Du Uyên
Hôm rồi, tôi cà phê với người bạn, bạn tâm sự: Thấy tao 40 tuổi rồi vẫn chưa có bạn gái, cả xóm đồn ầm là tao bê đê, gia đình tao không nói nhưng chắc cũng ngờ ngờ. Hôm trước tao nói với mẹ: “Con có bạn gái rồi nhưng cô ấy hơn con 5 tuổi” – Mẹ tao chỉ cười rồi nói: “Chỉ cần mày có bạn gái là tốt rồi, nó lớn hơn tao 5 tuổi cũng được”.
Chắc hẳn mẹ bạn đã rất tuyệt vọng lắm với giới tánh của con trai độc đinh của mình, nên mọi mong muốn về con dâu đều được bỏ qua, chỉ cần là nữ. Khi người ta hết hy vọng rồi thì người ta chỉ cần có hy vọng mà thôi. Tôi cũng đang cần có nhiều chút hy vọng.
Chuyện là, tôi mới bị mất cái bóp. Dầu hay mất đồ, nhưng lần mất đồ nào tôi cũng buồn, cũng tuyệt vọng với viễn cảnh đi cớ mất, làm lại các loại giấy tờ với hệ thống các cơ quan hành (là) chính ở Việt Nam. Biết tôi buồn, không ít bạn bè đã cố gắng chia sẻ nỗi buồn đó, bằng cách hỏi cắc cớ: “Mày để ở đâu mà mất?” Biết để ở đâu thì có thể bị giựt, bị cướp, bị trộm, bị “mượn” chứ đâu có bị mất, vậy cũng hỏi.
Hoặc an ủi: “Thôi đừng có buồn nữa”, “Vui lên đi”… Dĩ nhiên, thật khó vui khi vẫn còn đang buồn. Nên tôi vẫn buồn lên chứ không vui lên được. An ủi “Vui lên đi”, “Thôi đừng có buồn nữa”, đôi khi giống như việc bạn gặp một người quen ngoài tiệm bán cơm tấm, rồi bạn hỏi họ “Ủa đi đâu đây?”. “Ði ăn hả?”.
Hông biết liên quan hông, mỗi lần ở Việt Nam hay thế giới có vụ gì lớn là tôi đều thấy dân cư mạng Việt Nam khoe là họ từng bị như vậy. Như hồi ông Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô với trẻ em cùng chung cư, ai ai cũng kể là mình từng bị xâm hại lúc nhỏ. Hồi có cậu bé nhảy lầu trước mặt cha, khắp cõi mạng đầy rẫy bài vở về việc “tôi cũng từng bị trầm cảm, muốn tự tử”. Hồi có bà dì ghẻ kia đánh chết con chồng, cũng không ít người kể từng bị dì ghẻ hành hạ. Hôm rồi, có mấy đứa trẻ đánh nhau trong trường, hằng hà sa số người lớn kể lại “kinh nghiệm” một thời trốn học, đánh bạn, cãi thầy… Cũng may là không ai khoe từng trốn trại giam 4 lần như chàng tù vượt ngục nổi tiếng kia. Cũng không ai khoe từng đu dây từ tầng 11 xuống đất vì bị bắt ghen – bởi người phối ngẫu hợp pháp của nhân tình…
Ai đó nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có lẽ vì vậy mà tôi ngồi nghĩ cách bắt bẻ những người bạn tốt đang hết lòng an ủi mình ở trên. Trong khi bình thường, người ta buồn thì tôi cũng khuyên bằng mấy cách y chang như vậy, không hề sáng tạo hơn chút nào. Cuộc sống mà, ai cũng bận rộn, ai cũng có nỗi lòng riêng, ai quởn đâu mà làm hài lòng tôi được. Nhưng biết làm sao, khi tôi chưa thể hết buồn? Nhất là khi, xung quanh toàn chuyện hổng vui. Mở báo mạng ra, định đọc vài tin (rồi) tức để bớt buồn, thì thấy hai cái tin được đăng cùng ngày, cùng trang:
Một tin ở Ấn Ðộ – Chỉ trong vòng 5 ngày, 75km đường nhựa đã được xây xong. Nhờ đó, Ấn Ðộ được Kỷ lục Guinness xác lập danh hiệu làm đường nhanh nhất thế giới. Dân mình hay chê phim Ấn Ðộ dài dòng, hở chút là nhảy múa, cảnh thì lại thích quay kiểu Slow Motion. Nhưng thật may, họ làm đường không có dài dòng văn tự như làm phim.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng không thể nào không so sánh. Khi Việt Nam hiếm khi có con đường nào xây bằng với tiến độ bình thường của thế giới, huống chi là nhanh, nói chi tới đạt kỷ lục. Có người thì nói không thể so sánh, vì Ấn Ðộ làm đường thì chỉ tập trung làm đường, để giao thông thuận lợi (tiếp theo đó là cho phát triển kinh tế đất nước và để cho lượng lớn xe lưu thông). Còn Việt Nam thì làm đường không chỉ làm đường không thôi. Người ta vừa làm đường vừa phải chờ vốn, vừa chờ giá đất “giải tỏa mặt bằng” tăng lên, vừa chờ nguyên vật liệu tăng lên… Làm xong còn phải chờ giấy quyết định được thu lộ phí (BOT) liền và ngay sau khi thông đường. (Và thường thì trạm thu lộ phí phải xây kiên cố và chắc chắn nhất – hơn con đường) nên lâu là lẽ hiển nhiên.
