Xuân Hoa
Các con số về tỷ lệ sinh hiện tại trên toàn cầu đang trái ngược hẳn với cảnh báo của Liên Hợp Quốc về tình trạng quá tải dân số và biến đổi khí hậu. Dân số thế giới sẽ sớm đạt đỉnh điểm và sau đó giảm đều; trái đất có thể sẽ trở thành một hành tinh trống vắng.
Trong bối cảnh có vô số dự đoán thảm khốc rằng dân số loài người sẽ tăng theo cấp số nhân, khiến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và trái đất nóng lên, thì hai nghiên cứu nhân khẩu học mới đây lại cho thấy điều ngược lại: Dân số thế giới sẽ đạt đỉnh trong vài thập kỷ tới và sau đó bắt đầu giảm đều theo hướng không thể đảo ngược.
Ở một số nơi như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và hầu hết các quốc gia châu Âu, quá trình suy giảm dân số đã đang diễn ra. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.
Dân số thế giới sẽ giảm đều và không thể đảo ngược
Liên Hợp Quốc luôn cảnh báo rằng dân số thế giới sẽ gia tăng nhanh chóng trong thế kỷ tới, từ dưới 8 tỷ người lên hơn 11 tỷ người vào năm 2100. Nguyên nhân (được các ông lớn truyền thông lặp đi lặp lại) là con người đang sinh đẻ quá nhiều. Cùng với đó, vô số mô hình về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã được đưa ra dựa trên những dự báo dân số. Tháng 8/2021, Liên Hợp Quốc đã đưa ra ‘cảnh báo đỏ cho nhân loại’ về biến đổi khí hậu và quá tải dân số; trong khi các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley phát biểu rằng “phong trào không sinh con do sợ hãi về biến đổi khí hậu đang phát triển nhanh chóng”.
Tuy nhiên, một nghiên cứu nhân khẩu học do Quỹ Gates tài trợ và được xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, dự đoán rằng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh ở mức 9,7 tỷ người trong vòng vài thập kỷ tới và sau đó bắt đầu giảm. “Một khi dân số toàn cầu bắt đầu suy giảm, nó có thể sẽ mãi như thế mà không dừng lại”, các tác giả viết.
Nghiên cứu này dự đoán rằng vào cuối thế kỷ 21, dân số Trung Quốc sẽ giảm 668 triệu người – tương đương khoảng một nửa số dân hiện tại; trong khi dân số Ấn Độ sẽ giảm 290 triệu người. Bất chấp mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảo ngược xu hướng này, bao gồm loại bỏ chính sách một con và cung cấp các biện pháp khuyến khích nuôi dạy trẻ, các cặp vợ chồng Trung Quốc vẫn sinh ít. Năm 2021 đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Trung Quốc có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.
Những con số này là cơ sở cho lập luận của Giám đốc điều hành Tesla/SpaceX, Elon Musk, vào tháng 5 rằng “nền văn minh sẽ sụp đổ” vì thế giới sẽ thiếu đi rất nhiều người. Elon Musk từng phát biểu tại một sự kiện vào năm 2019 rằng “vấn đề lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong 20 năm nữa là suy giảm dân số”. Jack Ma, người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng có mặt tại sự kiện và nói: “Tôi đồng ý”.
Ông Manoj Pradhan, nhà kinh tế học và đồng tác giả của cuốn sách “Cuộc đảo ngược nhân khẩu học to lớn” (The Great Demographic Reversal), dự đoán rằng sụt giảm dân số sẽ mang đến những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và xã hội. “Tương lai sẽ rất, rất khác so với quá khứ”, ông nói. Một số điều mà chúng ta đang trải qua hiện nay, chẳng hạn như lạm phát cao, thiếu hụt lao động và sự hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ người già và những người dễ bị tổn thương.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước có khoảng 1,4 tỷ người, cùng nhau chiếm 1/3 dân số thế giới. Mỹ đứng thứ 3, với 330 triệu người. Indonesia, Pakistan, Brazil, Nigeria, Bangladesh, Nga và Nhật Bản lọt top 10.
