McDonald’s rút chạy khỏi Nga, nghĩ đến giai tầng trung lưu Việt

Nguyễn Hoàng Văn

McDonal’s sẽ rút chân ra khỏi đất Nga sau 32 năm cắm rễ, viện dẫn một tương lai bất định do cuộc chiến tại Ukraine nhưng đâu là những lý do sâu xa hơn thế?[1] Tôi nghĩ đến lý thuyết “ngăn chặn xung đột” của nhà bình luận chính trị Mỹ Thomas Loren Friedman rồi nghĩ lệch sang tình trạng của giai tầng trung lưu của nước Nga, nước Việt.

Theo thuyết này thì hai nước có McDonald sẽ không bao giờ dại dột gây chiến với nhau. Theo cái nhìn này thì giai tầng trung lưu mới là khách hàng chính nuôi sống McDonald và họ sẽ ngăn chặn, không cho chính phủ dẫn đất nước lao mình vào cuộc chiến và, dĩ nhiên, ở đây chỉ nói đến chiến tranh lớn, mang tính hủy diệt như cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, không nói đến những va chạm biên giới lặt vặt hay nội chiến trong nước.

Friedman sinh năm 1953, từng đoạt ba giải Pulitzer, trong đó có hai giải cho thể loại “Phóng sự quốc tế” (International Reporting) cho năm 1983 và 1988, thể loại “Bình luận” (Commentary) năm 2002 và từ năm 2004 đã trở thành thành viên của Hội đồng xét duyệt Pulitzer. Friedman đã xuất bản nhiều cuốn sách bình luận chính trị thuộc loại “best-seller” trong đó chạy nhất là là The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization (Chiếc Lexus và Cây Olive: Tìm hiểu tiến trình toàn cầu hoá) xuất bản năm 1999 và The World Is Flat: A Brief History of The Twenty-first Century (Thế Giới Phẳng: Lược sử thế kỷ 21), xuất bản năm 2005.

Trong cuốn đầu tác giả bàn về hiện tượng toàn cầu hóa và lưu ý những điều cần thiết mà một quốc gia phải làm để bảo vệ bản sắc của mình. Trong cuốn sau tác giả mở rộng đề tài này với những ghi nhận từ chuyến khảo sát tại Bangalore ở Ấn Độ và Đại Liên ở Trung Quốc, từ đó phân tích sâu hơn về xu hướng của tiến trình toàn cầu hóa trong tương lai và lực lượng thúc đẩy tiến trình này. Nhưng điểm thú vị mà chúng ta muốn nói đến là lý thuyết nói trên về bàn tay của giới trung lưu trong việc gìn giữ hoà bình.

Trong cuốn thứ nhất Friedman nhắc đến McDonald’s với lý thuyết gọi là “Golden Arches Theory of Conflict Prevention” tạm dịch là “Lý thuyết Vòm cửa Vàng về Ngăn ngừa Xung đột” mà tôi xin tóm tắt ý ngắn gọn như sau:

Thứ nhất, chỉ những quốc gia hình thành được một giai tầng trung lưu có sức tiêu thụ mạnh mẽ thì mới được các tổ hợp đa quốc như McDonald hay máy điện toán Dell đầu tư, chọn mặt gởi vàng.

Thứ hai, khi giai tầng trung lưu này đã vững mạnh thì họ không dại gì để cho chính phủ của mình lao vào một cuộc chiến: sống cảnh yên bình đi ăn McDonald’s thì thú hơn là ra trận để rồi mất tất cả.

Theo lập luận của Friedman thì quốc gia nào cũng vậy, khi đã tự ràng buộc nền kinh tế, đời sống khá giả của công dân và tương lai của mình vào sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nó sẽ hành xử với cả sự tự chế và cẩn trọng để né hiểm hoạ chiến tranh với các láng giềng. Theo ông thì thực tế đã chứng minh rõ điều này: Có nhiều nước từng đánh nhau nhưng từ khi mở các cửa tiệm McDonald’s là không bao giờ gây chiến với nhau nữa.

Từ McDonald’s Friedman nâng lên Dell, một nhãn hiệu computer. Nếu McDonald chỉ tượng trưng cho mức sống cao hơn trong nhu cầu của bao tử thì nhãn hiệu điện toán Dell còn cao hơn về nhu cầu làm việc, hưởng thụ tinh thần và kết nối liên lạc. Sự phổ biến của các hệ thống cung ứng toàn cầu của nhãn hiệu này sẽ dẫn đến sự kiềm chế lớn hơn đối với chủ nghĩa phiêu lưu địa lý chính trị.

Rõ ràng là nước Nga phải có đủ một giai tầng “trung lưu” đông đảo thì McDonald’s mới có thể xây dựng đến 850 đại lý trên toàn lãnh thổ. Thế mà Nga, với 850 đại lý McDonald’s, cất quân tấn công Ukraine, một nước có đến 101 đại lý, gấp 4 lần Việt Nam.

