Huyền Anh
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand tiết lộ rằng, nước này đã bắt đầu soạn thảo các kế hoạch an ninh hàng hải với Quần đảo Solomon. Trước đó, hiệp ước an ninh của Bắc Kinh với quốc gia này làm dấy lên căng thẳng về việc Trung Quốc sẽ chiếm Thái Bình Dương. Có nhiều lo ngại rằng một căn cứ quân sự của Trung Quốc có thể được thiết lập rất gần New Zealand và Úc.
Trong cuộc Đối thoại Shangri-La năm 2022 tại Singapore, một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare đã gặp Bộ trưởng An ninh Quốc gia Quần đảo Solomon Anthony Veke.
Ông Henare viết trong một bài đăng trên Twitter, “[Chúng tôi] đã thảo luận về cam kết của New Zealand đối với quan hệ đối tác của chúng tôi với Quần đảo Solomon, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải. Mong rằng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ quan trọng này”.
New Zealand và Quần đảo Solomon đã đồng ý bắt đầu xây dựng một kế hoạch an ninh hàng hải, nhưng Quốc đảo này không tiết lộ lý do tại sao họ đồng ý ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh.
“Tôi sẽ không đi vào chi tiết của kế hoạch làm việc, nhưng đó là một dấu hiệu tích cực, và bây giờ họ có việc phải làm để theo dõi phần công việc cụ thể đó”, ông Henare nói với Newsroom hôm 14/06.
Bộ trưởng cho biết phái đoàn của Solomons nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là chủ đề số một trong cuộc đối thoại của họ, cho thấy đó là ưu tiên hàng đầu của họ.
Ông Henare cho biết, “Vì vậy, tôi đã nói, ‘Được rồi, chúng tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào?’, và đó là quá trình tạo ra kế hoạch làm việc mà tôi vừa mô tả”.
Ông cũng tin tưởng vào sự hợp tác mạnh mẽ của các đối tác của New Zealand và sự sẵn sàng đối mặt với các vấn đề của khu vực, bất chấp sự hiện diện của căng thẳng tiềm ẩn trong suốt sự kiện này.
Tại hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng, Bộ trưởng New Zealand cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, tại đó họ thảo luận về quan điểm của New Zealand về an ninh ở Thái Bình Dương.
Ông Henare nhắc lại lập trường của New Zealand về Thái Bình Dương đã giúp cho khu vực này trở nên an toàn và bảo đảm hơn cũng như ủng hộ độc lập và chủ quyền của các quốc gia Thái Bình Dương.
Ông cũng lưu ý rằng ông Ngụy đã bày tỏ lo ngại về một New Zealand đang trở nên “gần gũi hơn” với lập trường của Hoa Kỳ và Úc, lặp lại những luận điệu tương tự như khi Bắc Kinh bác bỏ một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ-New Zealand.
So với Hoa Kỳ và Úc, quan điểm của New Zealand đối với Trung Quốc hòa nhã hơn.
Hồi tháng Tư, Thủ tướng Jacinda Ardern đã ủng hộ mối quan hệ “trưởng thành” của đất nước bà với Bắc Kinh và báo hiệu sự cần thiết phải hợp tác bất chấp thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times