Theo tạp chí The Lancet và các nghiên cứu khác, dân số châu Á và Nam Mỹ sẽ sớm bước chân vào quá trình suy giảm, bắt kịp với mức suy giảm đang diễn ra ở châu Âu. Đồng thời, châu Phi sẽ là một trong số rất ít các khu vực tiếp tục tăng dân số, mặc dù tỷ lệ tăng ở châu Phi đang giảm. Nigeria dự kiến sẽ có thêm khoảng 585 triệu người vào cuối thế kỷ này, trở thành quốc gia đông dân thứ 2 thế giới sau Ấn Độ; trong khi Trung Quốc sẽ tụt xuống thứ 3 và Mỹ tụt xuống thứ 4. Nhật Bản, Nga và Brazil sẽ sớm rơi khỏi top 10.
Sự khác biệt chủ yếu giữa dự đoán dân số sẽ gia tăng nhanh và dự đoán dân số sẽ sụt giảm nằm ở tỷ lệ sinh. Tiến sĩ Darrell Bricker và John Ibbitson, hai tác giả của cuốn sách “Hành tinh trống vắng: Cú sốc suy giảm dân số toàn cầu” (Empty Planet: The Shock of Global Population Decline), đã tỉ mỉ thu thập dữ liệu về mức sinh toàn cầu và đi khắp 6 châu lục để nói chuyện với người dân trên khắp châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và phương Tây. Những gì họ phát hiện ra cũng tương đồng với nghiên cứu đăng trên The Lancet: Cả về mặt thống kê và quan điểm cá nhân, tỷ lệ sinh trên khắp thế giới thấp hơn đáng kể so với những gì Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Theo ông Bricker và ông Ibbitson, một quốc gia nếu muốn duy trì dân số thì phải có tỷ lệ sinh trung bình là 2,1 trẻ em. Một khi giảm xuống dưới 2,1, tỷ lệ sinh sẽ không bao giờ quay trở lại mức đó.
Năm 2020, tỷ lệ sinh của Mỹ là 1,6 – mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ, giảm mạnh từ mức 3,7 vào năm 1960. Tỷ lệ sinh trung bình của châu Âu là 1,5. Trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới, nghiên cứu của The Lancet cho thấy tỷ lệ sinh của Nhật Bản hiện là 1,3. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc dao động từ 1,3 đến 1,5, tùy thuộc vào nguồn dữ liệu, trong đó một số ước tính chỉ là 1,15.
Tỷ lệ sinh của Nga là 1,6. Hiện tại, số người chết ở Nga nhiều hơn đáng kể so với số trẻ được sinh ra; dự đoán Nga sẽ mất tới 1/3 dân số vào năm 2050. Một bài viết đăng hồi tháng 1 trên Foreign Policy tiết lộ rằng khi dân số giảm nhanh, Nga sẽ sớm phải vật lộn để có đủ binh sĩ cho một cuộc xung đột quân sự lớn; đây có thể là nhân tố đằng sau những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân gần đây của nước này.
Năm 1960, trung bình một phụ nữ trên toàn thế giới có 5,2 con. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống 2,4 và dự kiến sẽ giảm xuống 2,2 vào năm 2050. Đến năm 2100, The Lancet dự đoán mức sinh toàn cầu sẽ là 1,66; con số này được tính toán dựa trên xu hướng đô thị hóa, trình độ học vấn của phụ nữ, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động và khả năng tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản.
