Giới tinh hoa toàn cầu đã rời Davos vào tuần trước sau khi vật lộn với các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng sâu sắc mà thế giới đang phải đối mặt. Họ rời đi như khi đã đến, không nhận thức được rằng các cuộc khủng hoảng hoàn toàn là do họ tự tạo ra.
Lấy năng lượng, lĩnh vực mà tình trạng thiếu hụt đã dẫn đến giá xăng cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và Vương quốc Anh và gây ra đói nghèo ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nếu không có bóng ma của biến đổi khí hậu—một trong những sự bận tâm trọng điểm của những người theo chủ nghĩa toàn cầu trong nhiều thập niên — thì tình hình năng lượng của thế giới sẽ hoàn toàn khác.
Cát dầu của Canada sẽ không bị coi như ác quỷ và đất nước này sẽ xây dựng Đường ống Keystone XL và các đường ống khác để vận chuyển lượng năng lượng lớn hơn bao giờ hết trên khắp lục địa và xa hơn nữa.
Các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Á Châu, Mỹ Châu, và Âu Châu có thể đã được xây dựng để vận chuyển và nhận lượng khí đốt tự nhiên dồi dào.
Các chính sách phát thải bằng không “Net Zero” sẽ không làm tê liệt được nguồn tài chính cho các cơ sở sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới. Thuế carbon sẽ không làm cho năng lượng trở nên đắt hơn bao giờ hết.
Cũng giống như cách mà Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành nhà xuất cảng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới một khi chính phủ cựu TT Trump thu hẹp quy định liên quan đến khí hậu đang gây tê liệt, Âu Châu sẽ tràn ngập năng lượng nếu các lệnh cấm khai thác và phát triển nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi được dỡ bỏ để cho phép phát triển trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Thay vì đói nghèo về nhiên liệu, Âu Châu sẽ rất thoải mái về nhiên liệu.
Những người theo chủ nghĩa toàn cầu thúc đẩy các chính sách về biến đổi khí hậu nói với chúng ta rằng không có sự lựa chọn nào nếu muốn hành tinh này được cứu khỏi thảm họa trong nhiều thập niên tới, nếu không phải là nhiều thế kỷ nữa. Những gì họ không nói với chúng ta là những lời tiên tri của họ về sự diệt vong là dựa trên các mô hình khí hậu trên máy tính, tất cả đều đã được chứng minh là sai cho đến nay.
Không một tuyên bố nào — cho dù đó là các chỏm băng ở Bắc Cực sẽ tan chảy hay quần thể gấu Bắc Cực sẽ suy giảm hay lốc xoáy sẽ tăng lên — đã thành hiện thực. Những người có lý trí có thể tranh cãi về việc liệu những lời tiên tri về sự diệt vong có thành hiện thực trong tương lai hay không. [Nhưng] những người có lý trí không thể tranh cãi về việc những quyết định trong quá khứ của những người theo chủ nghĩa toàn cầu nhằm phủ nhận thị trường tự do đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay.
Bất chấp các chính sách thay đổi khí hậu của những người theo chủ nghĩa toàn cầu, thì carbon dioxide trong khí quyển— hiện ở mức 400 phần triệu— đã đạt mức kỷ lục. carbon dioxide là một lợi ích cho hành tinh vì CO2 — còn được gọi là phân bón của tự nhiên—đã tạo ra nhiều vụ mùa bội thu. Các báo cáo của Úc ghi nhận các vụ lúa mì, lúa mạch, và cải dầu đạt kỷ luc và vụ lúa miến gần đạt kỷ lục. Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, dự kiến xuất cảng kỷ lục trong năm nay. Brazil kỳ vọng ngô đạt kỷ lục. Nga, với một vụ mùa kỷ lục khác, sẽ là nước xuất cảng lúa mì lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nạn đói đang gia tăng. Liên hợp Quốc cảnh báo rằng chúng ta đang ở giữa “cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, trong đó “44 triệu người ở 38 quốc gia đang ở mức đói khẩn cấp.” Trách nhiệm ở đây, là thuộc về các chính sách toàn cầu hóa khiến lương thực không thể mua được.
Một nguyên nhân chính gây ra nạn đói là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do quyết định của những người theo chủ nghĩa toàn cầu từ bỏ các biện pháp truyền thống đối với đại dịch để ủng hộ việc phong tỏa thử nghiệm phần lớn nền kinh tế thế giới. Sự hỗn loạn và chi phí từ quyết định này của các chính phủ trong việc áp dụng lý thuyết phong tỏa COVID-19 của họ đã ảnh hưởng đến hệ thống phân phối thực phẩm trên thế giới và làm giá thực phẩm tăng vụt. Lạm phát bị tạo ra khi các chính phủ in tiền để hỗ trợ các ngành công nghiệp và các cá nhân không hoạt động trong thời gian phong tỏa khiến giá thực phẩm thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng là quyết định của những người theo chủ nghĩa toàn cầu nhằm kéo dài cuộc chiến Nga-Ukraine bằng cách cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí, một sự khác biệt so với chuẩn mực trước đây là gây áp lực buộc các bên tham chiến giải quyết những khác biệt của họ thông qua đàm phán. Kết quả là, sản xuất nông nghiệp ở Ukraine, từng được mệnh danh là bệ đỡ của Âu Châu, đã sụp đổ, với sản lượng lúa mì giảm 44% và ngô giảm 39%.
Những người có lý trí có thể tranh cãi liệu các chính phủ phương Tây có khôn ngoan khi thực hiện và tài trợ cho các cuộc phong tỏa, hay để kéo dài cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng họ không thể tranh cãi rằng hành động của những chính phủ phương Tây đã thúc đẩy sự gia tăng nạn đói mà thế giới đang trải qua ngày nay.
Những người theo chủ nghĩa toàn cầu có thể tin rằng thế giới cần có trật tự thế giới mới của họ. Nhưng họ cũng là điển hình cho câu ngạn ngữ rằng con đường dẫn đến địa ngục được đệm lót bằng những mục đích tốt.
Bà Patricia Adams là một nhà kinh tế học và là Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Energy Probe Research Foundation và Probe International, một tổ chức tư vấn độc lập ở Canada và trên thế giới. Bà là chủ biên của dịch vụ tin tức Internet Three Gorges Probe và Odious Debts Online và là tác giả hoặc biên tập viên của nhiều cuốn sách. Các cuốn sách và bài báo của bà đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bengali, tiếng Nhật và tiếng Indonesia. Quý vị có thể liên lạc với bà tại patriciaadams@probeinternational.org
Ông Lawrence Solomon là một ký giả chuyên mục của The Epoch Times, tác giả, và giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người tiêu dùng ở Toronto. Quý vị có thể liên lạc với ông tại LS@lawrencesolomon.ca
Nhật Thăng biên dịch