Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức ra phán quyết rằng đảng “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD, đảng cực hữu) thắng kiện bà Merkel. Vì với tư cách là thủ tướng, những nhận xét của bà Merkel về kết quả của cuộc bầu cử Thủ hiến Bang tự do Thüringen năm 2020 đã làm suy yếu tính trung lập.
Tháng 2/2020, cuộc bầu cử Thủ hiến bang Thüringen đã diễn ra, ông Bodo Ramelow, thủ lĩnh của đảng cánh tả, đã cố gắng tái đắc cử một lần nữa. Ông không đạt đủ số phiếu trong 2 vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Đến vòng thứ 3, ứng cử viên Thomas Kemmerich của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã tham gia cuộc tranh cử. Đảng AfD loại bỏ ứng cử viên của mình và bỏ phiếu cho ông Kemmerich. Bằng cách này, với sự hỗ trợ của “Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức” (CDU) và AfD, ông Kemmerich đã giành đủ số phiếu bầu.
Việc CDU hợp tác với AfD đã phá vỡ nguyên tắc bất thành văn trong chính giới Đức từ sau Thế chiến II, về việc các đảng phái chính trị lớn sẽ không bắt tay với phe cực hữu.
Nhưng ông Kemmerich đã không thể chịu được áp lực từ các bên, gồm những lời dọa giết, và đã tuyên bố từ chức 3 ngày sau đó. Sau đó, chủ tịch đảng cánh tả, ông Ramelow, được bầu lại làm Thủ hiến bang như ông mong muốn, và vẫn tiếp tục giữ chức vụ cho đến nay.
Ông Kemmerich là Thủ hiến bang đầu tiên được bầu với sự ủng hộ của Đảng cực hữu AfD.
Khi kết quả bầu cử được công bố, bà Merkel, đương kim thủ tướng khi đó, đã gọi hành động của CDU là “không thể tha thứ”, đồng thời kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử của ông Kemmerich. Trước đó, bà Merkel đã rời khỏi vị trí lãnh đạo CDU từ 2018.
Bà còn yêu cầu kết quả này “phải được lật lại”. Bà Merkel nói: “Đây là một ngày tồi tệ đối với nền dân chủ.” Do nội quy của CDU quy định không được hợp tác với AfD nên bà không thể chấp nhận kết quả này.
AfD cho rằng bài phát biểu chính thức của bà Merkel với tư cách là Thủ tướng trong chuyến thăm cấp nhà nước là vi hiến, vi phạm nguyên tắc trung lập. Hơn nữa bà đã cố gắng hủy bỏ một cuộc bầu cử liên bang với tư cách là Thủ tướng. Vì vậy đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án Hiến pháp Tối cao.
Một thẩm phán tòa án Tòa án Hiến pháp đã chấp thuận đơn kiện của AfD. Tòa án Hiến pháp Đức cho rằng phát biểu của bà Merkel “gây ảnh hưởng một chiều tới cuộc cạnh tranh giữa các đảng chính trị”, và không phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định cũng như danh tiếng của Chính phủ Đức trước công luận thế giới. Bà Merkel đã xâm hại đến sự bình đẳng về cơ hội của các đảng chính trị, và phải giữ thái độ trung lập trước công chúng với tư cách là người đứng đầu chính phủ.
Tòa án cho biết, tất nhiên bà Merkel có thể bày tỏ quan điểm chính trị của riêng mình, chẳng hạn như trong chiến dịch tranh cử, nhưng không phải với tư cách là một thủ tướng. Khi đó, bà Merkel không còn là chủ tịch CDU mà chỉ là Thủ tướng.
Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, một nữ phát ngôn viên của CDU cho biết, bà Merkel “đương nhiên” tôn trọng quyết định của tòa án, nhưng bà không bình luận về nội dung phán quyết.
Ông Kemmerich, người mới chỉ giữ chức Thủ hiến bang được 3 ngày, cũng không bình luận gì về nội dung phán quyết, nhưng cho biết ông “rất tôn trọng Tòa án”. AfD hoan nghênh phán quyết này. Chủ tịch đảng AfD, ông Tino Chrupalla, nói: “Đây là một ngày tốt lành cho nền dân chủ.”
Tờ Die Neue Osnabrücker Zeitung phân tích rằng phán quyết này của Tòa án Hiến pháp đã cảnh báo cách thức vận hành hàng ngày của nền chính trị, đặc biệt là đối với các thành viên trong chính phủ.
Điều đó có nghĩa là, bất kể quan điểm của một đảng là gì, chúng đều phải được tôn trọng, bởi vì cơ hội bình đẳng phải được đảm bảo cho tất cả các chính đảng. Tờ báo cũng chỉ ra rằng cần chú ý đặc biệt đến vấn đề của AfD, đảng này cũng là sản phẩm của các cuộc bầu cử dân chủ.
Tờ Die Welt của Đức kết luận, đây không phải là chiến thắng đầu tiên của AfD tại Tòa án Hiến pháp. Trước đây đảng này đã đâm đơn khiếu nại Bộ trưởng Nội vụ, ông Horst Seehofer của đảng CSU và Bộ trưởng Giáo dục, bà Johanna Wanka thuộc đảng CSU. Cáo trạng cáo buộc rằng 2 vị bộ trưởng này đã vi phạm nguyên tắc trung lập, Tòa án Hiến pháp cũng phán quyết Afd thắng kiện.
Bình Minh