Bình luận: Trung Quốc vẫn là ưu tiên số một của Hoa Kỳ về lĩnh vực an ninh

Trần Phong

Ảnh minh hoạ.

Theo trang RFI, Mỹ đang bị phân tán vì chiến tranh Ukraina, lo ngại cho an ninh của châu Âu, nhưng Trung Quốc và tham vọng Bắc Kinh thâu tóm Đài Loan mới là quan tâm hàng đầu của chính quyền ông Biden.

Mọi chú ý sẽ tập trung vào các bài phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc cũng như cuộc họp song phương giữa hai ông Lloyd Austin và Ngụy Phương Hòa tại hội nghị an ninh châu Á Đối Thoại Shangri-La (diễn ra từ 10 -12/06/2022) tại Singapore.

Theo chương trình nghị sự, lãnh đạo Ngũ Giác Đài sẽ phát biểu vào Thứ Bảy 11/6/ và hôm sau đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Theo giới quan sát, Đối Thoại Shangri-La 2022 là diễn đàn để cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng «bảo vệ tầm nhìn về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương» và chuẩn bị sẵn một số «mũi tên» để nhắm tới đối phương.

Theo báo Nhật The Diplomat, đây là kịch bản đã được báo trước. Washington đã có những bước chuẩn bị cho đối thoại vào cuối tuần này giữa bộ trưởng Lloyd Austin và đồng cấp Trung Quốc.

Tháng trước, tổng thống Biden đã tiếp các lãnh đạo khối ASEAN tại Tòa Bạch Ốc và Mỹ đã nâng cấp quan hệ đối tác «toàn diện» với các nước Đông Nam Á. Giới quan sát đánh giá đó là hai biểu tượng mạnh trong nỗ lực của Hoa Kỳ lôi kéo ASEAN để kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong chuyến công du hai nước Bắc Á, tổng thống Mỹ đã thông báo sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương – IPEF, một công cụ kinh tế và thương mại nhằm củng cố vị thế của Washington với các đối tác trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhân vật số hai của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman, thì đang công du 4 nước châu Á, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và Lào, trong 10 ngày từ 5 đến 14/6.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là bài phát biểu hôm 26/05/2022 của ngoại trưởng Antony Blinken tại đại học George Washington: Trung Quốc là thách thức «đáng ngại nhất đối với trật tự quốc tế».

Bắc Kinh ngày nay là một siêu cường kinh tế, có đủ sức mạnh cả về ngoại giao lẫn chính trị và quân sự để “làm thay đổi trật tự của thế giới” hiện hành từ 75 năm qua, kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trật tự đó dựa trên “luật pháp, các hiệp định quốc tế, những nguyên tắc duy trì hòa bình”.

Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có ý đồ thay đổi trật tự thế giới và càng lúc càng có thêm những phương tiện kinh tế, ngoại giao, quân sự và kỹ thuật để đạt được mục tiêu đó”.

Vậy có thể chờ đợi gì từ đối thoại Mỹ-Trung tại hội nghị an ninh khu vực Shangri-La lần này ?

Cố vấn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Derek Chollet trả lời báo The Diplomat ngày 6/6 nhắc lại những điểm chính trong bài diễn văn của ngoại trưởng Blinken ở đại học George Washington cuối tháng trước. Ông Chollet cũng nhấn mạnh đến một mối bang giao «phức tạp» giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này, bởi đây không đơn thuần là một sự đối đầu Mỹ -Trung và “vẫn có những lĩnh vực để đôi bên cộng tác”.

Song song với các đòn nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, rõ ràng là Mỹ không ngừng mở rộng liên minh, quan tâm hơn đến những đồng minh xa xôi như trong vùng Nam Thái Bình Dương và nhất là củng cố quan hệ với những đối tác vốn có, từ Úc đến Ấn Độ, từ Hàn Quốc đến khối ASEAN.

Vào lúc giới quan sát chờ đợi «đối thoại về an ninh» sẽ gay gắt giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc, thì tại Washington càng lúc càng có nhiều tín hiệu để ngỏ khả năng chính quyền TT Biden nới lỏng một số biện pháp trừng phạt thương mại mà chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump đã ban hành nhắm vào một số hàng hóa của Trung Quốc. Không hiểu rằng hai vế thương mại, an ninh có ảnh hưởng gì tới nhau hay không?

Related posts