Chúng ta phải học những bài học về ngày 04/06/1989, vì tương lai của thế giới.
Khi tôi xem các cuộc diễn hành quân sự bắt đầu lễ kỷ niệm Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth II hôm 02/06, tôi vô cùng ngưỡng mộ những người mặc quân phục, họ không chỉ diễn hành và chơi nhạc với độ chính xác và kỷ luật đáng kinh ngạc mà còn có mục đích chính là để bảo vệ chúng ta với tư cách là một đất nước và các giá trị của chúng ta về tự do, dân chủ, pháp quyền, và nhân quyền.
Những giá trị này phục vụ một chính phủ dân sự, được bầu một cách dân chủ và một vị quân vương, mặc dù không được bầu chọn, là hiện thân cho một sự bảo đảm về hiến pháp để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta cả trong vai trò và tính cách của bà.
Hàng chục ngàn người đã tham gia lễ kỷ niệm này tại các công viên và đường phố của London, và hàng triệu người khác đã tham dự trên khắp Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Tôi rất ngạc nhiên khi được biết thông qua các bài bình luận trên truyền thông nói rằng Khối Thịnh Vượng Chung, một mạng lưới gồm 54 quốc gia với nữ hoàng là người đứng đầu, đại diện cho 2.6 tỷ người, gần một phần ba dân số thế giới.
Nhưng khi chúng ta đánh dấu lễ kỷ niệm đặc biệt 70 năm ngày nữ hoàng đăng quang, suy nghĩ của tôi nhanh chóng chuyển sang một lễ kỷ niệm khác mà chúng ta tưởng niệm ngày hôm nay, lễ kỷ niệm về vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 04/06/1989.
Cách đây ba mươi ba năm, tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1.4 tỷ người, Bắc Kinh đã ra lệnh cho quân đội của họ chĩa súng và xe tăng vào chính những người dân của mình. Số lượng thương vong ước tính lên tới ít nhất 10,000, và thêm hàng ngàn người bị thương, bị bắt, bị bỏ tù, và bị tra tấn.
Để diễn giải lại nhan đề cuốn tiểu thuyết “Chuyện Hai Thành Phố” (“A Tale of Two Cities”) của nhà văn Charles Dickens, vào cuối tuần này, thế giới tập trung vào câu chuyện về hai quân đội: Quân đội Anh, với nữ hoàng là người đứng đầu, hiện thân của nghĩa vụ và công vụ, và Quân đội Giải phóng Nhân dân, với sự lãnh đạo của các nhà độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện thân của sự đàn áp, vô nhân đạo, tàn nhẫn, sự dối lừa, việc hành ác mà không bị trừng phạt, và tội ác.
Không ai có thể cho rằng quân đội Anh là hoàn hảo — nhưng điểm khác biệt là ở chỗ: họ có trách nhiệm với người dân thông qua các nhà lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ của chúng ta, hệ thống giải quyết các hành vi sai trái, và mục tiêu của họ là bảo vệ đất nước, người dân và các giá trị của đất nước này, chứ không phải là bảo vệ một đảng phái chính trị hay một hệ tư tưởng. Ngược lại, tên gọi của Quân đội Giải phóng Nhân dân là một cách dùng từ sai. Quân đội này chống lại người dân và chống lại “sự giải phóng.” Nó nên được đổi tên thành “Quân đội Đàn áp Nhân dân.”
Đó là nguyên nhân vì sao việc chúng ta nhớ đến ngày tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn lại trọng yếu đến như vậy, vì ba lý do sau.
Thứ nhất, chế độ ĐCSTQ đang liều lĩnh cố gắng để khiến chúng ta quên đi. Trên khắp Trung Quốc, nhiều thế hệ người dân đã lớn lên kể từ năm 1989 mà không hề hay biết về những cảnh tượng man rợ đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn, các đường phố xung quanh, và ở các thành phố trên khắp đất nước vào ngày 04/06 năm đó.
Những tên đồ tể ở Bắc Kinh và những kẻ kế nhiệm họ ở Trung Nam Hải đã kiểm duyệt tin tức, truyền bá tuyên truyền, và tẩy não người dân thành công đến nỗi nhiều người thực sự không biết, và nhiều người thực sự sợ phải nhớ [về vụ thảm sát].
