Lê Tiểu Quỳ
Gần đây, trên mạng lan truyền 2 bức thư ngỏ của các bệnh nhân ung thư máu tại hơn 30 tỉnh thành ở Trung Quốc, cáo buộc sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của Sinovac Trung Quốc thì bị mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Có thông tin cho rằng hàng ngàn trường hợp đã bị nhà cầm quyền trấn áp, thậm chí các nhà báo và luật sư Trung Quốc cũng không dám hỗ trợ.
Hai bức thư ngỏ tố cáo Sinovac từ “bệnh nhân ở 30 tỉnh”, bị chính quyền đàn áp
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), bức thư ngỏ công khai đầu tiên được công bố vào đầu tháng này, đề cập đến những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, đến từ các thành phố cấp 1 và cấp 2 ở Trung Quốc. Họ là những người làm việc trong các ngành nghề khác nhau, độ tuổi từ 3 đến 70 tuổi, hoặc là chủ động hoặc bị động tiêm vắc-xin sau khi các nơi ở Trung Quốc thúc đẩy tiêm vắc-xin.
Bức thư nói rằng họ có sức khỏe tốt trước khi tiêm chủng, không có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền, và không có ô nhiễm xung quanh nơi ở và không có làm công việc tiếp xúc với phóng xạ. Nhiều người thậm chí đã được khám sức khỏe trước khi tiêm chủng, các chỉ số thể chất đều tốt. Sau khi tiêm chủng COVID-19, họ bắt đầu có các triệu chứng sốt ở các mức độ khác nhau, đổ mồ hôi ban đêm, ho, nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy và khó thở. Họ được xác nhận là mắc bệnh bạch cầu cấp tính, chủ yếu là bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. Hầu hết mọi người xuất hiện các triệu chứng một vài ngày sau khi tiêm chủng và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu.
Thư ngỏ chỉ ra rằng các loại vắc-xin COVID-19 mà họ tiêm chủng chủ yếu là của công ty Sinovac Biotech, và các loại khác bao gồm vắc-xin BIBP của Sinopharm, vắc-xin của Viện Sinh học Vũ Hán, Chongqing Zhifei Biological Products, và Changchun Institute of Biological Products. Hiện tại đa số họ buộc phải phải nhập viện để hóa trị hoặc làm phẫu thuật cấy ghép. Ngoài bệnh bạch cầu, một số người còn bị thiếu máu ác tính, giảm tiểu cầu, nổi hạch.
Bức thư cũng đề cập rằng các bệnh nhân đã đến chính quyền địa phương, chính quyền tỉnh và thậm chí cả Bắc Kinh để khiếu kiện nhưng họ không nhận được phản hồi hợp lý, và một số quan chức địa phương thậm chí còn đối xử thô bạo, coi họ đối tượng để tiến hành “duy trì ổn định”.
Bức thư dẫn lời Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hồi tháng Ba năm nay đã ban hành một văn bản cho các địa phương, yêu cầu họ hết sức chú ý đến những xu hướng gần đây của một số người trong nhóm WeChat phàn nàn rằng họ hoặc người nhà của họ bị ung thư máu sau khi tiêm vắc-xin. Điều này cho thấy Ủy ban Y tế Quốc gia đã biết về vụ việc.
Ngoài ra, một số bệnh nhân đã nhờ phóng viên hỗ trợ đưa tin, nhưng phóng viên cho biết hiện tại họ chưa thể đưa tin về tác dụng phụ của vắc-xin. Bệnh nhân lại tìm đến luật sư, nhưng bên đối phương cho biết rằng sẽ không thể làm đại diện trong vụ kiện liên quan đến dịch bệnh.
Trong tình huống không thể làm gì hơn, những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu này đã đưa ra bức thư ngỏ thứ hai, nói rằng bức thư ngỏ đầu tiên sau khi được tìm kiếm nóng trên Weibo trong vòng một ngày thì nó đã bị “làm dịu đi”.
Bức thư cũng chỉ ra rằng có một bà mẹ Thiểm Tây đã có con, nhưng đứa trẻ đã chết vì ung thư máu sau khi được tiêm vắc-xin COVID-19. Một người mẹ khác ở Sơn Đông, sau khi con gái bị bệnh bạch cầu, cô đã dùng tủy của con trai mình nhưng cũng không thể cứu sống được bé gái, mỗi ngày người mẹ này đều khóc rất nhiều.
Những nạn nhân này hy vọng chính quyền ĐCSTQ sẽ không coi bệnh nhân như kẻ thù và đàn áp họ, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không phản đối chính sách tiêm chủng quốc gia, nhưng xảy ra chuyện thì cũng phải có người chịu trách nhiệm, vì vậy chúng tôi hy vọng rằng Sinovac, công ty kiếm được 90 tỷ mỗi năm, chịu trách nhiệm, cung cấp quỹ viện trợ nhân đạo 10 tỷ nhân dân tệ để điều trị cho nhóm người bệnh bị bạch cầu của chúng tôi.”
