Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xuất cảng sự bạo ngược ra toàn thế giới sau khi Hoa Kỳ để nhà cầm quyền này thoát tội sát nhân 33 năm về trước trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, ba nhà hoạt động Trung Quốc cho biết.
Ngày 03/06/1989 là một đêm đẫm máu đối với các sinh viên biểu tình đòi dân chủ. Xe tăng lao về phía Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm thủ đô của Trung Quốc, đè bẹp người và vật cản đường. Hơi cay và đạn thật đầy khắp quảng trường.
Những người biểu tình hoảng sợ đã nâng những thân thể bất động lên xe đạp, xe buýt, và xe cứu thương để đưa họ đi. Ước tính hàng ngàn người biểu tình không vũ trang đã thiệt mạng.
Vụ sát nhân hàng loạt này khiến cả thế giới bàng hoàng. Đáp lại, Tổng thống Mỹ đương thời là George H.W. Bush đã lên án vụ thảm sát, đình chỉ các chuyến hàng vũ khí cho Trung Quốc và áp đặt một số lệnh trừng phạt.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một cựu lãnh đạo sinh viên năm 1989 hiện đang sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Nhưng họ đã nhanh chóng bỏ qua.” Ông Lý chỉ ra rằng hầu hết các lệnh trừng phạt đã sớm được dỡ bỏ và hợp tác kinh tế được nối lại.
Tại cuộc họp báo được tổ chức một ngày sau Vụ thảm sát Thiên An Môn, ông Bush nói, “Tình cờ tôi tin rằng về bản chất, các cuộc tiếp xúc thương mại đã dẫn đến công cuộc tìm kiếm tự do nhiều hơn này. Tôi nghĩ rằng khi người dân có động cơ thương mại, thì cho dù đó là ở Trung Quốc hay trong các hệ thống độc tài toàn trị khác, việc chuyển sang nền dân chủ trở nên không thể lay chuyển được.”
Mô tả lý thuyết này là “hết sức lố bịch”, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả Trung Quốc, người sau đó đã bị đình chỉ công việc vì tham gia các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, cho biết chính sách hợp tác của Hoa Thịnh Đốn với Trung Quốc có lợi cho ĐCSTQ và giúp chế độ cộng sản tích lũy sức mạnh kinh tế trong ba thập niên sau đó.
“[Phản ứng] của phương Tây đã tiếp thêm dũng khí cho ĐCSTQ,” ông Trần Vĩ Kiện (Chen Weijian), một nhà bình luận người Trung Quốc đã rời đại lục đến New Zealand, cho biết hai năm sau cuộc đàn áp Thiên An Môn.
Sau 33 năm, “sự phát triển kinh tế không dẫn đến một Trung Quốc tự do,” ông Trần, người sáng lập một tạp chí ủng hộ dân chủ Trung Quốc và đã điều tra ủng hộ cho các cuộc biểu tình năm 1989, nói. Thay vào đó, ĐCSTQ đang tìm cách sử dụng sức mạnh kinh tế để “thay đổi quy tắc của cộng đồng quốc tế” và xuất cảng mô hình kiểm soát đàn áp của mình ra toàn thế giới.
Ông Trần trích dẫn một cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong một bài diễn văn gần đây trước niên khóa tốt nghiệp của Học viện Hải quân, Tổng thống Biden nói rằng ông Tập đã nói với ông rằng nền dân chủ sẽ sụp đổ và “các nước chuyên quyền sẽ điều hành thế giới”.
“Khi ông ấy gọi điện chúc mừng tôi trong đêm bầu cử, ông ấy đã nói với tôi những gì ông ấy đã nói nhiều lần trước đó.” Tổng thống Biden nói, đề cập đến ông Tập. “Ông ấy nói, ‘Các nền dân chủ không thể duy trì trong thế kỷ 21. Các nước chuyên quyền sẽ điều hành thế giới.’ Tại sao? Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh chóng. Các nền dân chủ đòi hỏi một sự đồng thuận, và sự đồng thuận thì cần thời gian, mà quý vị lại không có thời gian.”
