Lam Giang
Ngày 19/5, quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận ở Biển Đông, đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo tờ SCMP, Văn phòng Cục An ninh Hàng hải Trung Quốc tại tỉnh Hải Nam cho biết, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 19/5 và kéo dài tới ngày 23/5. Tất cả máy bay, tàu thuyền dân sự đều bị cấm vào khu vực tập trận.
Ngoài ra, cơ quan này không cung cấp thêm thông tin.
Đầu tháng 5 này, tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc đã đi vào Biển Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tàu sân bay này đang tham gia “huấn luyện chiến đấu bình thường”, tuân thủ các chuẩn mực theo luật pháp quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, không nhằm vào bất cứ bên nào, theo SCMP.
Ngày 18/5, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin, Trung Quốc đã điều hai máy bay ném bom tầm xa H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân bay qua khu vực này.
Trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du tới châu Á, thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20/5 – 24/5 tới, tại đây ông sẽ gặp gỡ lãnh đạo hai nước. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khi hai nhà lãnh đạo đến thăm khuôn viên nhà máy Samsung Electronics Pyeongtaek vào ngày 20/5/2022 tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Min-Hee/Getty Images)
Reuters trích nhận định của các chuyên gia về an ninh quốc tế cho rằng, chuyến đi nhằm mang theo một thông điệp rõ ràng với Bắc Kinh rằng “đừng thử những gì Nga đã làm ở Ukraine ở bất cứ nơi đâu tại Châu Á, đặc biệt là Đài Loan”.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo này cũng cho thấy họ lo ngại về Bắc Hàn và Trung Quốc, đồng thời mong muốn được củng cố liên minh lâu dài với Mỹ.
Nhật Bản là một trong bốn nước thuộc nhóm Quad (gồm Nhật Bản, Úc, Ấn độ và Mỹ). Bốn quốc gia này cùng chia sẻ quan ngại về Trung Quốc cũng như việc nước này tăng cường các lực lượng vũ trang.
Trung Quốc nhìn nhận việc hình thành nhóm này là một nỗ lực từ phía Mỹ nhằm cản trở ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị, gây khó khăn cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt Đài Loan phải chấp nhận sự thống trị của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 18/5 lên tiếng chỉ trích cái mà ông gọi là các hành động tiêu cực từ phía Washington và Tokyo chống lại Bắc Kinh, tờ SCMP đưa tin.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông gần như toàn bộ và tuyến đường thủy quan trọng này đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột ở châu Á. Tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (dẫn đầu), ra khơi cùng các tàu khác trong một cuộc tập trận trên biển hồi tháng 4/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở khu vực. Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong đó có Nhật Bản thời gian qua đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và tập trận tại vùng biển này.
Trung Quốc thường xuyên phản đối các động thái như vậy, gán cho đó là những hành động khiêu khích có chủ ý gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định. Để khẳng định yêu sách của mình, họ đã xây dựng các đường băng và các cơ sở hạ tầng quân sự khác trên các đảo nhân tạo được xây dựng trên các rạn san hô và đảo san hô.
Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng thực hiện các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Lực lượng tuần duyên Philippines hôm thứ Sáu (20/5) cho biết, họ đã thiết lập các tiền đồn trên ba hòn đảo trong vùng biển tranh chấp, một động thái có thể sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh.
Lam Giang