Tác giả: Trần Minh
Câu truyện mà tôi kể dưới đây diễn ra trên toàn miền Bắc Việt Nam từ khoảng năm 1965 tới 1972. Trong bẩy năm trời đó, hàng triệu người tham gia vào câu truyện này và là nhân chứng, vậy mà cho tới nay không một báo chí, một truyện ngắn, truyện dài nào nói đến “sự kiện lịch sử” này. Điều này làm cho tôi cứ băn khoăn suy nghĩ trong nhiều năm trời: Tại sao có những sự việc phi lý đến như vậy mà lại có hàng triệu người vui vẻ tuân theo; cho tới bây giờ đang thời kỳ “mở cửa”, tiếp xúc với “Thế giới văn minh” bên ngoài nhưng khi nghe hỏi về sự việc đó thì vẫn có rất nhiều người đồng tình với nó và cho đó là đúng, là hợp lý.
Câu truyện có thật tôi kể dưới đây có tên là: “CHIẾC MŨ RƠM”.
Năm 1965 cả gia đình tôi theo trường học mà bố tôi đang làm giáo viên đi sơ tán về một vùng quê thuộc huyện Tân Yên – tỉnh Hà Bắc.
Trước đó cha tôi dạy vật lý và hoá học ở khoa sinh vật trường Đại học tổng hợp Hà Nội (từ 1955 tới 1964). Trong những năm 1960 tới lúc đó có nhiều cán bộ giảng dạy và nghiên cứu được đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc trở về nước để nhận “trọng trách” cải cách nền giáo dục Việt Nam. Số cán bộ mới này hầu hết là đảng viên cộng sản. Họ bắt đầu dấy lên phong trào chỉnh huấn để “tẩy não” những người như cha tôi mà họ gọi là “trí thức lưu dụng”. Ngoài giờ lên lớp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm, những “trí thức lưu dụng” phải học chính trị – triết học Mác-Lênin và phải học tiếng Nga, phải học lại giáo trình cơ bản của khoa học Xô-viết, về nội dung đại cương thì nó cũng không khác gì lắm với khoa học phương Tây, chỉ có điều phải thay tên một số công thức – định luật của các khoa học gia Anh-Pháp-Đức bằng tên các khoa học gia Nga hoặc Xô viết như Lomonosov, Mendeleev, Sionkovski, Kurchatov, v.v… Chiến dịch cứ thế phát triển đến mức độ những người học tập phải viết “kiểm điểm” thừa nhận một số kiến thức và suy nghĩ của mình là tàn dư thối nát, lạc hậu của chủ nghĩa đế quốc thực dân: “Sự tiến bộ và sức mạnh của bọn chúng chỉ là con hổ giấy”.
Họ hạn chế số giờ lên lớp của những “trí thức lưu dụng” đang học tập cải tạo tư tưởng đó. Thấy không khí quá căng thẳng, cha tôi đã làm đơn xin về giảng dạy tại một trường trung học cấp 3 (lớp 8 đến lớp 10, trong hệ học phổ thông 10 năm thời kỳ đó). Đơn được chuẩn y và cha tôi được điều về dạy môn vật lý và hoá học ở trường phổ thông cấp 3 Lý Thường Kiệt. Trường này vốn nằm ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội; thời Pháp nó vốn là một nhà tu kín liền với bệnh viện, nhưng sau 1954 nó được Nhà nước trưng thu để trở thành trường học.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam, phi công Avarez bị bắt sống, thì tình hình ngày càng căng thẳng. Mọi người dân miền Bắc được học tập, phổ biến rằng: “Đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh miền Bắc…toàn dân phải tham gia chống Mỹ cứu nước…đi sơ tán cũng chính là chống Mỹ cứu nước của các em học sinh và thầy cô giáo”.
Trường mà cha tôi mới được chuyển về đó đi “sơ tán” ở vùng Tân Yên – Hà Bắc. Cha tôi chấp hành “chủ trương sơ tán của Đảng và Chính phủ” rất triệt để: đưa cả gia đình, gồm vợ và ba đứa con trai đi sơ tán cùng với nhà trường.
Đó là một vùng quê rất đệp, yên ả…có ruộng lúa nước, có một quả đồi lớn mà người ta trồng dứa và sắn trên đó. Dưới quả đồi là một con sông gọi là Sông Máng (vì từ thời Pháp thuộc nó được cải tạo, nạo vét và nằm trong hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi), chúng tôi hay ra tắm ở con sông này vào những chiều mùa hè nóng nực.
Mỗi làng của tỉnh Hà Bắc trước đây đều có một tổng thể kiến trúc: đình – đền – chùa. Ngôi làng mà chúng tôi ở trước đây cũng vậy, những ngôi đình làng đã bị phá thời cải cách ruộng đất, dân làng kể lại trước đây vùng này có nhiều cường hào, ác bá. Đình làng đã từng chứng kiến biết bao cảnh bắt sưu thuế, biết bao cuộc bắt vạ “dân lành” phạm tội như: chửa hoang, rượu lậu, công nợ…và các cuộc đình đám, sóc vọng của lớp quan viên, phú ông; cho nên trong cuộc đấu tố địa chủ, cường hào, ác bá của đợt “cải cách ruộng đất” lần thứ hai, đình làng là nơi tố đấu. Trong cơn giận phừng chưa hả sau cuộc tố đấu địa chủ, một số bần nông cốt cán đã phá phăng cái đình ấy đi…họ chia nhau các cột, kèo, cửa…bằng gỗ lim. Còn một số đồ thờ tự thì phá làm củi, các đồ đồng và sứ gốm thì chia cho các gia đình nghèo đem về nhà dùng.
Sau khi tháo dỡ cái đình, người ta dùng lại một số gạch cũ của nó xây cái bảng tin hợp tác xã. Thỉnh thoảng một số nhà thơ xóm nổi thi hứng bút tre viết sáng tác bằng phấn lên cái bảng đen. Ví dụ, một bài thơ đả kích thói gia trưởng của đàn ông: Ngày xưa anh cưới được tôi / anh cũng ăn hỏi cỗ bàn đình đám/ bây giờ tôi đã năm con / anh chê anh chửi là con gái già / ức hiếp phụ nữ đàn bà / con lợn cũng tiếc con gà cũng thương.
Dân làng kể rằng một số người được hưởng lợi từ cuộc cải cách ruộng đất này, trong đó nổi tiếng nhất là ông Thới. Bố mẹ ông Thới bị quy là thành phần địa chủ tuy họ chỉ có hơn một mẫu ruộng. Họ chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, cũng như dân làng, đến nửa năm họ cũng ăn cơm độn khoai, sắn. Khi cấy hoặc mùa gặt, bí lắm thì thuê một hai công nhật. Căn cơ trong nhiều năm họ cất được một căn nhà xây một tầng, hai gian ba trái. Họ có bốn người con, ba gái một trai. Thới là con trai duy nhất. Vì thân phận độc đinh, nối dõi tông đường nên Thới được cả nhà nuông chiều không phải lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời như các chị em. Anh ta đi học được vài năm, đủ trình độ để đọc được các thông báo treo ở sân đình và ký tên ở các giấy tờ. Thới có một đam mê là cờ bạc: Biết chơi các loại bài bạc, cao cấp thì tổ tôm, chắn…bình dân thì là các loại trên cỗ bài Tú lơ khơ. Anh chê tam cúc là loại dành cho đàn bà trẻ con đánh vui cò con mấy ngày tết. Cha mẹ Thới trách mắng anh nhiều lần, doạ đuổi anh khỏi nhà mỗi khi phải trả nợ thay cho anh. Khi đội cải cách ruộng đất về làng, họ theo chỉ tiêu cấp trên giao, chọn ra bốn gia đình để quy địa chủ, trong đó có gia đình Thới. Tại buổi dân làng tụ họp ở sân đình tố đấu địa chủ, anh đứng lên phát biểu tố cha mẹ mình là “bóc lột”, là “giai cấp ngồi mát ăn bát vàng”…Có người nói rằng anh được cán bộ cải cách mớm lời với hứa hẹn được thưởng công là sẽ hưởng gia sản của cha mẹ sau khi bị tịch thu. Nhưng Thới không hề được hưởng, ruộng đất và con trâu nhà anh bị sung công, ngôi nhà bị chia cho một hộ bần nông. Vì quá đau buồn và lao động vất vả thời gian sau đó, đói khát nên cha mẹ Thới qua đời. Bốn chị em Thới bỏ làng tha hương cầu thực. Thời kỳ sau đó khi gia đình tôi sơ tán ở đây là giai đoạn hợp tác hoá nông thôn.
Trên nền cũ của đình, bây giờ là một sân gạch lớn. Ngôi đình sau đó được sửa chữa lại làm nhà kho chứa thóc của hợp tác xã. Lũ trẻ con chúng tôi thường ra chạy nhảy ở cái sân này. Tuy thế, ở một góc sân vẫn còn tồn tại một ngôi chùa nhỏ. Cửa chùa thường đóng im ỉm, giữ chùa là một bà mõ già, chúng tôi thường thấy bà quét lá ở quanh chùa đêm về đun, không biết bà sống bằng gì, nhưng chắc đời sống cũng nghèo khổ, eo hẹp lắm, vì thường thấy bà đi mót lúa, mót khoai. Những năm đó rất ít người lên chùa lễ bái, kể cả ngày rằm – mùng một…vì “lễ chùa” là biểu hiện của mê tín dị đoan, tàn dư của phong kiến, đế quốc, nên ai cũng sợ. Hơn nữa, nhà chùa cũng nhận được “lệnh ngầm” của chính quyền địa phương phải đóng cửa trong thời gian này.
Vùng này có một phong cảnh độc đáo đó là một gò đất nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông. Giữa đỉnh gò là một cây ngô đồng, sát cạnh cây ngô đồng là một cái miếu nhỏ: Trong cái hốc tối tăm của nó chỉ có độc một cái bát hương, chắc bạn nghĩ cây ngô đồng là loại cây nhỏ bé mảnh khảnh như cây ngô ở ngoài đồng chứ gì? Không đâu, tôi không biết do đâu mà người ta gọi nó là “ngô đồng”, chứ thực ra nó là loại cây thân gỗ có tán rộng cao phải tới 10-12 mét. Tầm trưa, bà con nông dân nghỉ tay tập trung về cái gò này để ăn cơm và nghỉ trưa dưới bóng mát của cây ngô đồng. Có khối câu chuyện đùa nghịch dí dỏm giữa bên nam và bên nữ diễn ra ở đây trong những lúc nghỉ trưa như thế…có một bài hát quan họ chắc lấy cảm hứng, thi vị từ cây cổ thụ trên những cái gò dốc như vậy ở giữa cánh đồng: “Trèo lên quãng dốc tới gốc ối a cây đa…”. Năm 1968 trong cao trào đập phá các đình – chùa – miếu mạo, dân quân của làng đã chặt đổ cây ngô đồng và phá cái miếu nhỏ ấy đi…từ đó hết bóng mát và không còn ai tới nghỉ trưa trên cái gò ấy nữa.
Ở chỗ ngã ba từ đường đê rẽ vào làng có một cây đa rất to. Không biết nó đã bao nhiêu ruổi nhưng cành lá của nó xum xuê lắm, có một số rễ to bằng bắp tay chảy từ trên cành xuống đất rồi cắm sâu vào lòng đất. Lũ trẻ chúng tôi thường chơi đánh đu, leo trèo với những cái rễ đa này. Người ta gọi cây đa này là cây đa “Trời ơi”, cái tên nghe cũng kỳ lạ nếu không được các cụ phụ lão giải thích: Ngày trước vùng này hay có cướp đường vào ban đêm, chúng phục ở cây đa này để cướp những người đi chợ về muộn, những khách đi tầu hoả xuống ga Sen Hồ rồi đi bộ hay xe ngựa theo đường đê về Việt Yên, Nhã Nam…thỉnh thoảng giữa đêm người ta nghe thấy tiếng hét “Trời ơi” thất thanh…thì cũng biết là lại có nạn nhân bị cướp ở chỗ cây đa đó rồi. Đến lúc cùng đường, con người ta gọi tên Thượng đế để mong Ngài cứu giúp chăng?
Dân làng xây cái miếu nhỏ để thi thoảng cúng tế các oan hồn bị cướp giết ở đây – mà theo
như các cụ kể lại thì sau đó, đều bị ném trôi sông – trong các dịp lễ xá tội vong nhân, cuối năm…Trong đầu óc thơ bé của tôi, khu vực này có một cái gì rất thần bí, đáng sợ…đặc biệt về đêm. Ban đêm không bao giờ lũ trẻ chúng tôi dám bén mảng tới khu vực này, kể cả những đêm trăng sáng.
Ở khu vực ngã ba đường này có một quả đồi lớn gọi là đồi Bói. Gần đỉnh đồi có một cái nhà tranh lớn, đó là gia đình lão Củ. Lão sống ở đây từ 1956, khi đó đồi Bói là một quả đồi hoang đầy cỏ dại, năm này qua năm khác hai vợ chồng lão khai phá quả đồi này trồng dứa và sắn. Khi gia đình tôi sơ tán về làng này thì cả quả đồi đã xanh tốt: Phần đất phủ đầy được trồng sắn, phần sỏi đá lổn nhổn thì trồng dứa. Vợ lão Củ lúc này đã chết, lão sống với đứa con trai duy nhất khoảng 7-8 tuổi. Cha tôi nói rằng nó bị bệnh bại não thể nhẹ.
Lão Củ là một người cao lớn, trạc 45 tuổi, tóc đen nhánh và quăn tít mắt lồi. Lão bị mất phần dái tai bên trái và cụt hai đốt ngón tay trỏ bên phải, hai răng cửa hàm trên bịt vàng, mỗi khi lão cười cứ loé lên lấp lánh, trông càng ghê. Lão hay uống rượu lúc chiều tối nhưng chưa hề say đến mức quậy phá bao giờ. Lão tự nấu lấy rượu cất từ sắn do lão trồng.
Dân làng đồn rằng trước đây lão làm nghề ăn cướp ở ngã ba này, nhưng lão lại bảo trước đây lão làm nghề mổ lợn, rồi có thời gian tham gia du kích đánh Pháp. Lão có giấy chứng nhận là cha liệt sĩ. Chính vì tấm bằng “gia đình liệt sĩ” đó mà lão từ chối không gia nhập hợp tác xã với lý do lão đã có tuổi, không thể cùng làm việc theo công điểm như cánh trẻ được, lão lại chỉ quen trồng sắn, trồng dứa và chăn nuôi lợn gà, chứ không biết làm ruộng lúa…lão cũng đã bị phê bình mấy lần ở Đại hội xã viên của làng, nhưng rồi người ta cũng mặc kệ, không đả động gì đến lão nữa.
Không hiểu sao, tôi rất sợ lão Củ, cúng giống như hầu hết trẻ con trong làng. Trong con mắt chúng tôi, lão Củ thực sự đã là một tên cướp, đã từng cắt cổ và ném xác người ta xuống con sông Máng, đêm đêm uống rượu say lão vẫn tiếp xúc với ma quỷ ở chỗ cây đa “Trời ơi” vì… thỉnh thoảng lão vẫn ra ngồi ở đó hóng gió về đêm. Cứ thấy bóng lão khệnh khạng trên đường làng từ phía xa, là chúng tôi vội vã lỉnh đi hết. Có lần mải chơi, không để ý lão từ phía sau đi đến. Bọn trẻ chơi với tôi ngước lên thấy lão, hét lên ù té chạy, chỉ còn trơ lại mình tôi, lão bế thốc tôi lên, cọ râu vào má tôi, một tay mân mê hai hòn dái tôi, cười khà khà:
“À, con trai ông giáo Hưng đấy hả, người Hà Nội đấy hả…việc gì mày phải sợ tao thế, hôm nào sang nhà tao chơi, cháu nhé”.
Tôi sợ gần như sắp ngất đi trong vòng tay cứng như sắt của lão. Lão vừa đặt tôi xuống đất, tôi chạy ù về nhà, gục đầu vào gối khóc nức nở.
Lão Củ có một thằng con trai, gọi là thằng Lì, không biết tên khai sinh của nó là gì, vì nó không đi học. Nó chỉ quanh quẩn ở nhà giúp bố trồng trọt và chăn nuôi. Trái ngược với bố nó, nó gầy bé và nhút nhát. Nó không chơi bời gì với bọn trẻ trong làng.
Mười bẩy năm sau tôi trở lại thăm làng này, tôi đã gặp lại lão Củ – lão đã trở thành một ông già gầy guộc, lẩm cẩm. Tôi chào lão và tự giới thiệu, lão không còn nhận ra tôi. Thật lạ, sao dạo đó tôi thấy lão dễ sợ đến thế nhỉ… Con người biến đổi nhanh quá! Trong làng còn có một gia đình “dị biệt” nữa đó là gia đình ông Lừ. Gia đình này, giống như lão Củ, không gia nhập hợp tác xã. Ông Lừ lưng gù gập như thước thợ, từ lúc bé ông đã bị như vậy, nên ông không thể cày cuốc như mọi dân làng. Nhưng trời phú cho ông có đoi tay đan lát rất khéo, nên ông kiếm sống bằng nghề đan thúng, mẹt, rổ, rá… Các sản phẩm này của ông đều đẹp, bền nên được cả làng và cả chợ Ngọc Thiện tín nhiệm đặt mua, ông còn đan được cả thuyền thúng nên thỉnh thoảng dân chài lưới đến đặt ông làm thuyền cho họ. Ông hiền lành, ít nói, chăm làm và sống tử tế, mực thước nên được cả làng quí. Ba năm trước, lúc đó ông khoảng 40 tuổi, ông gặp một “bước ngoặt cuộc đời”, đó là gặp cô Lài, vợ ông bây giờ. Câu truyện như sau: Một hôm ông được mời đi ăn đám ở một làng cách làng này khoảng 3 km, ở nhà một người anh con chú con bác gì đó. Tại bữa rượu, ông được bà chị dâu họ giới thiệu với cô Lài. Cô này lại là người chị em con dì con già với bà này, cô Lài vừa mới sinh một đứa con gái cách đây hai tháng, mà cô lại không có chồng. Những năm đó các cô gái mắc “tội trạng” này không còn bị gọt đầu, bôi vôi, rong đi khắp làng như ngày xưa, nhưng bị đưa ra đại hội xã viên kiểm điểm ghê gớm lắm. Gia đình cha mẹ cô cũng bị kiểm điểm, do không quản lý được con gái. Trẻ con trong làng thường la hét chế giễu, nhất là từ tháng thứ năm thứ sáu trở đi, vì lúc đó cái bụng đã lùm lùm, “chửa hoang hoảng chưa” hay “không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian bảo thường!”.
Cô Lài khá xinh đẹp, da trắng, mắt lá răm, hay nhìn xuống, ngực nở nang, thắt đáy lưng ong… nên sự châm chọc càng thêm ác độc, nhưng cô không hề khai ra ai là tác giả của cái bầu. Đến khi cô sinh con, những tưởng sự đả kích dịu đi, nhưng nó vẫn dai dẳng theo hướng: Trông con bé nó giống ông A, giống ông B, giống anh X đi bộ đội năm ngoái .v.v…Cha mẹ cô không chịu đựng được sự chế giễu dai dẳng nên có ý định đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà, muốn đi đâu thì đi cho khuất mắt. Nếu vậy cô chỉ còn có nước bế con đi ăn mày.
Giữa lúc này thì một bà chị em họ của cô nghĩ ra một giải pháp tuyệt vời đó là giới thiệu cho cô lấy ông Lừ gù. Lúc này hầu hết trai làng phải nhập ngũ, lớp trung niên, già cả thì đã con cháu dùm dề, chế độ bây giờ lại nghiêm cấm lấy vợ lẽ…vậy thì lấy được ông Lừ là “giải pháp tối ưu” cho cô rồi, vợ chồng bà này nghĩ vậy, rồi thì nghĩ sao làm vậy. Nhân có bữa giỗ cụ tổ, họ mời ông Lừ sang dự. Mọi việc diễn ra êm đẹp đúng như họ dự tính: Ông Lừ chấp nhận lấy cô Lài: “được cả bò lẫn bê” còn gì nữa… rồi sau đó cũng ra uỷ ban xã làm đăng ký kết hôn, cũng có năm bẩy mâm tổ chức “liên hoan” ở nhà ông Lừ, mời họ hàng hai bên. Sau đó cô Lài bế con về nhà ông Lừ ở hẳn.
Khi tôi ở đó thì “gia thất” của ông Lừ đã yên ấm được gần ba năm trời. Cô Lài không sinh thêm được đứa con nào. Hàng ngày cô chỉ lo cơm nước cho cái gia đình ba người của cô, rỗi việc cô cõng con đi chơi. Sáng nào ông Lừ cũng đưa cô hai hào để hai mẹ con mua hai cái bánh chưng ăn sáng, còn lại mua kẹo hay bánh đa ăn vặt trong ngày… con ông thì chỉ ăn sáng bằng bát cơm nguội còn sót lại của bữa tối hôm trước, củ khoai luộc hay bắp ngô là đủ. Cô Lài ngày càng phây phây làm cho dân làng xì xào: “Lão Lừ bị di tinh hay lãnh tinh hay sao mà con này chẳng chửa đẻ gì…” hay “Khéo lão ấy gù nên cũng bị liệt dương luôn, chứ vợ như thế mà chẳng đẻ đái gì thì kể cũng lạ…”.
Một sáng khi lũ trẻ chúng tôi đang chơi đánh khang thì một đứa nhóc chạy ào tới, vừa thở hổn hển: “Theo tao, xem cái này hay lắm”. Chúng tôi đi lên đồi tới nhà lão Củ. Gần đến nơi, thằng dẫn đường nói:” Im lặng nhé, lão thấy động lão ra đánh chết”. Nhà lão Củ, như hầu hết các nhà trong làng, là nhà lợp mái rơm vách đất. Nhìn qua liếp cửa bằng tre đan, chúng tôi thấy lão Củ và cô Lài trần truồng ôm nhau trên chiếc giường tre “loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan”. Rồi chúng tôi nghe tiếng nói:
- Khiếp, khoẻ thế, vừa xong giờ lại muốn làm nữa.
- Ừ, dái còn săn thì còn thích, cái của thằng chồng em, thì thế nao?
- Hòn dái hắn bé như hòn bi, của anh thì bằng quả trứng gà…Cái cu của hắn thì bằng đốt ngón tay, chưa bao giờ vào được…Lúc chơi thì toàn ngồi lên bụng chứ không nằm được…Ngủ với hắn ấy em thấy tởm lắm.
Sau này, tôi nghe dân làng nói cô Lài vẫn không bỏ ông Lừ. Cô sinh hai đứa con giống lão Củ “như đúc như đằn”. Cô vứt ba đứa con lại cho ông Lừ nuôi bỏ làng đi biệt tích. Ông Lừ rau cháo chỉ nuôi được đứa lớn, hai đứa bé lần lượt chết yểu vì đói cơm khát sữa.
Anh em tôi cũng đã hoà nhập vào cuộc sống nông thôn ở làng này. Sáng sáng xách túi đi học, buổi chiều học bài một chút rồi chạy chơi cùng lũ trẻ chăn trâu. Đời sống lúc đó rất thiếu thốn, đêm thắp sáng bằng đèn dầu hoả còn phải hạn chế; vì chúng tôi có hộ khẩu ở Hà Nội nên được chế độ cung cấp tem phiếu, đại khái như sau: một đứa bé hoặc một người già được từ 5-13 kg lương thực một tháng gồm có: gạo, bột mì, ngô hạt; 300 gr đường / tháng. 300 gr thịt hoặc mỡ / tháng, 4m2 vải / năm. Làm cán bộ hoặc công nhân thì có hơn một chút. 15-17 kg lương thực, 500 gr đường và 500 gr thịt hoặc mỡ / tháng, 5 mét vải / năm. Do đó lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy đói, quần áo thì rách rưới tả tơi, vá chằng vá đụp…cho đến khi tốt nghiệp đại học ở cuối năm 1978, có một chiếc áo sơ mi trắng tinh, một quần kaki mầu thẫm vẫn còn là mơ ước của tôi. Thỉnh thoảng, những trưa hè nắng gắt, tôi theo bọn trẻ trong làng đi bắt cá nắng. Do nước ở ruộng bị ánh nắng đốt nóng nên lũ cua, tôm, cá…chui hết vào các hốc ở bờ ruộng. Chúng tôi bứng rá ở bên ngoài, thò tay vào trong hốc lùa lũ cua, cá, tôm tránh nắng này nhảy ra, rơi vào rá. Đi một lúc buổi trưa, có hôm tôi bắt được đầy một rá cua, tôm, cá…chiều hôm đó và cả ngày hôm sau gia đình tôi có một bữa ăn tươi.
Đó là mấy lời tản mạn mô tả cuộc sống và môi trường xã hội của cái làng mà gia đình tôi đi sơ tán trong năm 1965-1966, bây giờ trên bối cảnh đó, tôi đưa các bạn quay lại với câu truyện về chiếc mũ rơm.
Sau sự kiện vịnh Bắc bộ, máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá một số vùng ở Bắc Việt Nam, không khí lúc này đã khẩn trương và sôi sục lắm. Khắp nơi họp hành phổ biến tình hình mới. Nam thanh niên nô nức tòng quân hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ ở nhà thì phải tham gia phong trào “Ba đảm đang”, mà nhiều người không biết được nội dung của cái khẩu hiệu đó là gì. Họ chỉ biết rằng bây giờ họ phải xa chồng, xa người yêu, xa con… và họ phải làm thay đàn ông trong các công việc như: cày, bừa, gặt,.v.v… họ còn phải tham gia dân quân tự vệ. Tập lăn lê bò toài, bắn súng, mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay phản lực ở trên trời, họ vơ lấy khẩu súng trường, chạy bổ ra bụi tre, chĩa súng lên trời bắn đì đòm, khắp nơi đào hầm trú ẩn bom Mỹ. Thời gian này chính quyền địa phương phổ biến một mệnh lệnh, mọi người khi ra ngoài đều phải đội mũ rơm để tránh mảnh đạn từ trên trời rơi xuống. Đây cũng là một hành động góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Có hai kiểu mũ rơm, một kiểu có vành như mũ sombrero của dân Nam Mỹ, được kết lên bằng loại rơm nhỏ lấy ở phần trên của cây lúa. Nó dầy khoảng 1-2 cm, trông cũng hơi “mảnh mai điệu đàng” một tí nên được mọi người ưa dùng hơn.
Kiểu thứ hai không có vành, lùm lùm như cái mũ sắt, được kết lên từ loại rơm thô lấy ở phần dưới của cây lúa (người ta gọi là rạ). Nó dầy gấp đôi gấp ba kiểu thứ nhất. Vừa thô kệch, vừa nặng nề nên người ta gọi nó là “rơm cối”, để phân biệt với loại kia gọi là “rơm vành” nên ít người thích mang. Tuy rằng theo cảm tính thì nó phải có tác dụng chống mảnh đạn, mảnh bom gấp hai ba lần loại “sombrero” kia.
Lúc mới có lệnh phải đội mũ rơm, ai ai cũng nô nức kết mũ nhưng không phải ai ai cũng thành công. Những nhà nông quen việc đan lát thì dễ thôi, chỉ vài tiếng hoặc cùng lắm nửa ngày là họ đã làm xong một chiếc mũ khá chắc chắn; xong với những học sinh thành phố và các giáo viên như cha tôi thì cả ngày cũng chưa kết xong một chiếc, mà có xong thì cũng xộc xệch méo mó chẳng ra hình thù gì.
Do đó những người này phải nhờ những tay “chuyên nghiệp” kết giúp. “Bác kết giúp tôi mấy cái mũ cho tôi và các cháu… Vâng, tôi xin biếu bác…”. Như vậy là ngay từ thuở ban đầu, ở cái mũ rơm đã hình thành quy luật “cung-cầu” muôn thuở. “Nghe nói ông Lừ gù kết nhanh và đẹp lắm mày ạ, đây cái mũ này tao nhờ ông ấy làm đây này, chỉ có…”.
Chỉ trong có vài ngày đã nổi lên hai “lò” chuyên sản xuất mũ rơm là “lò” lão Củ và “lò” ông Lừ gù, đó là nguồn “cung”, còn “cầu” thì đa số là mấy trăm thầy trò của trường phổ thông Lý Thường Kiệt về ở đây “sơ tán chống Mỹ cứu nước”. Nguồn “cầu” thì khá cấp bách, nếu không có mũ rơm đội đến lớp thì bị phê bình là không nghiêm túc chấp hành chủ trương, là chủ quan khinh địch, nhỡ “mất trốc như nhỡi” (mất đầu như chơi – tiếng xứ Nghệ) thì sao? Cho nên có chiếc mũ rơm “phòng vệ” ta cũng yên tâm đi!
Có một điều phiền toái cho người sử dụng là do chất liệu là rơm, cho nên cả hai loại mũ này rất chóng “quá đát” , đặc biệt là khi gặp trời mưa nó cứ rã ra. Cái loại “rơm cối” khi đội vừa nặng, vừa ngứa đầu, trông lại “cứ như dở hơi thế nào ấy”…Như vậy ngay từ đầu, cái mũ rơm đã phải hứng chịu sự phê bình khá gay gắt nhưng lại không phải là “chính thống”. Dư luận chính thống là “phải đội mũ rơm để tránh mảnh bom mảnh đạn, là góp phần chống Mỹ cứu nước”, do đó cái mũ rơm vẫn được tồn tại và tôn vinh – mà đa số là anh “rơm vành” (sombrero). Có một bài hát rất phổ biến trong những năm đó, được học sinh từ phổ thông đến đại học hát trong thời gian giải lao giữa các tiết học, lời của nó như sau:
“Mảnh đạn rơi, không sao, không sao, em có mũ rơm. Trường em vẫn đông vui như xưa, vẫn hoà lời ca. Máy bay rơi, bắt phi công, cả trường vui sao. Chiếc mũ rơm khoác trên vai, vẫn đi học đều”.