Cho đến ba năm trước, Hồng Kông là nơi duy nhất thuộc chủ quyền của Trung Quốc vẫn còn có thể tưởng niệm vụ thảm sát ngày 04/06. Hàng ngàn người sẽ tập trung mỗi năm tại Công viên Victoria. Khi tôi sống ở Hồng Kông trong năm năm đầu tiên sau khi chuyển giao, tôi sẽ tham gia cùng đám đông trong một buổi lễ thắp nến tưởng niệm. Giờ đây, những buổi lễ này đã bị cấm theo luật an ninh quốc gia hà khắc do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.
Một số nhà hoạt động, như luật sư Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung), đang phải chịu án tù dài hạn vì tổ chức các buổi cầu nguyện như vậy. Năm ngoái (2021), các nhà thờ Công giáo đã tổ chức thánh lễ và người Hồng Kông đã bật đèn pin trên điện thoại di động của họ để thể hiện sự tưởng niệm.
Năm nay, Nhà thờ Công giáo ở Hồng Kông cho biết họ sẽ không tổ chức bất kỳ thánh lễ nào, và cảnh sát đã đóng cửa Công viên Victoria, đồng thời cảnh báo rằng thậm chí đến thăm một công viên vào ngày 04/06 cũng có thể là một tội. Tụ tập bất hợp pháp có thể bị phạt tù năm năm. Có lẽ, nhấp nháy đèn pin điện thoại cũng rất rủi ro.
Cuối năm ngoái, tất cả các biểu tượng còn lại để tưởng nhớ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn — Cột Trụ Ô Nhục (“Pillar of Shame” hay Quốc Thương Chi Trụ), Nữ Thần Dân Chủ, và các kỷ vật khác — đã bị phá bỏ và bị cấm. Bắc Kinh muốn xóa đi ký ức về vụ thảm sát ngày 04/06, ngay cả ở Hồng Kông.
Mặc dù vậy, một số người Hồng Kông dũng cảm vẫn tìm mọi cách để kỷ niệm ngày tưởng niệm này. Những bức tượng Nữ Thần Dân Chủ nhỏ được giấu kín xung quanh khuôn viên trường Đại học Trung Văn Hồng Kông bất chấp [lệnh cấm của] chính quyền.
Đó là lý do thêm nữa tại sao chúng ta, những người có tự do bên ngoài Trung Quốc, càng phải bảo đảm rằng vẫn còn sự chú ý hướng đến ngày tưởng niệm mùng 04/06. Cuối ngày hôm nay, tôi sẽ trình bày tại ba cuộc tập hợp khác nhau ở London tại các địa danh quan trọng: bên ngoài dinh thủ tướng ở Phố Downing Street, Giao lộ Piccadilly Circus, và bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc. Chúng ta không được im lặng.
Lý do thứ hai khiến chúng ta phải giữ sự chú ý đến vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ đơn giản là thế này: đáng lẽ chúng ta nên phải học được được bài học vào năm 1989 rằng một chế độ chĩa súng vào người dân của mình không phải là một chế độ đáng tin cậy, đáng được tôn trọng, hoặc được hợp pháp hóa. Bản chất và đặc điểm của một chế độ sẽ được nói lên rất nhiều qua việc nó sẵn sàng tàn sát hàng ngàn người biểu tình ôn hòa trước tầm nhìn đầy đủ của thế giới.
Cho đến gần đây, chúng ta đã không học được bài học đó. Có một thời gian, nhiều người trong chúng ta, kể cả bản thân tôi, nghĩ rằng chúng ta đã thấy các dấu hiệu của việc tự do hóa ở Trung Quốc trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Tôi đã đi du lịch hơn 50 lần ở Trung Quốc trong suốt thời kỳ đó, kể cả sinh sống ở Trung Quốc nhiều lần trong thời gian ngắn và sống ở Hồng Kông trong năm năm đầu tiên sau khi chuyển giao. Tôi đã kết bạn với nhiều người Trung Quốc, trong đó có cả các luật sư nhân quyền, các blogger, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người mà dường như vào thời điểm đó đã có một khoảng không gian nhất định và bản thân họ cảm thấy lạc quan một cách thận trọng rằng khoảng không gian đó có thể mở rộng hơn nữa.
Rất ít người trong chúng ta ngây thơ đến mức không hiểu rằng chế độ ĐCSTQ luôn đàn áp, nhưng có vẻ như trong một thời gian, các lằn ranh đỏ đã trở nên xa vời hơn, và không gian cho tư tưởng tự do ở một mức độ nào đó đã mở rộng. Trong thập niên cầm quyền vừa qua của ông Tập Cận Bình, quan điểm đó đã hoàn toàn bị đảo ngược, vì theo đúng nghĩa đen, toàn bộ không gian đó đã bị đóng lại và nhiều cư dân trong đó đã bị kìm hãm.
