tăng đe dọa đối với quốc gia Bắc Âu về nỗ lực gia nhập NATO của nước này.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn này được cho là đã được Nga sử dụng rộng rãi, và chúng có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân.
Những chiếc xe này đã được điều đến Vyborg, một thành phố của Nga nằm giáp biên giới Phần Lan “ngay sau khi tổng thống Phần Lan nói rằng họ sẽ gia nhập NATO,” người tường thuật giấu tên của đoạn clip cho biết.
“Có vẻ như một đơn vị quân đội mới sắp được thành lập ở Vyborg hoặc trong khu vực,” người này nói.
Một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ làm việc về vũ khí hạt nhân nói với Newsweek rằng cộng đồng tình báo coi Iskander là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Đoạn video xuất hiện vài ngày sau khi một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo NATO rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh nếu Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ chấm dứt “tình trạng không hạt nhân đối với vùng Baltic.”
Trước đó, hôm thứ Hai (16/5), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow, ông Putin đã nói: “Về việc mở rộng NATO, gồm việc kết nạp thành viên mới – Phần Lan, Thụy Điển – Nga không có vấn đề gì với 2 nước này. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, việc NATO mở rộng sang 2 quốc gia này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Nga.”
Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo rằng việc NATO mở rộng “cơ sở hạ tầng quân sự tới vùng lãnh thổ này, chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi”.
Đến nay, việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự lâu năm và tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ NATO là hậu quả chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Cách đây vài tháng, việc gia nhập NATO là viễn cảnh xa vời với 2 quốc gia này, nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine, người dân 2 nước đều rất ủng hộ việc gia nhập liên minh quân sự này.
Nếu tham gia NATO, cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể. Đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, Phần Lan sẽ là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO.
Tư cách thành viên của 2 nước này cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của NATO với Nga tăng lên gấp đôi. Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO. NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng tấn công vào một thành viên có thể được coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Khả năng bảo vệ của tổ chức này là rất rõ ràng.
Ngân Hà