Đức Duy
Thỏa thuận khí đốt mới được ký kết giữa châu Âu và Israel có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Israel bước đầu trở thành nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, cung ứng cho một trong những thị trường khí đốt lớn nhất trên thế giới. Châu Âu có thể dựa vào nguồn cung năng lượng mới để trở nên độc lập hơn với Nga, và không còn bị Nga dùng khí đốt để tống tiền. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Nga sẽ phản ứng như thế nào trước mối đe dọa này.
Một thỏa thuận quan trọng cho cả châu Âu và Do Thái
Tuần này, Do Thái đã chính thức trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, một trong những thị trường khí đốt lớn nhất trên thế giới.
Việc Do Thái, Ai Cập và Liên minh châu Âu ký kết một thỏa thuận hôm 15/06 tại Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải sẽ có tác động lớn đối với cả châu Âu và Israel. Động lực tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế của châu Âu là có nguyên nhân trực tiếp từ việc Nga xâm lược Ukraine.
Trong nhiều thập kỷ, châu Âu đã phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Châu lục này dựa vào sự tử tế của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Moscow đã nhiều lần tùy ý ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu như một cách gây ảnh hưởng đến chính sách của khu vực này.
Việc có được quyền tiếp cận mới đối với khí đốt tự nhiên của Israel cho phép châu lục này xa rời Nga với tư cách là nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp khí đốt tự nhiên.
Đây cũng là một bước tiến lớn đối với Do Thái, khi nước này có thể dựa vào các mỏ khí đốt tự nhiên Leviathan ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông Địa Trung Hải để bước đầu trở thành nhà cung cấp năng lượng toàn cầu. Kế hoạch vận chuyển khí đốt là đơn giản và sẽ cho phép việc xuất khẩu khí đốt bắt đầu sớm hơn nhiều dự kiến.
Kế hoạch vận chuyển khí đốt mới
Ban đầu, kế hoạch dài hạn là xây dựng một đường ống dẫn từ các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải đến Síp, sau đó đến Hy Lạp, và sang Tây Âu. Những kế hoạch đó đã vấp phải cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tuyên bố quyền sở hữu nguồn khí đốt tự nhiên được đề cập. Họ cũng đã tuyên bố các quyền lãnh thổ đối với bất kỳ đường ống nào chạy qua Síp hoặc đi qua đường hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.
Nhưng theo thỏa thuận mới, không cần xây dựng đường ống mới nào, ít nhất là không phải ngay lập tức. Thay vào đó, kế hoạch là sử dụng các đường ống hiện có chạy từ Israel và Jordan đến các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Ai Cập. Từ đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ được vận chuyển trực tiếp đến các thị trường châu Âu thông qua các tuyến vận tải hàng hải hiện có đến các cảng châu Âu trong vòng một vài năm.
Israel sẽ thu được nguồn tiền lớn khi dần thay thế Nga
Khi xuất khẩu LNG sang châu Âu Âu tăng lên trong vài năm tới, Israel sẽ thu được nguồn tiền lớn từ các khách hàng châu Âu và thế chỗ của Nga. Hiện nay, châu Âu phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên. Vào năm 2021, con số đó đại diện cho 119 tỷ USD doanh thu hàng năm chảy từ châu Âu sang Nga. Dòng doanh thu sẽ còn cao hơn khi giá năng lượng tiếp tục tăng. Khí đốt tự nhiên chính là một sản phẩm chiến lược, vì nó chiếm phần lớn nhất trong thương mại Nga – châu Âu. Doanh thu từ khí đốt tự nhiên chiếm phần đáng kể trong ngân sách của Nga.
Một chiến thắng ngoại giao trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo
Thỏa thuận không chỉ là một thành quả kinh tế đối với Israel. Điều đó chứng tỏ Israel và đối tác Ả Rập của họ, Ai Cập, có thể làm việc tốt cùng nhau vì lợi ích kinh tế chung của hai nước.
Thông điệp hợp tác và cùng có lợi đó sẽ được lan tỏa rõ ràng và mạnh mẽ trên toàn thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Không phải là mơ tưởng khi cho rằng sự hợp tác với Ai Cập sẽ thu hút những điều tương tự từ các quốc gia Ả Rập khác, những nước có thể hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Israel.
Hơn nữa, khi các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng bắt đầu tới châu Âu, điều đó sẽ làm thay đổi cơ bản cán cân quyền lực giữa Nga và châu Âu.
Tin xấu cho Nga
Đó là tin tốt đối với châu Âu và Israel, nhưng lại là tin xấu đối với Nga và ông Vladimir Putin. Từ quan điểm kinh tế, tác động của việc châu Âu xa rời Nga với tư cách là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế Nga.
Nga có thể phải nhanh chóng tìm thị trường mới.
Cần lưu ý rằng Trung Quốc đã đang mua năng lượng của Nga, mang lại cho Nga nguồn thu ngang ngửa với thị trường châu Âu, ngay cả với giá chiết khấu – nhưng điều đó có thể sẽ không kéo dài mãi mãi.
Thỏa thuận khí đốt giữa Do Thái và châu Âu Châu cũng là một vấn đề lớn đối với Nga từ góc độ địa chính trị. Nếu không có sức mạnh để gây ảnh hưởng hoặc trừng phạt châu Âu bằng những lời đe dọa cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, Nga sẽ có rất ít công cụ để ảnh hưởng đến chính sách của châu Âu.
Thật vậy, Moscow cũng hiểu vấn đề này như bất kỳ ai. Điều này rõ ràng làm tăng thêm mức độ phức tạp, nếu không muốn nói là rủi ro, đối với thỏa thuận mới.
Nga sẽ phản ứng ra sao?
Vậy Moscow sẽ hoặc có thể phản ứng như thế nào trước diễn biến này?
Như đã nói, điều đó có thể được coi là một mối đe dọa đối với Nga, nếu không muốn nói là một hành động chiến tranh kinh tế.
Moscow có thể nhìn nhận về thỏa thuận khí đốt tự nhiên mới theo hướng là EU và Israel (hai nước này vốn chỉ trích mạnh mẽ về cuộc xâm lược Ukraine) đang hợp tác — nếu không muốn nói là âm mưu — nhằm tước bỏ thị trường quan trọng nhất của Nga.
Điều đó là đúng. Và nó cũng có thể khiến người Nga gặp khó khăn lớn về kinh tế. Hơn nữa, ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở châu Âu và phần còn lại của thế giới cũng sẽ giảm đi.
Liệu Moscow có thể hiện thái độ quan sát và chờ đợi đối với Israel và Liên minh châu Âu, hy vọng rằng họ có thể thuyết phục một trong hai bên không thực hiện thỏa thuận?
Hay Nga sẽ dùng đến một hành động phong tỏa hải quân đối với các chuyến hàng khí đốt tự nhiên vào châu Âu để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?
Những phản ứng của Nga có thể sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, điều không thể đoán trước ngay được. Nhưng một khi châu Âu không cần khí đốt của Nga, châu Âu sẽ không còn có thể để Nga tống tiền, mặc dù châu Âu vẫn có nguy cơ bị Moscow bắt nạt về mặt quân sự.
Israel cũng có vấn đề tương tự, và họ nhận thức sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới phía bắc của họ. Nga có thể sẽ gây chiến vì thỏa thuận này.
Rốt cuộc thì Nga sẽ còn có thể làm gì nữa?
Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.
Đức Duy
Theo The Epoch Times