Người Hồng Kông lưu vong thiết lập mạng lưới cộng đồng giúp đỡ đồng hương ở hải ngoại

Hannah Cai

Anh Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), Giám đốc Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC) do người Hồng Kông điều hành có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và cô Quách Phượng Nghi (Anna Kwok) đại diện cho HKDC với tư cách là Giám đốc Chiến lược và Chiến dịch, đã tham gia một chương trình trực tuyến Clubhouse để chia sẻ quan điểm của họ vào đêm 12/06/2022. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Vậy là đã ba năm kể từ ngày nổ ra phong trào chống luật dẫn độ trong dân chúng Hồng Kông, nhưng nền tự do và dân chủ của Hồng Kông giờ đây đã hoàn toàn bị thiêu rụi dưới Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.

Những người Hồng Kông lưu vong đó hiện đang làm gì? Kế hoạch của họ là gì?

Tối ngày 12/06/2022, anh Alex Chu Vĩnh Khang (Alex Chow Yong-Kang), Giám đốc của một tổ chức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC), do người Hồng Kông điều hành và cô Quách Phượng Nghi (Anna Kwok Fung-yee), đại diện cho HKDC với tư cách là Giám đốc Chiến lược và Chiến dịch, đã tham gia một chương trình trực tuyến Clubhouse, để chia sẻ quan điểm của họ. Sự kiện được tổ chức bởi một nhóm người Hồng Kông ở New York có tên NY4HK.

Vào ngày 12/06/2019, hàng chục ngàn công dân Hồng Kông đã bao vây Hội đồng Lập pháp để phản đối Sắc lệnh Dẫn độ. Sự kiện này đã vén bức màn cho một cuộc cách mạng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, dưới sự đàn áp và thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngày nay người ta đã không thể nhận dạng được Hồng Kông nữa.

Nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra trong ba năm qua, cô Quách giãi bày: “Tôi đã chứng kiến ​​ngày càng nhiều người Hồng Kông bị bắt vào những năm 2020 và 2021. Lúc đó tôi đang có thị thực du học ở New York để học lên cao. Nhiều người đã cảnh báo tôi không nên quay lại Hồng Kông. Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều.”

Cuối cùng, cô Quách đã hạ quyết tâm, vượt qua nỗi sợ, và tiến về phía trước. Cô ở lại Hoa Kỳ và bắt đầu làm việc cho HKDC, đồng thời vận động chính phủ Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các lệnh trừng phạt đối với các quan chức chính quyền Hồng Kông. Cô cũng là một phần của đội vận động hành lang tại Hạ viện Hoa Kỳ để xây dựng dự luật thuyền cứu sinh để bảo vệ người nhập cư và tị nạn Hồng Kông.

Đối với cô Quách, khi trút hết được nỗi sợ hãi, cảm giác thỏa mãn nhất là có được dũng khí và sức mạnh.

Cô hy vọng rằng bằng cách công khai danh tính của mình và bước ra làm chính trị (tham gia nhiều hoạt động chính trị được công chúng quan tâm mến mộ), cô có thể gửi một thông điệp đến những huynh muội “[hoạt động] ngầm” khác: “Mọi người không đơn độc. Hãy tiếp tục tiến về phía trước. Hãy cố gắng hết sức mình tại vị trí tương ứng của mỗi từng người.” Cô Quách khích lệ.

Kể từ khi chính quyền Hồng Kông thông qua Luật An ninh Quốc gia, các cuộc tụ tập và biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông đã bị cấm hoàn toàn. Người Hồng Kông gần như không thể duy trì được sự tập trung của quốc tế vào các sự kiện trước đó. Công việc mà HKDC khởi xướng trở nên khó khăn hơn. Cô Quách bày tỏ rằng bản thân cô sẽ giữ vững quyết tâm và kiên trì tín niệm, dẫu biết rằng trận chiến này kéo dài trong nhiều năm tới, nhưng cô vẫn sẽ đi tiếp.

Đó là cơ hội duy nhất để quang phục Hồng Kông.

Anh Alex Chu Vĩnh Khang, thủ lĩnh sinh viên của phong trào dù vàng ở Hồng Kông năm 2014, hiện là giám đốc hội đồng quản trị của HKDC.

Anh Alex nói về tương lai của Hồng Kông; “Chương sử một quốc gia hai chế độ ở Hồng Kông đã khép lại. Tuy nhiên, cộng đồng Hồng Kông ở hải ngoại sẽ chiến đấu đến cùng vì một Hồng Kông mà họ từng biết và yêu mến.”

Anh cũng nói thêm, “Chỉ là những người Hồng Kông lưu vong đang phải đối mặt với những thách thức và rào cản chính trị rất khác nhau.”

Anh Alex nhấn mạnh rằng những người Hồng Kông bị lật đổ không còn có thể dùng sự phẫn nộ và cảm xúc của họ làm động lực quang phục Hồng Kông. Họ phải có một tầm nhìn xa hơn, một kế hoạch dài hạn hơn.

Anh Alex nghĩ rằng những người Hồng Kông ở hải ngoại, ngoài việc ủng hộ và vận động các cộng đồng toàn cầu hỗ trợ người Hồng Kông, những người ở Hoa Kỳ cũng có thể chủ động tham gia vào các công việc của cộng đồng và thiết lập các kết nối xã hội tại địa phương. Anh nói tiếp, “Mọi người cũng có thể tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về chủ đề người Hồng Kông; Chúng ta có thể giữ gìn di sản, bản sắc, giá trị quan, những câu chuyện lịch sử, văn hóa của Hồng Kông, đồng thời thúc đẩy sự công nhận về bản sắc dân tộc cho người dân của chúng tôi cũng như tạo ra các cơ hội việc làm.”

Lấy ví dụ về việc kết nối cộng đồng, anh cho biết, “Hiện tại, rất nhiều người đang tham gia vào nhiều loại hoạt động cộng đồng khác nhau. Tùy theo nhu cầu từng khu vực, những nơi người Hồng Kông thường lui tới nhất là các liên hoan phim; những sự kiện này đóng vai trò là một yếu tố và nền tảng quan trọng cho những người Hồng Kông ở hải ngoại.”

Anh cũng tin rằng nếu quý vị đang ở hải ngoại và muốn làm điều gì đó cho Hồng Kông và muốn tìm lại cảm giác mình là người Hồng Kông, thì quý vị có thể tham khảo cách làm của các hiệp hội đồng hương Đài Loan.

Anh Alex nói, “Chúng ta có thể xây dựng các trung tâm văn hóa Hồng Kông của riêng mình, và tổ chức nhiều loại hoạt động thân hữu khác nhau. Đó là điều đáng xem xét vì những nhiệm vụ này sẽ đoàn kết toàn bộ cộng đồng người Hồng Kông.”

Khi được hỏi người di cư Hồng Kông có thể làm gì khác, anh Alex tỏ ra hào hứng, “Những người mới nhập cư từ Hồng Kông có thể tham gia các đảng phái và chiến dịch chính trị. Ngoài ra, thế hệ tiếp theo tham gia tranh cử để chúng ta có các đại diện chính trị của riêng mình trên toàn thế giới, lên tiếng về các vấn đề của Hồng Kông và có những ảnh hưởng văn hóa của riêng chúng ta.”

Người Hồng Kông ở hải ngoại có thể xây dựng sức mạnh kinh tế của riêng mình, để hỗ trợ những tiến triển khác nhau của các dự án chính trị và văn hóa.

Việc tạo dựng các cộng đồng người Hồng Kông ở Hoa Kỳ giờ đây cũng đã trở thành một phần trong ‘sứ mệnh của’ HKDC.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts