Vụ chìm tàu bí ẩn của nhà hàng nổi Jumbo: Lừa đảo hay tai nạn

Connie Yuen

Có tám khoang phao được lắp đặt trên tàu hải sản Jumbo. Hai trong số các khoang đã khiến toàn bộ con tàu bị lật ngược. (Ảnh: Ảnh của The Epoch Times)

Có phải chủ tàu đã lên kế hoạch làm hỏng và đánh chìm con tàu ma ám này?

Đã có thời, con tàu này được mệnh danh là “nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới,” nó đã được neo đậu tại Khu Tránh bão Aberdeen (Aberdeen Typhoon Shelter) trong gần nửa thế kỷ qua. Trong thời kỳ hoàng kim, đây từng là nơi Nữ hoàng Anh được phục vụ trong các chuyến thăm của bà đến Hồng Kông, nơi cũng trở thành điểm thu hút đối với các bộ phim, trong đó có phim James Bond.

Tiếc rằng quá khứ sẽ chỉ còn lại trong ký ức, vì Nhà hàng nổi Jumbo (Jumbo Floating Restaurant) giờ đã tan theo mây gió.

Hôm 14/06/2022, Nhà hàng nổi Jumbo lịch sử đã khởi hành từ ngôi nhà lâu đời của mình và được kéo đi khỏi Aberdeen. Con tàu đã được lên kế hoạch để sửa chữa ở Đông Nam Á.

Nhưng không biết từ đâu, tin tức về việc tàu chìm ​​đột ngột xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Vài ngày sau, Cục Hàng hải Hồng Kông cho biết nhà hàng nổi này vẫn ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, hay còn gọi là quần đảo Tây Sa.

Chuyện gì đã xảy ra với con tàu khổng lồ, trông như cung điện hoàng gia này?

Nhà hàng nổi Jumbo đã khởi hành từ Hồng Kông hôm 14/06/2022. Công ty mẹ của tàu là Hong Kong Aberdeen Group đã đưa ra một tuyên bố, trong đó tiết lộ rằng hôm 19/06, khi nhà hàng hải sản này đang được kéo trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, Jumbo đã gặp thời tiết gió bất lợi khiến cho nước tràn vào tàu và bị lật úp.

Công ty tàu lai dắt chịu trách nhiệm đã cố gắng giải cứu con tàu này nhưng bất thành. Do nước tại vị trí xảy ra vụ chìm tàu ​​có độ sâu hơn 1000 mét nên công tác trục vớt vô cùng khó khăn. Công chúng đã bắt đầu kết nối nhiều mảnh bằng chứng để đưa ra các thuyết âm mưu, vốn tạo ra sự nghi ngờ về việc liệu vụ việc có phải chỉ là vấn đề tình cờ và đơn giản hay không.

Là trùng hợp hay tai nạn?

Một số người dân đánh giá rằng Nhà hàng nổi Jumbo là một biểu tượng đại diện cho Hồng Kông thịnh vượng thời thuộc địa. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Hồng Kông đang cố gắng xóa sổ bất cứ thứ gì khiến người ta liên tưởng đến thời thuộc địa này. Xóa bỏ ký ức sẽ là những cân nhắc về mặt chính trị đằng sau vụ việc.

Từ những ngày đầu xảy ra đại dịch, nhà hàng nổi này đã buộc phải tạm dừng hoạt động. Công ty mẹ của nhà hàng đã phải chi vài triệu dollar cho việc kiểm tra, sửa chữa, và bảo trì nó hàng năm, để đáp ứng các yêu cầu về giấy phép của nó.

Tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) dẫn lời chủ tịch Liên đoàn Chuyên gia Bảo hiểm Hồng Kông, ông Mạch Thuận Bang (Philip Mak Shun-pong), cho hay: “Ước tính nhà hàng này đã được bảo hiểm ít nhất là 100 triệu dollar Hồng Kông.”

