Sòng bạc: Công cụ đắc lực giúp Trung Quốc ‘thay đổi cuộc chơi’ ở các quốc đảo Thái Bình Dương

Lê Minh

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đi qua đoàn vệ binh danh dự trong buổi lễ chào đón nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2019. (Ảnh: Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

Sòng bạc là công cụ yêu thích của Trung Quốc để bành trướng và gây ảnh hưởng lên các nền kinh tế dễ bị tổn thương và đói khát đầu tư như các quốc đảo Thái Bình Dương (PIC). Xây dựng sòng bạc là một trong những đề nghị đầu tiên của Bắc Kinh khi PIC nói rằng họ sẽ mở cửa để đón nhận đầu tư.

Sòng bạc Trung Quốc phá hủy môi trường ở Fiji 

Ngày 28/04, một tòa án ở quốc đảo Fiji đã đưa ra phán quyết yêu cầu một nhà phát triển sòng bạc Trung Quốc phải trả 650.000 USD vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường khi tiến hành các hoạt động phát triển trái phép trên đảo Malolo ở phía tây Fiji.

Vụ việc là cuộc đấu tranh trường kỳ của hai vận động viên lướt sóng người Úc: Navrin Fox và Woody Jack, những người kiểm soát khu đất có vị trí sát cạnh khu đất thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Freesoul Real Estate. Freesoul đã phá bỏ một phần rạn san hô, đổ chất thải, chặn các chủ đất khác và làm xáo trộn nghề cá truyền thống để xây dựng khu nghỉ dưỡng và sòng bạc đầu tiên của Fiji.

Ông Fox và ông Jack đã giúp thu hút sự chú ý của công chúng đến vụ việc này và tìm cách ngăn chặn hành động tàn phá môi trường. Các chuyên gia cho biết, nhiều dự án sòng bạc khác có liên kết với Trung Quốc ở Thái Bình Dương đang gây ra nhiều nguy hại nằm ngoài tầm nhìn và giám sát của công chúng.

Bà Cleo Pascal, một thành viên cấp cao tại Foundation for Defense of Democracy có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times trong một email: “Tôi đã tham gia một cuộc họp ở London, trong đó đại diện đến từ quốc đảo Tonga nói chuyện với những nhà đầu tư tiềm năng, và điều đầu tiên mà đại diện Trung Quốc hỏi đến là các sòng bạc”.

“Họ liên tục nhắc lại câu hỏi. Phía Tonga đã nói không, vì điều đó đi ngược lại niềm tin [tín ngưỡng] của họ. Nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục hỏi. Và biết đâu, một hôm nào đó, họ sẽ tìm thấy một người không có hoặc có niềm tin khác”.

Ông Grant Newsham – Giám đốc tại One Korea Network, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh (CSP) và tại Viện Yorktown – nói với The Epoch Times rằng khoản tiền phạt 650.000 USD do tòa án Fiji đưa ra sẽ không gây ra thiệt hại gì cho người Trung Quốc.

Ông Newsham cho biết trong một email: “Đó là một hình phạt quá nhẹ nhàng. Người Trung Quốc chắc đang cười lớn. 600.000 USD chỉ tương đương 1/1000 thiệt hại thực tế. Chúng ta không thể ‘sửa chữa’ các rạn san hô và rừng ngập mặn. Các rạn san hô mất hàng ngàn năm để phát triển, trong khi rừng ngập mặn chỉ nhanh hơn một chút”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Jeremiah Manele (phải) của Quần đảo Solomon tham dự một cuộc họp báo ở Honiara, hôm 26/05/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Sòng bạc Trung Quốc và BRI ở các quốc đảo Thái Bình Dương

Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Thái Bình Dương có nhu cầu cao nhất về đầu tư. Báo cáo năm 2018 (pdf) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc “chắc chắn có thể” cung cấp một số khoản đầu tư này.

BRI là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ USD do chính quyền Trung Quốc khởi xướng nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới.

Trong số 15 quốc đảo Thái Bình Dương độc lập, 10 nước đã ký vào BRI. Trường hợp mới nhất là Quần đảo Solomon; nước này gia nhập BRI vào năm 2019 sau khi chấm dứt quan hệ ngoại giao 36 năm với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đi cùng một phái đoàn lớn, đã hạ cánh xuống Solomon hôm 26/05 để bắt đầu chuyến công du 8 quốc gia. Theo hãng tin AP, ông Vương đang hy vọng đạt được thỏa thuận với 10 nước Thái Bình Dương trong chuyến thăm. Các thỏa thuận này bao gồm tất cả lĩnh vực, từ an ninh đến đánh bắt cá.

Năm 2020, Mỹ đã trừng phạt trùm xã hội đen người Trung Quốc Wan Kuok Koi, còn được biết đến với cái tên “Răng sứt” (Broken Tooth), người sở hữu các sòng bạc và phòng VIP trên khắp PIC và Đông Nam Á. Mỹ cáo buộc ông ta đã lợi dụng BRI để tạo nên nạn tham nhũng trong khu vực.

Wan Kuok Koi là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – cơ quan cố vấn chính trị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ vào thời điểm đó.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm, ông ta cũng là “thủ lĩnh của hội Tam Hoàng 14K, một trong những tổ chức tội phạm Trung Quốc lớn nhất trên thế giới tham gia buôn bán ma túy, đánh bạc bất hợp pháp, lừa đảo, buôn người và một loạt các hoạt động tội phạm khác”.

