TT Biden muốn tổng giám đốc WHO có quyền đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng

Biểu tượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở chính của WHO tại Geneva, hôm 11/06/2009. (Ảnh: Anja Niedringhaus/AP Photo)

Chính phủ Tổng thống (TT) Joe Biden đang thúc đẩy các sửa đổi trong quy định quản lý của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus có quyền đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở bất kỳ quốc gia nào dựa trên bất kỳ bằng chứng nào mà ông chọn.

Các sửa đổi được đề nghị của Hoa Kỳ đã được chuyển đến WHO hồi tháng Một để Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 75 của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ cân nhắc vào tuần tới (23-29/05).

Trong một bức thư gửi đến một cuộc họp trực tuyến của ban điều hành WHO hôm 26/01, bà Loyce Pace, Trợ lý Bộ trưởng đặc trách Các vấn đề Toàn cầu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã mô tả “tầm quan trọng của công bằng và tiếp cận công bằng với các biện pháp ứng phó y tế và những tác động tiêu cực của thông tin sai lệch và thông tin giả liên quan đến đại dịch. Chúng tôi đồng ý rằng tất cả chúng ta phải làm tốt hơn.”

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus điều chỉnh kính của mình trong một cuộc họp trước trụ sở WHO ở Geneva hôm 29/05/2021. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

“Hoa Kỳ đã dẫn đầu một quá trình toàn diện và minh bạch để xây dựng quyết định này, vì chúng tôi lưu ý rằng việc cập nhật và hiện đại hóa IHR [Điều lệ Y tế Quốc tế] là rất quan trọng để bảo đảm thế giới được chuẩn bị tốt hơn và có thể ứng phó với đại dịch tiếp theo.”

Trong số các sửa đổi được đề nghị của Hoa Kỳ, có một bản sửa đổi nhằm loại bỏ một yêu cầu hiện có trong Mục 9 rằng WHO “tham khảo ý kiến ​​và tìm cách lấy xác minh” từ các quan chức ở quốc gia nghi ngờ có khủng hoảng y tế trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào. Chính bản sửa đổi này cũng quy định rằng “WHO có thể tính đến các báo cáo từ các nguồn khác ngoài thông báo hoặc tham vấn” từ quốc gia bị nghi ngờ có vấn đề.

Một thay đổi được đề nghị đối với Mục 5 sẽ chỉ thị WHO thiết lập “tiêu chí cảnh báo sớm để đánh giá và cập nhật từng bước nguy cơ ở cấp quốc gia, khu vực, hoặc toàn cầu do một sự kiện không rõ nguyên nhân hoặc nguồn gốc gây ra.”

Một sửa đổi được đề nghị cho Mục 10 yêu cầu WHO, trong trường hợp quốc gia bị nghi ngờ có vấn đề không hợp tác trong vòng 48 giờ, “ngay lập tức chia sẻ với [các quốc gia] khác thông tin có sẵn của mình khi hành động đó là thỏa đáng do mức độ rủi ro y tế công cộng.”

Không có sửa đổi hoặc tài liệu kèm theo nào giải thích cách thức hoặc lý do tại sao các quan chức y tế công cộng của Hoa Kỳ tin rằng vấn đề công bằng trong chăm sóc sức khỏe sẽ được giải quyết bằng cách trao cho ông Tedros quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên cơ sở thông tin được cung cấp bởi một nguồn khác, chứ không phải từ quốc gia bị ảnh hưởng.

Tổng thống Joe Biden nói trong Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc hôm 08/03/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Một cuộc tìm kiếm trên trang web của Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc chỉ tìm thấy duy nhất một tài liệu mơ hồ nhắc đến các sửa đổi đối với WHO. Lần nhắc đến đó xảy ra trong một Tờ Thông Tin do Tòa Bạch Ốc công bố hôm 02/02, cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục tăng cường an ninh y tế và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch ở ngoại quốc, bao gồm bằng cách củng cố WHO, làm việc với các đối tác để hướng tới các sửa đổi IHR có mục tiêu.”

Đề nghị sửa đổi Mục 5 trong điều lệ của WHO dường như cũng được nhắc đến cùng lúc trong một tờ thông tin về ngân sách liên bang năm 2023 do chính phủ TT Biden đề nghị, được công bố hồi tháng Tư.

Tài liệu tham khảo đó cam kết rằng chính phủ TT Biden sẽ hỗ trợ “các đổi mới trong phát hiện mối đe dọa toàn cầu thông qua một mạng lưới các hệ thống giám sát y tế công cộng được kết nối toàn cầu nhằm tối ưu hóa công tác phòng dịch và nâng cao sức khỏe trong lúc chúng ta tăng cường các sáng kiến ​​giám sát nhằm cung cấp dữ liệu cần thiết để có thể hành động trước, trong, và sau một đại dịch.”

“Ngân sách bao gồm 2.47 tỷ USD tài trợ bắt buộc cho CDC, trong đó có các cải tiến đối với các chương trình giám sát trọng điểm trong nước, mở rộng giám sát nước thải trong nước và toàn cầu, và đầu tư vào các phương pháp giám sát gene toàn cầu, cũng như các nền tảng giám sát bệnh hô hấp toàn cầu,” tờ thông tin nêu rõ.

