Nạn buôn lậu động vật quý hiếm của người Trung Quốc nở rộ ở Bolivia

Autumn Spredemann

Báo đốm được giải cứu ở Santa Cruz, Bolivia hôm 09/04/2022. (Ảnh: Cesar Calani/The Epoch Times)

Bolivia – Dưới độ ẩm khắc nghiệt và nhịp sống hối hả hàng ngày ở vùng Amazon của Bolivia, một dòng chảy lớn các loài động vật độc lạ quý hiếm bị buôn lậu trái phép đang chảy về Châu Á.

Với sự hợp tác của hệ thống nhà tù địa phương, một số công dân Trung Quốc đã tạo ra một ngành công nghiệp hưng thịnh, nơi các tù nhân bị ép làm ra các sản phẩm như ví tiền, mũ nón, và túi xách từ các loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ở Bolivia, việc săn bắn, tiêu thụ, hoặc buôn bán động vật hoang dã là bất hợp pháp. Những người phạm phải những tội trên đều có thể bị phạt tù lên đến sáu năm.

Các thành viên của ‘Băng đảng Bồ Điền’ – một băng nhóm tội phạm Trung Quốc – đã buôn lậu và bán răng, da, và các bộ phận cơ thể của báo đốm tại một số thị trấn ở Amazon thuộc các tỉnh Beni và Santa Cruz.

Hoạt động này ban đầu bị phơi bày trong một cuộc điều tra bí mật năm 2018 của tổ chức Earth League International và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Cuộc điều tra này đã tiết lộ cách những người nhập cư Trung Quốc sống ở Bolivia móc nối với các thành viên của băng đảng Bồ Điền nhằm thu mua báo đốm để bán răng, nội tạng, và da của chúng ở Trung Quốc.

Ước tính còn khoảng 130,000 con báo đốm trên thế giới và chúng được coi là một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Bolivia, số lượng loài động vật này giảm xuống còn khoảng 2000 đến 3000 con.

Số liệu của IUCN cho thấy từ năm 2014 đến năm 2016, có 200 con báo đốm đã bị những kẻ buôn lậu sát hại. Đến năm 2018, thêm 140 con báo đốm nữa đã trở thành con mồi của những kẻ tội phạm đó, mặc dù con số thực tế có thể lên tới 340 con.

Một cuộc điều tra kéo dài ba năm của Bộ Công quyền và lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng và môi trường Bolivia cuối cùng đã bắt giữ được năm công dân Trung Quốc tại thành phố Santa Cruz. Họ đã bị bắt quả tang đang bán các bộ phận của báo đốm ở phía sau một nhà hàng gà rán ăn nhanh.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, nạn buôn lậu động vật quý hiếm vẫn tồn tại ở Bolivia, tạo ra một cuộc chiến khó nhọc cho các nhà bảo tồn thiên nhiên.

“Luật pháp đứng về phía chúng tôi, nhưng rất khó thực thi”, Giám đốc Tài nguyên Thiên nhiên và Động vật Hoang dã của tỉnh Beni, ông Jorge Aysar Raposo Callau, nói với The Epoch Times.

Giám đốc động vật hoang dã tỉnh Beni Jorge Raposo Callau (phải) và hai nhân viên đang trưng ra những bộ da của cá sấu đen và báo đốm bị săn bắn bất hợp pháp ở Trinidad hôm 11/04/2022. (Ảnh: Autumn Spredemann/The Epoch Times)

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc

Trong văn phòng của ông Callau, một tấm biểu ngữ treo sau bàn làm việc của ông có nội dung “Nói không với mua, bán, hoặc nuôi nhốt động vật hoang dã” cùng với một số điện thoại đường dây nóng miễn phí để mọi người gọi và báo cáo về hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Chỉ tay vào tấm biểu ngữ, ông Callau giải thích, “Trước đây mọi chuyện không như thế này.”

“Cho đến vài năm gần đây, lý do duy nhất khiến người dân địa phương săn báo đốm là để bảo vệ gia súc hoặc con cái của họ khi báo đốm cố gắng tấn công một ngôi làng”.

Ông Callau nói rằng lợi ích thương mại của Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu đối với động vật hoang dã, đặc biệt là các bộ phận cơ thể của báo đốm. Tính đến tháng 08/2018, chính quyền Bolivia đã tịch thu 684 chiếc nanh báo đốm – một con số đáng kinh ngạc – từ những kẻ buôn lậu Trung Quốc. Trong số đó, lực lượng hải quan đã phát hiện và chặn được 119 chiếc tại các trạm kiểm soát biên giới.

Hoạt động xuất cảng động vật hoang dã bất hợp pháp đại diện cho một ngành công nghiệp trị giá 19 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới, mang lại lợi nhuận quá lớn khiến những người dân địa phương túng quẫn khó lòng khước từ.

Có thể thấy rõ điều này qua các gian hàng của những thương nhân chợ đen ở vùng ngoại ô Trinidad. Ở phía cuối một con đường bụi bặm là một phiên chợ quê. Ngay cạnh các sạp bán trái cây và rau củ là những người dân địa phương đang bày bán các sản phẩm làm từ các bộ phận của động vật hoang dã bị thu mua trái phép.