“Ông ấy sai rồi,” Tổng thống Biden nói thêm.
Bị kiểm duyệt ở Trung Quốc
Hồng Kông, nơi cuối cùng để tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1989 trên mảnh đất do ĐCSTQ kiểm soát, đã cấm các buổi cầu nguyện đông người ba năm trước với lý do đại dịch, trong bối cảnh sự kìm hãm các quyền tự do trong thành phố ngày càng lớn dưới bàn tay của chế độ cộng sản.
Những người đứng đầu nhóm tổ chức sự kiện cầu nguyện thường niên hiện đang bị giam giữ sau khi bị buộc tội lật đổ chính quyền theo luật an ninh quốc gia do ĐCSTQ ban bố. Họ nằm trong số hơn 150 người đã bị buộc tội hoặc bị kết án theo luật hà khắc này, vốn được sử dụng để xóa sổ những người bất đồng chính kiến tại nơi từng là trung tâm dân chủ phát triển mạnh mẽ này.
Vào lễ kỷ niệm năm nay, hàng chục cảnh sát đã tuần tra Công viên Victoria, nơi trước đây từng tổ chức lễ cầu nguyện dưới ánh nến hàng năm.
Tại Trung Quốc đại lục, các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, một phong trào do giới trẻ dẫn đầu yêu cầu cải cách dân chủ, vẫn là một chủ đề cấm kỵ. Cho đến ngày nay, chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ không tiết lộ số lượng hoặc danh tính của những người bị sát hại trong cuộc đàn áp bạo lực đó.
Nhà cầm quyền đã cố gắng xóa mọi ký ức về vụ thảm sát đẫm máu bằng cách xóa sạch mọi đề cập về sự kiện này trên internet của đất nước, và thường xuyên sách nhiễu thân nhân của các nạn nhân để bảo đảm họ giữ im lặng. Kết quả là, các thế hệ trẻ của Trung Quốc không hề hay biết về những gì đã diễn ra vào đêm hôm đó.
Mặc dù nhà cầm quyền tiếp tục trấn áp những ký ức về ngày hôm đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục lên tiếng và thúc đẩy trách nhiệm giải thích đối với những hành động tàn bạo của chính quyền Trung Quốc và sự lạm dụng nhân quyền của họ, bao gồm cả những hành động ở Hồng Kông, Tân Cương, và Tây Tạng.”
“Đối với người dân Trung Quốc và những người tiếp tục chống lại bất công và tìm kiếm tự do, chúng tôi sẽ không quên ngày 04/06,” ông nói trong một tuyên bố hôm 03/06.
Đại dịch
Năm nay, Quảng trường Thiên An Môn đã bị phong tỏa nhiều tuần trước ngày 04/06, như một phần của các biện pháp phòng chống đại dịch theo chính sách “zero COVID” của nhà cầm quyền. Cách tiếp cận hà khắc, nhằm mục đích loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong các cộng đồng bằng cách áp đặt các đợt phong tỏa và cách ly bắt buộc, đã gây ra tình trạng thiếu thực phẩm và trì hoãn việc chăm sóc y tế cho hàng triệu người bị phong tỏa trên khắp đất nước.
“[ĐCSTQ] muốn kiểm soát virus thông qua một cách tiếp cận không tôn trọng các nhân quyền căn bản, giống như cách họ đã làm vào ngày 04/06,” ông Trần nói.
Đối với ông Trần, trường hợp của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một bác sĩ nằm trong số những người đầu tiên cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán, là một lời nhắc nhở cho thế giới về sự đàn áp của ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến mình như thế nào. Vị bác sĩ này đã bị cảnh sát khiển trách hồi tháng 01/2020 khi các nhà chức trách cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát. Ông Lý sau đó đã qua đời vì virus.
Ông Trần cho biết thêm, đại dịch hiện nay sẽ khác nếu nhà cầm quyền không kiểm duyệt người tố giác và những người khác cố gắng gióng lên hồi chuông báo động.
Ông nói: “Rốt cuộc, thế giới đang bắt đầu hiểu về ĐCSTQ.”
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Eva Fu
Minh Ngọc biên dịch