24-6-2022
Trong nước, nội xâm đang hoành hành, đấy chính là nạn tham nhũng tràn lan khắp các tỉnh thành, khắp các bộ, ban ngành. Vấn đề là không có biện pháp quyết liệt và triệt để để chặn đứng nạn này, chỉ là hô hào chung chung, xử lý theo vụ việc.
Tôi nghĩ vấn đề là các vị có muốn làm không thôi, chứ quyền lực trong tay, làm gì mà không được? Vi khuẩn thì đủ các loại, biến thể lung tung mà kháng sinh thì nửa vời, có mà đốt lò từ năm này sang năm khác cũng không hết củi bởi một điều đơn giản là chính bộ máy này đang sản xuất ra củi.
Để khỏi phải đốt lò, bước đầu tiên là đừng sản xuất ra củi. Hãy bắt đầu bằng việc cấm đưa phong bì ở tất cả các ban ngành, kê biên tài sản, kiểm soát dòng tiền trong tài khoản ngân hàng của quan chức, không cho phép các quan chức các cấp viếng thăm nhà riêng của nhau.
Chống tham nhũng không khó, cái khó là có thực tâm muốn làm không và có ai có tâm, có tầm, có chí, có quyết tâm làm không. Nội xâm không xử lý được triệt để thì tương quan sức mạnh của ta với ngoại bang sẽ kém đi và chúng muốn làm gì mà chẳng được.
Để rơi vào thế yếu là một điều đáng xấu hổ và không nên tự hào với cái kiểu đối ngoại “mềm mại” nhưng thực chất là kiểu ứng xử bất đắc dĩ. Việc này y như một cô gái yếu đuối, khi bị thằng cướp thò tay vào ngực thì chỉ chiêm chiếp thốt lên: “iem quan ngại, iem quan ngại lắm anh ôi…!”
Nó cứ bóp rồi tay nó thò lung tung nữa thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Có vị nào nói không đòi được Hoàng Sa thì thế hệ con cháu sẽ đòi được. Thế hệ này mà để tham nhũng bòn rút tài nguyên đất nước, làm kiệt quệ sức dân thì thế hệ sau lấy đâu ra nền tảng và sức mạnh để đòi lại phần đã bị ngoại bang cướp? Rồi chính vị này bảo phải dạy sao cho thế hệ trẻ khi đứng chào cờ mà mắt rưng rưng lệ.
Câu này đúng, không hề sai. Một đất nước chỉ có thể hùng cường được khi người trẻ có lòng ái quốc tha thiết và mạnh mẽ nhưng làm sao có được điều ấy thì cần phải bàn tiếp.
Đúng là chúng có quyền tự hào về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng nhưng chúng cũng không thể giữ mãi cái lòng tự hào ấy trong một thế giới biến chuyển với tốc độ chóng mặt, khi các nền văn hoá mạnh xâm nhập vào Việt Nam và chúng nhìn thấy cái hạn chế của một chính thể nhiều tham nhũng, mà một chính thể nhiều tham nhũng thì không thể xây dựng được một nền văn hoá có thể toả sáng long lanh trên quốc tế được.
Mọi thứ đều liên quan tới nhau. Chúng cần có những niềm tự hào mới về một quốc gia đang phát triển rực rỡ, không phải chỉ là những trận đá bóng mà ở nhiều lĩnh vực khác. Đất nước này “rừng vàng biển bạc”, câu ấy không hề sai.
Các địa phương có văn hoá riêng phong phú và đặc sắc nhưng du lịch, các sản vật không có chỗ đứng trên quốc tế là bởi phong thái làm ăn làng nhàng, luộm thuộm, ăn chặn, gây khó dễ, các doanh nghiệp phải đối phó với đủ các khó khăn.
Hãy nhìn ngay ở thủ đô, thử hỏi có cái vỉa hè nào tồn tại tử tế được quá ba năm không? Vậy có ai phải chịu trách nhiệm về những đồng tiền ngân sách bị phung phí ấy? Một sản phẩm bán cho khách hàng còn có bảo hành, vậy mấy cái công trình công cộng ấy chẳng lẽ không có?
Cây xanh đang yên ổn, tự nhiên chặt, rồi để trồng cây mới, giờ có mấy cây được trồng lên được tử tế, dưới cái nóng đến há mồm ở Hà Nội dân biết trú ở đâu? Một con sông có cái tên rất đẹp là Tô Lịch thì không khác gì một cái cống lộ thiên, thối um, dưới trời nóng đi qua phải nhịn thở.
Một hệ thống thoát nước ì trệ cả trăm năm, trong khi ấy thì các nhà cao tầng được xây lên, Hà Nội không biến thành Venice bất đắc dĩ mới là lạ. Hai đời thị trưởng Hà Nội nối đuôi nhau vào tù. Kẻ trước có liên quan tới dự án lọc nước con sông này, kẻ sau liên quan tới việc coi lỗ mũi của dân là tài nguyên, là cơ hội làm giàu.
Thị trưởng cần có tư cách cao quý, bởi thị trưởng là bộ mặt của một thành phố, nhưng không cao quý được thì cũng đừng bẩn thỉu đến vậy. Đâu phải cứ nhe răng hềnh hệch, chớp chớp mắt, xoa tay xoắn xuýt nhìn đàn anh, cấp trên như thể nhìn chúa trời là được chọn làm thị trưởng.
Điều đáng sợ nhất, khó thay đổi nhất là người dân cam phận, coi tất cả những điều ấy là tự nhiên, và lấy việc im miệng là phương châm sống yên bình của mình.
Hơn bao giờ hết, đất nước này cần những lãnh đạo có tâm, có tầm, quyết liệt và mạnh mẽ trong tư duy và hành động chứ không cần những lời phát biểu đèm đẹp, mơ màng, những ví von lơ lửng, lạc quan tếu như đang ngồi ở quán bia vỉa hè.
Hãy thay đổi trước khi quá muộn khi mà ngoại bang có thể lợi dụng sự yếu đuối của ta để lấn tới.