Nguồn: Ehemaliger KGB-Agent Sergej Jirnow: „Strategisch hat Putin diesen Krieg bereits verloren!“, WELT, 03/06/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Cựu điệp viên KGB Sergei Yirnov biết rõ về Vladimir Putin. Tổng thống Nga ngày càng bị cô lập ở trong Điện Kremlin, nhưng ông ta lại sống trong một thế giới song song đầy nguy hiểm. Tuy nhiên người hiểu rõ về Putin này lại lo lắng nhất về một tính cách khác của vị tổng thống.
Chuyện xảy ra vào buổi tối ngày Nga xâm lược Ukraine. Trên truyền hình Pháp, một cựu điệp viên Nga khiến khán giả hoảng hốt khi ông nói Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngay lập tức ông bị mạng xã hội tấn công tới tấp và nhiều chuyên gia cho rằng ông là một kẻ tán thành chiến tranh. Ba ngày sau đó, Vladimir Putin tuyên bố đặt kho vũ khí hạt nhân của mình vào tình trạng báo động. Kể từ đó người ta mới bắt đầu chú ý lắng nghe Sergei Jirnov.
Hỏi: Ông có tin rằng nước Nga sẽ thua trong cuộc chiến ở Ukraine không?
Đáp: Mặc dù tôi mong như vậy, nhưng lúc này không có gì là chắc chắn cả. Putin có thể thắng một số trận và cuối cùng chiếm được toàn bộ Donbass, chiếm một số thành phố lớn để trấn giữ miền đông Ukraine, kết nối Donbass và Bán đảo Crimea được sáp nhập từ năm 2014. Tuy nhiên, ông ta sẽ không bao giờ thành công và chinh phục được toàn bộ đất nước, ít nhất là không thể bằng vũ khí thông thường. Nếu đánh giá một cách lạc quan, tôi cho rằng, về chiến lược, Putin đã thua trong cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến mà ông ta muốn ăn tươi nuốt sống Ukraine nội trong một tuần! Bằng cách tấn công một quốc gia lâu nay là một trong những đồng minh của Nga, hoàn toàn không có lý do, ông ta đã kích động một cuộc chiến toàn diện chống lại 45 triệu người dân quyết tâm bảo vệ đất nước và bảo vệ phong cách sống của họ với lòng dũng cảm đáng kinh ngạc. Putin đã tính toán sai về mọi mặt, về người Ukraine, về Zelensky, về “những người nói tiếng Nga”, về châu Âu, về NATO và về phản ứng của cộng đồng quốc tế. Và nhất là về trung hạn và dài hạn, nước Nga phải chịu hậu quả về sai lầm chiến lược này.
Hỏi: Các tổng thống như Emmanuel Macron đang kiên quyết duy trì đối thoại với Moscow. Theo ông như vậy có đúng không? Liệu người ta có thể làm Putin tỉnh ngộ được không?
Đáp: Để đánh giá thái độ này không dễ đâu. Các thủ tướng Ba Lan và Estonia đã chỉ trích mạnh mẽ Macron về hành vi này. Các thủ tướng này là những nhà lãnh đạo của các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ ách thống trị của nước Nga Xô-viết, và giờ đây họ lo sợ Putin sẽ nhắm vào mục tiêu tiếp theo nếu ông ta được phép làm như vậy. Logic của họ rất đơn giản và cực đoan: đối với họ, Putin rõ ràng là một tên tội phạm chiến tranh. Và lịch sử đã dạy chúng ta không bao giờ được liên minh với ma quỷ!
Hỏi: Joe Biden cổ vũ chúng ta cầm vũ khí nhưng bản thân ông ta lại tránh xa chiến trường.
Đáp: Thực tế là, khi bạn đang ở trên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, sẽ rất vô trách nhiệm nếu bạn không thương lượng với bất kỳ kẻ nào có thể kích nổ quả bom đó. Trong cuốn sách của mình, tôi mô tả các mức cảnh báo hạt nhân khác nhau, mà các chuyên gia gọi là Defcon 3, Defcon 2, Defcon 1. Người ta càng cần phải nói chuyện với ông ta vì người Mỹ và người Nga không có mức độ cảnh báo như nhau, điều này chưa bao giờ được đề cập một cách chính xác nhất. Tôi cũng xin lưu ý năm 1983, một người sĩ quan cấp bậc bình thường nhưng đã phát hiện ra thông tin về việc Mỹ phóng tên lửa thực chất chỉ là một vụ báo động nhầm. Tất cả những điều này càng quan trọng hơn vì bản thân kẻ độc tài lại ở trong pháo đài của y ở Điện Kremlin.
Hỏi: Ông có còn nhớ cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Vladimir Putin không?
Đáp: Rất nhớ là đằng khác. Hồi đó là tháng 8 năm 1980, nhân dịp Thế vận hội Moscow, Putin là một đội trưởng trẻ tuổi được KGB cử từ Leningrad đến Moscow để tăng cường lực lượng an ninh. Anh ta chất vấn tôi về một cuộc điện thoại mà tôi tiến hành khá lâu và đáng ngờ với một khách du lịch người Pháp. Tôi cảm thấy anh ta đang tận hưởng quyền lực của mình, anh ta đã được trao một chiếc thẻ đỏ của KGB. Tôi lạ gì cái đó. Cho đến một hôm tôi kể với anh ta tôi có một bản “Quần đảo ngục tù” của Solzhenitsyn, nhờ một bạn cùng học cho mượn. Người đó lại là cháu của Leonid Brezhnev, lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô!
Hỏi: Ông có cùng làm việc với Putin trong KGB?
Đáp: Cả hai chúng tôi đều thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước, cánh tay phải của Đảng Cộng sản. Cùng năm đó, chúng tôi được gọi vào Học viện Andropov, đây là ngôi trường đào tạo các điệp viên ưu tú. Tôi được nhận vào Ban “S”, phụ trách “những người bất hợp pháp”. Đây là ban được kính nể nhất của KGB. Trong khi đó, Putin bị xếp vào loại không phù hợp cho hoạt động gián điệp vì ông “không thể đánh giá đúng hậu quả của các quyết định của mình”, điều được coi là quá nguy hiểm cho cả ông ta lẫn cơ quan mật vụ. Do đó người ta đã lập tức điều động Putin trở về Leningrad.
Hỏi: Putin ngày nay với thời đó có khác nhau lắm không?
Đáp: Có và không. Một mặt, Đảng Cộng sản Liên Xô dường như là một di sản quan trọng đối với ông ta, ông ta rất ngưỡng mộ Stalin. Mặt khác, ông ấy tuyên bố muốn xây dựng lại đế chế Nga vĩ đại, một đế chế vừa bị gulag của Stalin và KGB phá hủy, mà ông ta gần ba chục năm thuộc về cái đảng đó. Trên thực tế, Putin ngày càng trở nên cực đoan hơn. Như tôi cũng đã đề cập trong cuốn sách của mình, người ta chỉ cần nghĩ đến tất cả các nhà báo đã bị giết, khoảng ba mươi người, hoặc làn sóng tự sát đáng ngạc nhiên của các nhà tài phiệt đã mạnh mồm lên tiếng chỉ trích Putin. Tôi cũng đề cập đến những tai nạn xảy ra với những người thân tín nhất của ông ấy trong bộ máy nhà nước. Trong đó có người từng là vệ sỹ mà sau này trở thành Bộ trưởng Bộ các Tình trạng Khẩn cấp Yevgeny Sinichev. Con người trung thành này đã rơi xuống vách đá trên thác nước gần Norilsk cùng với hai người thân hồi tháng 9/2021. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng loạt phim đen tối này sẽ sớm kết thúc.
Hỏi: Putin có hoàn toàn bị cô lâp ở trong điện Kremlin không?
Đáp: Hơn bao giờ hết. Và thậm chí còn hơn thế kể từ khi ly hôn với bà vợ Lyudmila hồi năm 2013. Ông ta không còn có khả năng tiếp nhận những lời phê bình dù là nhỏ nhất. Đó là lý do tại sao ông ấy công khai làm bẽ mặt Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài quan trọng nhất, SVR. Putin để cho ông ta tại vị cho đến một ngày ông ấy… Thậm chí ngay cả những người thân tín nhất của Putin, như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hay tham mưu trưởng, Tướng Valery Gerasimov, cũng hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông báo của Putin qua truyền hình rằng ông ta muốn đưa lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động. Cần lưu ý rằng chính hai ông tướng này sẽ là những người phải xác nhận lệnh khởi động vũ khí hạt nhân nếu Putin một ngày nào đó ra lệnh cho họ.
Hỏi: Ông ta có làm ông lo lắng? Ông có nghĩ ông ta điên không?
Đáp: Putin đã từng bước tự cô lập mình và tạo ra một thế giới ảo song song. Cá nhân tôi tin chắc rằng giờ đây bản thân ông ấy cũng tin vào những điều dối trá mà ông ấy đã nói về Đức Quốc xã ở Ukraine và rằng quân đội Nga luôn giành chiến thắng trong mọi trận chiến. Tuy nhiên, điều mà Putin thực sự lo lắng, mà đây mới là vấn đề chính, là về di sản mà ông ta để lại trong lịch sử. Kể từ ngày 21 tháng 2, mọi quyết định mà ông ấy đưa ra đều tệ hơn quyết định trước đó, và logic này chỉ có thể dẫn ông ta đến thảm họa. Điều này đúng với nước Nga và cả với thế giới. Và cái đó làm người ta phải lo sợ. Trong trạng thái mù quáng của mình, ông ta có thể làm những điều tồi tệ nhất. Đây là điều mà những nhà huấn luyện ông ta tại KGB lo ngại nhất về Putin. Và họ đã đúng.
Hỏi: Có phải chúng ta đang chứng kiến sự trở lại của chiến tranh lạnh?
Đáp: Trên thực tế, đây không phải là sự trở lại của chiến tranh lạnh mà thực chất là sự hình thành một sự hỗn loạn trong trật tự toàn cầu. Chính Putin là một ví dụ về điều này: ông ấy thấy Đức Quốc xã ở khắp mọi nơi, ông ta nói tiếng Đức và hoạt động ở Berlin! Gần đây, ông ta đã bớt hiếu chiến hơn trong các tuyên bố của mình, nhưng vẫn đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân. Cũng có thể đây là một chiến thuật. Ông ta muốn đưa nước Nga vào hàng ngũ các quốc gia trên thế giới nhưng đồng thời lại gây áp lực mạnh mẽ lên phần còn lại của thế giới. Giai đoạn bất ổn mà chúng ta đang trải qua là do các điều kiện dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô gây ra. Người dân vui mừng về điều đó, nhưng quân đội, các cơ quan mật vụ và ngành công nghiệp quân sự hùng mạnh hoàn toàn không hài lòng một chút nào về điều này. Những cơ quan, tổ chức lobby này bị mất ngân sách, nhân lực và cả những hợp đồng của mình. Trong bối cảnh đó, NATO vẫn tồn tại, đây là điều thật sự đáng ngạc nhiên. Hơn nữa Liên minh này còn phát triển và kết nạp thêm các quốc gia mới làm thành viên. Trên thực tế, với lý lịch là một cựu điệp viên KGB, Putin thực sự là một nỗi ám ảnh đối với thế giới tự do. Vì thế thật ngạc nhiên khi một số nước như Phần Lan, Thụy Điển, bất chấp sự hù dọa của Putin, vẫn xin gia nhập NATO càng sớm càng tốt. Điều này đối với Putin là một sự khiêu khích khó có thể chấp nhận.
Hỏi: Ông đã tốt nghiệp Học viện Andropov ở Moscow, nơi đào tạo những điệp viên xuất sắc nhất của Liên Xô và Nga. Nhưng ông cũng đã tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia của Pháp. Ông đã đến với nước Pháp như thế nào?
Đáp: Tôi học tiếng Pháp năm 1978 tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow theo chỉ thị của Đảng Cộng sản. Đó rất có thể là nhiệm vụ tốt nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không chỉ được học tiếng Pháp, tôi còn học cách yêu nước Pháp. Tôi luôn cảm thấy thoải mái ở Pháp như ở quê nhà. Trên thực tế thậm chí còn thoải mái hơn vì tôi tự do hơn. Trong một thời gian dài, tôi đã quảng bá về mảnh đất khai sáng này trên truyền hình Nga. Tôi đến đây với nhiệm vụ tiếp cận giới thượng lưu Pháp và cuối cùng tôi phải xin tị nạn để được bảo vệ ở đất nước này. Tôi thừa nhận đó là một số phận thực sự kỳ lạ.
Hỏi: Hiện ông có được công nhận là người đào tẩu vì lý do chính trị không?
Đáp: Đúng vậy, tôi được công nhận tư cách này hồi tháng 12 năm 2004, nhưng truy ngược lại từ tháng 6 năm 2001. Nhờ quy chế quốc tế này, theo Công ước Geneva năm 1951, tôi được hưởng chế độ bảo vệ tốt hơn so với việc chỉ được hưởng quốc tịch Pháp. Nhưng đối với tất cả những nghề hoạt động ngầm thì ánh sáng luôn là yếu tố bảo vệ tốt nhất.