Nguồn: Edward Luce, “What the CIA thinks: William Burns on the new world disorder,” Financial Times, 13/05/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Năm mươi năm sau ‘cuộc đảo chính’ Chiến tranh Lạnh của Nixon, người Mỹ đang đối mặt với một trật tự toàn cầu mới.
Chúng ta không thường xuyên được gặp những người có số tuổi đạt đến ba chữ số. Henry Kissinger, người sẽ bước sang tuổi 99 vào tháng này, hiện đã già hơn bất kỳ chính khách nào còn sống trên thế giới. Tại Lễ hội FTWeekend ở Washington vào thứ Bảy tuần trước, chiến lược gia Chiến tranh Lạnh đã nhận xét rằng nhân loại “hiện đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới.” Xét đến việc ông đã sống được 40% lịch sử nền cộng hòa Mỹ, Kissinger có quyền đưa ra nhận định đó – bất kể người ta nghĩ thế nào về hồ sơ đầy tranh cãi của ông.
Thế nhưng William Burns, 66 tuổi, giám đốc CIA, mới là người mang đến tin tức chính của lễ hội. Burns nói rằng Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc, “đang lo lắng trước những tổn hại về danh tiếng có thể xảy đến với Trung Quốc khi họ ủng hộ sự tàn bạo trong hành động xâm lược của Nga đối với người Ukraine”.
Tuy nhiên, bất chấp việc Vladimir Putin đe dọa dùng đến vũ khí hạt nhân, Burns nói rằng Mỹ vẫn tiếp tục coi Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối thủ chính của mình. “[Putin] thể hiện theo một cách rất đáng lo ngại rằng các cường quốc đang suy yếu có thể làm loạn, chí ít cũng bằng với các cường quốc đang trỗi dậy,” ông nói. Nhưng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn.
Một trong những lợi ích của lịch sử là nó cho phép bạn hình dung ngày hôm nay dưới một góc nhìn khác. Như câu nói của người Liên Xô: “Tương lai là tất định. Quá khứ mới là vô định.” Tuy nhiên, hiện tại của ngày hôm nay là điều mà người ta có thể định hình.
50 năm trước, Kissinger và Tổng thống của ông, Richard Nixon, đã thay đổi cục diện Chiến tranh Lạnh bằng cách mở cửa với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Bằng cách gia tăng sự chia rẽ giữa quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới và quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới, chuyến thăm Trung Quốc của Nixon được cho là nước đi hay nhất của Mỹ trên bàn cờ Chiến tranh Lạnh. Đã từng có thời người Mỹ và người Trung Quốc cùng nhau vui vẻ nâng ly, sau khi Nixon và Mao ký Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 – vốn đã được Kissinger bí mật lên kế hoạch bằng chuyến đi ẩn danh tới Bắc Kinh, qua ngả Pakistan. Nhưng ngày kỷ niệm 50 năm của sự kiện này đã trôi qua trong im lặng hồi tháng 2 năm nay. Nhà Trắng của Joe Biden đã phớt lờ đề nghị tổ chức lễ kỷ niệm chung của Trung Quốc.
Lịch sử giờ đã quay ngoắt 180 độ. Năm 1972, Nixon dễ dàng gạt bỏ những lời chỉ trích từ cánh hữu khi thực hiện một thỏa thuận với Mao ngay giữa bối cảnh Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ, theo bản năng, đã tận dụng được bước đi này, khiến Liên Xô bị cô lập và suy yếu hơn. Vô đạo đức nhưng hiệu quả. Tất nhiên, ví dụ tương tự thường được nhắc đến là liên minh Mỹ-Anh với Liên Xô của Stalin nhằm đánh bại chủ nghĩa Quốc xã.
