Lê Vy
Hôm thứ Ba (14/6), hàng chục quốc gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước những cáo buộc lạm dụng ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc và yêu cầu người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) phải công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở đó. Báo cáo này đã không được công bố dù đã hoàn thành xong từ lâu.
On behalf of 47 countries, the Kingdom of the Netherlands delivered a statement at the @UN_HRC expressing grave concerns about the human rights situation in #China, especially in #Xinjiang.
— NL Mission in Geneva (@NLinGeneva) June 14, 2022
Read the joint statement here: https://t.co/iT2Vs5gEyC pic.twitter.com/q4p3epzsp4
Paul Bekkers, đại sứ Hà Lan tại LHQ, nói với Hội đồng Nhân quyền LHQ: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc đến tình hình nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.”
Là người thay mặt 47 quốc gia đưa ra tuyên bố chung, ông đề cập đến một số “báo cáo đáng tin cậy” chỉ ra rằng hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ tùy tiện trong khu vực.
Ông nói: “Có những báo cáo về việc giám sát đang diễn ra trên diện rộng, đồng thời có sự phân biệt đối xử chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc dân tộc thiểu số khác.”
Tuyên bố chung cũng bày tỏ lo ngại về “các báo cáo về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và giới tính, lao động cưỡng bức và ép buộc tách trẻ em khỏi cha mẹ của chúng”.
Ông nói, các quốc “lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc khẩn cấp giải quyết những lo ngại này” và “chấm dứt việc giam giữ tùy tiện người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các dân tộc thiểu số khác”.
Các nước cũng kêu gọi Bắc Kinh cung cấp cho các nhà điều tra và chuyên gia của Liên Hợp Quốc “quyền tiếp cận có ý nghĩa và không bị ràng buộc” để quan sát tình hình trên thực địa một cách độc lập.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã được cấp quyền thăm viếng vào tháng trước, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu về nhân quyền của LHQ tới Trung Quốc sau 17 năm.
Nhưng bà đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt vì đã không lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành vi bị cáo buộc của Trung Quốc trước và trong chuyến đi.
Trong tuyên bố chung hôm thứ Ba, các nước đã yêu cầu “được quan sát chi tiết hơn, bao gồm cả những hạn chế mà chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với chuyến thăm”.
Đại sứ Trung Quốc Chen Xu đã phản ứng giận dữ với tuyên bố chung, chỉ trích Hà Lan và các nước ký kết khác vì đã phát tán “lời nói dối và tin đồn để tấn công Trung Quốc”.
“Chúng tôi bác bỏ dứt khoát những cáo buộc này,” ông nói, chỉ trích các quốc gia đứng sau tuyên bố vì “đạo đức giả” và “cố gắng thao túng chính trị”.
Ông ca ngợi chuyến thăm của bà Bachelet, nhấn mạnh rằng chuyến thăm đã “nâng cao hiểu biết của bà về con đường phát triển nhân quyền của Trung Quốc”.
Bà Bachelet hiện cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc công bố một báo cáo bị trì hoãn từ lâu về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, mà các nhà ngoại giao cho rằng đã sẵn sàng trong nhiều tháng.
Hôm thứ Hai, bà tuyên bố rằng báo cáo sẽ được công bố trước khi bà từ chức vào ngày 31 tháng 8. Bà cũng cho biết sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Lê Vy (theo AFP)