Cha tôi ngay khi nghe nói về chủ trương “người người đội mũ rơm, nhà nhà có mũ rơm”
thì đã hoài nghi và phản đối. Người nói với mẹ tôi: “Đến chết mất, ba thằng con nhà mình và cả tôi là bốn, thế là phải có bốn cái mũ rơm. Một tháng phải mua mấy lần mũ rơm thì lấy tiền đâu ra?…”.
Lời “tiên đoán” của cha tôi sau này đã tỏ ra xác thực. Vì gặp mưa, vì để quên, vì chơi đùa bị làm bẹp, vì bị mất .v.v… nên mỗi đứa chúng tôi mỗi tháng phả mấy lần sắm mũ rơm. Thật là một kinh phí đáng kể giáng lên đầu cha mẹ chúng tôi!
Có hai người phất lên từ nghề sản xuất mũ rơm đó là lão Củ và ông Lừ gù. Lão Củ từ nay chểnh mảng việc trồng sắn, trồng dứa. Lão bán quyền sử dụng đất một phần đồi cho bố tôi, để gia đình tôi “tăng gia” trồng sắn trên đó, “cải thiện tình trạng lương thực” của gia đình. Đó là hai “lò” chuyên mũ rơm! Ông Lừ thì thôi đan rổ, rá, rế…để chuyên bện mũ rơm theo “hợp đồng”.
Bố tôi thường “đặt hàng” ông Lừ. Vừa vào đến sân nhà ông, bố tôi cười nói: “Chào ông Bế Văn Lừ, ông cho tôi hai cái “rơm vành” nhé, mai lấy được không? Ông đo đầu cho hai thằng này…đó, được rồi”. Trên đường về, tôi hỏi bố tôi:
- Tại sao bố lại gọi ông ấy là Bế Văn Lừ?
- À, bố gọi cho vui, ông ấy cũng thích cái tên ấy nên cười tít cả mắt. Bế Văn Lừ là anh Bế Văn Đàn, “anh hùng lấy thân làm giá súng”. Ông Lừ thì là “anh hùng bện mũ rơm bây giờ”.
Nhiều năm về sau chúng tôi hay nhắc những câu truyện đùa về “anh hùng Lừ” lưng gù gập, lại có cô vợ trẻ đẹp…như một kỷ niệm vui vui của thời “chống Mỹ cứu nước”.
Mới được hai tuần lễ mà chiếc mũ rơm đã trở thành một nan đề của gia đình chúng tôi. Một tối, ông hiệu phó tới chơi nhà chúng tôi. Ông này trước đã tốt nghiệp trường Trung học Anbe Sarô, sau 1954 học đại học sư phạm. Ông biết tiếng Pháp, tính tình điềm đạm, khiêm tốn chứ không hung hăng, bặm trợn như mấy thầy cô xuất thân là học sinh trong chiến khu. Tôi nghe bố tôi nói:
- Nhà tôi gay quá, cứ phải mua mũ rơm luôn, anh tính…tiền ăn còn eo hẹp mà lại phải chi vào cái việc vớ vẩn này thì vô lý quá.
- Nhưng nhà nước bắt thế, đã có chủ trương từ Trung ương, mình phải theo…chứ tôi cũng ngán lắm…
- Anh thừa biết rằng nếu chẳng may có mảnh đạn, chứ chưa nói đến mảnh bom, mà rơi trúng đầu thì có đến mười cái mũ rơm ấy nó cũng xuyên qua như chơi. Không tin anh cứ đội cái mũ rơm ấy để tôi đứng ở trên cao khoảng 20m ném một hòn sỏi xuống đầu anh, để anh có cảm giác sao…?
Ông hiệu phó phá lên cười.
Hôm sau, chắc nghĩ rằng ông hiệu phó đã “ngầm đồng tình” với mình, bố tôi nói với chúng tôi: “Từ hôm nay, các con không cần phải mang mũ rơm đi học nữa. Nếu cô giáo có hỏi, cứ nói bố cháu bảo nếu mà chẳng may có mảnh đạn rơi trúng đầu thì mũ sắt cũng chưa chắc đã giữ được cái đầu chứ đừng nói là mũ rơm…nói với cô ấy là bố đã là giáo sư dạy vật lý – hoá ở Đại học Tổng hợp và bây giờ cũng đang dạy lý – hoá ở trường cấp 3 này đây”.
Bắt đầu từ hôm đó, ba anh em chúng tôi không đội mũ rơm đi học nữa. Và quả nhiên trong vòng mấy hôm, cả ba chúng tôi đều được các thầy cô giáo nhắc nhở phải mang mũ rơm, chúng tôi nói lại lời bố tôi cho phép chúng tôi không mang mũ rơm. Các thầy cô giáo làng rất ngạc nhiên, họ đe doạ sẽ đuổi học anh em chúng tôi nếu không chấp hành. Mấy hôm này, lại có lệnh là không chỉ đội mũ rơm, mà mỗi người còn phải đeo thêm một cái nùn rơm tròn ở sau lưng để tránh mảnh đạn, mảnh bom “rơi xiên” và phải đeo một túi cứu thương nhỏ trong đó có bông, băng, thuốc đỏ…để tự cấp cứu khi bị thương hoặc băng bó cho người khác. Cho nên việc cha con tôi không mang mũ rơm, nùn rơm là một biểu hiện chống đối rất nghiêm trọng. Bố tôi được ông hiệu trưởng gọi đến để chất vấn về việc này. Bố tôi giải thích rằng xác suất mảnh đạn từ trên trời rơi xuống trúng được vào đầu là rất hiếm, còn nếu như đã rơi trúng người thì cái mũ rơm/nùn rơm đó không hề ngăn giữ được. Còn bom nổ trên mặt đất thì mảnh của nó / sức ép của nó còn mạnh hơn nữa. Bố tôi cũng nêu ra cái sự tốn kém, bất tiện của việc mang những “cái của bằng rơm” ấy. Ông hiệu trưởng nổi cáu và yêu cầu bố tôi chứng minh bằng các định luật, các công thức vật lý học cho cái quan hệ giữa mảnh bom/mảnh đạn với cái mũ rơm/nùn rơm ấy. Bố tôi đã đưa ra các công thức, định luật trong sách giáo khoa để chứng minh. Ông kia nói: “Ấy là về lý thuyết, còn thực tế chưa chắc đúng, vả lại đây là một chủ trương từ Trung ương, chúng ta chỉ có chấp hành. Đeo các thứ ấy có hơi phiền một tí nhưng đề cao tinh thần cảnh giác máy bay địch thì cũng vẫn tốt”.
Cha tôi ậm ừ rồi ra về. Người phớt lờ việc thực hiện nghiêm túc “chủ trương mang mũ rơm/nùn rơm”. Lũ trẻ con chúng tôi khi đi học lúc thì mang, lúc không mang. Các học sinh lớp cha tôi dạy cũng thế. Sự việc như vậy diễn ra khoảng nửa tháng, thì chi bộ nhà trường mời cha tôi đến. Bà bí thư chi bộ Đảng, người Hà Tĩnh, dậy môn chính trị – triết học Mác- Lênin, chủ trì. Cha tôi được bà chỉ ngồi vào một góc bàn, tất cả các giáo viên của trường và các bí thư chi đoàn ngồi bao quanh. Bà mở đầu:
- Hôm nay chi bộ chúng ta kết hợp với Liên chi đoàn toàn trường có cuộc họp bất thường. Nội dung là kiểm điểm ông Trần Hưng, giáo viên dạy vật lý và hoá học. Thời gian qua, ông Hưng bước đầu đã tiến bộ, gương mẫu là đưa cả gia đình đi sơ tán theo trường, như vậy là chấp hành nghiêm túc chủ trương triệt để sơ tán, chống Mỹ cứu nước của Đảng và chính phủ.
Song gần đây với chủ trương mọi người phải đội mũ rơm, đeo nùn rơm đi học, khi ra khỏi nhà thì ông Hưng đã không gương mẫu thực hiện, cả gia đình ông thường không đội mũ rơm, đeo nùn rơm, ông chủ quan dựa vào kiến thức để bài bác tính chống đạn, phòng hộ của các vật này…việc làm này có ảnh hưởng rất xấu tới các con ông và các em học sinh ở các lớp ông dạy. Đó là nghi ngờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dẫn đến làm ngơ không thực hiện. Sau đây tôi xin đề nghị đồng chí hiệu trưởng phát biểu về vấn đề này.
Ông hiệu trưởng đứng lên nói:
- Tôi cũng đã nhắc nhở ông Hưng về việc thực hiện nghiêm túc việc đội mũ rơm, đeo nùn
rơm, không chỉ bản thân ông mà ông còn phải có trách nhiệm nhắc nhở các con ông thực hiện việc này nữa. Ông đã lý sự bằng các công thức, định luật vật lý để nói rằng việc đội mũ, đeo nùn là vô ích, là tốn tiền, mất công mang vác .v.v… Tôi đã đề nghị ông làm kiểm điểm nhưng ông cũng ậm ừ rồi phớt lờ. Đây là tờ giấy ông ghi các công thức và định luật vật lý phản biện việc đội mũ rơm. Các đồng chí xem, có ai phản đối không? Xin cứ cho ý kiến, đặc biệt là các đồng chí ở tổ tự nhiên Toán – Lý – Hoá. Hôm nay, chúng ta phải kiểm điểm thật nghiêm khắc việc này. Nếu ông Hưng không thành khẩn nhận khuyết điểm và xin lỗi, hứa sẽ sửa chữa và thực hiện nghiêm túc chủ trương đội mũ rơm, đeo nùn rơm và túi cứu thương thì tôi sẽ đề nghị lên cấp trên kỷ luật thích đáng.