Các nền tảng giám sát hô hấp bao gồm máy ghi hình và máy ghi âm để cảnh báo các nhà chức trách khi thấy các thành viên của công chúng đang ho hoặc đang cư xử theo cách có khả năng cho thấy sự hiện diện của một bệnh truyền nhiễm hoặc giúp lây lan một căn bệnh đã lưu hành trong quần thể. Các thiết bị kiểu này được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Các sửa đổi đối với WHO của ông Biden là bước mới nhất trong nỗ lực của tổng thống đương nhiệm nhằm giúp Hoa Kỳ tái hòa nhập với WHO sau khi người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ cho tổ chức y tế quốc tế này và sau đó ra thông báo Hoa Kỳ sẽ rút lui.

Một người đàn ông sử dụng mặt nạ dưỡng khí tại bệnh viện trong một trận bão cát ở Baghdad, Iraq, hôm 05/05/2022. (Ảnh: Reuters/Alaa Al-Marjani)

Một trong những hành động đầu tiên của ông Biden với tư cách là tổng thống là rút lại thông báo rút lui của ông Trump và khôi phục nguồn tài trợ của Hoa Kỳ, vốn chiếm một nửa ngân sách của WHO. Sự không hài lòng của ông Trump với WHO bắt nguồn từ những gì ông coi là sự thuận theo quá mức của tổ chức y tế quốc tế này đối với Trung Quốc trong vấn đề nguồn gốc của virus Trung Cộng, vốn gây ra COVID-19.

Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc đã không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của The Epoch Times về các sửa đổi và lý do căn bản của chính phủ đối với các đề nghị này. Một phát ngôn viên của HHS cũng không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Tuy nhiên, những người chỉ trích các sửa đổi như Tiến sĩ Peter Breggin đã không ngần ngại bình luận về các sửa đổi được đề nghị.

“Các sửa đổi sẽ cho phép WHO thực hiện các bước quan trọng để hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức khác trên toàn thế giới để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe bị cáo buộc của bất kỳ quốc gia nào, ngay cả khi đi ngược lại mong muốn đã được tuyên bố của quốc gia đó,” ông Breggin cho biết hôm 04/05 trong một bài đăng đồng tác giả với vợ ông, bà Ginger Ross Breggin.

“Quyền tuyên bố các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe là một công cụ tiềm năng để làm nhục, đe dọa, và thống trị các quốc gia. Nó có thể được sử dụng để biện minh cho sự tẩy chay và các hành động kinh tế hoặc tài chính chống lại quốc gia bị nhắm mục tiêu bởi các quốc gia khác liên kết với WHO hoặc những ai muốn gây phương hại và kiểm soát quốc gia bị buộc tội,” ông Breggin viết.

Ông Peter Breggin là một bác sĩ tâm thần được đào tạo tại Harvard, từng là nhân viên của Sở Y tế Công cộng Hoa Kỳ (USPHS) và chuyên gia tư vấn của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH). Bà Ginger Ross Breggin là một nhà báo, tác giả, và người ủng hộ cải cách y tế.

Giám đốc đương thời của NIH Francis Collins tại Viện Y tế Quốc gia, ở Bethesda, Maryland, hôm 26/01/2021. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Ông Travis Weber, phó chủ tịch đặc trách chính sách và các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Nghiên cứu Gia đình có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng “người dân Hoa Kỳ cần bày tỏ lo ngại với Tòa Bạch Ốc, đặc biệt là khi tổng thống của chúng ta đại diện cho chúng ta trên trường thế giới — chúng tôi cần một lời giải thích về những gì quý vị đang làm ở đây và tại sao.”

Ông Weber cho biết các quan chức trong chính phủ TT Biden “chưa thực sự nói về điều này, vì vậy chúng ta cần các phóng viên hỏi họ trong một cuộc họp báo rằng họ đang đề nghị điều gì và thực sự yêu cầu họ giải thích. Mọi người có thể bày tỏ sự lo ngại của họ về điều đó với Tòa Bạch Ốc và bày tỏ sự lo ngại với các thành viên Quốc hội của họ, và chúng ta cần các Thành viên Quốc hội thách thức chính phủ giải thích về bản thân họ. Phần một của điều này là: ‘Chuyện gì đang xảy ra, quý vị đang đề nghị điều gì và tại sao.’”

Tương tự, ông Mat Staver, người sáng lập và chủ tịch công ty luật vì lợi ích công cộng Liberty Counsel có trụ sở tại Florida, nói với The Epoch Times rằng nếu Hoa Kỳ quyết định không hợp tác với WHO trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, và “giả dụ quý vị có ông Trump, người muốn rút khỏi WHO, trở lại văn phòng, hoặc quý vị có người nào khác không muốn làm việc với WHO, thì tổ chức này có thể đưa việc này ra trước Tòa án Quốc tế tại La Haye để phạt tiền hoặc áp đặt một số hình thức hạn chế khác. Họ có thể phối hợp với các quốc gia thành viên khác của họ để thực hiện các hành động liên quan đến nguồn vật tư, chia sẻ dữ liệu hoặc các tài liệu khác cho việc trao đổi, và ai biết được hậu quả của việc đó sẽ là gì.”

Liberty Counsel cũng chỉ ra trong một tuyên bố hôm 12/05 rằng một báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố hồi tháng 05/2021 rằng đại dịch lẽ ra đã có thể tránh được nếu tổ chức y tế quốc tế này có thẩm quyền lớn hơn.

Báo cáo đó cũng khuyến nghị rằng WHO nên được trao quyền “một cơ chế khuyến khích có khả năng thích ứng, các biện pháp trừng phạt như khiển trách công khai, trừng phạt kinh tế, hoặc từ chối phúc lợi” đối với các quốc gia không hợp tác với tổ chức này.

Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts