Kissinger và Soros đối đầu về vấn đề Nga và Ukraine

Walter Russell Mead, Kissinger vs. Soros on Russia and Ukraine -Walter, The Wall Street Journal, May 25, 2022

Bauxite Việt Nam dịch

Davos, Thụy Sĩ

Hai người nổi tiếng đều đã ở độ tuổi 90, tranh luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đưa ra những quan điểm chính trị đối nghịch về trật tự thế giới.

Cả hai đều là người nhập cư Mỹ, đều là những người sống sót dưới ách cai trị của Đức Quốc xã và hiện vẫn gây sóng gió ở độ tuổi chín mươi.

Henry Kissinger, người mà tuần này kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99, đã phát biểu online để thúc giục chống lại những nỗ lực đánh bại nước Nga hoặc gạt nước Nga ra bên lề, và kêu gọi Ukraine chấp nhận những tổn thất lãnh thổ từ năm 2014 để chấm dứt chiến tranh.

clip_image002
clip_image004
Henry Kissinger phát biểu online tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Vài giờ sau, George Soros, 91 tuổi, xuất hiện trực tiếp tại diễn đàn, cảnh báo rằng chiến thắng trong cuộc chiến chống lại nước Nga của Vladimir Putin là cần thiết để “cứu nền văn minh”, và kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraine mọi thứ Ukraine cần để giành chiến thắng.

clip_image006
George Soros trả lời các câu hỏi sau khi phát biểu tại Davos, Thụy Sĩ. (Fabrice Coffrini / AFP)

Thông điệp của họ hoàn toàn khác nhau, nhưng nhận thức của họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều tin rằng các giá trị và những điều quan tâm của Mỹ làm cho việc bảo vệ hòa bình ở châu Âu trở thành mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cả hai đều coi mình là người bảo vệ những gì tốt đẹp nhất trong nền văn minh phương Tây. Cả hai đều coi cuộc chiến Nga – Ukraine là một cú sốc lớn đối với hệ thống thế giới, và lo sợ hậu quả của một cuộc đấu tranh quân sự lâu dài. Cả Kissinger và Soros đều tin rằng xét cho cùng thì Nga là vấn đề thứ yếu đối với chính sách của Mỹ, tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung mới có ý nghĩa lớn hơn nhiều về lâu dài.

Điểm bất đồng giữa họ là bản chất của trật tự và nền văn minh mà họ tìm cách bảo tồn.

Ông Soros, giống như chính quyền Biden, xem vấn đề nổi trội trong chính trị thế giới là cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chủ nghĩa toàn trị. Các nền dân chủ có nghĩa vụ theo luật phải tôn trọng các quyền của công dân trong nước, và ở nước ngoài thì phải hành xử theo các quy định luật pháp quốc tế.

Các nhà cầm quyền chuyên chế bác bỏ những giới hạn như vậy cả ở trong và ngoài nước, và cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin cũng vô pháp giống như việc ông đối xử với những người bất đồng chính kiến ​​ở quê nhà. Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine là cuộc tấn công vào các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế. Nếu cuộc tấn công đó thành công, nền chính trị quốc tế sẽ quay trở lại với luật rừng, mà theo đó, sẽ như người Athens từng nói với người Melos trong Chiến tranh Peloponnesus: “Kẻ mạnh làm những gì họ có thể làm và những người yếu đuối phải gánh chịu những gì họ phải chịu”. [Chiến tranh Peloponnesus, 431 đến 404 TCN, là cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại – BVN chú thích].

