Không có thuốc chữa cho nền kinh tế Trung Quốc: Chuyên gia

Lê Minh

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu trong phiên bế mạc cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp chính phủ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 28/05/2020 (Ảnh: NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)

Các quan chức đại phương Trung Quốc đang được lệnh phải kích thích lại nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ là rất khó khăn khi Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách zero-COVID. Chia rẽ và đấu đá chính trị được suy đoán đang diễn ra trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc là không có thuốc chữa.

Phong tỏa trên diện rộng chống COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp trên khắp Trung Quốc. Triển vọng kinh tế đất nước sau nhiều tháng phong tỏa đã trở nên rất tồi tệ, khiến ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô cùng lo lắng.

Những ngày gần đây, các quan chức địa phương Trung Quốc đã được lệnh phải kích thích lại nền kinh tế vốn đang suy giảm trong năm chính trị quan trọng này. Hiện tại, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang nỗ lực có được nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu tới. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mệnh lệnh này sẽ khó có thể thực thi khi mà các điều kiện kinh tế cơ bản đang yếu kém và chính sách “zero-COVID” cứng rắn, vốn được ông Tập ủng hộ, không được nới lỏng.

Trung Quốc sẽ chọn tăng trưởng kinh tế hay là zero-COVID

Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhà lãnh đạo đứng hàng thứ hai của Trung Quốc, hôm 25/05 đã thực hiện bước đi chưa từng có khi tiến hành một hội nghị trực tuyến với 100.000 quan chức cấp tỉnh, thành phố và quận để đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về thực trạng nền kinh tế.

Theo bản tóm tắt bài phát biểu được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, ông Lý Khắc Cường nói: “Ở một số khía cạnh và ở một mức độ nhất định, khó khăn hiện nay thậm chí còn lớn hơn năm 2020 khi đại dịch bùng phát dữ dội”.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế, các nhóm doanh nghiệp ngoại quốc và thậm chí cả công chúng ngày càng thất vọng đối với sự kiên quyết của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ khi theo đuổi chính sách zero-COVID. Nhiều người tin rằng không thể duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi tiếp tục cách tiếp cận không khoan nhượng của ông Tập đối với virus.

Chính sách này đã khiến hàng chục thành phố rơi vào tình trạng phong tỏa kể từ cuối năm ngoái khi Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn biến thể Omicron vốn đang lây lan nhanh chóng, qua đó làm gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống và hoạt động kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Nhật Bản Nomura ước tính rằng tính đến ngày 23/05, có 26 thành phố của Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa toàn bộ, hoặc phong tỏa một phần, hoặc các biện pháp COVID khác, ảnh hưởng đến 208 triệu người và 20,5% sản lượng kinh tế của Trung Quốc.

Động thái của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng làm dấy lên suy đoán về sự chia rẽ, hoặc đấu đá nội bộ chính trị trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Một số nhà quan sát chỉ ra rằng ông Lý Khắc Cường thậm chí không đề cập đến chiến lược zero-COVID của ông Tập tại hội nghị.

Quan chức địa phương của Trung Quốc đang rất bối rối

Ông Li Hengqing, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, cho biết: “Các thông điệp từ ông Tập và ông Lý mâu thuẫn nhau, vì vậy các quan chức địa phương đang rất bối rối”.

Ông Li Hengqing cho biết các quan chức đang “chờ xem gió thổi theo chiều nào” trước khi quyết định ưu tiên phát triển kinh tế hay thực hiện các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Theo ông Li Hengqing, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ tỏ ra sẽ không theo đuổi “sự chuyển hướng sang phát triển kinh tế”. Ông trích dẫn một bài bình luận được xuất bản bởi các phương tiện truyền thông chính thức để giải thích quan điểm của mình.

Tờ Economic Daily, một tờ báo liên kết với Hội đồng Nhà nước (một tổ chức giống với nội các) do Thủ tướng Lý lãnh đạo, đã đăng một bài bình luận dài chỉ vài giờ sau hội nghị truyền hình, đề cập đến những điểm tích cực của nền kinh tế đất nước. Bài báo kêu gọi đánh giá nền kinh tế Trung Quốc một cách hợp lý và nêu bật “các cơ sở cho tăng trưởng dài hạn”, trong khi không nhắc tới các nhận xét của thủ tướng.

Toàn văn bài bình luận đã được các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đăng tải lại rộng rãi hôm 26/05.

Triển vọng mờ mịt của kinh tế Trung Quốc

Chiến dịch zero-COVID của ông Tập đã khiến hàng chục thành phố bị đình trệ đột ngột, làm các nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa, và gây áp lực lớn lên nền kinh tế vốn đang lung lay của đất nước.

Trung tâm tài chính Thượng Hải, nơi đã trải qua thời gian phong tỏa kéo dài hơn hai tháng kể từ tháng 3, thậm chí đã ghi nhận doanh số bán xe bằng 0 trong tháng 4, theo Hiệp hội Thương mại Bán hàng Ô tô Thượng Hải.