Ngược lại, Washington ngày nay gần như nhất trí về một chính sách đối ngoại xem Trung Quốc và Nga là anh em sinh đôi, dù bây giờ Nga đã trở thành ‘cậu em’ yếu hơn. Tổng thống Biden xem chính trường toàn cầu là cuộc cạnh tranh giữa chuyên chế và dân chủ. Kissinger rõ ràng không đồng ý, dù ông luôn cẩn thận không bao giờ lên tiếng công khai về những vấn đề quan trọng. Vị chính trị gia đáng kính không chỉ trả lời bằng loại ngôn từ bí ẩn kiểu Yoda, mà tư thế khom lưng của ông cũng gợi nhớ về nhà hiền triết trong Chiến tranh giữa các vì sao. Sự khác biệt trong ý thức hệ không nên là vấn đề chính của cuộc đối đầu, ông nói, “trừ khi chúng ta sẵn sàng biến việc thay đổi chế độ trở thành mục tiêu chính trong chính sách của chúng ta.”
Vậy còn CIA nghĩ gì? Câu hỏi này thường có liên quan vì Burns – nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Mỹ trong 80 năm tổ chức này tồn tại – luôn được đánh giá cao không kém bất kỳ ai trong chính quyền Mỹ. Một trong những người hâm mộ ông lâu dài nhất chính là Biden. Tuy nhiên, Burns đã được nhất trí bổ nhiệm bởi một Thượng viện Mỹ phân cực, một điều hiếm hoi tựa như việc nhìn thấy vật thể bay không xác định ở Washington ngày nay. Một số nhà ngoại giao nước ngoài gọi ông là “Ngoại trưởng thứ hai.”
Tháng 11 năm ngoái, khi lực lượng Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine, Biden đã cử Burns đến nói chuyện với Putin ở Moscow. Đây lại là một lần đầu tiên khác. Những người đứng đầu cơ quan tình báo thường không được tuyển dụng để gặp gỡ những người đứng đầu các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Dù đúng là Putin từng đứng đầu FSB, trước đây được gọi là KGB, nhưng hai người không phải đồng cấp.
Tuy nhiên, Burns là một giám đốc tình báo khác thường. Trải qua nhiều năm ở D.C., tôi chưa hề bắt gặp một nhân vật của công chúng nào mà không ai có thể nói xấu. Lần gần nhất tôi gặp ông là tại buổi ra mắt bộ phim James Bond cuối cùng của Daniel Craig, do Đại sứ quán Anh tổ chức vào tháng 10 – một bộ phim tưởng như còn kéo dài hơn cả Chiến tranh Lạnh, với những cuộc đối thoại chắc chắn tệ hơn nhiều. Burns đã vui vẻ tạo dáng chụp một bức ảnh iPhone bên cạnh một khung hình của Bond sắp hết thời.
Việc lắng nghe Giám đốc CIA bình luận theo thời gian thực về một cuộc chiến gần như là chiến tranh ủy nhiệm giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân lớn là một trải nghiệm siêu thực (Nga có số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược nhiều như Mỹ; riêng về khoản này, Trung Quốc đứng thứ ba, với khoảng cách rất xa). Là một cựu đại sứ Mỹ nói tiếng Nga tại Moscow, Burns hiểu Putin rất rõ. “Tôi đã đối phó và theo dõi Tổng thống Putin trong nhiều năm, và điều tôi thấy, đặc biệt là trong thập niên vừa qua, là ông ấy giống như một mồi lửa của buồn phiền, tham vọng, và bất an – tất cả được cuộn tròn lại cùng nhau,” Burns nói. “Mức độ chấp nhận rủi ro của ông ấy đã tăng lên trong những năm qua, khi quyền lực của ông ngày càng mạnh hơn, và vòng tròn cố vấn của ông ngày càng thu hẹp lại.”