Trong mớ tin tức hỗn độn, cũng có vài tin vui vui. Như, ở giữa đảo Ellesmere (ở cực bắc Gia Nã Ðại) và đảo Greenland (lãnh thổ tự trị của Ðan Mạch) có một đảo đá siêu nhỏ tên Hans – diện tích chỉ hơn 1.3 km2. Ðảo này tuy không có người sinh sống, không có tài nguyên, nhưng từ năm 1973, là phần chủ quyền bị tranh chấp giữa hai nước Gia Nã Ðại và Ðan Mạch. Khác với các cuộc chiến đẫm máu và giấy mực, tranh chấp này diễn ra một cách hài hước và được người ta đặt là cuộc chiến rượu whisky:
Kể từ năm 1984, quân đội Gia Nã Ðại bắt đầu đến hòn đảo này để cắm cờ và để lại những chai rượu whisky Gia Nã Ðại. Người Ðan Mạch thấy vậy, không nhịn được, thường xuyên đến đảo này, uống hết rượu whisky và nhổ cờ Gia Nã Ðại rồi thay vào đó là rượu Schnapps và cờ Ðan Mạch. Lâu lâu, không việc gì làm thì các bộ trưởng nội các của cả hai quốc gia đi trực thăng đến đảo để khẳng định, tuyên bố chủ quyền – dĩ nhiên là dẫn đến sự phản đối của dân nước bạn (người phát ngôn bộ ngoại giao hai bên có hay “quan ngại” hay không thì hông biết?). Thậm chí có lần người Gia Nã Ðại còn kêu gọi tẩy chay bánh ngọt Ðan Mạch.
“Hòn đảo vô dụng” trong mắt ai đó, nhưng chứa rất nhiều bài học về chủ quyền đất nước, tinh thần dân tộc, lợi thế trên bàn đàm phán quốc tế… Còn dạy cho lãnh đạo nhiều nước một bài học về cách tháo bỏ tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đàm phán đúng luật – chứ không phải dùng lý lẽ của kẻ bề trên, bắt nạt kẻ yếu thế và dùng vũ lực tấn công… Thật ra thì, những lý lẽ này, chắc chỉ những người có hiểu biết mới cảm nhận được. Bởi vậy, có không ít bình luận của dân cư mạng Việt Nam cho rằng: “Chỉ là hòn đảo đá không người sinh sống với diện tích 1.3 km2. Mà tranh nhau tới 39 năm và qua 26 đời ngoại trưởng thì văn minh kiểu gì?” Không biết tới lúc tiến lên xã hội chủ nghĩa rồi, những cư dân mạng có suy nghĩ như vầy có suy nghĩ khác đi không? Tôi lo quá. Hy vọng họ không phải là những người đang canh giữ biển đảo, biên giới VN, cũng không phải là mấy người có quyền ngồi ký đơn cớ mất giấy tờ của tôi.
Chuyện hết tiền còn ám ảnh tôi hơn là chuyện mất bóp. Vì vậy mà hôm rồi tôi nằm mơ, gặp Thượng Ðế và hỏi: Theo ngài, 1000 năm là bao lâu?
Ngài trả lời: Ðối với ta, 1000 năm chỉ là 1 giây.
Tôi hỏi tiếp: Thế còn, 1 triệu đô la là bao nhiêu?
Ngài lại trả lời: Với ta, 1 triệu đô la chỉ là 1 xu.
Tôi hí hửng: Vậy ngài có thể cho con xin 1 xu được không? Thượng Ðế mỉm cười và nói: Không vấn đề, chờ ta 1 giây.
Du Uyên