Các ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sau khi dữ liệu kinh tế chính thức của tháng Tư được công bố. Ngay cả những kỳ vọng lạc quan cũng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức là “khoảng 5,5 %” được ĐCSTQ đề ra.

Citigroup và S&P Global dự đoán ​​nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức lần lượt là 4,2% và 4,9%. UBS đã cắt giảm dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống còn 3% trong năm nay. Dự đoán tồi tệ nhất là từ các nhà kinh tế của Bloomberg, với mức dự đoán tăng trưởng chỉ 2% trong năm nay. Bloomberg Economics nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ cao hơn Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1976, năm cuối cùng của cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động của Trung Quốc.

Ngay cả khi Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng, các nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ sẽ thổi phồng dữ liệu công bố của mình để đạt được mục tiêu trên giấy tờ — đặc biệt là do mức độ quan trọng của vấn đề này đối với ông Tập khi ông đang nỗ lực có thêm một nhiệm kỳ tại cuộc họp quan trọng của đảng vào mùa thu này.

“Ông ấy chắc chắn sẽ chỉnh sửa dữ liệu nếu ông ấy vẫn nắm quyền [khi dữ liệu chính thức được công bố]”, ông Li Hengqing nói khi đề cập đến ông Tập. “Dữ liệu thực sự sẽ chỉ được tiết lộ nếu ông Tập không còn là lãnh đạo đảng hoặc không trực tiếp nắm quyền”. Quang cảnh chung của một con đường trong đợt phong tỏa coronavirus COVID-19 ở quận Phố Đông của Thượng Hải hôm 30/05/2022. (Ảnh: LIU JIN / AFP qua Getty Images)

Không có thuốc chữa cho nền kinh tế Trung Quốc

Bất chấp những lo ngại về tính trung thực, các số liệu chính thức vào tháng 4 đã cho thấy sự suy giảm mạnh của nền kinh tế.

Do hàng chục triệu người tiêu dùng phải ở trong nhà, doanh số bán lẻ đã giảm trong hai tháng liên tiếp trong tháng 4 và đạt mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020, theo dữ liệu chính thức. Mặc dù một số công nhân được phép làm việc và sinh sống trong khuôn viên nhà máy, sản xuất công nghiệp trong tháng 4 đã giảm 2,9% so với một năm trước đó.

Dữ liệu mới nhất do Cục thống kê Trung Quốc công bố ngày 31/05 cho thấy các nhà máy vẫn đang gặp khó khăn trong tháng 5, mặc dù tốc độ suy giảm có chậm hơn. Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực sản xuất chính thức giảm xuống còn 49,6, tăng nhẹ từ mức 47,4 trong tháng 4. Số liệu vẫn nằm dưới mốc 50, điều này thể hiện sự suy giảm.

Hôm 31/05, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố chi tiết kế hoạch bao gồm 33 điểm, bao gồm các biện pháp tài khóa, chính sách tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không tỏ ra lạc quan và cho rằng các chính sách của ông Tập đã làm tổn hại đến niềm tin kinh doanh.

Trong một phát biểu có nhắc đến vị lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, người cố gắng triển khai nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, ông Hsieh Chin-ho, một học giả kinh tế Đài Loan, cho biết: “Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây phần lớn là kết quả của mô hình điều hành của ông Tập, với tư tưởng quay trở lại thời kỳ của Mao Trạch Đông”.

Năm ngoái, các nhà chức trách đã phát động một cuộc đàn áp chính sách sâu rộng trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông Tập, xóa sạch nhiều tỷ USD về giá trị của từng gã khổng lồ công nghệ cây nhà lá vườn của Trung Quốc, dẫn đến hàng chục nghìn người bị sa thải.

Các đợt phong tỏa COVID-19 mới nhất tiếp tục kìm hãm nhu cầu trên thị trường lao động của đất nước này. Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hai năm vào tháng 4 khi các quan chức đóng cửa các doanh nghiệp ở các siêu đô thị như Thượng Hải. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị ở độ tuổi 16-24 đạt 18,2%.

Ngoài ra, hơn 10 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa hè này. Số lượng người tìm việc mới đạt kỷ lục khi các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại đe dọa làm ảnh hưởng đến doanh thu kinh doanh và làm nản lòng người dân.

“Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản”, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Bắc Kinh nói với The Epoch Times hôm 30/05. “Chắc chắn là chúng tôi đã mất niềm tin rồi”.

Ông Li cho biết những bất ổn tới từ các cơ quan chức năng đã khiến niềm tin kinh doanh giảm sút và người dân có xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu.

“Làm thế nào bạn có thể mong đợi một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra trong nền kinh tế Trung Quốc? Không có thuốc chữa cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Related posts