Chuyên gia: Chi phí của việc phong tỏa do COVID-19 ở Úc vượt hơn nhiều lần so với lợi ích

Ella KietlinskaJan Jekielek

Bà Gigi Foster, giáo sư tại Trường Kinh tế của Đại học New South Wales và là đồng tác giả cuốn sách “Đại hoảng loạn về đại dịch Covid: Điều gì đã xảy ra, tại sao và chúng ta nên làm gì tiếp theo” (“The Great Covid Panic: What Happened, Why và What To Do Next,”) tại quận Norfolk Historic, Connecticut, hôm 29/05/2022. (Ảnh: Bao Qiu/The Epoch Times)

Sau khi cân nhắc các chi phí và lợi ích khác nhau của các đợt phong tỏa áp đặt lên người dân Úc trong đại dịch COVID-19, hai nhà nghiên cứu người Úc phát hiện ra rằng chi phí về tài chính và con người phát sinh do việc phong tỏa vượt quá lợi ích từ 30 đến 35 lần.

Bà Gigi Foster, giáo sư tại Trường Kinh tế của Đại học New South Wales, cho biết thế giới vẫn chưa thừa nhận rằng chi phí về con người trong các cuộc phong tỏa là rất lớn so với những lợi ích mà chúng có thể mang lại, ngay cả ở một quốc đảo như Úc. 

Trước năm 2020, việc phong tỏa bộ phận dân số khỏe mạnh không nằm trong kế hoạch quản lý đại dịch ở Úc vì chúng được coi là quá tốn kém, bà Foster nói với chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” của EpochTV trong một cuộc phỏng vấn hôm 09/06.

Bà Foster cho biết, cách tiếp cận tiêu chuẩn trong việc thực thi các chính sách công là tiến hành phân tích chi phí-lợi ích để đánh giá từng chính sách. Bà cho biết thêm, điều này đã không được thực hiện cho các đợt phong tỏa kể cả ở Úc lẫn Hoa Kỳ.

Hồi tháng 08/2020, bà Foster và ông Sanjeev Sabhlok, khi còn là nhà kinh tế học của chính phủ Victoria ở Úc, đã thực hiện một phân tích chi phí-lợi ích của các chính sách phong tỏa (pdf) để quốc hội tiểu bang Victoria xem xét.

“Sau khi lập bảng và tính toán, cố gắng định lượng tất cả các khía cạnh khác nhau về chi phí mà các chính sách phong tỏa thực sự khiến người dân phải gánh chịu, chúng tôi tính toán rằng việc phong tỏa gây tốn kém gấp khoảng 30 hoặc 35 lần so với những lợi ích chúng có thể mang lại,” bà Foster khẳng định.

Bà Foster cho biết, người ta thường đưa ra một lập luận rằng việc phong tỏa sẽ cứu vớt người dân cho đến khi một loại vaccine được phát triển và rằng khi mọi người chích vaccine, về lý thuyết, sẽ có ít người tử vong hơn. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng ngay lúc này ở Úc có khá nhiều người tử vong vì COVID-19.

Đúng là trong thời gian phong tỏa và đóng cửa biên giới ở Úc, số ca tử vong và thậm chí nhiễm COVID-19 là khá thấp so với phần còn lại của thế giới, và hiệu quả kinh tế cũng khá tốt trong một vài năm, bà Foster nói.

Vị giáo sư cho hay, là một quốc đảo, Úc có khả năng đóng cửa biên giới và giảm được rất nhiều lượng virus xâm nhập vào trong nước. Thế nhưng điều này thực chất lại là sự khởi đầu trên con đường ngăn cách bản thân với phần còn lại của thế giới và để cho phần còn lại của thế giới phải trả giá cho sự phát triển miễn dịch cộng đồng và thực hiện các tiến bộ công nghệ để chống lại virus, bà giải thích. 

Bà Foster nói: “Những gì chúng ta cơ bản đã làm là trì hoãn làn sóng tử vong mà chúng ta có thể có, và có thể phải giải quyết vào năm 2020.” “Và bây giờ chúng ta đang quay trở lại với chính loại khó khăn về kinh tế mà phần còn lại của thế giới đang trải qua.” 