Một phần vì Mỹ tích cực sử dụng “tình báo phủ đầu” – giải mật có chọn lọc các kế hoạch quân sự của Putin – nên Nga đã buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Đối với Ukraine, và những người ủng hộ NATO của họ, triển vọng quân sự hiện tại đang lạc quan hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi cuộc xâm lược nổ ra ngày 24/02. Cuộc tấn công chớp nhoáng nhắm vào Kyiv của Putin đã bị hủy bỏ trong tháng 4, sau khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, và còn vì lý do thương vong nặng nề. Các vấn đề về tiếp tế và tinh thần đã tạo ra vụ tắc đường dài nhất trên thế giới – đoàn xe tăng và xe bọc thép dài 65 km của Nga cuối cùng đã buộc phải lùi lại.
Nguyên nhân khiến Putin bị sỉ nhục đến từ việc Ukraine có nguồn thông tin tình báo phương Tây về các kế hoạch chiến đấu của Nga rất tốt. Theo Burns, thông tin tình báo phủ đầu cũng cướp đi những luận điệu mà Putin dùng cho cuộc xâm lược. “Tôi nghĩ rằng rất hữu ích khi tước khỏi tay Putin điều mà sau nhiều năm quan sát tôi biết rằng ông ấy đã thành thạo, đó là tạo ra những câu chuyện giả dối để mở đường cho những chiến dịch treo cờ giả (false-flag operations)” ông nói.
***
Hôm thứ Hai, Putin đã phủ nhận lo ngại về một cuộc tấn công mới và về việc mở rộng chiến tranh trong lúc ông phát biểu với dáng vẻ gần như cam chịu tại Quảng trường Đỏ. Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 09/05 hàng năm, ngày kỷ niệm vai trò của người Nga trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, được coi là thời điểm để Putin tiết lộ thêm điều mà Kissinger gọi là quan điểm “gần như thần bí” của Tổng thống Nga về lịch sử. Về cơ bản, Putin đã viết lại quá khứ để phục vụ cho câu chuyện của ông về “phi phát xít hóa” Ukraine, cũng như liên kết NATO với thế giới quan bị cho là phát xít của Kyiv. Những sửa đổi của Putin đã tách Mỹ và Anh khỏi chiến thắng trước chủ nghĩa Quốc xã năm 1945. Chúng cũng ngó lơ Hiệp ước Bất tương xâm Xô-Đức năm 1939, trong đó hai chế độ đã đồng ý phân chia Ba Lan và các khu vực khác ở Đông Âu. Liên Xô thực ra đã chiếm Ukraine từ 20 năm trước.
Burns phát biểu hai ngày trước cuộc duyệt binh ở Moscow. Nhưng ông tin chắc rằng cuối cùng Putin sẽ quay trở lại tấn công. Ông nói, cuộc chiến có lẽ đang bước vào giai đoạn tiêu hao, trong đó Nga sẽ tìm cách củng cố và mở rộng vùng đất họ chiếm được ở phía đông, trước khi tập hợp lại để thực hiện một cuộc tấn công khác vào Kyiv. “Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ, ông ấy bị thuyết phục rằng nếu quyết tâm, ông vẫn có thể đạt được tiến bộ,” Burns nói.
Cho đến nay, thành tích của tình báo Mỹ vẫn rất tốt. Ngoại trừ khả năng quân sự kém cỏi của Nga, điều khiến mọi người phải ngạc nhiên, chính quyền Biden đã đoán đúng gần như mọi động thái của Putin trước khi ông ta thực hiện chúng. Tuy nhiên, xác định lằn ranh đỏ cuối cùng của Putin có lẽ lại là câu chuyện của phỏng đoán. Có vẻ như ngay cả Putin, người chưa cho thấy ông đã nâng cấp chất lượng tình báo của chính mình – vốn còn tệ hơn cả tình báo Ukraine – cũng không biết đâu là lằn ranh đỏ của mình.