Rõ ràng là những khách hàng của 850 tiệm McDonald ở Nga đã không ngăn chặn nổi cơn điên của Putin và như vậy thì thuyết của Friedmand có gì trục trặc? Hay là có gì đó không ổn với giai tầng trung lưu Nga, hay cách mà Friedman xác định khái niệm “người trung lưu”? Tôi rất lưu tâm đến điều này vì nó chứa những thắc mắc tương tự của giai tầng trung lưu Việt, và cũng đã đề cập đến điều này trong tiểu luận “Boléro, đất, biển và người”.[2]

Như tôi đã nêu rõ trong bài viết trên, giai tầng trung lưu luôn luôn là nền tảng, là động lượng cho của những thay đổi và phát triển tích cực của xã hội. Người quá giàu – ngôn ngữ thời thượng gọi là “đại gia” – thì muốn chính quyền tiếp tục đường cũ để tiếp tục… làm giàu nên thường có khuynh hướng bảo thủ, phò chính thống: đất nước có thể nghèo đi, xã hội có thể tan nát nhưng cần gì, họ sẽ tiếp tục làm giàu. Người bình dân thì, thường, chỉ quan tâm đến mối lợi trước mắt, chỉ sục sôi với những bất mãn trước mắt mà ít khi chịu nhìn ra những lợi ích hay tác hại lâu dài, do đó họ rất dễ trở thành con mồi của bọn mỵ dân, những kẻ đầu cơ chính trị.

Người trung lưu khác với hai thành phần trên bởi họ hiểu rằng số phận của đất nước chính là số phận của mình. Mà nhìn lại, trong tiến trình hiện đại hóa của đất nước, những thành tựu rực rỡ nhất hay những thay đổi sâu đậm nhất ta đều ghi đậm dấu ấn của giới trung lưu. Từ phong trào “Truyền bá Quốc ngữ” đến “Thơ Mới” hay “Tự Lực Văn Đoàn”, những thành tựu văn hóa sáng chói này không thể nào trở thành hiện thực nếu không có bàn tay của giới trung lưu. Những thành tựu văn hóa của miền Nam kể từ sau 1954 cũng của thành phần trung lưu. Những nhà ái quốc sáng chói trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính v.v. cũng là người trung lưu. Thậm chí, cả cuộc “cách mạng vô sản”, xét cho cùng, cũng là một cuộc cách mạng của tầng lớp trung lưu khi tầng lớp có học này – như Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, v.v. – dẫn dắt giai cấp nông dân nhắm mắt ở dưới để hy sinh cho quyền lợi của một giai cấp xa lạ là… công nhân ở trên đầu.

Nhưng nếu những thành tựu sáng chói của đất nước là sản phẩm của người trung lưu thì điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước lại không đủ sức để nuôi dưỡng họ thành một giai tầng lớn mạnh, có đủ thực lực để xoay chuyển hẳn thời thế. Ngay cả thành phần trung lưu điều khiển cuộc cách mạng vô sản nói trên, vị tất họ đã thực hiện trọn vẹn cuộc cách mạng lạ thường ấy nếu không có sự trợ giúp của hai Nga và Tàu?

Như thế, ngày nào giai cấp trung lưu Việt Nam còn chưa đủ lớn, ngày đó đất nước vẫn bị thụt lùi với sự thao túng của các thế lực mỵ dân.

Cũng như Nga, Việt Nam ngày nay có một thành phần xã hội có thu nhập rất khá, thừa sức làm khách hàng của McDonald’s và Dell, còn đều đều du lịch nước ngoài, nhưng tại sao họ yếu thế như vậy? Có lẽ cũng như Nga, giai tầng trung lưu Việt Nam có thể nảy nở đó, nhưng chủ yếu đó là những người trung lưu thuần túy về kinh tế.

Vấn đề rất dễ hiễu bởi không phải vớ được một công việc tốt, gặp vận hội trong kinh doanh – đầu tư, hay được của hoạnh tài như đào được kho báu hay trúng số độc đắc là có thể trưởng thành ngay cả về mặt xã hội, văn hóa và chính trị. Từ vị trí thuộc một giai tầng bậc thấp, sự vươn cao về mặt xã hội đòi hỏi một sự hội nhập bao hàm ba tiến trình tích lũy song song.

Thứ nhất là tích lũy về kinh tế.

Thứ hai là tích lũy về quan hệ xã hội.

Thứ ba là tích lũy về văn hóa.

Đa số, những khách hàng nườm nượp của McDonald’s hay Dell tại Việt Nam hay tại Nga, chỉ mới tích lũy về kinh tế thôi nên họ chưa thể nào đảm đương vai trò động lực cho một sự thay đổi tích cực cho đất nước về mặt văn hóa. Như có thể thấy những gì họ làm chỉ có thể kiến xã hội màu mè sặc sỡ và bát nháo với cung cách hãnh tiến của phường trọc phú hay những trò chơi lố lăng và dở hơi của bọn vô công rỗi nghề và thừa tiền.

Chưa trưởng thành về văn hóa thì làm sao trưởng thành về chính trị? Đó là lý do mà những kẻ đầu cơ chính trị và mỵ dân thừa sức để tiếp tục đầu cơ và tiếp tục mỵ dân!

Chú thích:

[1] https://www.sbs.com.au/news/article/mcdonalds-opened-in-russia-32-years-ago-the-fast-food-giant-is-now-leaving-the-country-for-good/7cukwdhpd

[2] https://vanviet.info/trao-doi/bolro-dat-bien-v-nguoi/

Related posts