“Nếu bây giờ quý vị nhìn vào các ca nhiễm [COVID-19] và tử vong ở Úc, và thậm chí vào các chỉ số kinh tế, chẳng hạn như lạm phát – thì tình hình không ổn chút nào.”

Theo trang web Worldometer, số ca nhiễm virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) mới (thường được gọi là virus corona mới), cũng như số ca tử vong do COVID-19 ở Úc, cho thấy sự gia tăng tương đối vào đầu năm 2022 so với hai năm trước đó, và chúng tiếp tục ở phía tương đối cao hơn. 

Theo chính phủ Úc, hơn 95% dân số Úc từ 16 tuổi trở lên được chích ngừa COVID-19 đầy đủ.

Những chi phí cho việc phong tỏa

Một tấm biển ghi “Hãy đi thẳng về nhà và cách ly” ở Úc trong bức ảnh tư liệu này. (Ảnh: Asanka Ratnayake/Getty Images)

Bà Foster cho biết chi phí tài chính để hỗ trợ những người bị mất việc làm do phong tỏa đã không được tính là một yếu tố vào trong quá trình hoạch định chính sách COVID-19 ở Úc.

Giáo sư chỉ ra, yếu tố đằng sau thúc đẩy việc áp đặt phong tỏa là có bao nhiêu người sẽ thoát khỏi tử vong do COVID-19, nhưng sự đánh đổi giữa việc tránh được tử vong do COVID-19 và số người tử vong do các chính sách ứng phó với đại dịch cũng cần được xem xét. Ví dụ về những ca tử vong do các chính sách “hà khắc” này “là những người lẽ ra cần phải đến bệnh viện để được chăm sóc vì đột quỵ hoặc đau tim hoặc những người đã bị bỏ sót việc tầm soát ung thư,” bà nói thêm.

“Y tế cộng đồng toàn bộ phải là về sức khỏe cộng đồng, phục vụ cho tất cả các khía cạnh khác nhau của sức khỏe.”

COVID-19 là một căn bệnh gây ra do sự bùng phát của virus Trung Cộng. 

Bà Foster cho biết, một số người có thể lập luận rằng việc phong tỏa “đã trì hoãn giai đoạn đầu của COVID và do đó giúp cho người dân Úc chỉ tiếp xúc với chủ yếu một biến thể nhẹ hơn, khi [mọi người] được chích ngừa nhiều hơn.”

“Nhưng nếu chúng ta thực hiện một phản ứng chính sách tối ưu, trong đó chúng ta bảo vệ những người thực sự dễ bị loại virus này ảnh hưởng, dễ chịu những ảnh hưởng đáng kể, [chẳng hạn như] những người lớn tuổi, những người mắc nhiều bệnh — rõ ràng là điều đúng đắn cần làm thâm chí vào hồi tháng 03/2020 — thì khi đó chúng ta đã có ít người tử vong hơn nhiều so với bây giờ.”

Bà Foster cho biết, chính sách phong tỏa đã ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến các gia đình nghèo, nơi trẻ em không được đi học và không có máy tính để học từ xa. Bà Foster giải thích, các gia đình vốn đã đang chật vật vào đầu năm 2020 bởi bất kỳ khó khăn nào, chẳng hạn như mối quan hệ gặp trục trặc, lạm dụng chất kích thích, không có tay nghề và khó tìm việc làm, trẻ em không có đủ không gian trong nhà để học — họ là những người chịu đựng tác động lớn nhất từ việc phong tỏa.

Bà nói: “Đó không chỉ là những chi phí ngắn hạn khổng lồ, mà nó còn là — quý vị còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có trong xã hội.”

Bà Foster cho biết, cũng có những cái giá của việc đeo khẩu trang chẳng hạn như “một núi rác thải môi trường khổng lồ” nếu phải đeo khẩu trang hàng ngày, cũng như chi phí về con người. Khẩu trang ngăn những người bị điếc hoặc nghe khó không thể biết được người khác đang nói gì bằng cách nhìn vào miệng họ và làm trở ngại việc học ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, bà giải thích. 

“Có một khoản chi phí đáng kinh ngạc mà chúng ta đã bắt các các nhóm dân số phải gánh chịu mà thực sự chưa được tính đến.”