Có người dùng tên thật tố cáo Sinovac vi phạm pháp luật, quản lý cấp cao đột nhiên “qua đời” vào tháng Tư
Gần đây, một bức thư dùng tên thật để tố cáo “Công ty TNHH Chế phẩm sinh học Khoa Hưng Bắc Kinh” (Sinovac Biotech) vi phạm pháp luật. Trong thư cáo buộc Sinovac Biotech che giấu “vắc-xin Sinovac” chỉ là “vắc-xin thử nghiệm“, “lừa dối người dân toàn quốc ký tên đồng ý hoặc mặc nhận tiêm chủng ‘vắc-xin Sinovac’, bỏ mặc người tiêm vắc-xin bị bệnh hoặc tử vong, che giấu dữ liệu tiêm vắc-xin dẫn đến bệnh tật và tử vong”, với mục đích chiếm dụng trái phép quỹ bảo hiểm y tế, cấu thành tội gian lận có tổ chức.
Vào tháng 6/2021, WHO đã phê duyệt vắc-xin COVID-19 do Sinovac Biotech ở Bắc Kinh sản xuất, được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo số liệu của WHO tại thời điểm đó, giai đoạn 3 của nghiên cứu lâm sàng được thực hiện tại Brazil cho thấy tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin chỉ đạt 50,7%, vừa đủ ngưỡng hiệu quả của vắc-xin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Trước vấn đề này, một số quốc gia đã từ chối sử dụng vắc-xin của Trung Quốc vào thời điểm đó, ví dụ như vào tháng 6/2021, Costa Rica đã từ chối tiếp nhận vắc-xin Sinovac vì cho rằng hiệu quả của nó quá thấp. Tháng Bảy cùng năm, Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố rằng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc không nằm trong kế hoạch tiêm chủng quốc gia của Singapore.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội Y khoa Indonesia cho biết, vào tháng 6/2021, 26 bác sĩ ở Indonesia đã chết vì dịch COVID-19, và ít nhất 10 người trong số họ đã được tiêm phòng đầy đủ 2 liều vắc-xin Sinovac. Báo cáo còn thẳng thắn tuyên bố rằng mặc dù vắc-xin Sinovac đã được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng do sự khác biệt lớn về hiệu quả thu được từ các thử nghiệm lâm sàng khác nhau và sự thiếu minh bạch của dữ liệu, một số chuyên gia y tế cộng đồng đã bày tỏ lo ngại về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin này cũng như thời gian bảo vệ của nó.
Điều đáng nói là vào ngày 17/4 năm nay, chỉ một ngày sau vụ bắt giữ Vu Lỗ Minh (Yu Luming) – Giám đốc Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Bắc Kinh, thì bất ngờ có thông tin về Tào Hiểu Bân (Cao Xiaobin) – Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề chính phủ của Sinovac Biotech “qua đời”. Chính quyền không đưa ra hồi đáp về thông tin này vào thời điểm đó, đến ngày 18/4, Sinovac Biotech mới xác nhận vụ việc này, và ngày hôm sau (ngày 19/4) trang tin Wangyi mới đưa tin.
Nhiều bí mật đằng sau vắc-xin nội địa Trung Quốc
Mặc dù các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng vắc-xin nội địa là an toàn và đáng tin cậy, nhưng nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng thực sự có tồn tại vấn đề vắc-xin mất hiệu quả và có nhiều tin tức tiêu cực về vắc-xin nội địa Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 8 năm từ năm 2010 – 2018, cả nước (Trung Quốc) đã có không dưới 8 vụ vắc xin giả, vắc xin độc.
Một trong những vụ gây xôn xao dư luận nhất là vắc-xin phòng dại do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trường Sinh tại thành phố Trường Xuân (Changsheng Bio-Technology) sản xuất, đã khiến hàng trăm ngàn trẻ em bị ảnh hưởng. Năm 2018, từng bùng nổ thông tin về việc 250.000 liều vắc-xin chất lượng thấp đã được đưa vào thị trường trong sự cố vắc-xin DTP của Changsheng Bio-Technology.
Ngoài ra, 17 trẻ sơ sinh tử vong trong năm 2013 sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B do Trung Quốc sản xuất. Sau vụ việc, các nhà sản xuất vắc-xin viêm gan B ở Trung Quốc Đại Lục như Shenzhen Kangtai Biological Products (Công ty Chế phẩm Sinh học Khang Thái Thâm Quyến), Dalian Hissen Bio-pharm (Công ty Sản xuất thuốc Sinh học Hán Tín Đại Liên) và Beijing Tiantan Biological Products (Công ty Chế phẩm Sinh học Thiên Đàn Bắc Kinh), đều vướng vào sóng gió gây ra cái chết của trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, trong khi các cơ quan chức năng của chính quyền nhanh chóng dập tắt tiếng nói chỉ trích.