Ông nói hăng quá sùi cả bọt mép. Mọi người xem xét tờ giấy bố tôi viết các công thức và lý lẽ “phản biện” một cách im lặng. Bà bí thư chi bộ chủ trì cuộc họp lại đứng lên nói:
- Bây giờ tôi đề nghị ông Hưng phát biểu ý kiến trên tinh thần nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân, thú nhận sai lầm chủ quan của mình và hứa sẽ sửa chữa…
Cha tôi mặt đỏ bừng, chắc Người phải nén sự bực tức một cách ghê gớm lắm. Người đứng lên nhìn quanh cử toạ một lát. Một số người quay mặt đi, một số cúi gằm đầu. Sau cùng cha tôi nói:
- Thưa các vị lãnh đạo, thưa các quý vị có mặt tại đây. Quả thực tôi không ngờ có cuộc họp hôm nay để phê bình tôi về việc chểnh mảng và làm gương xấu cho phong trào đội mũ rơm, đeo nùn rơm. Tôi vẫn nghĩ rằng vì đây là chủ trương từ trên Trung ương nên chúng ta phải theo, chứ nếu chỉ một vài cá nhân ở đây nghĩ ra thì chưa chắc mọi người đã thực hiện. Về lý luận thì tôi vẫn bảo vệ các lý lẽ khoa học mà tôi đã trình bày ở tờ giấy kia. Còn về thực tế thì thử hỏi có vị nào dám đội cái mũ rơm này để tôi lên cao khoảng 20m, ném một miếng gang vào đầu xem có an toàn hay không? Tôi đã dạy học vật lý – hoá – toán suốt hai mươi năm qua, trong đó có 9 năm ở Pháp, 10 năm ở Đại học Tổng hợp Hà Nội…Tôi khẳng định điều minh tin và nói ra. Tôi đã trải qua thời gian thế chiến II tại Pháp , hồi đó bom đạn rất ác liệt…Người ta phát mũ sắt cho dân, đội để chống mảnh đạn, không có ai đội mũ rơm và đeo nùn rơm hết. Chúng ta hiện còn rất nghèo, mọi nhu yếu của đời sống phải phân phối, vậy ta không nên tốn phí vào một việc vô ích như vậy. Lấy ví dụ gia đình tôi đây, tháng qua chi cho mũ và nùn rơm hết gần hết 1/3 tháng lương của tôi rồi. Chắc các vị ngồi đây cũng vậy thôi. Thú thực, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nhục nhã như hôm nay, đây là một cuộc sỉ nhục, tố đấu tôi một cách rất vô lý và bất công. Hơn nữa, chúng ta đây lại là các thầy cô giáo, có một số đại diện của học sinh cũng ngồi ở đây. Nếu chúng ta tin vào những giáo điều vô lý, phản khoa học này thì liệu sau này các em có thể trở thành những trí thức được hay không?
Bà bí thư đập tay xuống bàn cái rầm. “Im ngay, đồ phản động…”. Bà quay sang cô thư ký ngồi cạnh bà, một cô giáo dạy văn trẻ, là đảng viên: “Ghi ngay những điều hắn nói vào, tôi cấm ông, không được nói, càng nói càng lòi cái bản chất tư bản đế quốc xấu xa của hắn ra”.
Có một số người đứng dậy xin phép ra ngoài một lát. Bà bí thư hỏi:
- Các anh đi đâu?
- Chúng tôi đi tiểu, có lẽ giải lao tí đi…
Cha tôi ngồi lại một mình, lúc này Người đã bình tình lại, nét mặt bình thản. Người bỏ kính ra lau. Có mấy nữ học sinh lại gần Người.
- Thầy có uống nước không, em mời thầy một cốc trà nhé?
- Vâng! Cảm ơn em.
Cô bé tới cầm ấm tích lớn ở cạnh bà bí thư rót ít nước tráng cái ca sắt to, đổ đi, rồi rót đầy một ca nước trà , tới đưa cho cha tôi. Bà bí thư nhìn theo cô bằng con mắt nảy lửa. Lúc này ông hiệu trưởng đến ngồi cạnh bà, họ rì rầm trao đổi. Đột nhiên bà cao giọng:
- Lão này ăn thua gì, hồi tôi lảm thư ký cho Đội cải cách, nhiều tên địa chủ, cường hào còn ngoan cố bằng mấy ấy chứ, thế mà sau rồi nhũn như chi chi…
- Nhưng đây không phải là cải cách ruộng đất, bà đừng làm căng quá, nhất là đừng có mạt sát lão ấy, có gì để tôi viết báo cáo gửi lên sau.
Lúc này cuộc họp lại tiếp tục. Bà bí thư lại nói, giọng có dịu đi.
- Vừa rồi chúng ta đã nghe ông Hưng phát biểu. Theo ý tôi, ông vẫn rất ngoan cố, lại còn viện dẫn Pháp phung gì gì…Thật là sai lầm không thể tha thứ, vì cuộc chiến của chúng là cuộc chiến giữa bọn tư bản, đế quốc với nhau, là phi nghĩa, là tàn bạo. Còn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đây là chính nghĩa. Tất thắng sẽ thuộc về chúng ta, về phe xã hội chủ nghĩa …
Bà hất hàm cho cô thư ký:
- Ghi đi, sao cứ ngồi ì ra mà nghe thôi à –
Cô vội vã ghi lời bà. Bà chú ý nhìn cô viết, thỉnh thoảng sửa cho cô vài câu.
- Bây giờ mời các đồng chí phát biểu, góp ý cho ông Hưng. Cứ thẳng thắn phê nhé, vì Các Mác có nói: Vũ khí phê bình không thể thay thế sự phê bình bằng vũ khí!” Có nói thẳng, phê bình mạnh thì đối tượng mắc sai phạm mới tỉnh ra, sửa chữa và tiến bộ được như Bác Hồ nói: “Phê và tự phê là sinh hoạt thường xuyên, liên tục của Đảng ta.” Mời các đồng chí, nào, xin mời…cứ phát hăng đi!
Mọi người nhìn nhau vẻ lúng túng, dò hỏi, chắc từ bé tới giờ mới gặp phải trường hợp “đấu tố” như thế này. Một lát sau, một thầy giáo trẻ đang trong giai đoạn “cảm tình Đảng, chuẩn bị kết nạp” đứng lên phát biểu:
- Trước đây tôi là học sinh thầy Hưng, hồi tôi còn học Đại học Tổng hợp. Thầy dạy giỏi, rất tận tâm với công tác giảng dạy và hướng dẫn thí nghiệm. Tất cả các khoá sinh viên chúng tôi đều yêu mến thầy…Song, theo tôi nghĩ, nếu có gì phật ý, xin thầy bỏ qua cho em (anh ta ngoảnh sang cha tôi nói)…Có thể vì tình hình đất nước biến đổi nhanh quá, thầy chưa thích ứng kịp. Tôi nghĩ các đồng chí cũng phải thông cảm yêu thương nhau, hàng tháng ai cũng phải hai lần chiều thứ bẩy đạp xe mười cây số ra ga Sen Hồ. Sau đó đi tầu hoả về Hà Nội. Sáng chủ nhật xếp hàng mua gạo, thực phẩm…để rồi buổi trưa lại hấp tấp ra tầu
đi Sen Hồ, đạp xe đeò mấy chục cân từ đó về đây. Thầy Hưng đã ngoài năm mươi lại có ba con nhỏ, vợ thầy yếu nên chẳng đỡ đần thầy được gì. Thầy trò lớp tôi xin làm tặng gia đình thầy các mũ rơm, nùn rơm ấy. Tôi xin các đồng chí cũng đừng làm căng thẳng, tôi thấy không được hay lắm, đây là loại “mâu thuẫn nội bộ trong quần chúng”, chị Quế ạ (anh ta quay sang bà bí thư).
Năm bẩy phút sau cũng không có ai phát biểu. Bà bí thư cứ nhìn người nọ người kia hất hàm thì mọi người ngoảnh đi chỗ khác, rồi bà nói:
- Đại diện của liên chi đoàn học sinh phát biểu đi chứ?
Bà chỉ vào một cậu học sinh cao lớn chững chạc, là liên chi đoàn trưởng của nhà trường. Vẫn ngồi nguyên, cậu lúng túng nói:
- Em, em không biết…Theo em, thì em cũng ủng hộ ý kiến thầy Hưng. Nếu các thầy cô cho phép, lớp em xin tình nguyện làm thêm tặng gia đình thầy Hưng đủ mũ rơm và nùn rơm để dùng. Thôi chịu khó mang đi thầy ạ…
Bà bí thư nói:
- Bây giờ ta biểu quyết hình thức kỷ luật ông Hưng. Có ba hình thức: phê bình trong nội bộ, phê bình trước toàn trường và cảnh cáo trước toàn trường. Hình thức thứ nhất thì không ra quyết định chính thức, còn hai hình thức sau thì có văn bản quyết định chính thức. Các đồng chí đề xuất hình thức nào?
Hầu hết nói:
- Hình thức thứ nhất là phê bình trong nội bộ thôi.
Và họ giơ tay. Cô thư ký giơ tay sau cùng. Chỉ có bà bí thư, ông hiệu trưởng và một người nữa là không giơ tay. Ông hiệu trưởng nói:
- Thôi, thiểu số phục tùng đa số. Như vậy tôi đề nghị hình thức phê bình thầy Hưng trong nội bộ. Đề nghị thư ký đọc lại biên bản rồi tôi, chị Quế và thầy Hưng ký vào đây.
Sau đợt kiểm thảo này, cha tôi trở nên ít nói hẳn đi. Người hay trầm ngâm suy nghĩ. Trong cộng đồng hơn hai mươi giáo viên ở đây, ông cư xử có vẻ thận trọng hơn, nhưng không tham gia vào các câu chuyện phiếm, hay đùa cợt của họ. Với một vài người như bà bí thư, ông hiệu trưởng, trong công việc phải tiếp xúc với họ, ông trang trọng, lễ phép hơn lúc trước, nhưng tuyệt nhiên không thăm viếng lẫn nhau lúc ngoài giờ. Cha tôi cũng không biết là tôi đã đứng ở ngoài nghe lỏm toàn bộ cuộc “kiểm thao” đó. Thấy thái độ của tôi đối với Người có vẻ thương xót quan tâm hơn, như pha cốc nước chanh cho ông khi ông về nhà sau buổi dậy, nhổ tóc bạc cho ông, giặt cho ông cái áo….Cha tôi cảm động, Người nhìn tôi có vẻ tò mò như dò hỏi điều gì đó mà không nói ra. Về sau, khi tôi đã học lớp 10, có lần cha tôi nhắc lại chuyện này, và tôi đã thú thật với Người la tôi đã nghe lỏm toàn bộ hôm kiểm thảo đó, và câu truyện này in đậm trong óc tôi. Nó làm cho tôi tan nát niềm tin
vào cái gọi là “tri thức xã hội chủ nghĩa”. Và tôi biết rằng cha tôi là phải, dù Người có đơn độc thì ít nhất vẫn có tôi luôn luôn đứng với Người. Cha tôi có nói:
- Về sau, bố có sợ và vẫn ám ảnh nỗi sợ bị đưa đi cải tạo. Không chỉ sợ cho bố mà còn lo cho mẹ con các con nếu không có bố thì sống bằng gì? Có những người chỉ vì vài câu nói bất cẩn mà phải đi cải tạo mấy năm. Bố biết có một nhà báo có viết một truyện cười ngắn, nội dung thế này:
Có một ông nhà quê mù chữ ra Hà Nội chơi. Ông thấy một ông đeo kính đang cầm đọc một tờ báo, ông thấy rất thích đọc báo vì sẽ biết bao nhiêu tin tức và các điều thú vị in trong đó. Ông hỏi ông đọc báo: “Tại sao ông đọc được báo?”. “Tại vì tôi đeo kính”. – ông kia trả lời. Ông bèn ra hiệu kính mua một cái kính, rồi sau đó ông lại đi mua một tờ báo. Ông đeo kính vào và giơ tờ báo lên xem, ông vẫn chẳng hiểu nội dung các chữ trong đó nói gì. Thất vọng quá, ông tới hỏi ông đọc báo khi nãy: “Tại sao tôi cũng đeo kính như ông, mà tôi xem tờ báo lại chẳng hiểu gì?”. “Thế ông có biết chữ không? Không à, ôi lần đầu tiên trong đời tôi gặp chuyện cười vỡ bụng thế này. Ha ha…
Ông nhà báo sau này bị kết tội là ác ý giễu cợt giai cấp công nông, bị tước quyền xuất bản tác phẩm và đưa đi lao động ở nông thôn mất ba năm. Sau ba năm “lao cải” ông ta bỏ nghề viết.
Mấy hôm sau, Người kể cho tôi một câu chuyện nữa. Một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh biếm hoạ khá nổi tiếng. Ông có một bức trên một tờ báo vẽ người công nhân đeo tạp dề (phiên âm của chữ Pháp tablier)cầm chổi quét rác. Bóng người này và cái chổi đổ dài xuống đường nhưng cái bóng đó lại cụt đầu. Ban tuyên giáo quy cho biếm hoạ đó có ý xỏ xiên: Quét rác thì làm gì có đầu. Họ cấm các tờ báo in đăng biếm hoạ của ông. Rồi ông phải đổi nghề sang vẽ truyền thần.
Cha tôi tâm sự với một trí thức lưu dung: “Mấy năm gần đây chính phủ phát động chiến dịch rầm rộ chống cái mà họ gọi là “hệ tư tưởng tiểu tư sản”. Họ cấm xuất bản các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ thời Pháp thuộc như Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Khải Hưng, Trần Trọng Kim, v.v… Họ cũng phê bình, đả kích một số lớn văn nghệ sĩ đã theo kháng chiến chống Pháp như Phan Khôi, Phùng Quán, Trương Tửu, Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Văn Cao, v.v…Họ moi móc có khi chỉ một vài câu chữ lạc điệu để quy kết, tố đấu các tác giả đó như: “ Tôi đi không thấy phố nhà, chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ.”, “Hãy cứ để nó là hoa cho ta ngắm chứ sao bắt nó ra trái cho ta ăn”, v.v… Và cũng không ít các nhà văn hoá bị đưa đi cải tạo như Trần Dần, Hoàng Cầm, v.v…
Trong nhiều năm sau, dân chúng Bắc Việt Nam đã chứng kiến nhiều “phong trào” kiểu như chủ trương đội mũ rơm, đeo nùn rơm đó. Trong mỗi “phong trào” đó lại có những nạn nhân. Nhân dân gọi đó là “bắt nhái trong bị đưa ra chém đầu làm gương”. Trong thời gian “chống Mỹ cứu nước”, chính phủ phát động chương trình cấm nghe và hát “nhạc vàng” mà điển hình của việc “bắt nhái…” đó là vụ Toán xồm, xẩy ra trong năm 1965-1966.
Tôi biết rõ anh chàng Toán này, vì anh ở cùng phố với tôi. Anh sống độc thân. Anh kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và chân dung. Anh nhỏ bé, trắng trẻo, mũi cao, tóc xoăn, để ria và râu quai nón có tỉa xén gọn gàng. Thỉnh thoảng có một số thanh niên nam nữ đến nhà anh chơi. Họ gảy đàn ghi ta và hát các bài hát về tình yêu nam nữ, trong đó có “nhạc xanh” như Chiều Matxcơva, Santa Lucia, Thiên Thai , Trương Chi,…và một vài bài hát về yêu đương mà đài phát thanh Sài Gòn vẫn phát, gọi là “nhạc vàng”. Trong số những thanh niên tụ tập để đàn hát tại nhà anh có một số “con ông cháu cha” hoặc có “lý lịch tốt” như diễn viên điện ảnh Trà Giang, cầu thủ bóng đá Trương Tấn Nghĩa…Nên nhớ rằng hồi đó rất ít người có máy quay đĩa hát. Radio cassette, tivi…thì chưa ra đời. Ai có được một cái radio nhỏ cũng là loại “giầu” rồi. Như bây giờ thì chả ai thèm để ý đến cái việc đàn hát vớ vẩn của bọn thanh niên ấy làm gì. Nhưng hồi ấy thì đó là một “hiện tượng nghiêm trọng”. Trừ những tay “con ông cháu cha” nói trên, các thanh niên còn lại đều bị công an bắt giam, sau đó bị đưa ra toà xử. Toán xồm bị buộc tội rất nặng: “phổ biến tuyên truyền nhạc vàng dâm ô đồi truỵ, tiếp tay cho địch trong cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hoá tư tưởng”, nên bị kết án nặng nhất, hơn mười năm tù. Số còn lại cũng bị kết án hàng năm tù, hoặc cải tạo lao động do bị buộc tội “đồng phạm”. Quãng những năm 80, Toán xồm được thả, phòng ở của anh bây giờ đã có chủ nhân mới. Anh trở thành người lang thang không nhà không cửa, đi làm thuê mướn kiếm sống qua ngày. Anh bị đau gan, suy thận nên người hơi phù. Cứ vạ vật sống như vậy mà anh ta còn kéo được hơn mười năm. Rồi một buổi sáng sớm năm 1994 người ta thấy anh chết nằm co quắp trên vỉa hè như một người ăn mày tội nghiệp.
Hồi tôi mới nhận công tác ở Viện thiết kế Bộ nông nghiệp, tôi chú ý một người đàn ông trạc 50 tuổi, hom hem bẩn thỉu, làm lao công quét dọn. Ông ta bị dở người, nhìn mọi người bằng cặp mắt lén lút hằn học. Ông không trò chuyện với ai cả. Ông sống trong một gian phòng chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu cùng chuột và gián chạy rình rịch suốt ngày đêm. Căn phòng này nằm ở đầu dãy nhà tập thể của cơ quan. Một buổi sáng, mọi người không thấy ông ta dậy, thì ra ông bị liệt, lục phủ ngũ tạng đã suy kiệt hết. Khoảng một tháng sau ông chết. Chết vì ốm, vì đói, vì bị chuột cắn… Lúc đó mọi người bàn tán về ông, và lúc đó tôi mới được biết tiểu sử của ông.
Trước đây ông là bộ đội miền Nam, tập kết ra Bắc năm 1954. Ông đã là đảng viên. Tuy có lý lịch tốt nhưng ông ta lại thất học. Vì sức khoẻ yếu, ông được giải ngũ, rồi được phân công về cơ quan này làm bảo vệ. Hồi đó chi bộ đảng còn ít người, nên ông thuộc loại “mác cao”. Tuy vị trí công tác thì thấp nhưng lại có quyền ăn nói, biểu quyết ở các cuộc họp quan trọng, quyết định của cơ quan. Quen lối sống phóng khoáng của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, ông hay uống rượu lúc chiều tà. Đó là một tật xấu trong sinh hoạt của người Đảng viên rồi. Trong những năm 1965-1966, các cuộc họp chỉnh huấn diễn ra liên miên. Chắc bực mình vì cứ phải nghe mãi về lý luận Mác-Lênin và đường lối chống Mỹ cứu nước, nên ông hay ngủ gật hoặc lằm bằm “nói ngang” kiểu như:
- Ừ, thì nó là hổ giấy, ấy mà đéo làm gì được nó thì…bú…b…cho nó.
Vài lần như vậy, ông bị ghi vào “sổ đen” của Bí thư chi bộ. Sau đó ông bị khai trừ khỏi Đảng. Ông mạt sát tay Bí thư một trận ra trò. Mấy hôm sau, đột nhiên công an tới đưa ông đi. Lãnh đạo cơ quan nói ông được đưa đi cải tạo lao động, bao giờ tiến bộ thì sẽ được trở về cơ quan tiếp tục làm việc.