Hội Tam Hoàng 14K đã tham gia các hoạt động kể trên ở Palau, một quốc đảo ở Tây Thái Bình Dương.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách đen một tổ chức có trụ sở tại Campuchia do ông Wan thành lập có tên là Hiệp hội Lịch sử và Văn hóa Hồng Môn Thế giới. Mỹ cho rằng đó là một nỗ lực của hội Tam Hoàng 14K nhằm hợp pháp hóa chính nó.

Hai tổ chức khác do ông Wan sở hữu và kiểm soát cũng bị Mỹ trừng phạt gồm: Hiệp hội Văn hóa Hung-Mun Trung Quốc Palau và Tập đoàn Dongmei có trụ sở tại Hong Kong.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Hiệp hội Lịch sử và Văn hóa Hồng Môn Thế giới đang phát triển khắp Đông Nam Á, thiết lập một mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ liên quan đến tiền điện tử, bất động sản, và gần đây nhất là một công ty bảo mật chuyên bảo vệ các khoản đầu tư BRI”.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc đứng sau các dự án BRI có một số điểm chung: Ban lãnh đạo của họ có mối liên hệ với các mạng lưới tội phạm hoặc các đối tượng tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở các khu vực thuộc Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc; họ có các tổ chức đã cài sẵn vào các sòng bạc và đã sử dụng tiền điện tử; họ tự quảng cáo trực tuyến là có liên kết với BRI của Bắc Kinh và với chính quyền Trung Quốc; và họ đã thành lập các hiệp hội tích cực hỗ trợ công dân Trung Quốc”.

Giới truyền thông vây quanh chiếc xe khi ông Wan Kuok Koi (giữa) được hai người đàn ông lái xe rời khỏi nhà tù Macau hôm 01/12/2012. (Ảnh: Laurent Fievet / AFP qua Getty Images)

‘Răng Sứt’ ở Palau

Wan Kuok Koi đến Palau vào năm 2019, sau đó được cấp giấy phép điều hành 2 sòng bạc ở quốc gia này, một chuyên gia với hàng chục năm kinh nghiệm về PIC và có kiến ​​thức về hội Tam Hoàng nói với The Epoch Times với điều kiện giấu tên.

Báo chí Trung Quốc khi đó cho biết Tổng thống Palau Thomas Remengesau Jr lúc ấy đã cấp cho ông Wan giấy phép mở Casino và trò chơi trực tuyến Pachinko.

Nguồn tin giấu tên cho biết: “Răng Sứt đã thành lập Hiệp hội người Hoa Hồng Môn ở Palau, đưa hàng ngàn thành viên của hội Tam Hoàng đến Palau và sau đó mở các sòng bạc trực tuyến tại nhiều khách sạn”.

Theo một bài báo tiếng Trung, ông Wan cũng được cấp giấy phép thành lập Đặc khu Kinh tế Hồng Môn tại đảo Angaur. Một hợp đồng 99 năm đã được ký kết với chính phủ Palau.

Cụ thể, ông Wan tuyên bố sẽ huy động 200 tỷ đô-la Hong Kong để biến 9 km2 của hòn đảo này thành một khu nghỉ dưỡng giải trí quốc tế. Ông Wan cũng thông báo rằng tất cả các khoản thanh toán quan trọng trong Đặc khu Kinh tế Hồng Môn sẽ được thực hiện bằng một loại tiền điện tử do ông Wan phát hành.

Một bài báo tiếng Trung khác đã đăng tải hình ảnh về giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử được cấp cho ông Wan.

Tuy nhiên, ông Remengesau vào thời điểm đó đã lên tiếng phủ nhận những thông tin trong các bài báo kể trên. Tổng thống Palau nói với hãng truyền thông địa phương Island Times rằng ông ấy không tán thành việc kinh doanh các sòng bạc trong nước vì chúng là bất hợp pháp.

Ông Remengesau cho biết khi gặp Wan Kuok Koi, ông không biết danh tính của ông Wan và sau đó đã được chính phủ Đài Loan cảnh báo. Island Times trích dẫn hồ sơ từ Tổng chưởng lý cho thấy ông Wan đã đăng ký một tổ chức phi lợi nhuận có tên “Hiệp hội văn hóa Hung-Mun Trung Quốc Palau” và lưu ý rằng các tổ chức phi lợi nhuận không được phép kinh doanh ở Palau.

Cũng theo Island Times, bà Xiaoxue Xu – người được Bộ Tư pháp Palau xác định là vợ của ông Wan vào năm 2019 – đã bị từ chối nhập cảnh vào Palau vì cáo buộc làm giả danh tính.

Chính phủ Palau vào thời điểm đó cho biết rằng bà Xu có liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp ở nước này và vấn đề đang được điều tra.

Nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền Trung Quốc, hội Tam Hoàng hoặc các băng nhóm tội phạm khác hoạt động thông qua các mối liên hệ tinh vi của họ trong PIC. Tội phạm, bao gồm cả Răng Sứt, có thể dễ dàng tiếp cận các nhà lãnh đạo chính trị ở các quốc đảo nhỏ, và điều này có thể dễ dàng dẫn đến tham nhũng.

Lê Minh

Related posts