Thu thập dữ liệu công dân quy mô lớn, ĐCSTQ cảm giác bất an ở mức độ cao

Lâm Sầm Tâm, Lạc Á

Từ một lượng lớn các tài liệu đấu thầu của Chính phủ Trung Quốc, New York Times phân tích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thu thập dữ liệu cá nhân của công dân trên quy mô chưa từng có, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất thế giới, có cả mẫu khuôn mặt, dấu vân tay và mống mắt. Đây có thể là dấu hiệu về sự bất an ở mức độ cao của chế độ toàn trị ĐCSTQ.

Ngày 21/6, New York Times đã đưa ra 4 phát hiện chính về việc ĐCSTQ giám sát quốc gia như thế nào từ hơn 100.000 hồ sơ mời thầu của chính quyền Trung Quốc.

Trước hết, cảnh sát ĐCSTQ lựa chọn các vị trí để lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt, bao gồm cả việc lắp đặt ở các địa điểm riêng tư, chẳng hạn như tòa nhà dân cư, phòng karaoke, nhà hàng, khách sạn, v.v. Tất cả dữ liệu sẽ được tổng hợp và lưu trữ trong máy chủ của chính phủ.

Thứ hai, chính quyền ĐCSTQ đang sử dụng các thiết bị theo dõi điện thoại di động, chẳng hạn như thiết bị dò tìm Wi-Fi và thiết bị bắt sóng IMSI, để liên kết hoạt động trực tuyến ảo của mọi người với các hoạt động trong đời thực, cho phép cảnh sát theo dõi chuyển động của mục tiêu và khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin cá nhân. Cục Công an của một huyện ở tỉnh Quảng Đông thông qua kiểm tra ứng dụng từ điển Duy Ngô Nhĩ được cài trên điện thoại của một người, để phán đoán người này có phải là người Duy Ngô Nhĩ đang bị giám sát nghiêm ngặt hay không.

Ngoài ra, chính quyền ĐCSTQ thu thập dữ liệu di truyền một cách bừa bãi từ những người không liên quan đến tội phạm, bao gồm dữ liệu DNA, mẫu quét mống mắt và giọng nói. Trong quá trình thu thập rộng rãi các mẫu DNA nam giới, khi cơ quan công an thu được dữ liệu DNA nhiễm sắc thể Y của một nam giới, tương đương với việc thu thập được dữ liệu về các thành viên phụ hệ trong gia đình người này, và ít nhất 25 tỉnh ở Đại Lục đã thiết lập cơ sở dữ liệu này.

Báo cáo cũng nói rằng ĐCSTQ đang cố gắng kết nối tất cả dữ liệu và tạo ra một hồ sơ toàn diện về công dân mà chính quyền các cấp có thể truy cập được. Theo tài liệu trình diễn sản phẩm nội bộ của công ty công nghệ Megvii, phần mềm của họ tích hợp dữ liệu cá nhân đã thu thập được, có thể hiển thị hành động, quần áo, xe cộ, thông tin các thiết bị như thiết bị di động, các mối quan hệ xã hội… Công an Trung Quốc đã sử dụng sản phẩm này.

Báo cáo của New York Times kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống cho phép nhà nước tối đa hóa việc theo dõi danh tính, hoạt động và quan hệ xã hội của cá nhân, để giúp củng cố chế độ độc tài lâu dài của họ.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với Epoch Times vào ngày 22/6, rằng truyền thông phương Tây sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa chuyên chế” (authoritarian), nhưng thực tế sử dụng thuật ngữ “độc tài toàn trị” (totalitarian) thì thích hợp hơn. Chính quyền toàn trị của ĐCSTQ áp dụng sự kiểm soát toàn diện, bao gồm tất cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa và thông tin, cũng như kiểm soát toàn diện đời sống cá nhân. Đối với chính quyền của này, như thế thì họ mới có cảm giác an toàn.

“Bởi vì bản thân ĐCSTQ là một chế độ bất an cao độ, nó được duy trì bởi sự leo thang đàn áp chính trị liên tục, đồng thời liên tục loại bỏ các phe đối lập, bao gồm cả phe đối lập về chính trị, kinh tế, cá nhân và xã hội.”

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng trước đây, ĐCSTQ dựa vào sức người để kiểm soát, nhưng hiện nay là dùng khoa học công nghệ cao, các công cụ kỹ thuật số, chỉ là cập nhật công cụ kiểm soát và hiện đại hóa công cụ kiểm soát. Tuy nhiên là một chế độ toàn trị, nên bản chất là kiểm soát xã hội, kiểm soát các cá nhân, và thu thập thông tin không thay đổi.

