Bắt phó phòng quản lý giá Bộ Y tế
Hội An
Nguyễn Huỳnh, Phó Phòng Quản lý giá – Cục Quản lý dược, bị cáo buộc lợi dụng vị trí công tác để giới thiệu, can thiệp và tác động, đề xuất ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á.
Báo VnExpress đưa tin, ngày 25/5, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết ông Huỳnh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hành trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhà chức trách cho rằng trong quá trình Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành Kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã tiếp cận ông Huỳnh
Ông Huỳnh bị cáo buộc có hành vi lợi dụng vị trí công tác để “giới thiệu, can thiệp và tác động” đến ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang Thiết bị & Công trình y tế (đã bị khởi tố). Từ đây, Số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á được cấp trái quy định.
Trong các vụ án liên quan Việt Á, C03 và công an các địa phương đã khởi tố hơn 40 người, trong đó có 16 lãnh đạo, cán bộ nhiều CDC và Sở Y tế.
Theo thông tin từ Bộ Công an, kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Việt Á sau đó thu lợi trên 500 tỷ đồng.
Liên quan đến sai phạm trong mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố một vụ án khác và bắt tạm giam Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự – Học viện Quân y, về tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; khởi tố Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng trang bị, vật tư – Học viện Quân y, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau vụ ‘sữa tài trợ cho trẻ’, thêm lô khẩu trang viện trợ 6 tháng vẫn trong kho
Hội An
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, lô hàng khẩu trang hơn 1,1 triệu chiếc viện trợ Việt Nam chống dịch từ cuối năm 2021 đến nay chưa thể thông quan vì vướng mắc thủ tục, theo NLĐ.
Bà Ánh cho hay, trước đó đại biểu Quốc hội phản ánh hàng viện trợ chống dịch COVID-19 vướng mắc thủ tục khi thông quan. Bà Ánh lấy ví dụ, tháng 11/2021 bà Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM) phản ánh việc một lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia gửi tặng trẻ em tại TP.HCM phải mất hàng tháng mới lấy ra được.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tưởng sự việc ở TP.HCM xong, các bộ ngành liên quan rút kinh nghiệm, nhưng đến tháng 11/2021, MTTQ nhận được hai văn bản của doanh nghiệp ở Đức và bà con kiều bào ở Hồng Kông (Trung Quốc) thông báo gửi về những lô khẩu trang để hỗ trợ bà con chúng ta trong phòng chống dịch.
Lô khẩu trang từ Hong Kong 1,1 triệu chiếc, gửi về sân bay Tân Sơn Nhất; từ Đức gần 40.000 chiếc gửi về sân bay Nội Bài.
Hải quan yêu cầu có biên bản tiếp nhận tài trợ, Mặt trận đã cung cấp. Nhưng sau đó cơ quan này lại yêu cầu có xác nhận của Bộ Tài chính dù Bộ cho biết việc này thực hiện theo Nghị định 93 mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm thủ tục theo Nghị định 93 thì Hải quan yêu cầu hàng tài trợ phải có ý kiến của Bộ Y tế về miễn kiểm dịch lô hàng. “Chúng tôi đã làm văn bản gửi Bộ Y tế, nhưng đến nay chưa được trả lời. Hơn 6 tháng, số khẩu trang phục vụ chống dịch chưa thể thông quan trong khi hàng tháng chúng tôi phải gửi tiền lưu kho. Vấn đề rất bất cập”, bà Ánh bày tỏ.
Hiện nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên số khẩu trang này có thể là bình thường, nhưng thời điểm cuối năm 2021, đó là hàng viện trợ rất có ý nghĩa. Vì vậy, bà Ánh đề nghị thay đổi thủ tục hành chính.
Vỡ đập chứa nước sân golf Tam Đảo, dân trở tay không kịp
Tuoitre – Do mưa lớn, lượng nước trong hồ dâng cao dẫn tới vỡ đập chứa nước của sân golf Tam Đảo (thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) khiến một số hộ dân không kịp trở tay, tài sản bị thiệt hại, ảnh hưởng.
Trao đổi với truyền thông trong nước chiều ngày 24/5, ông Trần Văn Bình – chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu xác nhận thông tin trên và cho biết, sáng cùng ngày đập chứa nước của sân golf Tam Đảo bị vỡ.
Theo ông Bình, trước đây đập nước này khá rộng, tuy nhiên sau khi làm sân golf thì hồ đã bị lấp một phần nên diện tích hiện nay cũng không lớn. Nguyên nhân do mưa to, đơn vị quản lý hồ không xả kịp, dẫn tới tràn đập rồi xảy ra vỡ.
