Úc cần chủ động hơn ở khu vực Thái Bình Dương trước sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc

Steve Milne

Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele (bên trái) bắt tay Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để đánh dấu việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc hội tháng 09/2019. (Ảnh: Naohiko Hatta-Pool/Getty Images)

Một học giả hàng đầu thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã cảnh báo rằng cơ hội để giữ vai trò lớn hơn ở Thái Bình Dương của Úc đang thu hẹp lại khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này.

Nghiên cứu viên cao cấp tại Khoa Các vấn đề Thái Bình Dương thuộc ANU, Phó Giáo sư Graeme Smith, biên tập viên của một cuốn sách mới đào sâu vào các chủ đề bao quát hơn về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cho biết hôm thứ Ba rằng các thỏa thuận an ninh, chẳng hạn như thỏa thuận được ký kết gần đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon sẽ trở nên phổ biến hơn và Úc cần tăng cường sự hiện diện của họ.

Ông nói: “Ngoài nông nghiệp, chúng ta cần mở rộng kế hoạch dịch chuyển lao động Thái Bình Dương của chúng ta và tạo ra các con đường cung cấp quyền công dân – nếu Úc trở thành một quốc gia Thái Bình Dương hơn, chúng ta sẽ là một đối tác đáng tin cậy hơn trong khu vực này.”

“Chúng ta cần có một chính sách đáng tin cậy để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đào tạo nhân tài ở Thái Bình Dương, cả ở trong nước và thông qua học bổng.”

Tuy nhiên, ông Smith nhấn mạnh rằng thỏa thuận an ninh của Trung Quốc và Quần đảo Solomon có thể sẽ phơi bày những sai sót trong hệ thống quản trị của Quần đảo Solomon, khiến chúng dễ bị khai thác.

Ông nói: “Nếu có lỗ hổng trong hệ thống của quý vị, dù là tiền bạc trong chính trị, việc thực thi lỏng lẻo các quy tắc xây dựng, hoặc tham nhũng xung quanh việc khai thác đất đai để phát triển, thì các quốc gia lớn như Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác những lỗ hổng đó.”

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (bên phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt vệ binh danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2019. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Vấn đề này được đưa ra sau khi Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do trung hữu James Patterson, chủ tịch Liên Ủy ban về Tình báo và An ninh Úc, tuyên bố rằng từ lâu, chính phủ Úc đã biết rằng Bắc Kinh có “tham vọng mở rộng” ở Thái Bình Dương.

Ông nói với Sky News Australia hôm 05/05: “Từ lâu, họ đã muốn thiết lập sự hiện diện quân sự và lâu dài ở Thái Bình Dương, và chính phủ của Quần đảo Solomon không phải là chính phủ đầu tiên nhận được lời đề nghị như vậy, và đó sẽ không phải là quốc gia cuối cùng. Chúng ta phải đề phòng mối đe dọa này. Đó là một việc rất nghiêm trọng.”

Ông Paterson cho rằng những người quen thuộc với Đệ nhị Thế chiến sẽ biết tầm quan trọng chiến lược của khu vực Nam Thái Bình Dương, và đó là một trong những lý do tại sao chiến lược hợp tác Bước tiến Thái Bình Dương được khai triển.

Ông nói: “Lợi ích của chúng tôi ở Thái Bình Dương là rất rõ ràng, và đó là lý do tại sao chúng tôi tái tập trung vào chương trình viện trợ quốc tế của mình cho Thái Bình Dương. Chúng tôi đang tham gia vào một trò chơi có tổng bằng không để giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.”

Bìa sách Sự thay thế Trung Quốc: Thay đổi trật tự khu vực ở quần đảo Thái Bình Dương (ANU Press 2021). (Ảnh: ANU Press cung cấp cho The Epoch Times)

Cuốn sách mới, “Sự thay thế Trung Quốc: Thay đổi trật tự khu vực ở quần đảo Thái Bình Dương” (The China Alternative: Changing Regional Order in the Pacific Islands) được phát hành hôm thứ Tư (25/05) và có 17 học giả hàng đầu ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương trình bày chi tiết về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, phân tích các tác động chiến lược, kinh tế và ngoại giao đối với các quốc gia trong khu vực này.

Cuốn sách cũng làm sáng tỏ các khía cạnh chủ chốt trong sự can dự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm các chương trình viện trợ và ngoại giao, bên cạnh các khoản đầu tư lớn vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Phó Giáo sư Greg Fry thuộc Khoa Coral Bell về các vấn đề Châu Á Thái Bình Dương của ANU cho biết đây là cuốn sách “cần phải đọc” đối với tất cả sinh viên và học viên muốn hiểu về tình hình địa chính trị mới của khu vực Thái Bình Dương.

Ông nói: “Cuốn sách truyền cảm hứng cho các đối tác truyền thống suy nghĩ sâu sắc hơn.”

“Cuốn sách tập hợp một dàn học giả Thái Bình Dương xuất sắc để khám phá chuyên sâu về tác động của việc thay đổi vai trò của Trung Quốc đối với khu vực quần đảo ở Thái Bình Dương.”

Ông Fry lưu ý rằng cuốn sách “đặt các đảo quốc Thái Bình Dương vào trung tâm của phân tích bằng cách đặt câu hỏi về cơ quan tập thể mà họ có thể có trong bối cảnh chiến lược đang phát triển nhanh chóng này.”

Anh Steve là một phóng viên người Úc ngụ tại Sydney chuyên đưa tin về thể thao, nghệ thuật và chính trị. Anh là một giáo viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm, một chuyên gia dinh dưỡng có trình độ, một người đam mê thể thao và một nhạc sĩ nghiệp dư.

hánh Ngọc biên dịch

Related posts