Gần đây, ngay cả “mã sức khỏe” được sử dụng để phòng chống dịch bệnh cũng đã trở thành một công cụ “duy trì ổn định” để hạn chế việc di chuyển của công dân. Để ngăn chặn tình trạng chuẩn bị đến Hà Nam kháng nghị của những người không thể rút tiền gửi ngân hàng thuộc các nơi như Bắc Kinh, Sơn Đông, Hồ Nam, Thành Đô, mã sức khỏe của họ đều chuyển thành màu đỏ, khiến họ không thể ra vào nơi công cộng, thậm chí cần phải cách ly 14 ngày.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất, nói với Epoch Times hôm 22/6, rằng ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để theo dõi và phân tích hành vi của người dân. Ban đầu khi họ xây dựng hệ thống này, người dân có thể không cảnh giác, thậm chí cảm thấy rất tốt, nhưng sau khi ứng dụng vào thực thế thì nó mới gây sốc. Trong đó có việc các cơ quan chức năng cho rằng việc thu thập dữ liệu DNA của người dân là để ngăn chặn tội phạm, nhưng khi sử dụng thực tế lại có thể xâm phạm quyền lợi của người dân.

Ông lấy ví dụ: trong những ngày đầu Thượng Hải phong tỏa, mọi người có thể nghĩ rằng “zero COVID linh động” là tốt. Việc hạn chế di chuyển của mọi người là có thể bảo vệ sức khỏe cho họ. Nhưng khi nắm đấm sắt phong tỏa đập xuống, hiện tượng rối loạn bắt đầu xuất hiện, người dân phát hiện không phải như gì họ nghĩ. Gần đây, sự kiện mã sức khỏe của những người gửi tiền tại ngân hàng ở Hà Nam chuyển thành màu đỏ cũng tương tự như vậy.

Ông Lý Lâm Nhất nói rằng “mã sức khỏe” ban đầu được thiết lập vì sức khỏe của người dân, nhưng nó lại biến thành mã màu đỏ một cách khó hiểu, hơn nữa chính quyền là xuất phát từ mục đích “duy trì ổn định“, nên cũng gây sốc cho người dân. “Chính quyền ĐCSTQ không phải là một chính quyền bình thường, họ bảo vệ quyền lực của mình là chính, cho nên tất cả các thủ đoạn mà họ làm, đều là hướng về việc duy trì ổn định, và cuối cùng nó sẽ mang lại hậu quả khôn lường cho người Trung Quốc.”

Ông Phùng Sùng Nghĩa cho biết, “mã sức khỏe” đã được kết nối với cơ quan công an, cơ quan duy trì ổn định, khi đi đến những nơi khác và ở trong khách sạn, nó được liên kết trực tiếp và kết nối với cơ quan công an. Trước đây là thu thập danh sách theo nhóm, hiện giờ thì ai cũng có mã sức khỏe, tương đương với việc chính quyền đã dùng được tất cả các công cụ.

Ông tin rằng sự việc này phản ánh đầy đủ các đặc điểm của chế độ ĐCSTQ, “Việc kết hợp tất cả việc đi lại cá nhân vào hệ thống kiểm soát là một phần rất đáng sợ của chế độ toàn trị này. Có vũ khí nào, vũ khí điện tử nào, họ đều lấy ra dùng, bởi vì họ chơi cuộc chiến không hạn chế, đây là bản chất của chế độ ĐCSTQ.”

Theo dõi điện thoại di động, giám sát video, DNA, mống mắt, giọng nói, nhận dạng khuôn mặt … ĐCSTQ đang sử dụng mọi thứ để theo dõi người dân. Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng mục đích là để ngăn chặn một cuộc cách mạng toàn quốc như “Lục Tứ” ngày 4/6/1989. “Nếu bất cứ tình huống nào đều không biết, thì họ sẽ thất bại, cho nên ĐCSTQ muốn xây dựng các công cụ để ngăn chặn các cuộc cách mạng, các phong trào mang tính toàn quốc.”

Một luật sư nhân quyền giấu tên tại Trung Quốc nói với Epoch Times, rằng chính quyền đang cố gắng sử dụng phương pháp này để nắm bắt mọi suy nghĩ, hành vi, xu hướng và hoạt động của từng nhóm và sử dụng nó để phân tích những nguy hiểm tiềm ẩn. “Trên thực tế, thứ này chắc chắn có thể đóng vai trò phòng ngừa trong những nhóm người nhỏ bảo vệ quyền lợi, nhưng liệu nó có thể khởi tác dụng ổn định lâu dài hay không, tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ không khởi được tác dụng như vậy.”

Vị luật sư nhân quyền này cho rằng trong ngắn hạn là nhắm chính xác vào việc giám sát lời nói và việc làm của một nhóm người dân thường và hoạt động của một nhóm nhỏ nào đó, nhưng để có thể khởi tác dụng bảo vệ chính quyền ở mức độ lớn hơn thì có thể phản tác dụng. “Khi sự bất mãn của người dân tích tụ đến một mức độ nhất định, nó có thể nở rộ khắp nơi, đến lúc đó, nhân lực, vật lực, sức lực sẽ không thể đảm đương nổi, và tôi nghĩ cuối cùng nó có thể khởi tác dụng như tự lấy đá đập chân mình.”

Theo Lâm Sầm Tâm, Lạc Á / Epoch Times

Related posts