Theo nhà kinh tế Charles I. Jones đến từ Đại học Stanford, sự khác biệt giữa tỷ lệ sinh 5,2 và tỷ lệ sinh dưới 2 là sự khác biệt giữa cảnh báo “tăng trưởng theo cấp số nhân về cả dân số và mức sống” và dự đoán “một hành tinh trống vắng trong đó thu nhập còi cọc và dân số sụt giảm”. Bài viết “Hậu quả của suy giảm dân số” (Consequences of a Declining Population) hồi tháng 03/2022 của ông Jones đã mô tả rõ ràng điều mà ông gọi là “một hành tinh trống vắng”. Tại hành tinh đó, không chỉ mức sống suy giảm, mà văn hóa, ý tưởng và sự đổi mới cũng bị xói mòn. Ông Jones viết: “Tăng trưởng kinh tế đình trệ bởi lượng kiến thức và mức sống giảm xuống, rồi giữ ở mức không đổi. Trong khi đó, dân số giảm với tốc độ không đổi sẽ dần dần khiến hành tinh trở nên trống vắng”.
Đối với các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ thay thế – là tỷ lệ sinh sản mà một quốc gia yêu cầu để duy trì dân số hiện tại, nhập cư có thể giúp ổn định dân số trong một khoảng thời gian; nhưng có rất ít quốc gia cho phép nhập cư số lượng lớn và còn ít quốc gia hơn đang quản lý vấn đề nhập cư một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sự sụt giảm mức sinh trên toàn cầu đồng nghĩa với việc ngay cả các quốc gia đang gia tăng dân số thông qua nhập cư, như Mỹ và Canada, cũng sẽ sớm đạt đến mức đỉnh.
Khi nhân loại thu hẹp, thành phần xã hội sẽ thay đổi đáng kể. Tuổi thọ là yếu tố chính đang làm chậm quá trình suy giảm dân số – tuổi thọ trung bình của con người đã tăng từ 51 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi hiện nay. The Lancet dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này sẽ có 2,4 tỷ người trên 65 tuổi, so với chỉ 1,7 tỷ người dưới 20 tuổi. Độ tuổi trung vị trên toàn thế giới đã tăng từ 22 tuổi năm 1960 lên 30 tuổi hiện nay, và dự kiến sẽ tăng lên đến 41 tuổi vào năm 2100.
Một phần lớn dân số trên trái đất sẽ già đi, vượt ngoài độ tuổi sinh đẻ và trở nên phụ thuộc hơn vào nhóm người trẻ để chăm sóc họ khi về hưu, trong khi số lượng người trẻ ngày càng thu hẹp. Đây sẽ là mô hình dân số không bền vững. Một cụm từ thường được các nhà nghiên cứu sử dụng khi nói đến các quốc gia như Trung Quốc là họ đang “già đi trước khi kịp giàu”.
Đô thị hóa
Các nhà nhân khẩu học cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh giảm; nhưng nguyên nhân dường như đang thúc đẩy phần còn lại đó là: đô thị hóa. Khi người dân chuyển từ nông thôn lên thành thị, các yếu tố kinh tế tác động lên việc sinh con sẽ thay đổi.
Về mặt tiền tệ thuần túy, trẻ em không còn là nguồn lao động tại các trang trại và cánh đồng, mà là một khoản chi phí. Tại Mỹ, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, không bao gồm phí học đại học, là 267.000 USD.
Một hệ quả khác của quá trình đô thị hóa là phụ nữ theo đuổi các bậc học cao hơn, có việc làm, độc lập và được tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp tránh thai. Bất kể họ ở quốc gia nào, phụ nữ đều thay đổi theo cùng một cách, đó là sinh ít hơn và muộn hơn.
Theo hai tác giả của cuốn sách “Hành tinh trống vắng”, năm 1960 có chưa đến 1/3 dân số thế giới sinh sống tại các thành phố. Ngày nay, hơn 1/2 dân số thế giới là dân thành thị. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 2/3.
Theo dự báo, mức độ đô thị hóa ở châu Phi sẽ tăng từ 44% hiện nay lên 59% vào năm 2050, châu Á từ 52% lên 66%. Phần còn lại của thế giới vốn đã được đô thị hóa hơn 80%. Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng từ mức 16% vào năm 1960 lên 80% vào năm 2050. Ngoài ra, các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách một con của nước này; mặc dù chính sách ấy đã chính thức bị bãi bỏ vào năm 2016 nhưng nó đã tạo ra tình trạng thiếu phụ nữ ngày nay. Hiện tại, nam giới Trung Quốc có nhiều hơn 34 triệu so với nữ giới, khiến một phần lớn nam giới đến tuổi trưởng thành của nước này không thể lập gia đình.