Điều đó đưa thuyết âm mưu của một số công dân đến gần với thực tế hơn: để con tàu bị chìm giữa đại dương, không chỉ giúp công ty này tiết kiệm hàng triệu dollar sửa chữa, mà họ còn bỏ túi số tiền bảo hiểm.

Tại sao điểm đến không được công bố?

Nhà hàng nổi Jumbo được hai công ty tàu lai dắt Yoon Fu và Yoon Wai kéo hôm 14/06, khởi hành từ Khu Tránh bão Aberdeen, đánh dấu chuyến đi cuối cùng của tàu trên vùng biển Hồng Kông.

Sau đó, con tàu này được bàn giao cho một công ty chuyên chở hàng viễn dương để kéo đi xa. Các tuyến đường của cả hai tàu kéo đều trở nên đáng ngờ vì không thể tìm thấy thông tin của hai con tàu này trên nhiều trang web dữ liệu hoặc thông tin công cộng về tàu biển. Công ty tiếp nhận con tàu sau đó là một công ty kéo tàu quốc tế của Nam Hàn tên là BOSUNG. Họ xác nhận rằng họ được thuê để kéo Nhà hàng nổi Jumbo đi Campuchia.

Hong Kong Aberdeen Group chưa bao giờ công bố điểm đến của con tàu này khi rời khỏi Hồng Kông. Họ chỉ tuyên bố rằng nhà hàng nổi sẽ được kéo về Đông Nam Á để sửa chữa trước.

Theo một trang web định vị và theo dõi tàu toàn cầu, trang Marine Traffic, đích đến của con tàu kéo này là Campuchia. Dự kiến, nó sẽ đến nơi vào lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 27/06.

Ngoài ra, công ty này chưa bao giờ trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về vị trí chính xác của nơi xảy ra vụ tai nạn lật tàu đó. Họ cũng không tiết lộ mức thiệt hại ước tính hoặc liệu họ có kế hoạch nào để theo đuổi tổn thất và thiệt hại từ công ty tàu lai dắt hay không.

Có phải tàu đã gặp những cơn sóng cao?

Mặc dù Hong Kong Aberdeen Group cho biết Nhà hàng nổi Jumbo đã gặp bão gần vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nhưng nhiều cư dân mạng và giới truyền thông vẫn suy đoán. Họ phát hiện ra rằng vào ngày xảy ra vụ việc được-gọi-là tai nạn, dự báo của Đài quan sát Hồng Kông về Biển Đông đã chỉ ra rằng cấp gió xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ ở mức từ cấp hai đến cấp ba. Nếu đúng, thì điều này có nghĩa là tốc độ gió khi đó là nhẹ hoặc êm và không đủ mạnh để có thể làm lật úp và đánh chìm nhà hàng nổi này.

Kênh i-Cable News đã đến thăm các công ty lai dắt tàu của Nam Hàn ở Busan để phỏng vấn và tuyên bố rõ ràng rằng Nhà hàng nổi Jumbo đã rời Hồng Kông trong điều kiện tuyệt vời. Sau đó đến chiều 18/06, tàu này đã gặp những cơn sóng cao hai mét gần quần đảo Hoàng Sa. Giám đốc điều hành cũng nói rằng gió cấp hai là điều kiện trung bình của khu vực đó. Tuy nhiên, vì mọi vị trí đều khác nhau, nên ước tính này không bao giờ có thể chính xác, cũng như [ước tính về] lưu lượng và dòng chảy thủy triều tại địa phương. Họ kết luận rằng sự cố đó là một tai nạn.

Một người lái tàu cũ của con tàu hải sản lịch sử này đã chỉ ra với ông Ching Chung-C, người từng phụ trách chuyên mục tài chính của tờ báo hiện đã bị giải thể Apple Daily, rằng phần đáy của con tàu đã được thay thế cách đây khoảng sáu hoặc bảy năm. Giám đốc công ty lai dắt đã trình bày những bức ảnh về con tàu cho một phóng viên của i-Cable. Giám đốc này cho biết có tổng cộng tám khoang nổi, một trong số đó là ở mạn trái của con tàu. Nước biển đã làm thủng khoang này, sau đó làm thủng một khoang khác. Tổng cộng hai khoang phao hư hỏng đã khiến tàu bị nghiêng và chìm xuống mạn trái.

