Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, chính quyền khuyến khích sinh viên tốt nghiệp về nông thôn

Sinh viên Trung Quốc tìm hiểu việc làm năm 2014. (Ảnh: humphery/ Shutterstock)

Số liệu của giới chức Trung Quốc cho thấy, việc làm đã trở thành một vấn đề nan giải trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái mạnh, khớp với mức kỷ lục 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường lao động trong năm nay. Giới chức cố gắng hướng sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp tại các cộng đồng thành thị và nông thôn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới ngày 8/6, kể từ đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt, nhưng dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát, và các biện pháp kiểm soát dịch đi kèm đã làm gián đoạn quá trình bình thường hóa tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chậm lại 4,3% trong năm nay, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Hôm 3/6, Tổng thống Mỹ Biden đã chỉ ra, trong năm nay, các nhà kinh tế độc lập dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế Trung Quốc, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1976, tức gần nửa thế kỷ qua.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế phản ánh dịch bệnh vẫn tiếp tục tấn công nền kinh tế Trung Quốc.

Tăng trưởng đầu tư được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ tăng tốc nhờ vào việc kích thích tài khóa quy mô lớn, triệt tiêu một phần tăng trưởng tiêu dùng do bị hạn chế bởi đại dịch, các biện pháp kiểm soát và niềm tin tiêu dùng xuống thấp.

Do tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm mạnh, xuất khẩu ròng của Trung Quốc có khả năng không thể hỗ trợ nhiều cho hoạt động kinh tế. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp phong tỏa có trở lại hay không.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng thách thức kép mà Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Có thể Trung Quốc sẽ quay lại con đường cũ, là dựa vào kích thích kinh tế và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, trong tình hình này, việc làm đã trở thành một vấn đề nan giải. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đã tăng lên 6,1% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên nghiêm trọng nhất, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm từ 16 – 24 tuổi lên tới 18,2%, cao nhất kể từ khi thống kê số liệu.

Bước vào mùa tốt nghiệp tới, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc có lẽ sẽ nghiêm trọng hơn. Theo thống kê, có 10,76 triệu sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát trước đây của Viện Nghiên cứu Việc làm thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ có 46,7% sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng, nghĩa là một nửa trong số họ đã thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Để cạnh tranh các vị trí tuyển dụng, 55% sinh viên mới tốt nghiệp đã hạ thấp kỳ vọng về mức lương của họ.

Vào ngày 30/5, trang tin “Tài chính kinh tế số 1” (Yicai.com) của truyền thông Đại Lục đã đăng một báo cáo cho biết: “30 người vào biên chế nhưng có đến 4.000 người ứng tuyển, và vấn đề việc làm của hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp giáo dục bậc cao rất khó giải quyết”.

Gần đây, Zhaopin (nền tảng tuyển dụng và tìm việc làm) đã phát hành “Báo cáo khảo sát khả năng việc làm của sinh viên đại học năm 2022”, cho thấy tính đến tháng Năm, tỷ lệ ký hợp đồng việc làm của sinh viên nam tốt nghiệp là khoảng 23% và chỉ có 10% dành cho sinh viên nữ tốt nghiệp, cả hai đều thấp hơn năm ngoái.

Mới đây, Bộ Dân sự, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã cùng ban hành “Thông báo về việc định hướng tốt cho sinh viên tốt nghiệp đại học phổ thông đến các cộng đồng thành thị và nông thôn tìm việc vào năm 2022”, hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay đến các cộng đồng thành thị và nông thôn tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do ngày 7/6, ông Hùng Bính Kỳ, một học giả nổi tiếng về giáo dục Trung Quốc, cho rằng việc hướng dẫn thanh niên tìm việc làm cần sự chung tay thực hiện của chính phủ, trường học, doanh nghiệp và các hiệp hội sinh viên.

“Mấu chốt là bạn thu hút nhân tài bằng cách nào? Sau khi thu hút được nhân tài thì làm cách nào để họ bộc lộ tài năng? Làm thế nào để hòa nhập với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương? Làm thế nào để cải thiện môi trường việc làm tại địa phương, để sinh viên cảm thấy rằng môi trường sống ở đây rất tốt và có không gian phát triển tốt hơn? Nếu sinh viên có thể thể hiện tài năng của mình trong quá khứ, một mặt sẽ giúp kinh tế địa phương có thể phát triển, đó thực sự là một điều tốt. Điều này đòi hỏi một dự án có hệ thống về tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân tài”, ông Hùng Bính Kỳ nói.

Bình Minh

Related posts