ĐCS Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho quân đội của mình thực hiện các hành động có ảnh hưởng sâu rộng gần như chiến tranh, theo mệnh lệnh mới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, những mệnh lệnh này quy định rằng cánh quân sự của ĐCS Trung Quốc sẽ áp dụng một bản phác thảo gồm 59 quy định riêng biệt trên cơ sở thử nghiệm. Bản phác thảo các quy định này tập trung vào việc phát triển quân đội Trung Quốc trên một loạt các lợi ích an ninh toàn cầu và khu vực dưới chiêu bài thúc đẩy “hòa bình thế giới”.
“[Bản phác thảo này] quy định một cách có hệ thống các nguyên tắc căn bản, tổ chức và chỉ huy, các loại hình chiến dịch, hỗ trợ hoạt động, và công tác chính trị, cũng như việc thực hiện chúng cho quân đội”, thông báo này cho biết.
Thông báo trên còn cho biết, bản phác thảo này sẽ chuẩn bị cho quân đội để bảo đảm chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc cũng như ổn định khu vực.
Hướng dẫn mới này cũng sẽ thực hiện nghiêm túc “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho Kỷ nguyên mới”.
Tư tưởng Tập Cận Bình đề cập đến ý thức hệ cộng sản đã được sửa đổi theo quan điểm cá nhân của ông Tập, dựa trên cả chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa Mao. Tư tưởng này ngày càng trở nên phổ biến trong ĐCS Trung Quốc khi ông Tập tăng cường quyền lực cá nhân và mức độ độc tài của Đảng. Tới mức ĐCS Trung Quốc đã phải sửa đổi Hiến pháp vào năm 2018 để đề cập tên của mình.
Nói một cách chính xác, thì không có giải thích rõ hơn về việc bản phác thảo này sẽ phân loại như là một hành động quân sự “phi chiến tranh” trong tư tưởng của ĐCS Trung Quốc. Ví dụ, cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine chỉ được các quan chức Trung Quốc và Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, và những ai gọi đó là một cuộc xâm lược đều bị kiểm duyệt ở Trung Quốc đại lục.
Có thể ông Tập đang cố gắng chuẩn bị cho quân đội của Trung Quốc một cách tương tự bằng cách đặt ra cơ sở pháp lý để nước này có thể giao tranh quân sự với những kẻ thù mà không phải thừa nhận một cuộc xung đột là chiến tranh. Do đó, thông báo này cũng nói rằng bản phác thảo đó sẽ “đóng một vai trò là cơ sở pháp lý cho các chiến dịch quân sự ngoài chiến tranh”.
Do đó, việc thúc đẩy một bản phác thảo mới về “các hành động quân sự phi chiến tranh” có thể sẽ báo hiệu rằng, ĐCS Trung Quốc sẽ tăng cường các hành vi gây hấn mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi nhà cầm quyền này đang tiếp tục mở rộng mạnh mẽ lãnh thổ của mình thông qua việc tạo ra các đảo nhân tạo và tìm cách ngăn cản các nỗ lực quốc tế nhằm hợp tác với Đài Loan.
Trong lịch sử, ĐCS Trung Quốc đã từng sử dụng các hoạt động gìn giữ hòa bình của mình để tạo nền tảng ngoại giao ở các quốc gia hải ngoại, qua đó có thể mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Các hoạt động của họ ở Châu Phi và Trung Đông đã được sử dụng để thiết lập các thỏa thuận hợp tác quân sự, mua bán vũ khí và công nghệ giám sát, cũng như phát triển tên lửa và năng lượng hạt nhân, chứ không nói gì đến căn cứ quân sự ở ngoại quốc của họ ở Djibouti trên vùng Sừng Châu Phi.
Djibouti nằm trên vùng Sừng Châu Phi, là quốc gia sở hữu các cảng biển chiến lược nằm trên cửa Biển Đỏ, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận với Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Nhiều tàu tham gia các nhiệm vụ chống cướp biển và bảo vệ tàu chở dầu thường cập cảng Djibouti để nhận tiếp tế, thay người.
ĐCS Trung Quốc hiện cũng đang cố gắng bành trướng loại hình ngoại giao quốc phòng đó trên khắp Thái Bình Dương.
Vào tháng Năm, chính quyền Trung Quốc đã củng cố một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, theo đó họ sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng mới và đào tạo an ninh cho quốc gia nhỏ bé này. Tương tự như vậy, việc đầu tư hàng tỷ dollar vào việc mở rộng căn cứ hải quân và các cơ sở hạ tầng khác ở Campuchia sẽ cho phép hải quân Trung Quốc quyền tiếp cận chưa từng có đối với Vịnh Thái Lan.
Trong một bối cảnh tương tự, ĐCS Trung Quốc đã gấp rút nỗ lực vào tháng Năm để tạo ra một thỏa thuận an ninh 10 quốc gia ở Nam Thái Bình Dương dưới chiêu bài cho rằng họ đang tạo ra một thỏa thuận an ninh và thương mại trên diện rộng. Nỗ lực đó cuối cùng đã bị các bên ký kết từ chối sau khi người ta phát hiện ra thỏa thuận của ĐCS Trung Quốc sẽ yêu cầu họ chấp thuận các Học viện Khổng Tử và lớp học về tư tưởng cộng sản, và có thể cắt đứt khả năng đánh bắt cá ngừ của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Tuyên bố của ông Tập cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin rằng ĐCS Trung Quốc sẽ “không ngần ngại châm ngòi một cuộc chiến bất kể giá nào”, nếu họ bị thúc ép về vấn đề Đài Loan.
ĐCS Trung Quốc vẫn khẳng định rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù hòn đảo này và các vùng lãnh thổ của họ chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCS Trung Quốc và đã được tự quản kể từ năm 1949.
Lam Giang