New York Times phân tích rằng từ năm 2018 đến năm 2020, có ít nhất 59 vụ kiện tham nhũng liên quan đến các công ty vắc-xin ở Trung Quốc, trong đó 54 vụ liên quan đến hối lộ các quan chức địa phương. Sau khi bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán, cả Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán và Sinovac, nơi phát triển vắc-xin COVID-19, đều dính vào các vụ bê bối vắc-xin.
Ông Trương Văn Hồng, Giám đốc Khoa Các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết tại một cuộc họp vào tháng 12/2020, “Bạn tiêm 10% cũng được, 20% cũng được, thực ra chúng tôi không sốt ruột”, “Ai nên tiêm chủng trước? Cá nhân tôi thấy rằng hiện tại cần tiêm là trước là cán bộ lãnh đạo”. Nhưng dịch bệnh vẫn tiếp diễn cho đến nay, chưa hề thấy lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc (ĐCSTQ) đi đầu trong việc tiêm chủng vắc-xin Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình lãnh đạo phòng chống dịch bằng khoa học công nghệ, nhóm lợi ích thu lợi
Trên thực tế, vào đầu tháng Hai năm nay, một bản ghi âm của học giả Harvard Hoàng Vạn Thịnh (Huang Wansheng) đã bị rò rỉ trên Internet, tiết lộ những những cấu kết lợi ích đằng sau chính sách phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ.
Theo thông tin mà ông Hoàng Vạn Thịnh có được, một công ty tập đoàn ở Trung Quốc đã kiếm được 670 tỷ nhân dân tệ chỉ riêng từ việc xét nghiệm axit nucleic. Theo con số thu nhập kinh tế khoảng 67.000 tỷ nhân dân tệ được tạo ra từ chống dịch của Trung Quốc vào năm 2020 do bà Lý Linh (Li Ling), giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đưa ra, con số thu nhập ngoài sức tưởng tượng của công ty này chỉ chiếm 1% tổng thu nhập chống dịch.
Ông Hoàng Vạn Thịnh cũng chỉ ra rằng việc cao tầng của ĐCSTQ “chấm mút” trong việc xét nghiệm axit nucleic đã dẫn đến tình huống chỉ cần có 1 hoặc 2 ca bệnh thì bèn tiến hành xét nghiệm toàn bộ khu vực, lợi ích nhóm đằng sau cũng nhân cơ hội này kiếm khoản tiền lớn. Giống như một doanh nghiệp Trung Quốc chỉ dựa vào xét nghiệm axit nucleic mà đã kiếm 105,8 tỷ USD. Ngoài ra còn có việc tiêm vắc-xin, cưỡng chế tiêm mấy mũi đều có liên quan đến các nhóm lợi ích. Ông cũng nhấn mạnh rằng không có quốc gia nào trên thế giới tiến hành miễn dịch theo cách này.
Mặc dù ông Hoàng Vạn Thịnh và quan chức ĐCSTQ đã không trả lời về đoạn ghi âm nói trên. Tuy nhiên, sau khi xem lại thông tin quá khứ, người ta thấy đoạn ghi âm có đề cập đến việc ông Hoàng Vạn Thịnh đã đến Phúc Kiến sau khi trở về Trung Quốc. Trang Sina có hình ảnh và bài viết giới thiệu, vào ngày 7/10/2020, ông Hoàng Vạn Thịnh – một nhà nghiên cứu của Viện Harvard – Yenching và cũng là học giả nổi tiếng quốc tế, cùng doanh nhân Ngô Dực Phụng (Wu Yifeng) – một doanh nhân đến từ Phúc Kiến (Giang Tô), đã đến thăm Khu thí nghiệm tổng hợp Bình Đàm (Ping Tan).
Theo Bách khoa toàn thư Baidu, ông Hoàng Vạn Thịnh tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1997, và tốt nghiệp Viện Triết học của Học viện Khoa học Xã hội năm 1981. Ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đối chiếu văn hóa và Văn phòng Nghiên cứu Triết học đối chiếu của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Từ năm 1992 đến năm 1997, ông là nhà nghiên cứu thỉnh giảng của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Ông hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Harvard Yenching và là một học giả nổi tiếng quốc tế.
Theo số liệu chính thức mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 29/5/2022, số lượng tiêm chủng ở Trung Quốc đã lên tới 3,38 tỷ liều. Dù vậy, dịch COVID-19 ở Trung Quốc Đại Lục vẫn đang lây lan.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times