Kinh tế Trung Quốc bước vào vùng nguy hiểm

Fan Yu

Lối vào bị phong tỏa của một khu dân cư được chụp trong phong tỏa ở Thượng Hải hôm 05/05/2022. (Ảnh: Aly Song/Reuters)

Tình hình kinh tế Trung Quốc ngày càng bấp bênh.

Năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu thiết lập lại các quy định làm bóp nghẹt triển vọng kinh tế của quốc gia. Hiện nay, trong bối cảnh các vụ phong tỏa liên quan đến COVID leo thang, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp chán nản, và bất ổn địa chính trị, thì nguy cơ suy thoái kinh tế đã rõ ràng.

Các doanh nghiệp toàn cầu cần đánh giá chiến lược với Trung Quốc của họ và chống chọi với những khó khăn kinh tế phía trước, đặc biệt là các công ty phụ thuộc vào thị trường số 2 thế giới này như các công ty công nghiệp và vật liệu và các nhà bán lẻ xa xỉ.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm 2022, khi chính phủ địa phương ban hành các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng đến hàng chục thành phố bao gồm các trung tâm kinh tế hàng đầu là Thượng Hải và Thâm Quyến, cản trở hoạt hoạt động của các nhà máy và sản xuất kinh tế. Trong khi một số nhà kinh tế hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp này, thì ĐCSTQ đã hành động ngược lại.

Các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đã cam kết thực hiện chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc với các điều khoản mạnh mẽ nhất tại một cuộc họp của Bộ Chính trị hồi đầu tháng Năm. Ủy ban Thường vụ do ông chủ Tập Cận Bình làm chủ tịch cho biết quốc gia sẽ “dốc hết mọi phương tiện và nỗ lực” để chấm dứt COVID-19. Và có lẽ đáng báo động nhất đối với các nhà kinh tế, là ĐCSTQ đã bỏ qua bất kỳ lời hứa nào sẽ hỗ trợ hoặc giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.

Dự báo tăng trưởng GDP 5.5% chính thức của Trung Quốc vào năm 2022? Tất cả đã thay đổi rồi.

Các chỉ số hàng đầu đang bắt đầu cho thấy mức độ thiệt hại sắp tới. Hồi tháng Tư, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Hai năm 2020, những ngày đầu của đại dịch.

Chỉ số hoạt động Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp độc lập của Trung Quốc của Caixin đã giảm xuống mức 36 trong tháng Tư từ mức 42 trong tháng Ba, mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp. Con số trên 50 có nghĩa là khu vực dịch vụ đang mở rộng, vì vậy số liệu là 36 có nghĩa là khu vực dịch vụ của đất nước đang bị thu hẹp sâu.

Một chỉ số kinh tế khác về lĩnh vực sản xuất, PMI sản xuất của Trung Quốc của Caixin, cũng giảm xuống 46 trong tháng Tư từ 48 trong tháng Ba. Số liệu này đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Hai năm 2020 và cho thấy rằng các đơn đặt hàng của nhà máy đang chậm lại, với việc phong tỏa liên quan đến COVID đang diễn ra là thủ phạm chính.

Triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến ĐCSTQ tuyên bố công khai rằng sẽ có chính sách hỗ trợ.

Một là cắt giảm thuế, bao gồm cả các khoản tín dụng thuế giá trị gia tăng (VAT), mà Quốc vụ Viện gần đây đã hứa với các công ty. Một sự nới lỏng chính sách tiềm năng khác là giúp lĩnh vực công nghệ. Sau nhiều tháng hùng biện xung quanh việc điều chỉnh “nền kinh tế nền tảng công nghệ” của Trung Quốc, thông điệp gần đây từ truyền thông do nhà nước kiểm soát đã dịu giọng phần nào, bao gồm cả việc công bố các nỗ lực chính thức nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng hỗ trợ hậu cần để khuyến khích lĩnh vực này “phát triển lành mạnh”. Có lẽ Bắc Kinh đã nhận ra rằng “nền tảng công nghệ” có thể giúp giải tỏa trong chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng ở thời kỳ phong tỏa hà khắc của quốc gia này.

Một bài báo gần đây trên tờ Economic Daily, một tờ báo do ĐCSTQ kiểm soát, đã xác nhận sự dịch chuyển chính sách khỏi các biện pháp quản lý cứng rắn chống lại các công ty công nghệ. Bài báo tuyên bố rằng các biện pháp quản lý quá mức bắt đầu từ hồi năm 2020 sẽ kết thúc, sau đó là sự giám sát bằng “các quy tắc và thị trường” đối với lĩnh vực này.

Còn nữa. Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây cũng tuyên bố hỗ trợ toàn bộ lĩnh vực xuất cảng quan trọng, bao gồm việc chính phủ trung ương giúp đỡ để có được các đơn đặt hàng hàng hóa ở nước ngoài, giữ đồng nhân dân tệ ổn định, và mở rộng kho hàng do chính phủ hỗ trợ và tài trợ cho hàng tồn kho.

Tuy nhiên, lĩnh vực địa ốc sẽ khó có thể phục hồi trong tương lai gần. Mặc dù đã dỡ bỏ các hạn chế mua nhà ở nhiều thành phố của Trung Quốc, doanh số bán nhà trong tháng Tư năm 2022 vẫn chưa bằng một nửa so với cùng tháng năm ngoái.

Trang web kinh doanh Yicai Global báo cáo rằng doanh số bán hàng tại 100 nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc đã giảm 59% trong tháng Tư so với cùng tháng này năm 2021 và giảm 16% so với tháng trước. Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế đang chậm lại và các hạn chế vì COVID đang diễn ra đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay và chi tiêu của người tiêu dùng.

Các công ty toàn cầu có hoạt động rộng khắp ở Trung Quốc có thể đã cảm nhận được tình trạng khủng hoảng. Nhưng một lĩnh vực— hàng xa xỉ —có thể tiếp tục thu hẹp ở Trung Quốc bất chấp các biện pháp gần đây nhằm kích thích nền kinh tế.

Đó là do cuộc đàn áp đang diễn ra với các tỷ phú và sai phạm của các đảng viên Trung Cộng khó có thể suy yếu. Các chuyên gia tin rằng cuộc đàn áp này có thể khiến nhu cầu hàng xa xỉ giảm sút hơn nữa, tương tự như sự giảm sút trong lĩnh vực này đã diễn ra trong làn sóng cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012.

Anh Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.

Vân Du biên dịch

Related posts