Ở Trung Quốc ngày nay, có những vụ thảm sát kiểu 04/06 quay chậm diễn ra liên tục. Không phải bằng xe tăng và súng, mà bằng các luật đàn áp, các trại tù, công nghệ giám sát, và công cụ tra tấn.
Người Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt với nạn diệt chủng, và tình trạng này đang ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Các hành động tàn bạo ở Tây Tạng ngày càng gia tăng. Cuộc bức hại các tín hữu Cơ Đốc đã tăng cao. Cuộc bức hại Pháp Luân Công và việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức vẫn tiếp tục. Và Hồng Kông đã chuyển từ một trong những thành phố tự do và cởi mở nhất Á Châu thành một nhà nước cảnh sát.
Năm 2017, tôi đã bị từ chối nhập cảnh vào Hồng Kông và trong những năm gần đây tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa đối với bản thân cũng như mẹ của tôi, đồng thời đã bị Cảnh sát Hồng Kông chính thức cảnh báo rằng tôi có thể phải đối mặt với án tù ở Hồng Kông nếu họ có thể tìm thấy tôi. Điều đó không làm tôi lo lắng vì họ không thể nào làm được điều đó chừng nào tôi không bị dẫn độ, nhưng nó cho thấy mối nguy hiểm đối với người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những người bất đồng chính kiến lưu vong đến từ Trung Quốc đại lục. Nếu ĐCSTQ sẵn sàng đe dọa các nhà hoạt động ngoại quốc theo cách này, thì mối nguy hiểm đối với những người mà họ coi là “người dân của chính mình” thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Và điều đó dẫn tôi đến lý do thứ ba tại sao ngày lễ tưởng niệm hôm nay lại quan trọng. Chúng ta phải luôn học hỏi từ lịch sử. Cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn đã dạy chúng ta điều đó. Một chế độ được phép tàn sát hàng ngàn người mà không bị trừng phạt không những là mối đe dọa đối với chính người dân của họ — mà còn trở thành một mối đe dọa đối với chúng ta.
Tất cả các chế độ độc tài đều giống như những người lái xe tồi chỉ nhìn vào gương chiếu hậu bằng một con mắt. Nếu không ai cố gắng dừng họ lại vì lái xe quá tốc độ hoặc say rượu, họ sẽ tiếp tục lái và gây ra thảm họa. Cho đến nay, đã 33 năm, phần còn lại của thế giới đã thất bại trong việc giữ chế độ ĐCSTQ nằm trong tầm kiểm soát — và kết quả là chế độ này đã được khuyến khích bạo dạn hơn. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta có cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, cuộc tàn phá toàn diện các quyền tự do của Hồng Kông, thảm kịch vẫn tiếp diễn của Tây Tạng, cuộc đàn áp tôn giáo, thu hoạch nội tạng, và cuộc tấn công toàn diện vào xã hội dân sự ở Trung Quốc.
Trong cuốn sách mới sẽ được xuất bản vào tháng Mười của tôi, “Mối Quan Hệ Trung Quốc: Ba Mươi Năm Trong và Xung Quanh Chế Độ Chuyên Chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (“The China Nexus: Thirty Years In and Around the Chinese Communist Party’s Tyranny”), tôi đã phỏng vấn một số nhà hoạt động và ký giả nổi tiếng từng ở Bắc Kinh vào ngày 04/06/1989. Và những câu chuyện của họ là trước sau như một.
Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), một nhà hoạt động lưu vong nổi tiếng của Trung Quốc, nói với tôi rằng sáng sớm ngày 04/06, ông và các đồng nghiệp của ông đã đạp xe đến quảng trường.
“Chúng tôi thấy quân đội nổ súng, và chúng tôi thấy nhiều người thiệt mạng,” ông nói với tôi trong một cuộc gọi trực tuyến đầy xúc động. “Thật khó mà tin được. Tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng di chuyển với tốc độ cao, hơi cay, súng máy bắn, và tôi nghe thấy rất nhiều tiếng la hét. Đó là điều đã thúc đẩy tôi trở thành một nhà hoạt động.”
Ký giả kỳ cựu người Canada Hoàng Minh Trân (Jan Wong), tác giả của quyển sách “Thần Châu Oán” (“Red China Blues”), người từng có mặt tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989, đã kể cho tôi nghe những gì bà đã tận mắt chứng kiến.