Những mô hình mô phỏng đại dịch

Biển báo tại ranh giới Lãnh thổ Thủ đô Úc trong tiểu bang New South Wales hiển thị thông tin phong tỏa ở Canberra, Úc, vào ngày 20/08/2021. (Ảnh: Rohan Thomson/Getty Images)

Bà Foster cho biết các chính sách ứng phó với đại dịch thường lấy thông tin từ các mô hình mô phỏng, nhưng các mô hình này có những hạn chế.

Bà Foster cho biết bà tin rằng sai lầm chính của những mô hình này là chúng chỉ tập trung vào việc lan truyền virus, và bỏ qua chi phí của việc phong tỏa hoặc chi phí giảm thiểu sự lây lan. 

“Nó vốn dĩ là một việc làm hao tiền tốn của,” bà nói.

Bà Foster giải thích rằng các mô hình cũng dựa trên nhiều giả định vốn “chỉ là những đánh giá chủ quan,” và chúng đã sai trong quá khứ. “Những sự mô phỏng về dịch tễ học trước đây đã cực kỳ sai khác và lần này, không ngạc nhiên gì, chúng đã sai khác một lần nữa.”  

Bà Forest cho biết, có thể cho qua được trong vài tháng đầu tiên của đại dịch khi các chính sách ứng phó dựa vào các mô hình mô phỏng, nhưng sau khi bắt đầu có dữ liệu về sự lây lan của virus và các ca tử vong, thì các chính sách lẽ ra phải được cập nhật. 

Bà đề cập đến sự lây lan của virus trên các tàu du lịch Diamond Princess và Ruby Princess, và cho biết họ đưa ra một phương án để quan sát xem có bao nhiêu người sẽ tử vong do virus trong một môi trường kín.

“Chúng ta đã có thể học hỏi được rất nhiều từ những trường hợp đó nếu chúng ta chỉ cần nhìn vào dữ liệu,” bà nói. “Nhưng đã không có bất kỳ cập nhật nào.”

Bà Foster nói: “Khoa học luôn liên quan đến việc cập nhật.” “Lý thuyết phải liên tục được đánh giá dựa trên dữ liệu mới và nếu dữ liệu không phù hợp với lý thuyết hoặc các dự đoán, thì phải sửa đổi lý thuyết.” 

Bà Foster nói rằng bà chỉ sử dụng thông tin từ thế giới thực để đưa ra các giả thiết và tất cả các ước tính để phân tích chi phí-lợi ích của việc phong tỏa. “Tôi không dựa vào một mô hình giả lập. Tôi dựa vào những gì đã xảy ra ở những nơi khác nhau trên thế giới với loại virus này.”  

“Một phần sức hấp dẫn của mô hình đó, sự quyến rũ của mô hình đó, là nó dường như là một cách để đơn giản hóa những gì là một thực tế vô cùng phức tạp, đặc biệt là hiện nay khi chúng ta liên tục có hàng núi thông tin qua internet, mạng xã hội, mọi thứ.”

Bà Foster cũng cảnh báo mọi người không nên sống trong một thế giới tưởng tượng, ở đó người ta có thể đơn giản nhấn nút tạm dừng một nền kinh tế và khi ngắt lệnh tạm dừng đó, tất cả sẽ trở lại bình thường. “Điều đó không phù hợp với cách mà hệ thống kinh tế thực sự hoạt động.”

Sau khi nền kinh tế tạm dừng, mọi người phải đưa ra những lựa chọn là “họ phải bù đắp cho những gì đã được gây ra cho họ,” bà Foster nói. Họ có thể thay đổi cách họ phân bổ các nguồn lực và cách họ tương tác trên thị trường; thậm chí họ có thể thay đổi công việc, bà giải thích.

Bà Foster cho biết thêm, khi nền kinh tế được phục hồi, nó không còn ở vị trí cũ nữa. Có những liên kết bị phá vỡ và con người và cuộc sống của họ đã thay đổi, bà Foster nói thêm.

Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York, chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.

Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”

Do Ella Kietlinska và Jan Jekielek thực hiện

Thanh Nhã biên dịch

Related posts