Hoa Kỳ viện trợ khẩn cấp 215 triệu USD để giảm bớt tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu

Naveen Athrappully

Ngoại trưởng Antony Blinken trình bày trong một cuộc họp báo tại Berlin, hôm 15/05/2022 sau cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng NATO về cuộc xung đột tại Ukraine. (Ảnh: John MacDougall/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Tư (18/05), Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tài trợ 215 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp để giảm bớt tình trạng thiếu lương thực trên toàn thế giới, vốn đang ngày càng nghiêm trọng hơn do chiến sự tại Ukraine và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo theo sau đó.

“Hôm nay, do tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng, chúng tôi sẽ công bố thêm 215 triệu USD hỗ trợ lương thực khẩn cấp mới. Và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn thế. Chúng tôi hy vọng Quốc hội của chúng tôi sẽ sớm thông qua khoản tài trợ thêm khoảng 5.5 tỷ USD cho hỗ trợ nhân đạo và an ninh lương thực,” ông Blinken cho biết tại Cơ quan An ninh Lương thực tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Khoản tài trợ 5.5 tỷ USD này là một phần của dự luật viện trợ Ukraine trị giá 40 tỷ USD trích từ tiền nộp thuế của người dân được thông qua tại Hạ viện hôm 10/05 và tại Thượng viện hôm thứ Hai (16/05), và hiện đang được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Biden.

Ngoại trưởng Blinken nói thêm rằng các chính phủ và tổ chức trên khắp thế giới cần nỗ lực hợp tác cùng nhau để thuyết phục Nga đồng ý để đưa lương thực và nhu yếu phẩm ra khỏi Ukraine an toàn. 

Ông Blinken cho biết: “Hiện ước tính có khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các hầm chứa ở Ukraine, số lương thực này có thể ngay lập tức giúp đỡ những người cần giúp đỡ nếu có thể được đưa ra khỏi quốc gia này.”

Ukraine là một trong những nhà sản xuất nông sản hàng đầu thế giới như lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương, và dầu hướng dương.

Các cảng bị phong tỏa đã góp phần vào sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và khiến tình trạng giá cả lương thực tăng nhanh với tốc độ kỷ lục từ hồi tháng Ba thêm phần bế tắc. Dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), trong tháng Ba, giá lương thực tăng 13% lên 159.3 điểm.

Cuộc xâm lược của Nga “chỉ khiến tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn đáng kể, với khoảng 40 triệu người được dự đoán sẽ bị đẩy vào cảnh đói nghèo và mất an ninh lương thực cho đến cuối năm,” Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 18/05.

215 triệu USD dự kiến ​​sẽ “mở rộng các hoạt động an ninh lương thực khẩn cấp ở một số quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột, hạn hán, và các thảm họa thiên nhiên khác, bao gồm Burkina Faso, Cameroon, Kenya, Nigeria, Zimbabwe, và Yemen.”

Một phụ nữ Ethiopia sàng ngũ cốc được phân phối trong chuyến thăm của Giám đốc khu vực Michael Dunford của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đến một trại dành cho những người buộc phải di cư trong nước ở Adadle, thuộc Vùng Somali của Ethiopia, hôm 22/01/2022. (Ảnh: Claire Nevill/WFP qua AP)

Theo USAID, Hoa Kỳ đã cung cấp gần 2.6 tỷ USD hỗ trợ lương thực khẩn cấp kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.

Bên cạnh lương thực, ông Blinken cũng nói về vấn đề thiếu phân bón trên toàn cầu. Ông nói rằng Phi Châu đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí phân bón lên tới bốn lần, một xu hướng bắt đầu kể từ khi đại dịch bùng nổ và trở nên tồi tệ hơn bởi chiến sự tại Ukraine.

“Một cách để giải quyết vấn đề này là tạo động lực cho các quốc gia sản xuất nhiều phân bón hơn như Hoa Kỳ đang làm bằng cách cam kết 500 triệu USD để thúc đẩy sản xuất của Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng có thể giúp nông dân tối đa hóa hiệu quả sử dụng phân bón học hỏi từ những tiến bộ của các nước như Ethiopia,” ông nói.

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts