“Đừng bao giờ em tưởng”

Du Uyên

Bệnh “tưởng” là bệnh chung của xã hội VN (có lẽ các nước khác nữa?) nhiều năm nay. Tưởng thì cũng có tưởng tốt tưởng xấu, nhưng đa số đều xấu. Bởi vậy ngành in ấn Việt kiếm thêm bộn tiền nhờ làm các bảng lớn/nhỏ, banner nhỏ/lớn chỉ in mấy chữ “Đừng bao giờ em tưởng”, hoặc “đừng bao giờ em tưởng sống và làm việc phải có lương tâm và trách nhiệm”… để bán cho các công ty, cửa tiệm, người có nhu cầu.

Một banner nhắc nhở nhân viên “đừng tưởng” ở một hãng xưởng – Ảnh từ google.com

Các ông/bà chủ mua về dán/treo trên tường hòng răn nhân viên mình, cũng có người mua về để trong phòng làm việc để nhắc nhở bản thân, hoặc thấy người ta mua thì mình mua… Tôi đi làm tóc, làm nails, đi các hãng xưởng, tiệm ăn, quán cà phê… thấy các tấm bảng in dòng chữ trên khá nhiều. Mỗi lần đọc cũng hơi chột dạ, vì bản thân mình đôi lúc cũng tưởng này tưởng nọ. Ða số là tưởng… tốt, ví dụ như tôi tưởng tôi đẹp, tôi tốt, tôi thông minh, tôi tài giỏi, tôi đảm đang, cả thế giới yêu thương tôi… Thật may là những cái “tưởng” của tôi vô hại, có hại thì cũng hại bản thân tôi (lâu lâu hụt hẫng vì đời không như là mơ). Có lẽ, may mắn khi tôi chỉ là một phó thường dân, không phải ông này bà kia, không gây ra những cái “tưởng” làm liên lụy bao nhiêu con người… Như ông Thứ trưởng Bộ Y tế VN – Trương Quốc Cường, nói với tòa án là tưởng chất độc Salbutamol không phải chất bị cấm – nên ký cho nhập cảng VN hơn 9,000 tấn, chắc cũng tưởng thuốc có thể trị bệnh thiệt nên ổng ưu ái ký cho 7 loại thuốc giả được cấp phép và lưu hành tại Việt Nam luôn.

1

“Có 5 anh sanh viên ngành Y đi uống nước mía. Anh này tưởng 4 anh kia có tiền chắc trả giùm mình ly nước, cùng lắm mượn mai mốt trả. Thật tình cờ 4 anh kia, anh nào cũng nghĩ như vậy, tới chừng tính tiền thì không anh nào có 1 cắc trong túi. Mấy chục năm sau, cũng thật tình cờ 5 anh làm giám đốc 5 bệnh viện lớn thiệt lớn.”
Nghe qua, tưởng câu chuyện trên là chuyện bịa cho vui, hoặc hồi ức sinh viên của ai đó. Nhưng…

Tối 16-5-2022, một em bé bốn tuổi bị rắn cạp nia cắn. Giữa thời buổi y học đã tiến bộ, việc bị rắn cắn có thể còn cứu vãn. Vì vậy, cha mẹ cậu bé đã đập chết con rắn, chụp lại hình ảnh của con rắn, đưa con mình lên đến trung tâm y tế gần nhất. Trung tâm y tế biết loại rắn, biết cách trị, nhưng không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, họ đưa em bé qua cho bệnh viện nhi lớn nhất tỉnh – Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên. Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên biết loại rắn, biết cách trị, nhưng cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, họ chuyển em bé lên bệnh viện người lớn bự nhất tỉnh – Bệnh viện Ða khoa tỉnh Phú Yên. Bệnh viện Ða khoa tỉnh Phú Yên cũng biết loại rắn, biết cách trị, nhưng cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Tại đây, họ gọi cho các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi đồng 1 (Sài Gòn), Bệnh viện Nhi đồng 2 (Sài Gòn)… mượn huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để trị cho bệnh nhân nhí, không bệnh viện nào có. Dầu VN là xứ nhiệt đới, mưa nắng thất thường, người bị rắn cắn liên miên. “Theo một nhân viên ở trại rắn Ðồng Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), từ ngày 1-5 đến nay (24-5), riêng trại rắn này đã tiếp nhận 139 ca bị rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ cắn. Trung bình mỗi ngày trại tiếp nhận từ 6-7 ca bị rắn cắn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Long An… chuyển đến. Nguyên nhân do vào mùa mưa nên số ca bị rắn cắn tăng.” – Trích báo tuoitre.vn.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn – Ảnh từ thanhnien.vn