Mười mấy năm trời “lao-cải” (lao động cải tạo) đã biến ông thành con người dở điên dở dại, lúc nào cũng sợ sệt nhút nhát. Điều kiện lao động khắc nghiệt và khẩu phần kham khổ làm cho thân thể ông tiều tụy. Như tôi thường thấy, sau giờ làm việc buổi chiều, ông hay ra mò ốc, cua…ở ao, ruộng gần cơ quan. Ông cho mấy con cua, ốc bắt được đó cùng ít gạo và mấy ngọn rau má, rau rệu – loại rau mọc hoang ở bờ ruộng – vào một cái xoong, rồi nấu nháo nhào thành một thứ cháo để ăn bữa tối. Những người xung quanh gọi thứ cháo đó là “hầm bà làng”.
Tản mạn như vậy đã khá nhiều, nay tôi lại quay về với chuyện chiếc mũ rơm. Nhiều năm về sau, khi tôi kể câu chuyện này với một số người nước ngoài – đó là các chuyên gia Xô Viết, du khách Pháp, Bỉ và Mỹ thì họ rất ngạc nhiên. Họ coi đó là một câu chuyện đại khôi hài. Tôi cũng kể câu chuyện này với một người anh họ. Anh là một trí thức đang sống tại Canada. Anh cũng rất ngạc nhiên. Để thẩm định lại tính xác thực của nó, anh đã hỏi lại những người bà con khác về “sự kiện” này. Họ xác nhận là có thật, y như tôi kể ở đây, song họ bảo vệ cho chiếc mũ rơm: “Chủ trương đội mũ, đeo nùn rơm của Đảng và Chính phủ là đúng, có như vậy mới chống được mảnh bom, mảnh đạn”.
Trong số những người được ông anh họ tôi hỏi, có nhiều người là “trí thức” như giáo viên, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư…Khi thuật lại với tôi, ông gọi đùa họ là “trí thức mũ rơm”.
Họ là “trí thức mũ rơm”? Cái lối tư duy theo kiểu “mũ rơm” này vẫn còn ảnh hưởng ở đại đa số quần chúng chăng? Tôi cũng không biết, tôi không dám khẳng định như vậy. Song theo cái đã lan man tán hươu tán vượn, tôi lại muốn gạch nối một số “sự kiện” khác tiếp sau “sự kiện mũ rơm” này, tuy về tầm ảnh hưởng của chúng có nhỏ hơn chiếc mũ rơm. Đó là câu chuyện về BỆNH CÒI XƯƠNG.
Cho đến năm 1980, Bộ Y tế của Việt Nam thường hay nói đến bệnh còi xương ở trẻ em Việt Nam. Đó là các trẻ em gầy gò, mắt khô, da nhăn nheo, lười vận động, chậm phát triển cơ thể, trí tuệ chậm chạp, trì độn,.v.v… Muốn chữa chứng bệnh này thì phải năng cho các em tiếp xúc với ánh nắng ban ngày, vì các em đó thường ở trong nhà nên bị “cớm” một số tia có trong ánh nắng mặt trời giúp cho việc tổng hợp các Vitamin trong cơ thể. Cũng theo lý luận này mà một số người lớn cơ thể yếu ớt, trí não uể oải, khô mắt, khô da, .v.v… thì cũng là do thiếu một số vitamin quan trọng như vitamin A, D…
Giáo sư Từ Giấy – Viện trưởng Viện dinh dưỡng, nguyên là một đại tá quân y, đề xuất phong trào ăn cơm gạo lức, tức là thứ gạo chỉ lột bỏ vỏ trấu, hạt gạo còn nguyên lớp vỏ cám bên ngoài. Bởi vì theo ông ta, thì chính cái lớp vỏ cám đó chứa vô số vitamin quan trọng mà dân ta do thiếu hiểu biết đã loại bỏ đi trong quá trình xay xát. Thì đấy, xem các con lợn kia kìa, chúng toàn ăn cám nấu với rau, bèo…mà béo ị ra. Có rất đông người hưởng ứng lý thuyết này của ông Từ Giấy, nhưng đa số là các vị cán bộ nhà nước về hưu, nay rỗi việc đi tập Thái cực quyền, ngồi thiền…Bữa ăn vẫn đủ rau, đậu, thịt, cá, nhưng ta cứ ăn thử cơm gạo lức cho nó “sạch ruột – khoẻ người” chứ bà con nông dân cần lao thì không có ai tham gia vì từ xưa tới nay “gạo trắng, nước trong” vẫn cứ là nhất.
Những năm từ 1982 trở đi, có một số chương trình viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho Bộ Y tế về dinh dưỡng. Cái bệnh còi xương của trẻ em Việt Nam bây giờ lại được gọi theo một cái tên mới là: suy dinh dưỡng (malnutrition), và phương pháp điều trị bây giờ thì tuyệt đối không phải là “tắm nắng” mà phải cho các cháu tăng cường khẩu phần ăn cho đủ lượng, đủ chất!
Cũng như vậy, họ không đả động gì đến gạo lức trong thực đơn của người lớn. Vì các vitamin quan trọng như A, D…có trong nhiều loại thức ăn như gạo, rau, thịt, sữa, đậu…chứ không phải trong cám! Họ tuyên bố người Việt Nam thiếu thể lực là do chế độ ăn uống quá khan khổ, không đủ calorie, do đó muốn khoẻ mạnh thì cũng phải ăn nhiều cá, thịt, trứng, sữa,.v.v…toàn những chất ngon và bổ, nhưng lại rất đắt tiền. Đó mới là nan đề!
Mới gần đây khi xem tivi, tôi thấy chương trình “chữa bệnh bằng y học cổ truyền”. Diễn giả của chương trình – một cô bác sĩ trẻ, nói về cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ em bằng cách ngắt hết cánh một bông hoa hồng đỏ cho vào một cái chén, đổ mấy thìa mật ong vào, rồi đem hấp trong nồi cơm. Sau đó cho bệnh nhân uống hết chén hợp chất mật ong – hoa hồng đó, chắc chắn khỏi bệnh!
Tôi có một anh bạn, tên Trần Vân, là diễn viên khá nổi tiếng. Anh đã đóng nhiều phim chiếu trên tivi, nên được cả nước biết tiếng. Song không ai biết anh ta là một “sâu rượu”. Để có cảm hứng “bốc máu” khi đóng kịch, đóng phim, anh ta thường uống rượu. Anh uống lai rai từ sáng tới chiều tối, ăn thì ít, bữa đực bữa cái. Hơn mười năm đánh bạn với ma men, anh ta chuyển hạng “từ đai vàng lên đai đen”, tức là lúc đầu chỉ mấy cốc bia lúc chiều tà, rồi tới rượu nhẹ, sau cùng la rượu đế sủi tăm. Do đó, gan của anh bị suy kiệt rồi thành viêm xơ. Khi căn bệnh phát ra, phải đưa anh ta đi bệnh viện. Anh được xét nghiệm, chuẩn đoán và được bác sĩ kết luận:
- Các bệnh về đường tiêu hoá khi đã có triệu chứng lâm sàng thì thường là đã khá nặng. Tuy thế! Nếu anh chịu ăn kiêng cữ, tuyệt đối không uống rượu và dùng thuốc Tây y đều đặn theo chỉ dẫn thì anh vẫn còn có thể sống được chục năm nữa.”
Anh ta không tin: “Cái gì mà Tây y chịu thì Đông y sẽ giải quyết được.”
Rồi anh ta đi khám ông lang này, ông lang kia và uống thuốc Bắc, và lại tiếp tục uống rượu trở lại. Anh lại được khiêng vào bệnh viện, lúc này bác sĩ kết luận:
- Nếu anh điều trị ở đây và dứt khoát bỏ rượu thì anh có khả năng sống cùng lắm là hai năm nữa.
Anh bỏ về sau khi bụng đã hết chướng và ăn uống trở lại gần như bình thường. Nghe người ta mách có ông lang hay lắm, chuyên chữa khỏi nhiều người bị bệnh gan, anh tới khám ông này. Sau khi bắt mạch ở cổ tay, ông lang nói:
- Tôi cho anh thuốc này rất hiệu nghiệm, sẽ khỏi, vì có cả bùa ở trong đó. Nó có một số vị độc dược và mật gấu, anh sắc kỹ và uống nó, trong bóng tối hoàn toàn, đúng lúc 12 giờ đêm. Y lời tay lang băm, khi vừa uống xong bát thuốc anh hét lên rồi nằm vật ra. Sáng hôm sau bụng anh lại sưng chướng lên. Đưa tới bệnh viện một ngày thì anh chết. Anh chết vì cái chất “lấy độc trị độc” trong thang “thần dược” kia.
Tôi đã tự hỏi còn có bao nhiêu người vẫn tin vào cái lý thuyết “lấy độc trị độc” kia và sẽ
còn bao nhiêu nạn nhân nữa như anh bạn Trần Vân của tôi. Khi tôi nói chuyện với ông bác sĩ điều trị cho anh ở bệnh viện, ông nói:
- Trường hợp như Vân không phải là hiếm. Nhiều người chết vì dùng thuốc vớ vẩn. Mà lạ một điều là chưa có một tay lang băm nào bị kiện cáo về những “toa” thuốc kỳ bí như vậy.
Phong tục ở Việt Nam có nói là sản phụ mới sinh con phải kiêng cữ nhiều thứ. Lúc này “âm” rất thịnh, mà “dương” thì rất suy, cho nên phải kiêng ánh sáng, phải đố đống dấm ở ngay cạnh giường, tức là đốt một đống trấu cháy âm ỉ ở ngay dưới chân giường sản phụ và trẻ sơ sinh nằm,.v.v…
Thời tiết từ tháng năm đến tháng chín rất nóng và ẩm, không khí ở trong cái buồng mà hai mẹ con nằm càng nóng bức, ngột ngạt vì khói, cho nên họ khổ sở vô cùng. Người mẹ bị lở loét hết cả lưng, đứa trẻ sơ sinh cũng ốm theo. Trong khi đó người mẹ lại chỉ được ăn cơm với nước mắm và thịt nạc rim, còn phải kiêng hầu hết các loại rau, quả.
