Dương Thiên Tư
Tỷ lệ gia tăng dân số ở Trung Quốc Đại Lục liên tục giảm trong 2 năm qua. Các học giả trong và ngoài Trung Quốc dự đoán, tốc độ tăng dân số âm của Trung Quốc sẽ là bước ngoặt lịch sử hàng trăm năm, đồng thời là bước ngoặt về địa chính trị và kinh tế thế giới.
Dân số nhiều tỉnh ở Trung Quốc tăng trưởng âm
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2021 Trung Quốc Đại Lục có 10,62 triệu ca sinh và 10,14 triệu người qua đời, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,034%, mức suy giảm lớn nhất trong 57 năm. Trước đó, dân số sinh ra năm 2020 của Trung Quốc là 12 triệu, năm 2019 là 14,65 triệu.
Đồng thời, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của nhiều tỉnh tăng trưởng âm như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Trùng Khánh, Nội Mông. Ở tỉnh Giang Tô, một khu vực kinh tế phát triển, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên lần đầu tiên chuyển từ dương sang âm, ở mức -1,12‰.
Bà Dương Kha (Yang Ge), phó nghiên cứu viên tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng xét về xu hướng, sự gia tăng dân số âm là không thể tránh khỏi.
Trang tin The Paper tại Đại Lục đưa tin, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản giảm là một yếu tố quan trọng dẫn đến giảm số lượng sinh. Từ năm 2016 đến năm 2020, số phụ nữ từ 20 đến 34 tuổi trong thời kỳ sinh sản giảm bình quân 3,4 triệu người/ năm, năm 2021 giảm 4,73 triệu người.
Bà Dương Kha cho biết, dịch bệnh cũng có tác động nhất định đến việc sắp xếp hôn nhân và sinh con của một số người. Trên toàn cầu, tác động của đại dịch đối với tỉ lệ sinh sản nói chung là tiêu cực. Dịch bệnh đã mang đến sự bấp bênh và rủi ro, khiến một số người lựa chọn hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con của mình.
Truyền thông Đại Lục “Tin tức Kinh tế Thế kỷ 21″ (21st Century Business Herald) đưa tin, ông Trịnh Bỉnh Văn (Zheng Bingwen), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng vào năm 2021, dân số 65 tuổi của Trung Quốc sẽ chiếm hơn 14%, có nghĩa là Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn dân số già hóa trong năm nay, dự kiến đến năm 2035 sẽ là giai đoạn dân số siêu già hóa.
Ông Trịnh Bỉnh Văn cũng nói rằng dân số già của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự gia tăng hơn nữa “tỷ lệ chăm sóc“. Tỷ lệ này vào năm 2020 là 17%, dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2030, và sẽ vượt quá 43% vào năm 2050, con số này đã vượt qua của hầu hết các nước phát triển. Đến lúc đó, tốc độ già hóa của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, trong G7 chỉ có Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản là có tỷ lệ dân số già hóa nghiêm trọng hơn Trung Quốc.
Khi phân tích tác động của già hóa dân số đến tỷ lệ tiết kiệm, ông nói rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc đã giảm xuống và hiện đã giảm khoảng 7 hoặc 8 điểm phần trăm. Sự sụt giảm tỷ lệ tiết kiệm được phản ánh trong việc giảm dần tỷ trọng thu nhập khả dụng, nợ của hộ gia đình tăng cao, chủ yếu ở 3 khía cạnh: vay mua nhà, vay mua ô tô và thẻ tín dụng. Nhiều tổ chức quốc tế dự đoán rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình của Trung Quốc là “rất cao”.
Kỷ nguyên “tăng trưởng dân số âm” của Trung Quốc đang tiến nhanh chóng
Vào năm 2022, dân số Trung Quốc Đại Lục có thể bước vào kỷ nguyên “tăng trưởng âm”. Ông Trịnh Bỉnh Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết cùng tốc độ già hóa dân số ngày càng sâu, ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Năm nay, dân số có thể tăng trưởng âm, sớm hơn mức tăng dân số âm mà Liên Hợp Quốc dự đoán 10 năm, đây là một chỉ số quan trọng.
Ông Trương Trí Uy (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Những thách thức về nhân khẩu học là điều được biết rõ, nhưng dân số đang già đi nhanh hơn đáng kể so với dự kiến.” Ông ước tính tổng dân số Trung Quốc có khả năng đã đạt đỉnh vào năm 2021.
“Sách xanh về Dân số và Lao động” do Viện Kinh tế Dân số và Lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phát hành vào đầu năm 2019, đã chỉ ra rằng dân số Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong 10 năm, tức là vào năm 2029, và sau đó sẽ có sự tăng trưởng âm.
“Triển vọng dân số thế giới năm 2019” của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ là 1,70 vào năm 2021 và 1,75 vào năm 2030, và dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2032. Tỷ suất sinh chung là tỷ số giữa dân số sinh ra và bình quân số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong cùng thời kỳ.
Cục Điều tra Dân số Mỹ vào năm 2021 dự đoán rằng tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ là 1,50 vào năm 2021 và 1,52 vào năm 2030 và dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2031.
“Kế hoạch Phát triển Dân số Quốc gia (2016-2030)” của Trung Quốc dự đoán rằng tỷ suất sinh sẽ ổn định ở mức 1,8 trong năm 2020-2030 và dân số sẽ chỉ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2031.
Trong những dự báo này, tốc độ tăng trưởng dân số âm ở Trung Quốc muộn hơn nhiều so với năm 2022.
Ông Dịch Phúc Hiện (Yi Fuxian), một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin (Mỹ), đã có thời gian dài nghiên cứu các vấn đề dân số của Trung Quốc và đã xuất bản cuốn sách “Tổ trống [không] của nước lớn” (Đại quốc không sào). Ông nói với BBC Tiếng Trung rằng nếu dân số Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2022, trước nhiều năm so với dự báo của các cơ quan chức năng Trung Quốc, Liên Hợp Quốc và Cục Điều tra Dân số Mỹ, điều đó có nghĩa là các chính sách của Trung Quốc như chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng, chính sách đối ngoại, v.v, đều xây dựng trên cơ sở dữ liệu dân số sai. Điều này cũng có nghĩa là các chính sách của Mỹ và các nước khác đối với Trung Quốc cũng dựa trên dữ liệu dân số sai.
Ông Dịch Phúc Hiền cho rằng tốc độ tăng dân số âm của Trung Quốc sẽ là bước ngoặt lịch sử hàng trăm năm, đồng thời là bước ngoặt về địa chính trị và kinh tế thế giới.
Theo ông Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia về các vấn đề kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, “Trung Quốc có khả năng không thể thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong tương lai gần.”
Dương Thiên Tư, Vision Times