Sau khi câu chuyện được loan tin, Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) – bệnh viện lớn nhất nhì cả nước, cũng cho hay là họ hết huyết thanh của nhiều loại độc hơn một năm nay, vì… dịch, vì ít người bị rắn cắn, vì một ngàn lẻ một lý do khác. Và… “đến tối 21-5, sau 5 ngày nằm viện, sức khỏe của em bé bị rắn cắn ở trên nguy kịch. Thấy con khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện được đưa bé về nhà. Ðến trưa 22-5, bé qua đời.” – Trích báo tuoitre.vn.

Em bé không qua khỏi, không phải vì rắn cắn, không phải vì không vào bệnh viện kịp, mà vì không có một loại dược liệu được báo trong nước cho là rẻ rề, được nhập cảng từ Thái Lan (các chuyến bay từ Việt Nam tới Thái Lan chỉ khoảng gần 2 giờ, nhưng qua 5 ngày không nghe ai nói đã nhập về loại dược liệu này để cứu người – Dầu không kịp, thì cũng coi như một sự cố gắng của ngành Y VN). Nước nhấn chìm bệnh nhân, các bác sĩ mới… nhảy: “Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu các loại huyết thanh, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng (SG) đề nghị Bộ Y tế phải đứng ra lo vì đây là những loại thuốc “cấp cứu” bệnh nhân. Còn sở y tế các tỉnh/thành nên là đầu mối để các bệnh viện hết huyết thanh đều có thể gọi đến để lấy. “Chứ bệnh viện mượn huyết thanh của nhau nhưng lúc tất cả các bệnh viện đều hết thì cũng không có huyết thanh điều trị cho bệnh nhân” – Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy nói trên tuoitre.vn ngày 24-5. Nghĩa là tới 24-5, chưa bệnh viện nào có huyết thanh kháng nọc rắn (?)

Tôi đã rơi nước mắt khi đọc bản tin trên, vì tức (hộc máu). Không biết nếu sự việc xảy ra ở các nước khác, Bộ y tế VN, giám đốc phụ trách 5 bệnh viện trên có bị gia đình em bé kiện trọc đầu hay không? Nhưng ở VN, vụ kiện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Không giám đốc bệnh viện VN nào bị khởi tố vì tưởng mấy ông giám đốc bệnh viện khác có loại dược liệu đó. Không ông Bộ trưởng y tế VN nào cúi đầu xin lỗi gia đình bệnh nhân chết vì rắn cắn cả – lỗi do con rắn mà.

Không biết trong lời thề Hippocrates có câu “Ðừng bao giờ em tưởng” không?

2

Hổm rày dân Sài Gòn, Hà Nội, Phú Quốc, Ðà Lạt, Ðà Nẵng, Cần Thơ… nói chung là cả nước đều có chung vài nỗi ám ảnh, như đường hóa thành sông sau mỗi cơn mưa và giá xăng tăng không thể tưởng tượng – dân Việt có thể vỗ ngực khoe là mình đổ xăng mắc tiền hơn dân nhiều nước.

Việc nước ngập hay giá xăng tăng cao, thiệt ra cũng chẳng có gì bất ngờ, năm nào, người dân cũng kêu gào than khóc hai chuyện đó. Như bài báo có tựa hơi dài “Bệnh viện ngập nước, cua bò lổn nhổn, bác sĩ mang ủng, lội nước cấp cứu cho bệnh nhân” trên thanhnien.vn đã mở đầu vô cùng bình thản: “Nhiều năm qua, cứ mưa lớn là nước mưa, nước từ cống rãnh tràn vào gây ngập Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) khu vực Hóc Môn, khiến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân khó khăn hơn. Ðặc biệt, trong cơn mưa lớn tối qua (2-6-2022), nhân viên y tế BVÐK khu vực Hóc Môn đã bắt được… nhiều cua bò vào bệnh viện. Mưa lớn khiến bệnh viện bị ngập, nhân viên y tế đã phải xắn quần, mang ủng, lội nước cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ðây là chuyện “cơm bữa” khi vào mùa mưa tại bệnh viện này.” – Hết trích.

Nhưng điều khiến dân tình bất bình (tại ngoài bất bình, dân VN biết làm gì hơn?) là mỗi khi có nước ngập, hay xăng tăng, dân không nghe được cách dẹp bỏ vấn đề, chỉ nghe những lời hứa vu vơ, số liệu tiền tỷ đã ném vào hư vô để “chống ngập”. Ngoài ra là lời các ông quan chức đem giá xăng Việt so với các nước khác, và đổ thừa nước ngập do mưa lớn, mà mưa lớn thì ở… Mỹ/Châu Âu cũng ngập. Bà Patrizia Reggiani (hiện 72 tuổi), vợ cũ của doanh nhân Maurizio Gucci (cháu của nhà sáng lập ra thương hiệu thời trang Gucci – ông Guccio Gucci) có câu nói “Thà khóc trên xe hơi còn hơn cười trên xe đạp”. Chắc mấy ông quan chức Việt Nam cũng nghĩ “thà ngâm nước ngập ở Mỹ/Châu Âu, còn hơn lội nước ngập ở Việt Nam”. Nên hầu hết con cái mấy ổng đều đi qua bên kia địa cầu sống/học tập/làm việc và chịu cảnh xăng tăng, ngập lụt… như tại VN (?)

Biếm họa sau bài báo của thanhnien.vn – Ảnh từ Facebook La Thanh Hiền

Có lẽ để củng cố niềm tin nhân dân, các bài báo nhầm chuyển hướng dư luận như xăng bên Mỹ cũng tăng, dân Mỹ khổ không thể tả cũng được đăng liên tù tì mỗi khi dư luận sôi sục bởi giá xăng. Hoặc mới đây, báo Thanh Niên còn làm hẳn một bài viết tả về cuộc sống “thảnh thơi” của một chàng trai không bao giờ lo xăng tăng, vì từ 2019, chàng đi làm quãng đường từ quận Tân Bình tới quận Thủ Ðức (15km/cữ sáng đi làm, 15km/cữ chiều đạp về) mỗi ngày bằng xe đạp. Bất kể nắng/mưa, ngập hay cạn, buồn hay vui, kẹt xe hay thông thoáng, thời tiết trên 40oC (104oF) hay là thấp hơn (Sài Gòn thường từ 30-40oC, ít khi dưới 30oC). Nhiều lần trong bài, nhà báo nhắc nhở thông qua tựa bài “Ðạp xe đi làm, 4 năm qua chàng trai không lo giá xăng tăng”, giữa bài “Thắng cho biết 4 năm qua không hề quan tâm đến giá xăng tăng như thế nào.”, rồi kết bài “Và sáng nay, sau 2 tiếng thoải mái đạp xe trên phố, đúng 9 giờ Thắng cũng đến công ty mà không cần suy nghĩ hôm nay xăng tăng giá như thế nào.”

Không biết Thắng tưởng, hay nhà báo tưởng, hay những kẻ đứng sau duyệt các bài báo mang tính định hướng này tưởng “đi xe đạp -> không mua xăng -> giá xăng lên -> không ảnh hưởng”? Dầu ai tưởng như vậy cũng đều khó hiểu, vì họ sống tới từng tuổi này mà không thể biết giá xăng tăng luôn rủ theo giá hàng hóa, thực phẩm, điện, nước tăng… hay sao? Có rất nhiều người Việt Nam cả đời không có xe máy/xe hơi để lái, nhưng vẫn đau đớn khi nghe giá xăng tăng. Như mấy ông sinh viên Y ở đầu bài, tô hủ tiếu gõ từ 25,000 VND lên 35,000 VND, tiền đâu còn để uống nước mía nữa.

Không biết văn phòng công ty của chàng trai tên Thắng, hay văn phòng của tòa soạn báo kia có đăng câu “Ðừng bao giờ em tưởng” đang rất được ưa chuộng trong thị trường in ấn VN không?

3

Trong vụ kiện ly hôn ồn ào giữa tài tử Johnny Depp và giai nhân Amber Heard, có một đoạn ghi âm được đem ra điều trần trước toà, cả thế giới đã được nghe những lời cuối cùng của Johnny Depp trước khi chia tay vợ cũ: “Anh tưởng rằng mình đã yêu em suốt ngần ấy năm. Nhưng cuối cùng thì anh đã nhầm. Anh đã quá nhầm. Thứ anh yêu hoá ra chỉ là sự tưởng tượng của anh về em.”

Không biết tài tử Johnny Depp mua bảng in khắc chữ “Ðừng bao giờ em tưởng” bằng tiếng Anh không? Tôi sẽ mua gởi qua bán rẻ kiếm lời!

Người cả đời không lái xe máy/xe hơi nhưng vẫn đau đớn khi nghe giá xăng tăng – Ảnh từ Facebook Le Vu Bao

Related posts