Đức Duy
Xu hướng rời đi của đầu tư nước ngoài sẽ khó có thể thay đổi tại Trung Quốc trong thời gian tới. Tình hình kinh tế ảm đạm, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga, các đợt phong tỏa COVID, rủi ro địa chính trị và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng cao khiến đầu tư vào Trung Quốc không còn là một lựa chọn hấp dẫn. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài chính là thứ đã nhiều lần cứu thị trường Trung Quốc thoát khỏi khó khăn.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang rời Trung Quốc
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục cắt giảm việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong tháng 5, tháng thứ tư liên tiếp. Chính sách tiền tệ khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự suy yếu một cách cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc, đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài rời xa Trung Quốc.
Và lần thoái trào này không giống như các giai đoạn bán tháo tài sản Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Các nhà đầu tư nước ngoài không còn cho rằng các khoản đầu tư vào Trung Quốc là hấp dẫn hơn, trên cơ sở đã điều chỉnh theo rủi ro, so với các thị trường đã phát triển.
Trái phiếu bằng đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc tiếp tục bị giảm giá theo dữ liệu chính thức từ Công ty Lưu ký & Thanh toán Trung ương Trung Quốc. Dòng tiền chảy ra cũng đã gây ảnh hưởng tới giá trị đồng CNY, chạm mức giá trị tương đối thấp nhất trong gần hai năm. Kể từ tháng 6 năm ngoái, đồng CNY đã mất 3,5% giá trị so với USD.
Vốn đầu tư nước ngoài nhiều lần cứu vớt thị trường Trung Quốc
Trong 10 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách dần dần mở cửa thị trường tài chính khổng lồ của Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này một phần để bù đắp dòng vốn chảy ra bên ngoài. Các công ty và hộ gia đình Trung Quốc đã tích cực gửi tiền ra ngoại quốc để mua các tài sản nước ngoài như bất động sản và các khoản đầu tư kinh doanh.
Các nhà đầu tư toàn cầu rất sẵn lòng đáp lại mong muốn của ĐCSTQ. Làm ngơ trước sự độc tài toàn trị của chế độ và sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tiền USD vào Trung Quốc để mua các tài sản cũng như thành lập các doanh nghiệp tại địa phương để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Trong một thời gian dài, thị trường Trung Quốc đã mang lại sự đa dạng đầu tư do trái phiếu Trung Quốc mang lại lợi tức cao hơn trong thời kỳ lợi tức trái phiếu gần như bằng 0 ở phương Tây.
Các nhà đầu tư nước ngoài là những người đã cứu giúp thị trường Trung Quốc hết lần này đến lần khác trong thập kỷ qua.
Xu hướng rời đi sẽ khó bị thay đổi
Nhưng mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rời đi với số lượng lớn và xu hướng này sẽ khó có thể thay đổi trong thời gian tới đây.
Được thúc đẩy bởi các chính sách ngày càng khác biệt từ ngân hàng trung ương, trái phiếu kho bạc Mỹ hiện cung cấp lợi tức cao hơn so với các trái phiếu chính phủ Trung Quốc tương ứng. Nền kinh tế Trung Quốc, vẫn tiếp tục bị gián đoạn do COVID, đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sụt giảm. Và cuối cùng, sự ủng hộ kiên định của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine đã làm tăng rủi ro địa chính trị đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có âm mưu thôn tính Đài Loan trong tương lai gần? Đó là một câu hỏi khiến các công ty đầu tư vào Trung Quốc phải suy nghĩ.
Có một số dấu hiệu cho thấy tình trạng bán tháo đang giảm bớt, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhưng trong môi trường kinh tế của Trung Quốc hiện nay, các yếu tố cơ sở vẫn rất thiếu ổn định. Chính quyền có thể dễ dàng tiến hành ban bố lệnh phong tỏa COVID tiếp theo. Do đó, các nhà đầu tư vẫn rất bi quan về viễn cảnh trong tương lai gần của kinh tế Trung Quốc.
