Hôm 12/05, Ấn Độ xác nhận rằng họ sẽ cung cấp cho một chính phủ Sri Lanka đang tuyệt vọng 65,000 tấn urê, theo hạn mức tín dụng 1 tỷ USD hiện có. Việc mua bán này, vượt qua lệnh cấm xuất cảng hàng hóa của New Delhi, giảm bớt áp lực nặng nề lên chính phủ của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa.
Kể từ cuối tháng Ba, Sri Lanka đã bị bủa vây bởi tình trạng bất ổn do các cuộc biểu tình bạo lực. Lệnh “bắn-khi-thấy” phần lớn đã khôi phục lại trật tự, nhưng tình trạng bất ổn đã dẫn đến việc thay thế Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, từng là nhân vật chính trị thống trị của đất nước. Em trai của ông, đồng thời là tổng thống nước này, khó có thể vượt qua cuộc biến động. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang diễn ra là điều tồi tệ nhất mà Sri Lanka từng trải qua kể từ khi độc lập từ Anh năm 1948.
Sri Lanka chỉ là màn mở đầu của thế giới. Những xáo trộn ở đó tạo ra cuộc khủng hoảng đầu tiên trong một loạt các cuộc khủng hoảng sắp nhấn chìm các quốc gia dễ bị tổn thương, thậm chí có thể là những nước lớn. Cuộc chiến ở Ukraine, làm nghiêm trọng thêm các vấn đề tiềm ẩn ở Sri Lanka và các nơi khác, đang làm rung chuyển hầu như mọi nơi trên hành tinh này.
Các sự kiện ở Sri Lanka cũng làm nổi bật cách thức Trung Quốc đang thống trị thế giới. Bắc Kinh đang làm tha hóa lãnh đạo các quốc gia, nhấn chìm họ trong nợ nần và cuối cùng gây bất ổn cho chính phủ của họ. Dường như Bắc Kinh đang đặc biệt nhắm vào các nền dân chủ.
Phân bón urê của Ấn Độ sẽ cho phép nông dân Sri Lanka trồng trọt trong vụ mùa Yala từ tháng Năm đến tháng Tám. Việc này diễn ra vào thời điểm rất cần thiết. Nước này đã chi khoảng 400 triệu USD hàng năm để nhập cảng phân bón nhưng gần đây đã không thể thu mua do thiếu ngoại hối. Năm ngoái (2021), để bảo tồn dự trữ tiền tệ, chính phủ đã cấm phân bón hóa học.
Theo các báo cáo của Bộ Tài chính, nước này chỉ có trong tay 25 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được, hầu như không đủ để thanh toán các khoản nợ. Theo kế hoạch, Sri Lanka phải trả nợ 7 tỷ USD trong năm nay, một phần của 26 tỷ USD đến hạn trước năm 2026. Tổng nợ ngoại quốc của nước này là 51 tỷ USD.
Lệnh cấm phân bón hóa học đã buộc nông dân phải bỏ ruộng, và một số người đã tham gia các cuộc biểu tình gần đây.
Do đó, nạn đói trong nước và giá lương thực tăng cao đã thúc đẩy các cuộc biểu tình.
“Tôi đã sống ở Colombo 60 năm và chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này,” bà Vadivu, một người giúp việc, nói với AFP hồi tháng Ba. “Không có gì để ăn, không có gì để uống.” Tháng này, ở thành phố đông dân nhất của Sri Lanka, giá cả thực phẩm ở đó đã tăng gấp ba lần trong vòng vài ngày.
Ông Ranil Wickremesinghe, tân thủ tướng nước này, cho biết ông sẽ bảo đảm người dân có đủ ba bữa ăn mỗi ngày.
Ông nói với BBC: “Sẽ không có nạn đói, chúng ta sẽ tìm thấy thực phẩm.”
Đó là một lời hứa mà ông Wickremesinghe có thể không giữ được. Sri Lanka không thể tự giải quyết các vấn đề của chính mình. Đại dịch COVID-19 đã chấm dứt hoạt động du lịch, một nguồn doanh thu chính. Hơn nữa, việc Nga xâm lược Ukraine — cả hai nước đều là nguồn khách du lịch lớn cho Sri Lanka — đã dập tắt hy vọng phục hồi trong năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề vượt ra ngoài lượng khách du lịch đến thăm. Cuộc chiến Ukraine có vẻ như đang kết thúc một thời kỳ toàn cầu hóa kéo dài hàng thập niên, và quá trình chuyển đổi này sẽ khó khăn đối với các quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào các quốc gia khác. Do đó, cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka mới chỉ là bắt đầu.
“Sri Lanka là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với những áp lực kinh tế ngày càng gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra,” The Guardian của London nhận định. “Khả năng cao đây chưa phải là quốc gia cuối cùng.”
Sri Lanka cũng phải đối mặt với một khó khăn khác: Trung Quốc. Gia tộc Rajapaksa thống trị, lâu nay được cho là bị Bắc Kinh nắm thóp, đã vay rất nhiều tiền từ các nguồn của Trung Quốc để thực hiện các dự án sai lầm. Nhiều “dự án voi trắng” (dự án khổng lồ không sinh lời) nằm ở quận Hambatota, quê hương của gia tộc Rajapaksas.