Điều này đặt ra một câu hỏi lớn hơn, về việc liệu Biden có đang đẩy sự can dự của Mỹ đi quá xa hay không. Khi chiến tranh nổ ra, Tổng thống đã rất nỗ lực để hạ thấp vai trò của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí và dữ liệu cho Ukraine. Lính Nga càng bộc lộ nhiều điểm yếu quân sự, và nhiều hành vi tàn ác càng bị vạch trần, thì Biden càng trở nên táo bạo. Vào tháng 4, ông đã gọi Putin là tội phạm chiến tranh. Ông cũng mô tả cuộc chiến của Nga với Ukraine là “tội ác diệt chủng.” Tuần trước, các quan chức giấu tên tiết lộ với New York Times rằng tình báo Mỹ đã xác định được danh tính 12 tướng Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Một nguồn tin khác của Washington Post nói rằng cơ quan tình báo Mỹ đã hỗ trợ điều phối để giúp đánh chìm Moskva, soái hạm của Nga trên Biển Đen, một trong những đòn tấn công hải quân tàn khốc nhất trong nhiều thập niên.
Biden đã khó chịu khi chứng kiến loạt thông tin rò rỉ, vốn không được giải mật hay được ủy quyền. Nhưng thật khó để không có ấn tượng rằng giọng điệu của Washington đã chuyển từ thận trọng sang khoe khoang. Burns chắc chắn không mong muốn điều này. “Thật là vô trách nhiệm,” ông nói. “Việc mọi người nói quá nhiều, cho dù là tiết lộ tin mật ở nơi riêng tư, hay thảo luận công khai về các vấn đề tình báo, đều rất nguy hiểm.”
Điều này trở nên đặc biệt đúng khi đối thủ, vốn sở hữu vũ khí hạt nhân, đưa ra thật nhiều gợi ý về chuyện leo thang, vốn là điều mà Putin và các quan chức của ông đang làm. Dù Burns nói rằng tình báo Mỹ chưa phát hiện ra những dấu hiệu cụ thể cho thấy Putin đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Luận điệu tận thế của Moscow hiện trái ngược hẳn với phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh – chí ít là kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – khi cả Washington và Moscow đều nói về vũ khí hạt nhân bằng thứ ngôn ngữ mơ hồ.
Burns nói, “Tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng mà cả người Nga và người Mỹ cần nhớ là, ngày nay, chúng ta vẫn là siêu cường hạt nhân duy nhất trên thế giới. Chúng ta cùng nhau kiểm soát 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới, và ngay cả trong giai đoạn tồi tệ nhất của Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ đều thể hiện nhận thức rằng chúng ta có những khả năng đặc biệt nhưng cũng có những trách nhiệm đặc biệt.”
***
Vậy tiếp theo là gì? Mục tiêu chính thức của Mỹ là muốn Nga bị đánh bại ở Ukraine. Còn mục tiêu không chính thức, mà Biden cũng chẳng buồn ngụy trang, là buộc Putin phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của ông ta. Nói cách khác, Mỹ không muốn gì hơn là một sự thay đổi chế độ. Điều này cũng hoàn toàn đúng với Trung Quốc. Như Burns đã chia sẻ trong phỏng vấn với Financial Times, “Không một phút nào tôi không nghĩ rằng cuộc chiến Ukraine đã làm xói mòn quyết tâm giành quyền kiểm soát Đài Loan của Tập trong thời gian qua,” Trung Quốc của Tập Cận Bình vẫn là “thách thức địa chính trị lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt lâu dài với tư cách là một quốc gia.”
Giữa bối cảnh chiến tranh Ukraine, Biden dự kiến sẽ tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới – chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Tổng thống kể từ khi ông đến Warsaw vào tháng 4. Tuần này, ông sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của ASEAN, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, tại Washington. Mục tiêu của Mỹ là cô lập Trung Quốc và sau đó thực hiện một số hình thức để “phân tách” kinh tế, dù vẫn còn thiếu nhiều chi tiết rõ ràng về cách thức triển khai trong thực tế.
Ngày nay, tinh thần chống Trung Quốc ở Washington cũng lên cao như xu hướng phân chia lưỡng đảng. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa gọi Trung Quốc là “đế chế ma quỷ mới.” Tháng trước, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề xuất một dự luật mới, gọi là luật AXIS – Đánh giá sự Can thiệp và Lật đổ của Tập (Assessing Xi’s Interference and Subversion) – trong đó yêu cầu bộ ngoại giao Mỹ báo cáo về mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến. Tất nhiên, tên của dự luật là sự gợi nhớ đến liên minh phát xít giữa Đức, Ý, và Nhật trong Thế chiến II.
