Giản Dị
Theo tin tức mới nhất do Tân Hoa xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ kỷ niệm 25 năm Hồng Kông chuyển giao chủ quyền về Trung Quốc và lễ nhậm chức chính quyền thứ 6 của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
Trước đó, việc ông Tập Cận Bình có tới Hồng Kông tham gia lễ kỷ niệm nhân “ngày 1/7” năm nay hay không, đã thu hút được nhiều sự quan tâm.
Đặc biệt, phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn luôn chú ý đến việc này. Hôm 24/6, truyền thông Hồng Kông “HK01” dưới sự kiểm soát của họ đã đưa tin rằng một lượng lớn thiết bị chụp ảnh có dòng chữ “Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc” đã xuất hiện trong Ga đường sắt cao tốc Tây Kowloon của Hồng Kông kết nối với Đại Lục gần đây. Có nhân sĩ trong giới chính trị dự đoán rằng “lãnh đạo quốc gia” có thể đến Hồng Kông bằng tàu cao tốc.
Bản tin trích dẫn lời của ông Điền Bắc Thần (Tien Puk-sun), đại biểu Nhân đại toàn quốc Trung Quốc tại khu vực Hồng Kông, nói rằng nếu “lãnh đạo quốc gia” đến thăm Hồng Kông, họ sẽ chỉ đi và về trong cùng một ngày, và có thể đến Thâm Quyến hoặc Quảng Châu trước, và sau đó đi tàu cao tốc đến Hồng Kông vào sáng hôm sau.
Cũng có thông tin cho rằng một số nhân viên của Công viên Khoa học Hồng Kông gần đây đã nhận được thông báo về “nhân vật quan trọng” đến thăm quan.
Cách đây vài ngày, ông Diệp Quốc Khiêm (Ip Kwok-him), đại biểu Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khu vực Hồng Kông, cũng công khai cho biết ông tin rằng các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh sẽ đến Hồng Kông vào ngày 1/7 để tham gia lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, ngày 24/6 truyền thông nhà nước Đài truyền hình Hồng Kông (RTHK) đưa tin, ông Diệp Quốc Khiêm đã đổi giọng trên một chương trình phát thanh vào sáng hôm đó, nói rằng rất khó xác định liệu các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh có đến Hồng Kông hay không.
Ông cho biết, năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm ĐCSTQ thu hồi chủ quyền Hồng Kông, Bắc Kinh rất coi trọng điều này, và tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ có “bài phát biểu quan trọng”. Nhưng giờ đây, các quan chức chính quyền Hồng Kông có nguy cơ nhiễm virus (viêm phổi Vũ Hán), nên ông Tập Cận Bình có khả năng cao sẽ phát biểu trực tuyến.
Lần trước đó ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đến thăm Hồng Kông vào ngày 1/7 là khi chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nhậm chức vào năm 2017. Họ đến thăm Hồng Kông trong 3 ngày từ 29/6 đến 1/7. Ngoài việc tham dự lễ kỷ niệm chuyển giao chủ quyền và lễ nhậm chức, họ cũng đến thăm quân đội đồn trú tại Hồng Kông tại doanh trại Shek Kong và thăm trung tâm Pat Heung JPC. Bà Bành Lệ Viện đã đến thăm các trường mẫu giáo, viện dưỡng lão và chào hỏi người cao tuổi bằng tiếng Quảng Đông.
Chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập Cận Bình là lần đầu tiên ông bước ra khỏi Trung Quốc Đại Lục kể từ khi đại dịch bùng phát hơn 2 năm trước. Trước đó, chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của ông là chuyến thăm cấp nhà nước đến Myanmar vào ngày 17/1/2020.
Chuyến thăm Hồng Kông lần này của ông Tập có thể sẽ cố gắng xua tan mọi tin đồn chính trị.
Gần đây, nhiều tin đồn chính trị bất lợi cho ông xuất hiện cả trong và ngoài Trung Quốc. Dưới làn sóng tin đồn chính trị này, nhiều người hiện đang bắt đầu đặt dấu chấm hỏi. Nội dung của những tin đồn này rất phong phú, từ cái gọi là ông Tập nhường ngôi, đến việc ông mắc các bệnh nan y, ông bị quản thúc tại Trung Nam Hải, thư ký quân đội của ông là Chung Thiếu Quân bị bắt.
Về những tin đồn chính trị này, nhiều nhà phân tích ở nước ngoài cho rằng đây là “cuộc chiến không giới hạn” do phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng phát động nhằm chống lại ông Tập. Người đứng sau điều khiển chính là nhân vật số 2 của phe Giang: Tăng Khánh Hồng.
Trong tình huống đấu đá nội bộ của ĐCSTQ kịch liệt như vậy, cảnh sát Hồng Kông theo yêu cầu của Trung Nam Hải, cho biết họ sẽ “tổng động viên” tất cả lực lượng để đảm bảo an ninh.
Giám đốc Sở Cảnh vụ Hồng Kông Tiêu Trạch Di (Raymond Siu), hôm 14/6 cho biết, cảnh sát đã bắt đầu lập kế hoạch công tác an ninh cho ngày 1/7 năm nay vào đầu năm ngoái, đồng thời tăng cường thu thập thông tin tình báo trực tuyến và ngoại tuyến. Cảnh sát sẽ “tổng động viên” bao gồm lực lượng đặc biệt, nhân viên hậu cần và cảnh sát phụ trợ, và cũng sẽ cử nhân viên mặc thường phục để chú ý đến những người hoặc vật phẩm khả nghi.
Giản Dị, Vision Times