Đây là lần thứ 2 đập chứa nước của sân golf Tam Đảo bị vỡ. Lần trước xảy ra vào năm 2008.
Theo UBND huyện Tam Đảo, mưa lớn cục bộ trên địa bàn huyện đã sang ngày thứ 2, nhiều hồ đập trên địa bàn huyện hiện nay mực nước đã dâng rất cao, nếu tiếp tục xảy ra mưa thì nguy cơ xảy ra các sự cố về đập là rất lớn.
Tàu cá ngư dân Việt Nam bị tố xâm phạm vùng nước Indonesia ngày một nhiều
Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 5 dẫn tin từ mạng báo Mongabay cho biết, các tổ chức dân sự về nghề cá của Indonesia mới đây đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ nước này gia tăng việc kiểm soát và bảo đảm an ninh khu vực biển gần quần đảo Natuna do nước này kiểm soát vì tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm ngày một nhiều.
Khu vực quần đảo Natuna nằm ở phía đông nam của Việt Nam và phía đông bắc Indonesia. Vùng biển gần quần đảo này cũng là nơi hai nước vẫn còn khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn vẫn chưa được phân định.
Theo dữ liệu của tổ chức Sáng kiến Công lý Biển của Indonesia – IOJI (một cơ quan tư vấn), phần mềm định vị tàu AIS đã phát hiện 34 tàu cá Việt Nam, trong khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy 107 tàu cá Việt Nam ở phía bắc Natuna từ tháng hai đến tháng tư năm nay.
Mongabay trích lời của người đứng đầu Liên minh các ngư dân Natuna, Hendri, cho biết, ngư dân Indonesia thời gian gần đây phát hiện nhiều tàu cá treo cờ Việt Nam ở vùng biển này, gây ảnh hưởng đến ngư trường truyền thống của ngư dân Natuna.
Liên minh các ngư dân Natuna cho biết sản lượng đánh bắt cá của ngư dân bản địa đã bị giảm khoảng 50% do tình trạng này.
Người đại diện cho ngư dân Natuna cũng cáo buộc một số tàu cá Việt Nam thậm chí đã đi sát quần đảo, chỉ cách khoảng 38 hải lý và đi giữa ban ngày.
Theo IOJI, trong các năm từ 2015 đến 2019, cơ quan nghề cá của Indonesia đã bắt giữ 603 tàu nước ngoài vào đánh cá trộm, trong đó có 234 tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, phía Indonesia chỉ bắt giữ được 54 tàu cá Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia đánh bắt cá trái phép ngày một nhiều, theo Mongabay, là do tình trạng sụt giảm nguồn cá ở vùng biển Việt Nam khiến ngư dân phải đi đánh bắt xa bờ.
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam thời gian qua cũng bị bắt giữ ở các nước láng giềng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Nghi án Tenma: Công tố viên nói công ty Nhật Bản đã hối lộ quan chức Việt Nam
BBC – Truyền thông Nhật ngày 23/05 đưa tin, các công tố viên Tokyo đã buộc tội ba người thuộc công ty nhựa Nhật Bản với tội danh hối lộ các quan chức hải quan và thuế Việt Nam để chi nhánh công ty này tại Việt Nam trốn nộp thuế.
Đơn vị điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố quận Tokyo ngày 23/5 đã công bố cáo buộc đối với Kaneto Fujino, 69 tuổi, cựu chủ tịch Tenma Corp., Tsutomu Hosogoe, 57 tuổi, cựu giám đốc phụ trách kế hoạch doanh nghiệp và Haruhiko Yoshida, 51 tuổi, cựu chủ tịch Công ty Tenma Việt Nam, công ty con của Tenma.
Theo trang Asahi Shimbun, “Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Tenma Việt Nam phải trả số tiền tương đương 1,8 tỷ yên (14 triệu USD) tiền truy thu thuế cho năm 2017.”
“Để giảm số tiền đó, ba nghi phạm bị buộc tội đã đưa số tiền mặt trị giá khoảng 9,8 triệu yên cho quan chức hải quan tại văn phòng công ty con vào năm 2017”.
Tenma Việt Nam được miễn trả thuế sau khi đưa số tiền này, theo báo cáo của ủy ban bên thứ ba do Tenma thành lập.
Ông Hosogoe và ông Yoshida cũng bị buộc tội đưa khoảng 13,8 triệu yên cho các quan chức hải quan Việt Nam trong năm 2019 với mục đích tương tự.
