Trong khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ là chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này ở Madrid, tuy nhiên, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác đang thúc đẩy NATO cảnh giác với những lính đánh thuê liên kết với Nga đang lan rộng ảnh hưởng của Nga ở châu Phi, gây ra mối đe dọa an ninh cho NATO từ các quốc gia châu Phi ở sườn phía nam của khối này.
Là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 28-30 tháng 6, Tây Ban Nha muốn nhấn mạnh sự gần gũi của mình với châu Phi và vận động NATO tập trung hơn vào các mối đe dọa an ninh đối với NATO từ châu Phi ở sườn phía nam của châu Âu, trong một tài liệu cập nhật phác thảo tầm nhìn của NATO đối với các thách thức và sứ mệnh an ninh.
Khái niệm Chiến lược NATO là tài liệu làm việc quan trọng nhất của NATO kể từ khi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào năm 1949 và đánh giá an ninh của Hiệp ước này được sửa đổi khoảng 10 năm một lần để thiết lập lại chương trình an ninh của NATO. Tuy nhiên, khái niệm chiến lược đã không được cập nhật kể từ năm 2010.
Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sau đó đưa cuộc chiến đến gần sườn phía đông của NATO, NATO đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn đồng thời tránh được nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Tuy nhiên, các quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid có sự nhất trí rằng ngoài việc tiếp tục coi Nga là mối quan tâm hàng đầu, NATO phải tiếp tục mở rộng triển vọng toàn cầu của mình. Việc Tây Ban Nha kêu gọi NATO tăng cường chú ý đến sườn phía nam của châu Âu đã được Anh, Pháp và Ý ủng hộ.
Quan điểm của các nước này cho rằng những thách thức an ninh ở châu Phi xuất phát từ quyết tâm khôi phục vinh quang của đế chế Nga của ông Putin và từ sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Phi. Nga đã thiết lập ảnh hưởng ở khu vực Sahel của Bắc Trung Phi thông qua sự hiện diện của lính đánh thuê. Đây là vùng bán khô hạn từ Senegal đến Sudan, hứng chịu xung đột chính trị, khủng bố và hạn hán.
NATO cũng dự kiến sẽ đề cập đến ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và xa hơn nữa trong Tài liệu khái niệm chiến lược cập nhật của mình. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước cho biết tại Madrid rằng Trung Quốc đã tham gia cùng Nga trong việc công khai cản trở quyền lựa chọn con đường riêng của các nước khác.
Tướng quân đội Stephen J. Townsend, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Hoa Kỳ, cảnh báo hồi tháng 5 rằng Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một căn cứ hải quân trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi. Ông nói rằng, Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ xây dựng một căn cứ như vậy ở Guinea Xích đạo, một chế độ độc tài giàu dầu mỏ ở phía nam Sahara.
Trung Quốc hiện chỉ thừa nhận có một cơ sở quân sự ở Djibouti, Đông Phi. Mặc dù Trung Quốc gọi đây là “căn cứ an ninh” và không sử dụng thuật ngữ “căn cứ quân sự”, nhưng nhiều người tin rằng quân đội Trung Quốc đang tích cực xây dựng hệ thống quân sự ở nước ngoài.
NATO đã mời các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tới hội nghị thượng đỉnh để thể hiện mối quan tâm của khối này đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đồng thời, NATO cũng mời ngoại trưởng Mauritania, một thuộc địa cũ của Pháp ở Tây Phi, tới dự bữa tối làm việc của các ngoại trưởng NATO. NATO cho biết Mauritania, giáp Tây Sahara, Algeria, Mali và Senegal, đang tham gia chặt chẽ vào quá trình chuẩn bị khái niệm chiến lược cập nhật của NATO.