Dương Thiên Tư
Cách đây vài ngày, các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Romania đã đến thăm Kyiv và gặp mặt Tổng thống Ukraine Zelensky. Ngoại giới phân tích cho rằng có một tầm nhìn để thuyết phục ông Zelensky đàm phán hòa bình với Nga. Một bức ảnh chụp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ôm ông Volodymyr Zelensky đã làm dấy lên bàn luận.
Macron ôm Zelensky, bức ảnh gây tranh cãi
Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/6, 5 nhà lãnh đạo đã tổ chức họp báo. Lãnh đạo 3 nước đều bày tỏ sự ủng hộ để Ukraine gia nhập EU và có tư cách nước ứng cử càng sớm càng tốt. Tại cuộc họp báo, ông Macron đã ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trên mặt lộ vẻ mỉm cười ấm áp. Tuy nhiên, bức ảnh vừa được đưa ra đã gây nhiều tranh cãi, chỉ thấy vẻ mặt của ông Zelensky không tự nhiên, có vẻ như vô cùng lúng túng.
Ông Macron nói rằng Pháp, Đức, Ý và Romania đều quyết tâm ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. “Đồng minh châu Âu ở bên cạnh bạn, chỉ cần bạn cần, thì sẽ có mặt ở đó cho đến khi giành được thắng lợi. Thắng lợi của cuộc chiến này sẽ cho phép Ukraine tự do và độc lập khôi phục lại hòa bình.”
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Pháp đã nhiều lần chủ trương ngừng bắn và kết thúc chiến tranh bằng hòa đàm ngoại giao, ông Macron còn cho rằng “ông Putin của Nga không thể bị sỉ nhục“, khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên khó xử, vì thế bức ảnh này mới gây sự chú ý.
Trong bài phát biểu ngày 9/5 về cuộc chiến ở Ukraine, ông Macron cảnh báo châu Âu “đừng bao giờ rơi vào cám dỗ của sự sỉ nhục hoặc tinh thần báo thù”. Ông Zelensky sau đó đáp lại: “Chúng tôi sẽ không dùng lãnh thổ như một cái giá phải trả để giúp giữ thể diện cho Putin.”
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp vào tháng 6, ông Macron nói “Chúng ta không được làm bẽ mặt Nga để khi đến ngày giao tranh dừng lại, chúng ta vẫn có thể tìm được một lối ra thông qua các biện pháp ngoại giao.” Ngoại trưởng Ukraine chỉ trích gay gắt lời kêu gọi “đừng làm nhục Nga” này.
Trước đó, các nước đã lên án hành động “diệt chủng” của Nga đối với Ukraine. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từ chối dùng từ “diệt chủng” để mô tả hành động tàn bạo của quân đội Nga, thậm chí còn tuyên bố Ukraine và Nga là hai dân tộc “anh em”.
Bà Iuliia Mendel, cựu phát ngôn viên của ông Volodymyr Zelensky, đã đăng bức ảnh này trên Twitter về cuộc gặp giữa ông Macron và ông Zelensky, đồng thời đưa ra bức ảnh chuyến thăm của ông Macron tới Nga vào tháng 2 năm nay, so sánh với việc ông Macron ngồi cách một chiếc bàn với ông Putin. Bà Iuliia Mendel nói đây là “sự khác biệt về khoảng cách giữa EU và Ukraine, EU và Nga”.
Distance between the EU, Ukraine and Russia. pic.twitter.com/1MogmPjHvG
— Iuliia Mendel (@IuliiaMendel) June 16, 2022
Tờ Daily Mail tại Anh lại có ý kiến khác, cho rằng cái ôm của ông Macron khiến ông Zelensky có vẻ hơi lúng túng, và cho rằng khi ông Macron trong bộ vest vòng cánh tay để ôm, ông Zelensky biểu hiện như thể muốn chiến đấu trong chiến hào của Severodonetsk (một thành phố của Ukraine).
EU trừng phạt Nga, ông Putin: Sẽ hoàn thành sứ mệnh quân sự ở Ukraine
Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, Liên minh châu Âu và nhiều nước phương Tây lần lượt trừng phạt Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự cuộc họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) vào ngày 17/6. Trong bài phát biểu của mình, ông đáp trả rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể tạo thành tổn thất hơn 400 tỷ đô la Mỹ hàng năm cho Liên minh châu Âu.
Ông Putin nói rằng các chính trị gia châu Âu đã tự giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của họ. Ông cho rằng các nước phương Tây cố tình phá hoại nền tảng quốc tế nhằm hiện thực hóa ảo tưởng địa chính trị của họ. Ông còn nói thời đại của một trật tự thế giới đơn cực đã qua, mặc dù có người cố gắng dùng các cách khác nhau để niêm phong nó lại.
Ông Putin chủ trương rằng sau khi từ chối toàn cầu hóa, các quy tắc của trật tự thế giới mới nên được xây dựng bởi một quốc gia có chủ quyền hùng mạnh, và Nga sẽ trở thành một quốc gia có chủ quyền hùng mạnh, và Nga nhất định sẽ tận dụng mọi cơ hội.
Ông Putin cũng đề cập rằng Nga sẽ không can thiệp vào hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine, Ukraine có từ 5 đến 6 lựa chọn về xuất khẩu lương thực, hãy để người Ukraine tự quyết định mình phải làm gì thay vì trông chờ vào những người chủ của họ ở bên kia bờ đại dương. Ông cho rằng việc Ukraine trao đổi lương thực lấy vũ khí là giải pháp đáng buồn nhất, trong khi Nga có thể tăng đáng kể xuất khẩu lương thực và phân bón, và nguồn cung lương thực có thể tăng lên 50 triệu tấn trong mùa tới.
Ngày 17/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Chính phủ Ukraine sẽ chấm dứt thực hiện thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau cho công dân Ukraine và Nga, kể từ ngày 1/7 năm nay, công dân Nga phải có thị thực nhập cảnh vào Ukraine.
Dương Thiên Tư, Vision Times