“Họ đang bắn, mọi người đang chạy, và mọi người cố gắng giải cứu những người khác,” bà nói. “Họ mang các thi thể trên các ghế xe đạp và xe xích lô ra ngoài. Họ vừa đụng phải làn đạn.”
Cuối đêm hôm đó, chính bà Hoàng đã suýt bị trúng một viên đạn được bắn vào tường của Khách sạn Bắc Kinh, chỉ cách ban công nơi bà đã đứng quan sát cuộc tàn sát vài tấc.
Bà Hoàng đã nhìn thấy “Người chặn xe tăng” khét tiếng trong thời gian thực.
“Quân đội đã đè nghiến người dân, và tôi đã quan sát những chiếc xe tăng. Sau đó, chồng tôi chỉ vào người đàn ông đang đứng trước một chiếc xe tăng này. … Tôi đã nhìn thấy toàn bộ màn khiêu vũ giữa ‘Người chặn xe tăng’ và chiếc xe tăng đó. Anh ấy đã cố gắng ngăn cản chiếc xe tăng như một thủ môn bóng đá. Sau đó, anh ấy leo lên xe tăng, cố gắng nói chuyện, rồi lại leo xuống,” bà nhớ lại. Sau đó, người đàn ông ấy đã “hòa vào đám đông.”
Ngoài “Người chặn xe tăng”, bà Hoàng tin rằng người lái xe tăng là một “anh hùng thực sự” vì anh đã từ chối cán qua người đàn ông này.
Tôi tin rằng chúng ta cần làm ba điều trong tương lai.
Chúng ta cần bảo đảm lịch sử lưu giữ một hồ sơ rằng — bất chấp những nỗ lực hết mình của Bắc Kinh — những vụ thảm sát năm 1989 không bị lãng quên và một ngày nào đó, nguyên nhân mà rất nhiều người đã hy sinh mạng sống của họ sẽ trở nên phổ biến ở Trung Quốc: tự do, công lý, hòa bình, và sự thật.
Sau đó, chúng ta cần cố gắng tìm ra những “người điều khiển xe tăng” trong chế độ, những người đã từ chối cán qua người dân. Dù khó đến mức nào, chúng ta cũng phải làm với chế độ ĐCSTQ những gì họ làm với chúng ta bằng đúng kiểu kỹ năng như thế — chúng ta phải theo đuổi chính sách chia để trị và khiến họ chia rẽ.
Đồng thời, chúng ta phải tạo ra một “Mặt trận Thống nhất” để chống lại “Mặt trận Thống nhất” của họ. Thống nhất không có nghĩa là đồng nhất. Chúng ta có thể hoan nghênh và tôn trọng sự đa dạng về tư tưởng, chiến lược, chiến thuật, và cách tiếp cận. Nhưng chúng ta nên cố gắng khuyến khích “sự thống nhất trong tinh thần và mục đích.”
Cái tôi và sự ganh đua nên được đặt qua một bên, các nghị trình cá nhân bị đình chỉ, và tất cả những người phản đối chế độ ở Bắc Kinh nên tìm một phương thức hành động chung với nhau — hoặc ít nhất là không làm việc chống lại nhau. Chỉ khi chúng ta làm điều đó — và tạo ra “Mặt trận Thống nhất” của riêng mình — thì chúng ta mới có thể có hy vọng tiến lên.
Ba mươi ba năm kể từ vụ thảm sát, chúng ta không được để những anh hùng đã hy sinh của Trung Quốc bị lãng quên. Và chúng ta hãy nhắc nhở thế giới tự do, vì một phần lớn của thế giới đó tôn vinh một biểu tượng của phẩm giá con người, nữ hoàng, về thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt khi đương đầu với vấn đề của chế độ ĐCSTQ vào cuối tuần này. Hành động trên mặt trận đó sẽ đi theo một cách nào đó hướng tới việc tôn trọng di sản của những người đã đứng lên — và ngã xuống — tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Ông Benedict Rogers là một nhà hoạt động nhân quyền và là một nhà văn. Ông là người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Hồng Kông Watch, nhà phân tích cao cấp về Đông Á tại tổ chức nhân quyền quốc tế CSW, là người đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh Quốc, và là thành viên của nhóm cố vấn Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc và Chiến dịch Chấm dứt Diệt chủng Người Duy Ngô Nhĩ.
Thanh Nhã biên dịch