Cảng Hambatota, thua lỗ 300 triệu USD trong sáu năm, ngay từ đầu đã không thành công. Do đó, các nhà khai thác cảng không thể trả nợ khoản vay 1.4 tỷ USD từ Trung Quốc. Gần cảng này là trung tâm hội nghị 15.5 triệu USD hiếm khi được sử dụng. Nhờ có một khoản vay 200 triệu USD từ Trung Quốc, Sri Lanka đã có thể xây dựng Phi trường Rajapaksa gần đó, nơi này không thể trả ngay cả hóa đơn tiền điện.
Ở Colombo, câu trả lời của Sri Lanka đối với Dubai là Thành phố Cảng do Trung Quốc tài trợ, một hòn đảo rộng 665 mẫu Anh đồng thời là một “cái bẫy nợ ẩn”. Trong thành phố đó cũng có Tháp Hoa Sen, chưa bao giờ mở cửa cho công chúng, cũng do Trung Quốc tài trợ.
“Tự hào về tòa tháp này có ích gì khi chúng tôi phải ra đường ăn xin?” ông Krishantha Kulatunga, chủ một tiệm văn phòng phẩm nhỏ gần địa danh này, cho biết. “Chúng tôi vốn đã nợ nần ngập cổ.”
Trung Quốc đã gia hạn khoảng 17% tổng số nợ của Sri Lanka. Rất ít người biết được mức độ đầy đủ của khoản nợ đối với các bên của Trung Quốc vì có những khoản vay khó theo dõi đối với các công ty nhà nước của Sri Lanka và các ngân hàng trung ương của nước này.
Dù tổng số nợ của họ là bao nhiêu, các khoản vay từ Trung Quốc đã làm Sri Lanka phá sản. Hồi tháng Tư, nước này tuyên bố đình chỉ trả nợ ngoại quốc. BBC đưa tin, việc đình chỉ, vụ vỡ nợ đầu tiên kể từ khi độc lập, “phần lớn là do nước này không thể trả các khoản vay từ Trung Quốc dành cho cho các dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ.”
Trung Quốc là nước cho vay nặng lãi của thế giới, một điều hiển nhiên từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Dự án cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh chuyên về đường bộ, cảng và đường sắt, giống như các dự án của Sri Lanka, có ít hoặc không có sự hợp lý về mặt thương mại. Cho đến nay, 146 nước đã ký các thỏa thuận ghi nhớ BRI với Bắc Kinh. Một số nước nhận thấy bản thân mình đang mắc nợ Trung Quốc.
Trung Quốc đã thiết lập một mô hình.
Bà Cleo Paskal, thuộc Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ, nói với Viện Gatestone: “Trung Quốc gia hạn nợ theo những điều khoản khó khăn, hỗ trợ các chính quyền độc tài khi có sự sụp đổ tài chính hoặc bất tuân dân sự, và sau đó lấy đi mọi thứ mà họ có thể tìm thấy.”
Mô hình này thể hiện rõ ở Sri Lanka. Hồi tháng 12/2017, Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát cảng Hambatota, chiếm 70% vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng thuê 99 năm, sau khi dự án đó không thể trả các khoản vay lãi suất cao do Trung Quốc gia hạn. Giờ đây có những lo ngại rằng Hambantota cuối cùng sẽ trở thành một căn cứ hải quân của Trung Quốc.
Các đô đốc của Trung Quốc đã để mắt đến Sri Lanka từ lâu: Trong cả tháng 09/2014 và tháng 10/2014, chính phủ Sri Lanka đã cho phép một tàu ngầm Trung Quốc cùng tàu tiếp liệu cập bến Cảng Container Quốc tế Colombo do Trung Quốc tài trợ.
Một căn cứ ở Sri Lanka sẽ cho phép phi cơ và lực lượng tác chiến mặt nước cũng như tàu ngầm của Trung Quốc cắt ngang các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và buộc Ấn Độ kế bên phải chuyển hướng các khí tài quân sự của họ sang một hiện diện đầy đe dọa.
Không phải ngẫu nhiên mà Djibouti, cũng nợ nần chồng chất với các bên của Trung Quốc, hiện là nơi đặt căn cứ quân sự ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc.
“Mô hình này là thâm hiểm, được thiết lập để bám rễ sâu, và ngày càng mở rộng, và vì vậy, nó giống như các quân cờ domino đã được sắp đặt sẵn và Bắc Kinh hoàn toàn vui sướng khi khiến các quân cờ này sụp đổ để có thể giải cứu về kinh tế, chính trị và giúp bản thân bám sâu hơn nữa,” bà Paskal nói.
Sri Lanka hiện đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng đó không hẳn là một ý tưởng hay. Cộng đồng quốc tế không nên giúp một Trung Quốc phàm ăn nuốt chửng các xã hội nhỏ, dễ bị tổn thương.
“Việc tái cơ cấu tài chính không phải là điều mà quý vị cần, điều mà quý vị cần là tái cơ cấu chính trị trước khi rót thêm tiền bạc vào,” bà Paskal nói. “Nếu IMF cứu trợ Sri Lanka mà không bảo đảm rằng nước này không còn liên kết với Bắc Kinh, thì họ sẽ trợ cấp cho đầu tư của Trung Quốc và củng cố về mặt chính trị cho một quốc gia trở thành nước chư hầu của Trung Quốc.”
Ông Gordon G. Chang là một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, một thành viên Ban Cố vấn của viện, và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”).
Thanh Nhã biên dịch