Xuân Lan
Hôm thứ Tư (8/6), hàng chục tổ chức nhân quyền đã kêu gọi bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc từ chức, với cáo buộc rằng bà đã “tẩy trắng” cho “những hành động tàn bạo” của Bắc Kinh trong chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng trước.
Hơn 230 nhóm, gồm nhiều nhóm ủng hộ quyền của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Hồng Kông, đã ký một tuyên bố chung kêu gọi “Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ chức ngay lập tức”.
Các bên ký tuyên bố cũng kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từ chối đề xuất nhiệm kỳ thứ hai khi nhiệm kỳ của bà hết hạn vào cuối tháng 8.
Bà Bachelet đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt vì đã không mạnh mẽ lên tiếng chống lại sự lạm dụng của chính quyền Trung Quốc trong chuyến đi đã được lên kế hoạch từ lâu đến vùng Tân Cương xa xôi, nơi Trung Quốc được cho là đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, cũng như thực hiện cưỡng bức triệt sản phụ nữ và cưỡng bức lao động trên diện rộng tại khu vực.
Hoa Kỳ đã coi các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người”, những cáo buộc bị Bắc Kinh kịch liệt phủ nhận.
Tuyên bố hôm thứ Tư cho biết bà Bachelet đã “phung phí một cơ hội hiếm có để thúc đẩy trách nhiệm giải trình của ĐCSTQ khi bà đã không đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền có hệ thống của chính quyền Trung Quốc”.
Tuyên bố viết: “Bà ấy đã tẩy trắng những hành động đàn áp nhân quyền tàn bạo của chính phủ Trung Quốc” và “hợp pháp hóa nỗ lực che đậy tội ác của Bắc Kinh bằng cách lặp lại cái khung “chống khủng bố” sai trái của chính phủ Trung Quốc”.
Họ cũng chỉ trích rằng bà đã nhiều lần gọi các trại giam ở Tân Cương bằng thuật ngữ ưa thích của chính phủ Trung Quốc: “Trung tâm giáo dục và đào tạo nghề”.
Đặc biệt, các nhóm nhân quyền than thở rằng cho đến nay bà vẫn chưa công bố một báo cáo về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc dù nó đã được hoàn thành vào năm ngoái.
“Sự chậm trễ lặp đi lặp lại, mơ hồ và không giải thích được đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về độ tin cậy của văn phòng của bà ấy”, tuyên bố cho biết.
Những người ký tên cho biết bà Bachelet đã “hoàn toàn im lặng trước cuộc khủng hoảng nhân quyền bao trùm Tây Tạng” trong suốt 4 năm cầm quyền của bà, và đã “hết sức hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc đàn áp” ở Hồng Kông.
“Chuyến thăm thất bại của cao ủy không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân quyền của những người sống dưới sự cai trị của chính phủ Trung Quốc, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến tính liêm chính của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu,” tuyên bố cho biết.
Mặc dù không có nhóm nhân quyền quốc tế lớn nào ký vào tuyên bố hôm thứ Tư, nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với AFP rằng họ đã chia sẻ sự thất vọng của các bên ký kết.
John Fisher, Phó giám đốc HRW toàn cầu của HRW cho biết: “Khi một chính phủ phạm tội tàn bạo ca ngợi chuyến thăm của bà ấy, và người Duy Ngô Nhĩ và những người khác đối mặt với sự lạm dụng cảm thấy bị phản bội và kêu gọi bà ấy từ chức, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà Bachelet đã thất bại trong nhiệm vụ cao ủy”.
Ông nói thêm rằng, “Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc nên làm việc để xây dựng lại niềm tin đã tan vỡ này bằng cách công bố ngay báo cáo quá hạn quá lâu của bà ấy về các vụ lạm dụng ở Tân Cương, đồng thời thực hiện các bước cụ thể để xác định những người mất tích và bị giam giữ và tìm cách đoàn tụ họ với những người thân yêu”.
Bà Bachelet dự kiến sẽ phải đối mặt với sự truy hỏi đáng kể từ các quốc gia về chuyến đi Trung Quốc của bà trong phiên họp vào tuần tới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva.
Xuân Lan (theo AFP)