Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành phía nam Trung Quốc như Phúc Kiến (Fujian), Quảng Đông (Guangdong), Thâm Quyến (Shenzhen), Hải Nam (Hainan), Giang Tây (Jiangxi) đã liên tiếp đưa ra cảnh báo khẩn cấp về virus cúm A H3N2. Bệnh nhân phải xếp hàng dài tại nhiều bệnh viện để chờ khám bệnh. Có người nói rằng có lúc phải chờ mất 10 tiếng đồng hồ, số lượng trẻ nhiễm bệnh khá cao.
TheoNhật báo Bắc Kinh ngày 21/6, kể từ đầu tháng 6 tới nay, nhiều nơi ở miền nam Trung Quốc đã bước vào cao điểm của dịch cúm mùa hè. Các tỉnh thành Phúc Kiến, Quảng Đông, Thâm Quyến, Hải Nam, Giang Tây đã lần lượt đưa ra cảnh báo khẩn cấp, và lượng người đến khoa khám bệnh sốt ngày càng nhiều.
Trang web của Ủy ban Y tế tỉnh Phúc Kiến ngày 20/6 cho biết, tỉnh Phúc Kiến hiện đang bước vào mùa cao điểm của dịch cúm. “Do biến đổi khí hậu và các lý do khác, số bệnh nhân sốt ở các nơi tăng lên rõ rệt, đặc biệt là trẻ em. Dịch cúm và Covid-19 đồng thời xuất hiện đã gây ảnh hưởng tới khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế địa phương, gây ra tình trạng tắc nghẽn phòng khám bệnh sốt và thời gian chờ khám chữa lâu”.
Theo ghi nhận của phóng viên báo tin tức Y tế Phúc Kiến ((Fujian Health News), gần đây, có rất nhiều trẻ em có các triệu chứng giống như cảm cúm tại các phòng khám ngoại trú. Trong tháng qua, số ca đến khám tại các khoa ngoại trú, cấp cứu, và chăm sóc trẻ em của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã tăng gấp đôi so với kỳ trước, với hơn 500 người đến khám, đa số là trẻ em bị sốt, có ngày hơn 300 em.
Vision Times cho hay, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các thành phố Hạ Môn (Xiamen) và Chương Châu (Zhangzhou) thuộc tỉnh Phúc Kiến. Bác sĩ trưởng khoa nhi ở Chương Châu cho biết, số lượng bệnh nhân tới khám liên tục lập kỷ lục mới, nhân viên y tế phải làm việc suốt đêm. Sự khác biệt chính giữa bệnh cúm mùa và cảm lạnh thông thường là bệnh nhân mắc cúm mùa thường bị sốt cao đột ngột, thân thể mệt mỏi, đau nhức, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, nôn mửa, ho và sổ mũi.
Tại tỉnh Quảng Đông, chủng cúm chủ yếu hiện nay là cúm A H3N2. Virus này đã khá phổ biến ở tỉnh Quảng Đông trong những năm qua, chẳng hạn như mùa hè năm 2015 và 2017 cũng từng xuất hiện.
Hiện tại, dịch cúm ở Thâm Quyến chủ yếu xảy ra ở các trường tiểu học và trung học; cũng là chủng virus cúm A H3N2. Đặc điểm của loại virus này là khởi phát nhanh, lây lan mạnh, tỷ lệ mắc bệnh cao và trên phạm vi rộng.
Còn dịch cúm A H3N2 tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã bước vào mùa cao điểm. Cường độ dịch đã tăng lên đáng kể so với cùng kỳ hai năm qua. Người mắc chủ yếu là học sinh và trẻ mẫu giáo. Người già, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuộc nhóm nguy hiểm, có nguy cơ chuyển nặng.
Theo Sina Finance, dịch cúm type H3N2 xuất hiện lần này là type phổ biến, nhưng đã từng gây ra đại dịch trong lịch sử. Chẳng hạn như vào giữa tháng 7/1968, type cúm này bùng phát ở Hong Kong và gây ra đại dịch toàn cầu, giết chết gần 1 triệu người, năm đó cũng xảy ra vào mùa hè.
Vision Times dẫn tài khoản Twitter @TragedyInChina đăng tải video kèm dòng tweet:“Hôm 20 tháng 6 ở Hạ Môn, đã có một hàng dài chờ đợi tại phòng khám sốt. Hiện nay cúm đang phổ biến và việc kiểm soát các loại thuốc hạ sốt trong thời gian đại dịch đã khiến tất cả những người bị sốt phải đến bệnh viện!”
Còn có video khác được đăng tải bởi tài khoản @Jzzrb123 cho thấy, rất nhiều người bế con nhỏ xếp hàng, người dùng Twitter đăng bài cho biết, ngày 17/6, dịch cúm ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông nghiêm trọng đến mức nhiều trẻ em bị mắc và xếp hàng dài 5 tiếng để chỉ được khám 5 phút.
Tài khoản @COURAGESTARnew nói rằng: “Bệnh dịch Quảng Đông, phòng khám bệnh sốt rét tại nhiều bệnh viện ở Quảng Đông đã đầy người.”
Trong một dòng tweet vào ngày 21/6 có đoạn viết: “Sáng hôm nay (18/6), phòng khám sốt của Trung tâm Y tế Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu đã quá tải, và người bệnh xếp hàng dài chờ khám chữa bệnh bên ngoài, ước chừng người xếp hàng dài khoảng 10 mét, trong khi đứng xếp hàng, các bậc cha mẹ nói chuyện và phàn nàn than thở: ‘hơn một nửa số bạn trong lớp bị cúm’, ‘trong nhà thì từng người một bị’.”
Về vấn đề này, Vision Times dẫn lời một số cư dân mạng cho rằng: “Trẻ bị sốt mà phải đợi thế này chi bằng về nhà lau rửa bằng nước ấm”, có nhiều người lại liên tưởng tới covid, họ nói: “Cúm gì chứ! Chính là Covid! Hiện giờ không dám nói không dám báo cáo mà thôi!”, “Hải Nam, Giang Tây cũng thế, khả năng là có liên quan đến vắc-xin”, “Rất nhiều đơn vị đã đưa ra thông báo nội bộ, trời nóng thì nói dối là bệnh cúm! Có lẽ là vắc-xin độc, dẫn đến sức đề kháng giảm, khi nhiễm virus thì gây ra như vậy. Chính là tác dụng phụ của mũi tiêm độc đã bắt đầu phát tác.”
Người khác hài hước nhận định: “Trước đây truyền thông tuyên truyền rằng mùa xuân và mùa thu có tỷ lệ mắc bệnh cúm cao, bây giờ bắt đầu nói bệnh cúm mùa hè cao, có thể đến cuối năm sẽ nói bệnh cúm mùa đông cao, và cuối cùng là dịch cúm có tỷ lệ nhiễm cao quanh năm, mùa nào cũng thế.”