Một người phụ nữ địa phương tên là Brenda đã trưng bày nhiều loại ví, mũ, thắt lưng và túi xách làm từ da báo đốm, bên cạnh [các sản phẩm làm từ] da báo sư tử, da trăn, da cá sấu.

“Chỉ có người ngoại quốc mới mua những món đồ này”, cô nói với The Epoch Times, đồng thời lấy một chiếc ví nam làm bằng lông báo đốm đặt xuống cho [chúng tôi] xem kỹ hơn.

Các sản phẩm làm từ các bộ phận của động vật [bị săn bắn] bất hợp pháp trưng bày trong gian hàng của cô Brenda đều được định sẵn giá bán. Chúng có giá dao động từ 16 USD cho một chiếc ví nam nhỏ làm từ da trăn hoặc da cá sấu màu đen, đến 150 USD cho một chiếc mũ cao bồi hoặc túi xách tay nữ làm từ da báo đốm.

Gian hàng chợ đen ở Trinidad trưng bày các sản phẩm làm từ báo đốm, trăn, mèo gấm và các động vật hoang dã khác hôm 11/04/2022. (Ảnh: Autumn Spredemann/The Epoch Times)

Cô Brenda cho biết cô hiểu rằng cơ quan hải quan có thể thu giữ bất kỳ sản phẩm nào làm từ các bộ phận của động vật hoang dã khi mang [chúng] ra khỏi đất nước này và việc bán các mặt hàng trong quầy hàng của cô ở chợ là bất hợp pháp nhưng dường như cô không bận tâm đến điều đó.

Suy cho cùng, nhu cầu thì lúc nào cũng có và cô Brenda cho rằng cô chỉ là một mắt xích trong chuỗi các dấu hiệu biểu hiện sự tồn tại của ngành buôn lậu động vật đang nở rộ mà Trung Quốc đã mang đến khu vực này.

Tuy nhiên, cô ấy nói rõ rằng mặc dù Trung Quốc là khách mua hàng chính của những mặt hàng này, nhưng họ không phải là người tham gia duy nhất trong trò chơi xuất cảng bất hợp pháp này.

Cô Brenda cho biết: “Gần đây tôi có một khách mua hàng từ Tây Ban Nha đã mua hai chiếc mũ da báo cho một người bạn là bác sĩ ở quê nhà.”

Cô nói thêm rằng nhà tù địa phương ở Trinidad, do chính phủ Bolivia điều hành, cũng đang thúc đẩy ngành buôn bán động vật hoang dã này. Nhà tù có tên là Mocovi này tham gia vào một chương trình buộc các tù nhân phải làm các sản phẩm da từ nhiều loại động vật khác nhau để thu lợi, bao gồm cả các loài động vật hoang dã [bị săn bắt] bất hợp pháp.

Trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh BTV hôm 26/09/2021, một phóng viên đã phỏng vấn một người bán các sản phẩm da được sản xuất tại nhà tù và chiếu cảnh quay về những chiếc mũ và ví được làm từ bộ da báo đốm bị săn bắn bất hợp pháp.

Trong cuộc phỏng vấn, người bán hàng khẳng định chương trình này được thiết kế để giúp “cải tạo tù nhân” và chuẩn bị cho họ quay trở lại làm việc bình thường sau khi được trả tự do.

Nhưng trớ trêu thay, điều này lại được thực hiện bằng cách ép buộc những người bị kết án phạm tội phải thực hiện một tội ác nữa xét theo luật pháp Bolivia.

Khi được The Epoch Times liên lạc, các quan chức trong ban quản lý của hệ thống nhà tù này đã từ chối bình luận.

Trước khi bị bắt quả tang vào năm 2018, những kẻ buôn lậu Trung Quốc có thể vận chuyển các bộ phận nhỏ của báo đốm, đặc biệt là răng nanh, khá dễ dàng thông qua phi trường quốc tế của Bolivia. Tuy nhiên, kể từ khi các nhân viên hải quan bắt đầu trấn áp hoạt động này, những kẻ buôn lậu cơ hội đã chuyển sang các tuyến đường khác để đưa các mặt hàng động vật quý hiếm đang được săn lùng ra khỏi đất nước này.

Một trong số những thủ đoạn đó bao gồm vận chuyển hàng lậu qua các cửa khẩu biên giới xa xôi vào Brazil và “hành lang chết chóc” khét tiếng, nằm trong một khu vực hoang vắng của Sa mạc Atacama giữa Bolivia và Chile.

Một chiếc thuyền chở hàng trên sông Ibarre hôm 13/04/2022. (Ảnh: Autumn Spredemann/The Epoch Times)

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các nhà bảo tồn thiên nhiên là [diện tích] vùng đất hoang dã của đất nước này quá rộng so với lượng dân số khá ít ỏi. Bolivia có mật độ dân số chỉ 26 người trên một dặm vuông so với quốc gia láng giềng Brazil, nơi có 62 người trên một dặm vuông.

Điều này đồng nghĩa với việc thiếu lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là ở các công viên quốc gia, nơi nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng của quốc gia đang sinh sống còn những kẻ săn trộm thì lại hoành hành tự do.

“Chúng tôi đang làm những gì có thể, nhưng chúng tôi cần nhiều người hơn,” ông Callau nói.

Câu chuyện thần thoại nguy hiểm

Ở thị trấn miền núi ven sông Rurrenabaque, hoạt động săn bắn báo đốm đã nở rộ cùng với ngành du lịch.

Bà Adela Jordan, quản lý khu nghỉ dưỡng sinh thái đồng thời là chủ khu đất tại địa phương đã nhận thấy sự thay đổi trong tâm lý của người dân địa phương trong những năm qua khi tiền và sự ảnh hưởng của Trung Quốc thâm nhập vào khu vực này.

“Họ [Trung Quốc] là những kẻ săn mồi, họ tiêu thụ mọi thứ họ nhìn thấy. Đất đai, động vật, sông ngòi, cây cối, tất cả moi thứ,” bà Jordan nói với The Epoch Times.

Bà giải thích rằng sau khi người Trung Quốc tỏ ý muốn mua răng và các bộ phận cơ thể khác của báo đốm, các chủ trang trại chăn nuôi gia súc trong khu vực bắt đầu săn lùng báo đốm một cách hung hăng hơn, thay vì chỉ săn báo đốm để bảo vệ đàn gia súc của họ.

Cách con đường này khoảng 20 dặm là thành phố Reyes, nơi bà Jordan cho biết là có một chợ đen sầm uất khác chuyên cung cấp các sản phẩm làm từ động vật hoang dã, bao gồm cả báo đốm.

“Rất nhiều [người dân địa phương] ở đây đã trở thành những kẻ săn trộm,” bà than thở.

Bộ da báo đốm bị tịch thu từ những kẻ buôn bán động vật mà ông Jorge Callau, giám đốc phụ trách động vật hoang dã của tỉnh Beni, đang cầm trên tay hôm 11/04/2022. (Ảnh: Autumn Spredemann/The Epoch Times)

Nạn buôn lậu đang phát triển mạnh vẫn tồn tại, tương phản với điều đã làm cho thị trấn Rurrenabaque nổi tiếng trên khắp thế giới: Vườn Quốc gia Madidi

Nằm nép mình ở rìa của một trong những dải đất cuối cùng của khu rừng Amazon nguyên thủy, những người dẫn tour du lịch trong thị trấn mời chào các chuyến phiêu lưu thăm thú rừng sâu kéo dài từ ba ngày đến một tuần và các chuyến đi khám phá động vật hoang dã khiến người ta nhớ đến các chuyến đi săn ảnh ở Châu Phi.

Tuy nhiên, với việc những tên tội phạm Trung Quốc đưa ra mức giá từ 100 đến 400 USD cho một chiếc răng nanh báo đốm, số tiền này đã chứng tỏ là quá hấp dẫn đối với người dân địa phương để có thể bỏ qua.

Có thần thoại nói rằng răng nanh của báo đốm được cho là mang lại may mắn, tài lộc, sự bảo hộ, và sinh khí, vốn là một câu chuyện được khuếch trương dựa theo niềm tin vốn có của người Trung Quốc rằng các bộ phận của loài hổ Á Châu mang lại những lợi ích tương tự. Và quan niệm này là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự gia tăng nhu cầu [về báo đốm].

Ngoài ra, cũng có những nỗ lực cứu hộ có thiện chí nhưng lại thiếu nguyên tắc rõ ràng, khiến nhiều loài động vật được cứu sống, bao gồm cả báo đốm, sau đó phải chịu cảnh sống trong lồng cho đến cuối đời.

Bà Jordan đã mô tả một nơi nuôi nhốt động vật như vậy gần thị trấn Rurrenabaque, họ buộc phải bắn một con báo đốm hoang dã đi vào cơ sở này và cố gắng tấn công một trong những con vật bị nuôi nhốt trong trung tâm cứu hộ này.

“Vậy ý nghĩa của những điều này là gì nếu họ phải bắn một trong những loài động vật mà họ đang cố gắng bảo vệ?” bà Jordan hỏi vặn.

Trong khi đó, ngành du lịch động vật hoang dã Amazon trị giá hàng triệu dollar lại tồn tại song song một cách kỳ lạ với những kẻ buôn bán động vật hoang dã Trung Quốc. Những chiếc răng nanh của báo đốm có giá từ 2,000 USD đến 3,000 USD/chiếc trên thị trường chợ đen Trung Quốc.

Năm 2018, đại sứ quán Trung Quốc tại Bolivia đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi công dân Trung Quốc đang sinh sống ở quốc gia Nam Mỹ này hãy tôn trọng và “nghiêm chỉnh tuân thủ” luật pháp và quy định của cả Trung Quốc lẫn Bolivia trong việc chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Bolivia đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.

Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Hồng Ân biên dịch

Related posts