Huệ Liên
Dính bẫy ‘việc nhẹ lương cao’ ở Campuchia, nhiều nạn nhân treo cổ tự tử
Dân Trí – Nhắc đến chuyện con gái bị dính bẫy “việc nhẹ lương cao”, chị Sen (ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh) nghẹn ngào cho biết con gái (SN 2006) sang Campuchia làm việc gần một tháng thì điện thoại cho mẹ cầu cứu. “Nó kêu mẹ chuẩn bị 30-40 triệu đồng để chuộc con về. Tôi không biết kiếm đâu ra tiền nên đến nhờ công an giải cứu con”, chị Sen nói.
Theo chị Sen, con gái chị thấy thông tin tuyển dụng sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, chỉ cần biết đánh máy vi tính là lương 20-30 triệu đồng. Khi liên hệ, có người đến tận địa phương đưa con chị đi TPHCM làm hộ chiếu rồi về một khách sạn ở khu vực biên giới.
Tại khách sạn này, con gái chị phát hiện có nhiều người cùng đăng ký qua Campuchia làm việc. Sau khoảng một tuần “tập kết”, có người đưa cả đoàn sang Campuchia rồi bàn giao cho một công ty kinh doanh trò chơi đánh bạc trên mạng.h
Chị Sen chia sẻ: “Khi con tôi sang Campuchia mới điện về cho hay. Mấy tuần đầu làm cũng được nhưng sau đó có nhiều bạn không làm thì bị đánh rồi bán cho công ty khác với giá cao hơn. Thấy vậy, con tôi hoảng loạn, sợ cũng bị bán nên gọi điện về cầu cứu”.
Đi cùng nhóm với con gái chị Sen có con gái của chị Hồng, ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Chị Hồng cho biết con gái (SN 2005) sang Campuchia phải ăn ở, làm việc trong một căn nhà mà không cho ra ngoài. Thấy bạn bè bị đánh đập, đe dọa, bán đi nhiều nơi nên con chị rất sợ hãi.
Chị Hồng khóc, nói: “Nhà khó khăn quá nên nó giấu mẹ đi làm. Ai ngờ làm chưa có đồng nào thì giờ người ta đòi ba, bốn chục triệu mới cho chuộc về. Nhóm nó bị bán gần hết, giờ còn có mấy đứa nên nó điện về, hai mẹ con nhìn nhau qua điện thoại rồi khóc. Tôi nghe nó kêu “mẹ ơi, cứu con về” mà không biết phải làm sao”.
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, gần đây có nhiều công dân Việt Nam bị nhóm người dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua Campuchia để lao động. Thực chất khi qua Campuchia, họ bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, buộc làm việc 11 giờ trong ngày, bị ngược đãi, đánh đập, mua bán sang tay… Khi người lao động không chịu nổi, phải liên hệ người thân ở Việt Nam gửi tiền sang chuộc thân.
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, số liệu mới nhất mà lực lượng chức năng của Campuchia cung cấp từ tháng 9/2021 đến nay, có 9 trường hợp tự tử nhảy lầu, treo cổ, một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân…
TP.HCM ra quy định mới: Người dân không tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3, 4 phải ký cam kết
PLO – UBND TP.HCM vừa yêu cầu các cơ quan, ban ngành, quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Theo đó, TP. Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận hết vaccine đã được phân bổ để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, bảo đảm trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4.
TP cũng yêu cầu các địa phương tìm mọi cách để ‘tiêm chủng hết số vắc-xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vaccine do hết hạn sử dụng’.
Với kế hoạch trên, TP.HCM quy định những ai không đồng ý tiêm vắc-xin sẽ phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, đồng thời lập danh sách những người này gửi cho Sở Y tế.
Tiền dầu đội thêm 3.700 tỷ đồng/tháng, nhiều tàu cá ngừng hoạt động
Dân Trí – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm hiện nay tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê,…. làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Từ tháng 12/2021 đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân; trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.
Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít).
Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 – 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 – 48%. Trong khi, giá bán hải sản tăng không đáng kể.
Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào.
Để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá do giá nhiên liệu tăng.
Người dân đổ xuống biển tắm giải nhiệt
VnExpress – Những ngày này, miền Bắc và Trung nắng nóng phổ biến 35-38 độ C, người dân đổ đến các bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Mỹ Khê… tắm giải nhiệt.
Chiều 24/6, tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, bãi tắm dọc đường Hồ Xuân Hương ken đặc người.
Thanh Hóa cũng như các tỉnh miền Trung đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm. Học sinh vừa trải qua các kỳ thi chuyển cấp, các gia đình cho con em đi nghỉ mát nên bãi biển đông hơn dịp đầu hè.
Không riêng Sầm Sơn, các bãi tắm khác ở Thanh Hóa như Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương… cũng đông khách.
Đến cuối tháng 6, thống kê của ngành chức năng, Sầm Sơn đã đón hơn 4 triệu lượt khách, gấp gần ba lần cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2021.
Tương tự, dọc bờ biển gần 4 km ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, chiều 24/6 dù chưa tắt nắng, người dân đã đổ xuống biển tắm.
Ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Cửa Lò, cho biết ước tính mỗi ngày có 13.000-15.000 người tới Cửa Lò tắm biển, bằng với cùng kỳ những năm chưa có dịch Covid-19.
Sáng 25/6, rất đông người dân và du khách đổ ra biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Phước Mỹ… ở Đà Nẵng để tắm giải nhiệt. Khung giờ đông khách tắm nhất là từ 5 đến 7h, thời điểm chưa nắng gắt. Khách du lịch, chủ yếu là nội địa. Khu vực lưu trú chủ yếu là các khách sạn ven biển.
Lượng khách đổ về đông, các bãi giữ xe quá tải. Ngoài biển Bãi Rạng, Quảng Nam có 125 km đường bờ biển với nhiều bãi tắm như Tam Thanh, Bình Minh, Hà My…
Miền Trung nắng nóng từ đầu tháng 6 đến nay. Nhiệt độ từ Thanh Hóa đến Bình Định phổ biến 37-38 độ C, riêng một số huyện miền núi như Tương Dương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh) cao hơn 1-2 độ C.