Mặc dù sáu khoang phao vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bản thân con tàu này cao 28 m, dài 79 m, và rộng 25 m. Trọng tâm của nó đã bị lệch khỏi tâm, khiến cho toàn bộ con tàu bị lật úp, mặc dù có đôi khi các bộ phận của con tàu có thể nổi lên mặt nước. Hiện tại, công ty lai dắt tàu cho biết họ đã bố trí các tàu kéo của họ túc trực gần con tàu đó để bảo đảm rằng không có con tàu nào khác tiếp cận nó.

Tại sao không trục vớt con tàu?

Một giám đốc hội đồng quản trị của công ty tàu này nói với các phóng viên i-Cable rằng nhân viên của họ đã cố gắng tìm một cảng gần đó sau sự cố này, để xem liệu họ có thể quay trở lại bờ hay quay đầu lại Hồng Kông hay không. Thật không may, tình hình đã không được lạc quan. “Do vấn đề về bảo hiểm, việc trục vớt con tàu là hoàn toàn không thể,” giám đốc này cho biết thêm.

Một số người trong cuộc đã phân tích rằng vụ chìm Nhà hàng nổi Jumbo là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, thời tiết trở nên bất ổn trong mùa hè. Những người trong cuộc tiết lộ thêm rằng chủ tàu và công ty bảo hiểm đã lên kế hoạch bố trí cho các thợ lặn lặn xuống và phá hủy các khoang nổi còn nguyên vẹn khác và đánh chìm con tàu.

Ông Lý Kiện Quang (Lo Kin-kwong), một thành viên cao cấp của Viện Khoa học và Công nghệ Hàng hải Hồng Kông (HKIMT), cũng là một kỹ sư hàng hải đã đăng ký, nói với Now News trước đó rằng Nhà hàng nổi Jumbo là một con thuyền bến nổi không có sức mạnh, điều này khiến con tàu không thích hợp để di chuyển hoặc được kéo ra biển. Cũng có khả năng xuất hiện thời tiết xấu trong chuyến đi đó. Về lý do tại sao họ vẫn chọn kéo con tàu ra khơi hay liệu họ có tiến hành đánh giá rủi ro trước hay không, giám đốc hội đồng quản trị nói trên nói với Cable News, “Mọi thứ đã được thực hiện theo hướng dẫn của chủ tàu. Không có câu hỏi nào được hỏi.”

Liệu Nhà hàng nổi Jumbo có bị ma ám?

Nhà hàng hải sản Jumbo đã được xây dựng ở Hồng Kông vào năm 1971. Tuy nhiên, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu trước khi nhà hàng mở cửa kinh doanh, khiến 34 người tử vong và 42 người bị thương. Kể từ đó, người ta đồn rằng bên dưới boong tàu có để các bài vị để thương tiếc người đã khuất.

Kể từ đó có những câu chuyện ma quái được lưu truyền về con tàu khổng lồ này. Dưới góc độ tâm linh, người ta tin rằng vào ngày con tàu được kéo ra sau đám cháy, không hề có bất cứ lễ thờ cúng hay tưởng niệm nào, đó là lý do tại sao con tàu này “không muốn” bị kéo ra khỏi Aberdeen và phải mất đến bốn giờ mới có thể di chuyển nó.

Một số thầy phong thủy cho biết một nhóm linh hồn đã không chịu rời đi sau những cái chết trong vụ hỏa hoạn thương tâm đó.

Khi phóng viên của The Epoch Times ghi hình trực tiếp về sự ra đi của Jumbo, một số thuyền viên đã mang đồ cúng Trung Quốc đến cho những linh hồn lạc lõng đi xung quanh con tàu này, đồng thời cầu nguyện cho những người thiệt mạng dưới boong tàu trong trận hỏa hoạn đó được yên nghỉ.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts