Minh Ngọc
Ngày 5/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết họ đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu, trong đó có 21 trường hợp ở Hoa Kỳ. Các cuộc điều tra còn cho thấy sự lây lan ra cộng đồng.
Theo một báo cáo mới của CDC, 16 trong số 17 ca nhiễm đầu tiên nằm trong số những người xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, và 14 trường hợp được cho là có liên quan đến du lịch.
Tất cả các bệnh nhân đều đang trong tình trạng hồi phục hoặc đã khỏi, không có trường hợp nào tử vong.
Bà Jennifer McQuiston, Phó giám đốc của CDC phụ trách Bộ phận Bệnh học và Tác nhân gây bệnh Hậu quả cao của CDC, nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi nhận thấy có ít nhất một trường hợp nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ không liên quan du lịch, cũng không hiểu họ bị nhiễm bệnh như thế nào.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng giống như bệnh cúm, gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, v.v … Trong vòng 1 – 3 ngày kể từ khi sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt phát ban bắt đầu trên mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh sẽ kéo dài trong khoảng 2 – 4 tuần.
Bệnh dịch này thường chỉ giới hạn ở Tây và Trung Phi, được ghi nhận lần đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào những năm 1970. Các ca bệnh đã được báo cáo ở châu Âu kể từ tháng 5 và số lượng các quốc gia ghi nhận ca nhiễm đã tăng lên kể từ đó.
Mặc dù việc đậu mùa khỉ lây lan có thể liên quan đến các lễ hội đồng tính đặc biệt ở châu Âu, nhưng bệnh này không được cho là bệnh lây truyền qua đường tình dục, và nguy cơ lây nhiễm chính vẫn là tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh.
Giới chức y tế Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 119 triệu USD mua vắc-xin ngừa virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ. Hiện có hai loại vắc xin được phép sử dụng là ACAM2000 và JYNNEOS, ban đầu vốn được phát triển để phòng bệnh đậu mùa. Mặc dù bệnh đậu mùa đã bị loại bỏ, Hoa Kỳ vẫn giữ vắc-xin này trong kho dự trữ quốc gia chiến lược trong trường hợp nó được triển khai như một vũ khí sinh học.
JYNNEOS là loại vắc-xin hiện đại hơn, ít tác dụng phụ hơn. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019, vài tháng trước khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 5, CDC tuyên bố họ có sẵn 100 triệu liều ACAM200 và 1.000 liều JYNNEOS. Bà Dawn O’Connell, Trợ lý Bộ trưởng Y tế về Chuẩn bị và Ứng phó hôm 5/6 cho hay, số liệu hiện đã thay đổi, nhưng bà không thể tiết lộ con số chính xác vì lý do chiến lược.
CDC cũng đã cấp phép cho hai loại thuốc kháng virus vốn được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa là TPOXX và Cidofovir, được sử dụng lại để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Phó Giám đốc CDC McQuiston nhấn mạnh: “Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ bởi bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan ở bất kỳ nhóm dân số nào, kể cả những người không được xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.”
CDC cũng cảnh báo, các trường hợp lây nhiễm thường không giới hạn ở các khu vực địa lý hoặc nhân khẩu học cụ thể “vì tiếp xúc vật lý gần với người bị nhiễm bệnh có thể lây bệnh đậu mùa khỉ, bất kỳ ai, bất kể giới tính hoặc khuynh hướng tính dục, đều có thể mắc phải và lây lan bệnh đậu mùa khỉ”.
“CDC kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ cảnh giác với những bệnh nhân bị phát ban phù hợp với triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, bất kể giới tính hoặc khuynh hướng tính dục của bệnh nhân hoặc tiền sử đi du lịch quốc tế hoặc các yếu tố nguy cơ cụ thể đối với bệnh đậu mùa khỉ,” CDC cho biết.
Minh Ngọc (T/h)