Chủ tịch công ty mẹ Tenma Corp. tại Tokyo là Kaneto Fujino bị buộc tội duyệt chi các khoản tiền này, vốn bị cáo buộc là vi phạm Luật Phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh của Nhật Bản.
Tenma được cho là đã tự trình báo các khoản hối lộ này với giới công tố Tokyo và giới chức điều tra của Nhật đã thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam hỗ trợ điều tra.
Ngay sau khi có tin liên quan đến vụ việc từ phía Nhật Bản vào khoảng giữa năm 2020, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Thành Tô – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, và ông Phạm Đức Thường – Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
Báo chí trong nước vào tháng 12/2020 cho biết, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thanh tra vụ việc ở Công ty Tenma Vietnam và cho rằng Công ty Tenma Vietnam không trốn thuế trong quá trình nhập khẩu linh kiện để sản xuất, xuất khẩu đúc.
Báo Thanh Niên trích lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua thanh kiểm tra việc xử lý thuế với Công ty Tenma Việt Nam, dù xác định không làm thất thu thuế nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại, nhưng việc kết luận có hối lộ đoàn kiểm tra sau thông quan hay đoàn kiểm tra thuế không thì vẫn chưa có thể kết luận được.
Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần: Bộ trưởng Giáo dục đưa hàng loạt nguyên nhân
Hoàng Minh
Giá sách giáo khoa mới cao hơn ít nhất 2 – 3 lần sách giáo khoa cũ, số đầu sách tăng vọt, một số sách không cần thiết vẫn bắt học sinh mua… là những vấn đề dư luận tại Việt Nam quan tâm trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân để giải thích về thực trạng trên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích sách giáo khoa mới đắt vì khổ lớn, giấy tốt, từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành do doanh nghiệp đảm nhiệm. (Ảnh: quochoi.vn)
Báo chí nhà nước thời gian qua phản ánh một bộ sách lớp 3 hiện tại giá 58.000 đồng, trong khi bộ mới có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng, cao hơn ba lần. Mức này của bộ mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh – cuốn thường đắt nhất. Do Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với lớp 3 từ năm học tới, phụ huynh sẽ phải chi thêm ít nhất vài chục nghìn nữa.
Bộ sách lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với hiện hành (134.000 đồng một bộ).
Với lớp 10, giá một bộ từ 246.000 đến 301.000 đồng, tuỳ thuộc tổ hợp môn học. Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Trong khi đó, giá bộ cũ là 164.000 đồng, theo báo Vnexpress.
Báo Thanh Niên dẫn lời một phụ huynh nói: “Con tôi học theo chương trình mới đã 2 năm, thật sự là bộ sách giáo khoa quá lãng phí, bòn rút tiền phụ huynh khi mà nhiều cuốn sách cả năm không thấy thầy cô nhắc tới, học hết năm mà sách vẫn mới cứng, chưa hề mở ra để học”.
Một độc giả khác bình luận: “Xưa nay sách giáo khoa chưa khi nào trở thành sản phẩm thương mại như bây giờ. Đến gia đình ở thành phố còn “cháy túi” với sách giáo khoa nữa là các gia đình ở nông thôn, miền núi”.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay (25/5), trước khi đề cập tới vấn đề giá sách tăng 2-3 lần, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Việc này tôi không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để đại biểu biết thêm”.
Theo ông Sơn, khi so sánh giá sách thì chúng ta có cái so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.
“Ví dụ, sách mới cho các lớp 1, 2, 3, 7, 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính”, ông Sơn nói.
Còn bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá thành sách của Nhà xuất bản Giáo dục năm nay là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.
Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016, các sách mà nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.
Nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000-100.000 đồng, còn giá bộ sách mới giá thành dao động từ 200.000-300.000 đồng tùy từng loại sách.
“Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì thấy khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì nó đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu như so với các bộ sách mà nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng”, ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, khi sách chưa phát hành, NXB đã phải cung cấp bản PDF trên trang web, học sinh có thể tải xuống thuận tiện. “Bộ đang tiến hành các giải pháp để giá SGK hợp lý, thuận tiện nhất cho người học”, ông Sơn nói.
Về thông tin trên mạng nói rằng sách giáo khoa không dùng lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.
“Chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong. Cụ thể giai đoạn này thay lớp 1, 2, 3, 7, 10, còn năm tới là lớp 4, 8, 11. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới”, ông Sơn cho hay.