Trường phái chính sách đối ngoại “hiện thực”, mà Kissinger đại diện, đã gây được ấn tượng mạnh trong thời gian gần đây, và điều đó là xứng đáng. Ý tưởng rằng Nga nên có khu vực ảnh hưởng của riêng mình, bao gồm Ukraine, và việc phản đối sự mở rộng của NATO, có vẻ như là những luận điệu trơ trẽn nếu xét mong muốn chiếm đất rõ ràng của người Nga. Không chỉ là vô đạo đức, mà đó còn là hành động tự hại mình. Nếu Putin thắng ở Ukraine, toàn bộ châu Âu sẽ rơi vào bất ổn. Nhưng mọi thứ có thể sẽ khác, một khi Nga buộc phải thừa nhận thất bại quân sự của mình, vốn có vẻ là điều cuối cùng sẽ diễn ra. Tại thời điểm đó, Mỹ sẽ rơi vào một tình huống chưa từng có, khi phải đối đầu với hai cường quốc quân sự toàn cầu trong một liên minh mang tính tình thế nhằm chống lại Mỹ.
Cuộc xâm lược của Putin đã tạo ra hai phản ứng khác biệt trên khắp thế giới. Phương Tây hiếm khi nào đoàn kết hơn lúc này. Đức đã phá bỏ lập trường tồn tại hàng thập niên của mình – xoa dịu Nga thông qua thương mại và đầu tư. Thay vì nói về việc “Phần Lan hóa” Ukraine, đảm bảo tính trung lập của nước này, giờ đây có vẻ như Phần Lan sẽ tham gia NATO. Thụy Điển cũng đang cân nhắc sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, ngoài phương Tây, thế giới đã phản ứng khác. Các nước lẽ ra thuộc phe dân chủ theo ranh giới phân chia toàn cầu của Biden, chẳng hạn như Ấn Độ và Mexico, đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành vi xâm lược của Putin. Nhìn chung, những nước bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống để ủng hộ Nga đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới. Nếu sau cùng chính quyền Biden buộc các nước thứ ba phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh phân tách kinh tế và công nghệ, thì không rõ phần lớn sẽ đi theo con đường nào. Ví dụ, các nước ASEAN có trao đổi thương mại với Trung Quốc gần gấp đôi so với Mỹ. Họ không muốn bị buộc phải lựa chọn. Nhưng nếu họ buộc phải chọn, thì câu trả lời có thể không phải là Washington.
Theo cách nói của Robert Kagan, Mỹ là một “quốc gia nguy hiểm” – đó là một cách nói khác rằng Mỹ đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để xuất khẩu lý tưởng của mình. Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta biết rằng, Mỹ hoạt động hiệu quả nhất khi thực dụng, chẳng hạn như trong Chiến tranh Lạnh và Thế chiến II. Câu hỏi quan trọng thời hậu chiến đối với Mỹ sẽ là liệu họ có tìm cách thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, hay sẽ tìm kiếm những cách thức ngoại giao sáng tạo để phá lỏng sự liên kết này.
Với cả hai cách tiếp cận, rủi ro đều rất lớn. Kissinger nói, “Hiện chúng ta đang phải đối mặt với những công nghệ mà sự trao đổi nhanh chóng … có thể tạo ra mức độ thảm họa thậm chí không thể tưởng tượng được.” Thế giới đang chứng kiến việc lịch sử của Nga có thể khó lường đến mức nào. Nhưng việc Putin lạm dụng quá khứ có thể trở nên không là gì so với sự bất định đang bao trùm tương lai của tất cả mọi người.
Edward Luce là biên tập viên về Mỹ của Financial Times