Tương lai chúng ta sẽ giống Nhật Bản?
Một số người nói rằng nếu bạn muốn nhìn thấy tương lai của thế giới, hãy nhìn vào Nhật Bản ngày hôm nay. Nhật Bản được đô thị hóa 92% và dân số của nước này đang giảm khoảng nửa triệu người mỗi năm. Đây là một xã hội có ít người nhập cư, tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm đều đặn, khiến nước này trở thành một quốc gia “siêu già” với 20% dân số hiện trên 65 tuổi. Khi Nhật Bản già đi và trở nên trống vắng, nền kinh tế đã chững lại và giá trị tài sản đã giảm.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã giảm từ mức cao 39.000 xuống 20.000 trong những năm 1990, đánh dấu “sự khởi đầu của một quá trình thích ứng lâu dài từ một nền kinh tế trẻ, đang phát triển nhanh sang một nền kinh tế mới già cỗi, tăng trưởng chậm”, nhà kinh tế Martin Schultz cho biết. Chứng khoán Nhật Bản chưa bao giờ phục hồi hoàn toàn; sau 3 thập kỷ, chỉ số Nikkei hiện ở mức 27.000.
Sau khi tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đi ngang vào năm 1995 và không tăng nhiều kể từ đó. Với dân số già và đang giảm, doanh số bán tã giấy cho người già ở Nhật hiện đã vượt quá mức bán tã giấy cho trẻ sơ sinh. Một số nơi vắng vẻ ở Nhật Bản thậm chí còn đặt những con búp bê có kích thước giống như người thật ở những nơi công cộng để làm cho chúng bớt tiêu điều.
Khi được hỏi rằng liệu Nhật Bản có phải là tương lai của chúng ta hay không, ông Pradhan nói “thật đáng buồn, câu trả lời là không, vì như thế còn khá dễ chịu. Vấn đề nhân khẩu học của Nhật Bản chuyển biến tiêu cực khi phần còn lại của thế giới đang dư thừa lao động”. Các công ty Nhật Bản thời điểm đó còn có thể làm giàu bằng cách chuyển việc làm đến những nơi có dân số dồi dào, trong khi trong nước phát triển hệ thống tự động hóa để tăng năng suất. Do đó, cho đến nay, Nhật Bản đã tránh được vấn đề lạm phát và nợ mà dân số già thường mang đến.
Khi các quốc gia sản xuất ít hơn và ngày càng dành nhiều nguồn lực cho việc chăm sóc người cao tuổi, ông Pradhan nói, “chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP đến mức mà không ai có thể tưởng tượng được”. Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn và lạm phát dai dẳng. Lạm phát có thể trở thành vấn đề vĩnh viễn.
Về mặt tích cực, tình trạng thiếu hụt lao động có thể mang đến mức lương cao hơn và sự bình đẳng hơn giữa những người trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, sẽ có nhu cầu lớn về công nghệ để thay thế các công việc thô sơ, giải phóng sức lao động của con người.
Ông Pradhan nêu ví dụ về việc chính phủ Nhật Bản trợ cấp cho các viện dưỡng lão mua robot để thực hiện các công việc đơn giản. “Năng suất của Nhật Bản là tia hy vọng cho tất cả chúng ta”.
Những đột phá về y tế cũng có thể cải thiện sức khỏe người cao tuổi và kéo dài tuổi làm việc của người dân, cho phép con người nghỉ hưu muộn hơn.
Một điều nữa cần được đề cao là sự đồng cảm trong việc chăm sóc người khác, vốn là điều mà các gia đình truyền thống đã làm đối với ông bà, cha mẹ. Ông Pradhan nói: “Tôi nghĩ đó là thứ mà trong một xã hội cơ giới hóa, chúng ta đã đánh mất”.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times