Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng New Zealand đã chia sẻ mối quan ngại về nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vào hôm thứ Ba (31/5). Theo một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về nhu cầu kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương.
Ông Joe Biden và bà Jacinda Ardern đã gặp nhau tại Nhà Trắng trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du đến khu vực đảo Thái Bình Dương khiến New Zealand và Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lo ngại.
Một tuyên bố chung sau cuộc họp bày tỏ quan ngại về thỏa thuận an ninh gần đây giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon.
“Việc thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở Thái Bình Dương của một quốc gia không chia sẻ các giá trị hoặc lợi ích an ninh của chúng ta về cơ bản sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược của khu vực và đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia cho cả hai quốc gia của chúng ta”.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng hai bên đã chia sẻ mối quan tâm về những thách thức mà các quốc đảo Thái Bình Dương phải đối mặt và sự cần thiết phải giúp họ đối phó với các vấn đề như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
“Họ cũng đã có một số cuộc thảo luận khá chi tiết về tầm quan trọng của việc kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương và tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với New Zealand và các đối tác khác khi chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực của mình để can dự hiệu quả hơn ở Thái Bình Dương,” ông nói.
Bà Ardern là nhà lãnh đạo New Zealand đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi Ngài John Key gặp Tổng thống Barack Obama vào năm 2014.
New Zealand trong những tuần gần đây đã làm bày tỏ lo ngại về Trung Quốc sau tin tức rằng Bắc Kinh đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã có mặt tại Tonga hôm thứ Ba trong khuôn khổ chuyến công du qua khu vực các đảo ở Thái Bình Dương.
Ông Vương đã ký các thỏa thuận ở Tonga về hợp tác thiết bị cảnh sát và nghề cá, nhưng các quốc đảo Thái Bình Dương đã không thể đạt được đồng thuận trong cuộc gặp với ông Vương một ngày trước đó về một hiệp ước thương mại và an ninh khu vực sâu rộng mà Trung Quốc đã đề xuất.
New Zealand đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Sự Thịnh vượng (IEFP) của TT Biden, một khối kinh tế được thiết kế để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Khuôn khổ này đã được ông Biden công bố vào tuần trước trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á kể từ khi nhậm chức Tổng thống.
Bà Ardern cho biết hiệp ước này “mang đến một cơ hội đáng kể để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực của chúng ta.”
Nhưng New Zealand và một số quốc gia khác trong khu vực cho rằng hiệp ước này vẫn chưa đủ. Bà Ardern cho biết New Zealand mong muốn thấy Hoa Kỳ tái gia nhập hiệp ước thương mại khu vực mà người tiền nhiệm của Biden, khi đó là Tổng thống Donald Trump, đã từ bỏ vào năm 2017. Tuy vậy, ông Biden vẫn lưỡng lự về điều này do lo ngại nó có thể gây mất việc làm trong nước.
Ông Biden và bà Ardern cũng thảo luận về phản ứng của họ đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cũng như việc kiểm soát súng đạn sau một số vụ xả súng hàng loạt của Mỹ, bao gồm một vụ vào tuần trước tại trường tiểu học ở Texas khiến 21 trẻ em và giáo viên thiệt mạng.
Sau vụ thảm sát ở Christchurch vào năm 2019, trong đó một tay súng giết chết 51 người Hồi giáo, bà Ardern đã ban hành lệnh cấm súng bán tự động và các biện pháp hạn chế súng khác.
Ngân Hà (theo Reuters)