Lập trường của Kissinger ít ý thức hệ hơn. Theo Kissinger: Đã và sẽ luôn có nhiều loại chính phủ trên thế giới. Công việc của Mỹ là tạo ra và bảo vệ sự cân bằng quyền lực nhằm bảo vệ tự do của chúng ta và của các đồng minh của chúng ta với các rủi ro và chi phí ít nhất có thể. Chúng ta không có sứ mệnh chuyển đổi người Nga và người Trung Quốc sang nền dân chủ, và chúng ta phải công nhận rằng các cường quốc đối thủ đó có các quyền và các lợi ích cần được tôn trọng. Nga, như ông Kissinger nói với cử tọa ở Davos, đang và sẽ vẫn là một thành tố quan trọng trong hệ thống nhà nước châu Âu, và một nền hòa bình lâu dài phải nhận ra sự thật không thể tránh khỏi đó.

Nhìn vào lịch sử, có một điều rõ ràng là không có một giải pháp nào để đạt thành công mà có thể chắc chắn là không thể có sai lầm. Các nhà lãnh đạo Pháp và Anh khi cố gắng xoa dịu Hitler vào những năm 1930, đã đưa ra những lập luận rất giống Kissinger về sự cần thiết phải tôn trọng lợi ích quốc gia của Đức. Những người cánh hữu khi thúc đẩy George W. Bush xâm lược Iraq đã đưa ra những lập luận giống Soros về bản chất toàn trị của chế độ Saddam Hussein. Các quý ông Kissinger và Soros đều sẽ đồng ý rằng, việc áp dụng một cách máy móc bất kỳ lý thuyết lịch sử nào vào những thực tế lộn xộn của đời sống quốc tế sẽ đều là cách tốt để vướng vào rắc rối.

Khi Winston Churchill, người mà qua sự nghiệp lâu dài của mình thể hiện cả tính cách của Soros lẫn tính cách của Kissinger, vào năm 1942, khi được hỏi về kế hoạch sau chiến tranh, ông đã trả lời bằng những lời mà các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay nên nhớ. “Tôi hy vọng những nghiên cứu mang tính suy đoán này sẽ được giao chủ yếu cho những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, và vì vậy chúng ta sẽ không bỏ qua công thức nấu món thỏ hầm trong sách dạy nấu ăn của bà Glasse, theo đó: ‘Trước tiên, hãy bắt thỏ’”.

Con thỏ của chúng ta chưa bị bắt. Ngoài việc yêu cầu các điều khoản, ông Putin có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao, và một cuộc chiến kéo dài sẽ mang lại nhiều nguy cơ cho phương Tây. Chiến thuật mới của Nga trong việc đe dọa nguồn cung cấp lương thực thế giới bằng cách phong tỏa các cảng của Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng ông Putin vẫn còn một số lá bài trong tay, và nhiều người châu Âu tỏ ra lo sợ lệnh cấm vận khí đốt của Nga hơn là Nga sợ châu Âu tẩy chay.

Ukraine không thể tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài nếu không có sự trợ giúp to lớn về kinh tế cũng như quân sự từ phương Tây. Điều gì sẽ xảy ra với đồng tiền của Ukraine khi Ukraine chi tiêu tất cả những gì họ có cho cuộc chiến sinh tồn? Quốc hội [Mỹ] chuẩn bị thông qua bao nhiêu gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD nữa? EU sẵn sàng cung cấp bao nhiêu viện trợ kinh tế nữa vào thời điểm nhiều nền kinh tế EU đang phải vật lộn với lạm phát và giá nhiên liệu cao? Nếu chiến tranh gây ra tình trạng thiếu lương thực và thậm chí là nạn đói trên khắp thế giới, và bất ổn chính trị lan sang các nước như Ai Cập, thì liệu phương Tây có thể điều phối một phản ứng toàn cầu khi đang tiếp tục viện trợ cho Ukraine?

Henry Kissinger và George Soros có thể đã chi phối các cuộc tranh luận ở Davos, nhưng có lẽ bà Glasse mới là người có lời cuối cùng.

W.R.M.

Walter Russell Mead là giáo sư về Ngoại giao và Nhân văn tại Đại học Bard College và giảng dạy chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Yale. Ông cũng là tổng biên tập của tạp chí The American Interest.

Nguồn bản chính: The Wall Street Journal

Related posts