Hàng vạn cặp mẹ con đã và đang còn là nạn nhân của cái phong tục oái oăm này, mà bản thân họ và gia đình họ tin theo.
Cũng trong những năm tháng đó, có một ông đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh tên là Lý Ban gửi về nước một kinh nghiệm rèn luyện sức khoẻ, một phương pháp điều trị bách bệnh rất kỳ lạ. Đó là mỗi người, ngay sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, hãy ngồi thiền bắt chéo chân và uống một hơi hết hai lít nước lọc. Không hiểu ông ta đọc được cái phương pháp rèn luyện này ở đâu mà dám công bố nó với lời khẳng định là: Chính bản thân ông đã hàng ngày thực hiện đều đặn như thế trong mấy năm nay. Với kết quả bản thân là mọi bệnh tật của ông ta đều tiêu biến hết và sức khoẻ hiện tại rất tốt. Đài phát thanh và các báo đều đăng tin, cổ động cho phương pháp “uống liền tù tì hai lít nước lọc khi vừa ngủ dậy vào buổi sáng”. Cho đến khi có hàng trăm bệnh nhân đến các bệnh viện để cấp cứu do thủng dạ dầy, tràn dịch màng phổi hay lên cơn sốc tim…vì uống quá nhiều nước lọc lúc sáng sớm thì chiến dịch này mới rút lui trong im lặng mà không có một lời bình luận hay giải thích gì hết.
Lại cũng theo cái đà lan man từ các câu chuyện “phong trào”, bây giờ tôi kể tiếp tới câu chuyện CHÚNG EM LÀM KẾ HOẠCH NHỎ. Hàng chục năm nay ở miền Bắc Việt Nam và sau năm 1975 thì trên toàn cõi Việt Nam, người ta thường nghe thấy khẩu hiệu “Làm nghìn việc tốt – người người làm việc tốt – nhà nhà làm việc tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả đất nước là một vườn hoa đẹp”. Tất cả các nhà trường phát động chương trình “Chúng em làm kế hoạch nhỏ”. Đó là kế hoạch “Làm ngàn việc tốt” của học sinh thiếu niên, nhi đồng. Gọi là kế hoạch nhỏ, nhưng kết quả thì không nhỏ chút nào, vì góp gió thành bão mà. Vậy cụ thể của chương trình “Làm kế hoạch nhỏ” là gì? Tôi không biết ở nông thôn thì các thầy cô giáo bắt các em học sinh làm gì, đóng góp gì cho phong trào. Còn học sinh ở thành phố thì được các thầy cô hướng dẫn cho đi nhặt hột táo (người ta ăn quả, rồi nhè hột ra), đi nhặt que kem (người ta ăn kem xong vứt que đi), nhặt vỏ cam, vỏ quýt, vỏ bưởi…lon ống bơ sữa bò, đồ hộp, chai lọ bỏ đi, giấy vụn, giẻ rách, .v.v… Tất cả các thứ gom lại đó các cháu nhặt ở vỉa hè, rãnh hoặc ở nhà mình, rửa sạch sẽ sau đó cuối tuần tập trung lại ở trường học, món nào ra món ấy, để nộp cho thầy cô giáo. Cháu nào có “số lượng” nhiều sẽ được thầy cô biểu dương trước cả lớp hoặc thậm chí trước toàn trường, được trao danh hiệu “Đội viên kế hoạch nhỏ”. Các đồ “đồng nát” hoặc “nguyên liệu tái chế” đó được bán lại cho các hàng đồng nát, hoặc hàng thuốc bắc…Tiền bán được xung vào quỹ gọi là “Quỹ kế hoạch nhỏ”.
Cha tôi hồi đó không cho chúng tôi đi nhặt hột táo, que kem, vỏ quýt, vỏ bưởi…Người nói rằng như vậy là đi bới rác, rất mất vệ sinh. Thôi thì nhà có cái ống bơ, cái chai không, cái áo, cái quần quá rách nào thì đem nộp thầy cô vậy. Vì không có đủ số lượng gom nộp như các bạn học mà điểm hạnh kiểm hàng tháng của chúng tôi chỉ đạt mức trung bình, chứ không khá hoặc tốt được.
Thỉnh thoảng người ta công bố một vài công trình ở chỗ này chỗ kia được xây dựng bằng tiền góp lại của các quỹ kế hoạch nhỏ. Công trình vĩ đại nhất là một đoàn tầu hoả chuyên chở khách Hà Nội – Sài Gòn năm 1976 được tuyên bố là xây dựng bằng tiền của quỹ Kế hoạch nhỏ toàn miền Bắc. Đoàn tầu đó được đặt tên là “Kế hoạch nhỏ”, mỗi toa của nó đều được sơn dòng chữ to tướng này. Quả là kế hoạch nhỏ mà lợi ích, kết quả thì không nhỏ chút nào!
Đến thời kỳ mở cửa, mọi việc đều phải “hạch toán kinh tế” thì các công tác kế hoạch nhỏ này mới chấm dứt. Một ít người hay nhớ lại việc cũ đôi khi băn khoăn là tại sao vỏ đồ hộp, vỏ chai, giẻ rách, hột táo, que kem, vỏ quýt…thì làm cách nào mà có thể bán đi, gom góp được tới cả vài tỉ đồng để đóng được cả một đoàn tầu hoả?
Cái ý đồ cưỡng ép tất cả nhân dân phải tin tưởng tuyệt đối vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến nay vẫn là tư tưởng chỉ đạo của tầng lớp cầm quyền. Có những thông tin mà bây giờ chỉ làm cho người đọc phì cười và lắc đầu. Ví dụ sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, các báo chí ngày hôm sau công bố: “Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam chúng ta; 98,2% trúng cử với số phiếu cao nhất”. Bầu cử thì phải có lựa chọn, phải có các đảng phái, các tổ chức chính trị, có các chủ trương khác nhau…thì nhân dân mới có quyền lựa chọn chứ hả? Không, ở Việt Nam đây không cần có nhiều đảng phái, không được có một đảng đối lập nào, vì “dân yêu Đảng, Đảng tin dân, cho nên chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đến nay tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi không biết cái lý lẽ này còn đứng vững được bao lâu. Biết rằng viết lách hiện nay còn là việc nguy hiểm, tôi cũng thỉnh thoảng cứ hạ bút viết ra lăng nhăng những gì mình thấy và một vài điều mình nghĩ. Lúc này đây tôi lại nhớ tới nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả bài thơ “Lá diêu bông”. Ông kết thúc bài thơ bằng câu:
“Em đi chín núi mười sông
Mà nào có thấy diêu bông bao giờ Đến nay em vẫn đi tìm
Vòi või trong tim khút hát
Lá diêu bông ơi hỡi, lá diêu bông…”
Bài thơ này ông đọc cho chúng tôi nghe khi ngồi uống rượu, nhắm với lạc rang tại quán nước nhà ông. Vài năm sau khi được in, nó đã được sửa đổi đôi chỗ. Đặc biệt là không có câu kết này, chắc vì nó ám chỉ, hay “phạm huý” gì đây.
Năm cuối cấp trung học phổ thông (Lớp 10), tôi tâm sự với cha tôi là tôi muốn học ngành văn chương. Cha tôi đã dành cả buổi chiều nói chuyện với tôi. Người nói:
“… Cho tới nay chế độ Xô viết có hai nhà văn được giải thưởng Nobel là Pasternak, tác giả tiểu thuyết “Bác sĩ Jivago” và M. Solokhop, tác giả của “Sông Đông êm đềm”. Hai nhân vật chính trong hai tác phẩm này là kiểu người không thể thích ứng được với chế độ mới Bolshevich và chịu bi kịch trong cuộc sống. Bác sĩ Jivago là một trí thức gốc Do Thái hiền lành mô phạm. Gregory, một trung nông Cozac, người kị binh quân đội Nga Sa Hoàng, sau cách mạng tháng 10 – 1917 được phiên chế vào Hồng quân, chiến đấu chống quân Bạch vệ trong 3 năm liên tục sau đó. Anh thương binh Gregory giải ngũ trở về làng thấy nông trại của mình tan hoang, nhà bị đốt, vợ con li tán biệt tích.
Pasternak bị chính quyền Xô viết cấm không cho đi nhận giải Nobel. M. Solokhop cũng chịu vài năm lao cải. Chính quyền Stalin đã bắt bớ, giam cầm, đầy ải, bức tử hàng ngàn văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều người đã ủng hộ, ca ngợi phe bolshevich của V.I. Lenin như M. Gorky, Maiakovsky, Esenin,v.v…
Ngày nay nhiều học giả ngạc nhiên tại sao Lênin lại viết được nhiều tác phẩm triết học Marxist đến như vậy? Thực ra các lãnh đạo Xô viết từ Stalin, Khrushev tới Breznev đã nuôi một tổ hợp các triết gia bồi bút để sáng tác nên cái mà chế độ Xô viết gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”. Ở Trung Hoa, Mao Trạch Đông có một tay thư ký riêng họ Trần. Thời cách mạng văn hoá, ông này được cất nhắc lên tới chức Uỷ viên bộ chính trị. Trong một cuộc mít tinh đông người, ông ta cao hứng lỡ miệng nói mình là tác giả đích thực của đa số các sách trong bộ “tư tưởng Mao Trạch Đông”. Ông bị tước bỏ mọi chức vụ, ít lâu sau chết trong tù. Chủ tịch Mao gọi ông này là “loại đĩ bút, văn phỉ”.
Dưới chế độ chuyên chế cộng sản, viết lách là một nghề nguy hiểm. Con đừng nên theo cái nghiệp đó, nên chọn một ngành kỹ thuật nào đó mà học”.
Theo lời khuyên của Người, tôi đã học một ngành kỹ thuật, và năm năm sau trở thành kỹ sư. Nhưng đôi khi nổi hứng, tôi lại viết như bị ma ám, mà câu truyện này là một ví dụ.