Đối với người dân, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không thể thay thế và được tính vào chi tiêu hằng tháng như một khoản cố định. Vừa qua, giá xăng tại Việt Nam lên mức kỷ lục hơn 31.500 đồng một lít. Vậy thu nhập và giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới ra sao?
Theo thống kê năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.759 USD/người, tương đương thu nhập mỗi người dân đạt khoảng 87 triệu đồng/năm (khoảng 7,2 triệu/tháng), xếp thứ 129 của thế giới.
Đối với quốc gia láng giềng như Thái Lan có GDP/người đạt 7.675 USD, tương đương 178 triệu đồng/năm (khoảng 14,8 triệu đồng/tháng), cao gấp 2 lần Việt Nam.
Kế đến trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có thu nhập bình quân đầu người đạt 11.378 USD/năm, tương đương 263 triệu đồng/năm (khoảng 22 triệu đồng/tháng), cao gấp hơn 3 lần Việt Nam.
So sánh thu nhập với một số nước, có thể thấy Việt Nam đang nằm trong nhóm thu nhập trung bình thấp của thế giới và dễ chịu tác động của giá cả hàng hóa tăng cao hơn.
Thực tế thời gian qua giá cả hàng hóa tăng mạnh đang khiến thu nhập của người dân “co hẹp”. Trong đó, giá xăng RON95 tính từ đầu năm đã tăng 36%, từ mức 23.290 đồng/lít (ngày 1/1/2022) lên đến 31.570 đồng (ngày 1/6). Bên cạnh đó, giá dầu Diesel cũng tăng đáng kể, từ mức 17.570 đồng/lít lên 26.390 đồng/lít trong cùng khoảng thời gian trên, tương đương tăng 50%.
Trong khi đó, hiện nay trong cơ cấu tính thuế phí, bình quân một lít xăng ở Việt Nam “cõng” 40-45% thuế phí, dầu chịu khoảng 21-27%. Điều này góp phần vào việc giá xăng dầu ở Việt Nam luôn được “neo” ở mức cao.
Mới đây, Bộ Công thương nhận định giá xăng của Việt Nam còn ở mức trung bình của thế giới. Điều này thu hút sự chú ý của dư luận về việc nhận định trên có xét đến thu nhập hiện nay của người dân Việt Nam hay không. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng không thể thay thế và đóng vai trò là một khoản chi tiêu cố định trong thu nhập của mỗi người, mỗi gia đình.
Nếu so sánh với một số quốc gia về thu nhập thì dường như người dân Việt Nam đang phải chi tiêu phần lớn số tiền kiếm được vào xăng dầu.
Ví dụ như Đài Loan, thu nhập của người dân đạt khoảng 55,8 triệu đồng/tháng (cao gấp gần 8 lần Việt Nam) và giá xăng chỉ hơn 25.000 đồng/lít hay người dân Úc chỉ trả tiền một lít xăng cao hơn Việt Nam khoảng 33.000 đồng/lít nhưng thu nhập lại gấp 15 lần Việt Nam, đạt hơn 110 triệu đồng/tháng.
Như vậy, khi thêm vào yếu tố thu nhập của người dân để xét đến giá mặt hàng xăng dầu, điều dễ nhận thấy là thu nhập của người dân Việt Nam khá thấp và giá xăng dầu đang ở mức tương đối cao so với một số nước khác.
Theo trang GlobalPetrolPrices, nguyên tắc chung là các nước giàu hơn có giá xăng cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá xăng thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp khác nhau cho xăng dầu. Tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận cùng một mức giá xăng dầu của thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp dụng các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu là khác nhau.
Đức Minh