Những vấn đề đáng báo động
Trong khi Bắc Kinh và Thượng Hải vừa mới thoát khỏi các đợt phong tỏa COVID nghẹt thở, các điểm nóng kinh tế phía Nam là Thâm Quyến và Ma Cao có thể đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng.
Trung tâm công nghệ của Thâm Quyến đã phong tỏa một số khu vực và các quan chức đang tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Gần đó, tại trung tâm cờ bạc châu Á là Ma Cao, một đợt bùng phát virus đang đe dọa các công ty game hoạt động trong thành phố.
Tờ Financial Times báo cáo rằng tổng doanh thu từ trò chơi ở Ma Cao trong tháng 5 là 413 triệu USD, giảm 90% so với mức trước đại dịch.
SJM Holdings, gã khổng lồ trò chơi do ông trùm cờ bạc Stanley Ho thành lập, đã chứng kiến giá cổ phiếu và trái phiếu của công ty sụt giảm khi mà Fitch Ratings giảm xếp hạng tín dụng ưu tiên không đảm bảo của hãng xuống 2 bậc xuống BB- vào tháng 6. Cổ phiếu của các công ty trò chơi khác như Sands China Ltd. và Wynn Macau Ltd. cũng đã giảm trong thời gian gần đây. Nhân viên đeo khẩu trang bảo vệ đứng ở lối vào của một sòng bạc vào giờ đóng cửa tại khách sạn Grand Lisboa vào ngày 04/02/2020 ở Ma Cao, Trung Quốc.
Hiển nhiên là trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tiếp tục bị giao dịch thấp hơn nhiều so với mệnh giá. Nhưng gần đây tình trạng khó khăn có dấu hiệu lây lan sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trái phiếu nước ngoài của tập đoàn Fosun International của Trung Quốc bị mất giá nghiêm trọng vào tháng 6, một dấu hiệu cho thấy các công ty mắc nợ nặng khác cũng có thể gặp khó khăn. Fosun, chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng Club Med, có các công ty con trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí và có thể phải đối mặt với dòng tiền âm nếu tình trạng phong tỏa liên quan đến COVID vẫn tiếp diễn và chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục suy yếu.
Nỗ lực đảo ngược xu thế của Bắc Kinh
Các nhà quản lý tại Bắc Kinh đang hy vọng một chương trình chính sách mới sẽ giúp đảo ngược các xu hướng gần đây của dòng vốn nước ngoài.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo rằng các tổ chức đầu tư nước ngoài đủ điều kiện (QFII), bao gồm các ngân hàng nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí, sẽ được phép đầu tư vào thị trường giao dịch trong nước.
Bắt đầu từ hôm 30/06, thị trường giao dịch Trung Quốc sẽ cấp cho các tổ chức đầu tư nước ngoài quyền tiếp cận một số loại hình chứng khoán nhất định không có sẵn trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài trái phiếu, chúng còn bao gồm các công cụ rủi ro hơn như chứng khoán và công cụ phái sinh được đảm bảo bằng tài sản. Cần lưu ý rằng thị trường giao dịch Trung Quốc được quản lý bởi Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) trong khi thị trường liên ngân hàng (thị trường mà các QFII đã có quyền truy cập từ năm 2016) được giám sát bởi PBoC.
Nhưng điều đó liệu sẽ có hiệu quả hay không? Một số nhà quản lý quỹ dũng đảm với khuynh hướng đầu tư rủi ro có thể sẽ chớp lấy cơ hội này. Nhưng đối với xu hướng chủ đạo, chính sách COVID của Trung Quốc và những đám mây đen đang bao phủ nền kinh tế cùng với mức lợi tức cố định cao hơn ở Mỹ, thị trường Trung Quốc đơn giản là không hấp dẫn lắm.
Đức Duy
Theo Fan Yu – The Epoch Times